Trang Chính    Hình Ảnh    Hộp Thư    Truyện Thật Ngắn    Bút Ký    Thơ    Góp Nhặt    Sức Khỏe và Gia Đình    Gia Chánh    Tin Tức    SK Nghệ Thuật    Cùng Tác Giả   

VỀ THĂM NGOẠI

 

                                                                             Dương Văn Chung

 

Tôi được bên nội cưng lắm. Ba tôi là con trai trưởng. Anh trai của tôi mất từ lúc lên ba, nên tôi là cháu đích tôn của Ông Bà Nội. Ông Nội và Cô Sáu tôi có dịp đi Nam Vang bằng tàu  chạy đường sông, thường dẫn tôi theo. Chiếc tàu thủy Sa-Ta-Na có ống khói lớn chạy từ chợ Châu Đốc lên Nam Vang qua ngã Bình Di, có hai tầng, tầng dưới chở hàng, tầng trên chở khách. Ở tầng dưới có một cái nồi hơi nước rất lớn, gọi là nồi “sốt-de”, sản xuất ra hơi nước để chạy máy tàu. Có lần một chiếc tàu thủy khi tới ngang Cù Lao Ba ở Vĩnh Trường, bị nổ nồi “sốt-de” do áp suất hơi nước quá mạnh, tiếng nổ kinh hồn, gây ra nhiều hành khách bị thương vong, thịt da văng tung toé dính trên cành cây hai bên bờ sông.

Mùa đông, ông cháu tôi hay mướn ghế bố gần ống khói tàu để nằm cho ấm, vừa ăn một tràn bánh hỏi với thịt ba rọi luộc, vừa ngắm cảnh vật hai bên bờ với những chòm cây thốt lốt, những ngôi chùa tháp phết vàng… Có lần tàu cặp bến Nam Vang, Cô Sáu tôi phải tải hàng bằng xe ngựa ra chợ Cây Táo bán, thả tôi xuống đầu “cầu Sài Gòn” (ở Nam Vang), tìm nhà người chú thứ tư, nhưng không tìm được, khóc bù lu, bù loa, may nhờ gặp một người bà-con nhận ra và đưa tôi đến nhà ông chú. Chú Út tôi đi làm “bạn” chèo ghe chở cá đi Sài Gòn bán, khi về bao giờ cũng có quà cho tôi, khi thì một cây viết máy hiệu Kalo bơm mực, khi thì một cái nón nĩ màu  xanh đậm có vành.

Bao nhiêu tình thương của bên nội dành cho tôi. Nhưng tôi thật có lