Cao
Thoại Châu
Đọc “Gió lẻ…” (*) Nguyễn Ngọc Tư:
CẢNH BÁO VỀ SỰ DỐI
TRÁ !
Đọc “Cánh Đồng Bất Tận” dù có hơi ghê ghê về hai chữ “bất tận” của một lối viết
rất mới soi mói tận ngóc ngách tâm can để lạnh lùng lật kèo những con người cứ
tưởng là đồng chua nước mặn, tôi vẫn có thể nhận ra những gì tác giả để lại cho
người đọc trong “cánh đồng” ấy. Nhưng với “Gió lẻ và 9 câu chuyện khác”
thì quả là khá vất vả, dù bị mê hoặc bởi nhan đề bìa và chỉ mới dừng lại ở “Gió
lẻ” (tr 123-172) thôi đã thấy là càng đọc càng thấy mình ... dại dột để bị lôi
kéo vào những thế giới lạ lùng, bất ngờ vì … nó ở ngay quanh ta từ bao lâu
chẳng biết! Trong cảm nhận của một người đọc, có thể được chia sẻ bởi những
người đọc khác, tôi nghĩ đây là một truyện ngắn rất lạ lùng, sức quậy rất mãnh
liệt với một kỹ thuật viết như những cú sút bóng đẹp mắt mà rất hiểm hóc.
Một chuyến xe nói là chở hàng đi bỏ mối mà sao đi hoài không thấy tới, trở
thành căn nhà di động cho cô gái, nhân vật xưng “em” một đôi khi và đôi khi
khác được tác giả xen vào đỡ lời, một anh tài, anh lơ. Quá giang chiếc xe, cô
gái tất nhiên có tên nhưng chẳng ai biết kể cả cô, và rồi cô được người ta đặt
tên là “Ái” do tiếng kêu bật ra khi ngón tay bị anh lơ đóng cửa làm kẹt mà kêu
lên, rồi cái tên “Mỹ Ái” lại ra đời trên chuyến xe coi như vô định đó, như Lạc,
như Lam trước kia.
Cô gái câm, mà là câm nín. Hồi sáu tuổi, “cô lấy thằng nào mà đẻ ra cái thứ
này?” đó là lời cô gái nghe thấy cha nói với mẹ mình, người phụ nữ treo cổ
chết sau đó, biết vì sao nhưng cô bé lại được nghe cha mình giải thích một cách
đầy thương tiếc với mọi người rằng người vợ tuyệt vọng vì ung thư dạ dày! Trong
ngày tang lễ mẹ mình, một bà nào đó hỏi người cha “Sao mấy ngày nay con bé
không nói năng gì?” thì người đàn ông quay lại nhìn đứa con gái khốn khổ mà “…
thoáng nhẹ nhõm. Sự câm lặng cần thiết cho những bí mật”. Đó là lần thứ nhất đứa bé lên sáu phát hiện ra nó
bị tước đoạt quyền được nghe sự thật. Lần thứ hai xảy ra như thế này và với
cường độ phản kháng mạnh hơn. Một thời gian sống với cặp vợ chồng già có cái
tên ông Tám Nhơn Đạo, đêm nọ “bỗng dưng thấy mình bị ép chặt xuống tấm ván.
Và một bàn tay lần vào áo em”, cô gào lên nhưng “Có thể bà (vợ ông Tám) cũng không biết đó là tiếng
kêu của em vì nghe như tiếng chó tru, tiếng chim đêm thảng thốt, tiếng mèo gào
trong bụi cỏ” - một sự tỉnh táo đến lạ
lùng của một con người sống cạnh mà không sống được với loài người, giữa đôi
bên không nối với nhau bằng sự thật. Ra khỏi nhà con người được gọi là ông Nhơn
Đạo với tâm trạng dửng dưng tuồng như không có gì mất mát, nhưng khi một người
đàn bà nào đó bảo “về với chị đi, không làm gì nhiều, mà chị lại trả công”
thì sự ghê tởm lên đến cao trào, cô gái “bỗng thấy nghẹt thở, bởi đọc
được điều gì đó không thật … bụng em quặn lên, cổ họng cong oằn, em nôn. Cơn
nôn đầu tiên bắt đầu ở đó … Lúc đó em không biết nó sẽ lặp lại dai dẳng sau
này, ở những nơi có đông người, nơi người ta vẫn hay nói dối”.
Cuộc lưu lạc ngày một dài thêm, một vài người
đàn ông đến với cô, có kẻ dửng dưng như con đực tìm con cái mà lạ lùng cô bé
không thích thú đã đành, lại còn không cảm thấy có gì bị xúc phạm “Giờ, một
người đàn ông xa lạ đang lúi húi trên em, như con Cò thường lè lưỡi liếm để gọi
em than thở chuyện đời nó. Lạ lùng, em không còn cái cảm giác ran khắp người.
Giống như cảm giác đó đã chết. Từ khi nghe lại tiếng người, mùi người”. Buồn
và lo lắng biết bao nhiêu cho những người nhạy cảm khi cuộc phản kháng của cô
gái đã dẫn đến sự lạnh lùng này: “ Đôi khi những lời vô tình khiến em
nhớ tới một vài thứ em đã mất (…) Chỉ nhớ là đã mất. Không tiếc nuối, không có
ý định tìm lại. Giữa em và cơ thể em tồn tại vài mối liên hệ ít ỏi, lúc đói hay
những cơn đau lúc em nôn. Một cơ thể bất động thì đi với ai cũng không quan trọng”.
Và cô quên mất nhiều tiếng nói, cách nói
của loài người, nôn ói và dửng dưng, ngôn ngữ mà cô dành để giao tiếp với thế
giới xung quanh là tiếng con chim, con chó, con mèo. “Biết nước
khóc chừng nào rồi?” là
câu bỗng nhiên cô thốt lên khi ngó qua cửa kính nhòe nước mưa!
Câu chuyện được thể hiện theo bút pháp tượng trưng xen lẫn siêu thực, có lẽ là
thích hợp bởi những nhân vật hầu hết đều đầy ắp một nội tâm không theo cái
logique bình thường. Phải sống với sự dối trá,con người đã phản ứng lại bằng
cách…quên (hay không muốn) nói tiếng loài người. Nhưng cuối cùng thì thì cả ba
người tình cờ gắn với nhau trên chiếc xe đã thức dậy một tình yêu trong lòng.
Ai yêu ai, ai được yêu và ai lỡ độ, không phải là điều quan trọng. Quan trọng
là “Em hoang mang với một điều thuộc về con người mà em vừa mới
biết”. Em biết rằng cả anh lơ và bác tài
đều yêu em, cả em cũng thế! Đọc và thở ra nhẹ nhõm! Một cảnh báo khá mới và đắt
giá.
------------
(*) “Gió lẻ và 9 câu
chuyện khác”, tập truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, NXB Trẻ 2008.