Trang Chính    Hình Ảnh    Hộp Thư    Truyện Thật Ngắn    Bút Ký    Thơ    Góp Nhặt    Sức Khỏe và Gia Đình    Gia Chánh    Tin Tức    SK Nghệ Thuật    Cùng Tác Giả   

DÒNG SÔNG KỶ NIỆM

                                                            Dương Văn Chung

 

 

Lời mở đầu: Đọc bài “ Nghĩ về những mảnh vụn cuộc đời” của anh Lương Thư Trung, với cảnh đồng quê, sông nước Miền Nam, với nghề “ hạ bạc” ở xứ cá Thất Sơn Châu Đốc, lòng tôi cảm thấy lâng lâng nhớ đến một con sông nhỏ, sông Bắc Nam,  đã tích chứa bao nhiêu kỷ niệm của tôi lúc thiếu thời. Lộc Tưởng đã nhanh tay hơn tôi, viết bài “Con Kinh Cũ”qua đó ta thấy rõ sự tương thân tương kính giữa hai dân tộc Việt-Chăm. Tôi xin tiếp theo với “Dòng Sông Kỷ Niệm”.

 

*

*     *

 

Tôi không rõ ông bà Nội của tôi sanh tại đâu, nhưng cha và anh chị em tôi đều sanh ra tại làng Bắc Nam, bên bờ một con sông nhỏ thuộc địa phận Miên, giáp giới với Việt Nam. Nước sông Bắc Nam đã tắm gội cho cha con chúng tôi lúc mới chào đời. Đây là con sông thiên nhiên, nước rất trong. Gia đình tôi ở gần vàm sông, là khu vực  người Việt và người Hoa sinh sống, đi dần vào hướng ngọn sông người Miên ở. Nói là ngọn sông, tôi chẳng biết con sông khá dài nầy phát nguồn từ đâu, hình như nó là một nhánh thật nhỏ của Biển Hồ.

 

Dân cư tập trung dọc hai bên bờ sông và sống bằng nghề cá mắm, tôi không rõ tại sao ngày xưa gọi là nghề “hạ bạc”. Cá tôm từ Biển Hồ đổ xuống nhiều vô số kể. Xin nói thêm là Biển Hồ ở giữa đất nước Miên, rất rộng lớn và nhiều cá, cho nên người Việt đến đó sinh sống rất đông và có những câu ca dao truyền khẩu:

                                    Cha mẹ thương con như Biển Hồ lai láng,

                                    Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày.

 

                                    Biển Hồ cực lắm em ơi,

                                    Ban đêm xẻ cá ban ngày phơi khô.

 

Có nhiều cách bắt cá để ăn hay để bán như câu cần, giăng câu, đặt lờ, đặt lọp, chất chà, kéo lưới, kéo vó, trải đáy, tát đìa, hớt tôm, đặt trúm bắt lươn, ngồi tum đâm cá…v.v.

 

Ai cũng biết những cách đánh bắt cá thông thường, chỉ có đặt trúm bắt lươn và ngồi tum đâm cá có vẻ lạ tai.

Muốn bắt lươn, người ta dùng một cái ống gọi là ống trúm làm bằng một khúc tre, đục bỏ các mắt, chỉ chừa mắt cuối cùng để làm cái đáy. Trên miệng ống tre có đặt một cái hom bằng tre đan hình nón thủng ở chóp, dài chừng một tấc, miệng hom tròn vừa khít miệng ống tre, chóp nhọn hướng vào bên trong ống. Mồi trùng sình thúi đặt trong ống trúm, lươn ngửi thấy mùi trùng thúi chui qua cái hom vào ống trúm để kiếm ăn, khi trở ra bị cái hom chận lại, mắc kẹt trong ống trúm. Phải gỡ cái hom mới trút lươn ra được.

Đến chuyện ngồi tum. Ở mấy cầu tàu nổi lót ván thường có chừa một cái lổ vuông có nắp đậy lại. Một người lại ngồi chỗ cái lổ, dỡ nắp ván ra, lấy mền trùm từ trên đầu xuống để che bớt ánh sáng, tay cầm mũi chĩa xà búp gồm có ba mũi nằm theo ba đỉnh tam giác hoặc mũi chĩa ba với ba mũi nằm thẳng hàng, để chờ đâm cá lóc hoặc cá bông trồi lên mặt nước để thở, gọi là cá lên ngớp. Cũng có thể ngồi tum trong một lùm cây mọc gie ra ngoài bờ sông.

Cá nhiều, dân địa phương không tiêu thụ hết, bán cho những người thương buôn mua gom để chở bằng ghe đục đem lên Sài Gòn bán cho các vựa cá. Ghe đục là loại ghe đặc biệt, hai bên thân ghe đóng bằng lưới sắt để nước thông thương ra vào, cá không chết, ở mũi và lái ghe có hai cái khoang lớn có nắp đậy thật kín, nước không vào được. Hai cái khoang đó có công dụng như hai cái phao để làm cho chiếc ghe không bị chìm.

 

Chuyện đánh bắt cá là việc làm của người lớn.  Lúc bấy giờ tôi mới lên 10, đã biết chèo,  bơi, lặn lội.

 Tôi thích bắt cá thia thia, màu xanh đậm óng ánh, bỏ hai con vào một cái keo cho “đá lộn” hoặc mỗi keo chỉ để một con rồi để cái kiếng soi cho nó đá bóng.

Tôi cũng bắt chước người lớn, lấy nhánh cây bó lại thật chặt, treo vào một sợi dây, bỏ ngâm dưới nước ở bờ sông, mỗi ngày kéo lên một lần để bắt cá mắc kẹt trong bó chà. Thích nhứt là lúc nước đổi màu xanh xanh từ trong đồng chảy ra mà người dân địa phương gọi là “nước cỏ”, tôm cá bị khờ hay là cá dại, tôi bơi xuồng ra giữa dòng sông, lấy rổ cào tôm cá vào xuồng. Chỉ trong một buổi thôi nước cỏ loãng dần, cá tôm từ từ khỏe lại.

Lúc nước ròng, tôi hay ra bờ sông móc đất sét nắn đồ chơi như cà ràng ông táo, nồi niêu soon chảo, con chim con cò, con trâu con bò, chiếc xe hơi để kéo chơi.

Cũng nơi bến sông nầy đã có một thời tôi làm thằng bé chèo đò. Lúc đầu cô bác nhờ tôi đưa rước qua sông, tôi chỉ đưa giùm. Về sau khi đưa rước như vậy thì bà-con cho tiền. Tiền bạc làm cho tôi ham thích, nẩy ra ý nghĩ kinh doanh, dời bến ra gần vàm, nơi khu chợ nhỏ, đưa người chuyến qua cộng với chuyến về lấy năm xu. Tiền đưa đò tuy  không nhiều nhưng cũng góp thêm một phần rau muối cho gia đình tôi.

Ở nhà quê thuở đó không có điện, dầu lửa cũng hiếm hoi. Trong những ngày Tết, mỗi nhà đều dựng hai ba cột tre dọc bờ sông, trên mỗi cây cột tre có một thếp đèn dầu cá, tim đèn làm bằng vải vụn se thành sợi. Đèn dầu cá sáng rực dọc hai bờ sông, từ vàm vào đến hết khu vực người Việt và người Hoa ở. Tôi nhớ có lần thấy tim đèn dầu cá bị lụn, tôi nhón chân lên để khêu cái tim, làm dầu đổ dính lên cái áo mới mặc Tết, tôi khóc quá chừng. Dưới ánh đèn dầu cá, người lớn, trẻ con đánh bài cào hoặc chơi bầu tôm cá cọp. Cái Tết kéo dài lê thê, tháng hai, tháng ba vẫn còn vui chơi, bài bạc:

                                    Tháng giêng là tháng ăn chơi

                                    Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè

Tiền làm ra dễ dàng cứ tiêu xài cho thỏa thích, hết tiền rồi mới đi làm lại. Người ta đổ thừa tại làm nghề ác đức “nhứt phá sơn lâm, nhì đâm hà bá” nên không giữ được tiền.

 

Ở quê tôi không có tục lệ nam nữ hát hò đối đáp. Nhưng có những đêm trăng thanh vắng, gió hiu hiu thổi, vài thanh niên trong làng thường rủ nhau thả thuyền trên sông trăng, đờn ca cổ nhạc những điệu như xàng xê, lưu thủy hành vân, vọng cổ…v.v. Tiếng đàn, tiếng hát nghe dịu dàng, thanh thản làm sao!

 

Tôi cũng không bao giờ quên một chuyến ra đi từ dòng sông nầy. Sáng sớm hôm đó, mẹ và người chị thứ ba của tôi bơi chiếc xuồng ba lá chở xoài ra chợ Châu Đốc bán, nhân tiện đưa tôi ra ở nhà bà dì ruột tại chợ để đi học. Cha và mấy chị, em của tôi ra đứng ở bờ sông tiển tôi. Lần đầu tôi xa cha mẹ, chị em, xa nơi chôn nhau cắt rún, tôi buồn vô hạn. Bán xoài xong, mẹ và chị tôi chuẩn bị ra về, tôi cũng đòi về theo, mẹ tôi nói:

            -Mầy đòi đi học, ổng (ba tôi) đồng ý, bây giờ mầy đòi về, ổng đánh mầy chết!

Tôi đành phải ở lại học. Tôi học ngày học đêm, học để bớt nhớ nhà. Nhưng mà học thì học mà nhớ vẫn nhớ, nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ chị, nhớ em, nhớ cả chòm cây trước cửa, bụi chuối sau hè, nhớ dòng sông hiền hòa, nhớ chiếc đò tam bản, nhớ con chim cưởng ở nhà bà hàng xóm mà mỗi lần chị Hai tôi và tôi đi ngang nhà nó nhái y giọng bà chủ nhà hỏi:

            -Hai, đi đâu đó Hai ?

Tôi nhớ đủ người, đủ vật. Nỗi nhớ nhung làm tôi chết điếng trong lòng. Khi học đến lớp Sơ Đẳng, tức là lớp Ba, đọc bài “Kẻ ở người đi” trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư, tôi hết sức cảm phục tác giả đã bộc bạch được tâm trạng của một đứa trẻ đi xa nhà lần đầu:

            “…Từ thuở bé đến giờ, chỉ quen vui thú ở nhà, nay tôi mới biết cái cảnh biệt ly là một! Chân bước đi, mặt còn ngoảnh lại: từ cái mái nhà, cái thềm nhà, cái lối đi, cho đến bụi cây, đám cỏ, cái gì cũng làm cho tôi quyến luyến khác thường!... Ôi! Cái cảnh biệt ly sao mà buồn vậy!”

 

*

*     *

 

Tôi có trở về thăm Bắc Nam mấy lần nhân dịp nghỉ hè. Sau đó chiến tranh bùng nổ, gia đình tôi cùng cả làng tản cư, phần đất nầy trở về với người Miên, dòng sông Bắc Nam đối với tôi đã trở thành Dòng Sông Kỷ Niệm khó quên.

                                                                                   

                                                                                    Sydney,  Tháng 01/2007

 

 

   Trang Chính    Hình Ảnh    Hộp Thư    Truyện Thật Ngắn    Bút Ký    Thơ    Góp Nhặt    Sức Khỏe và Gia Đình    Gia Chánh    Tin Tức    SK Nghệ Thuật    Cùng Tác Giả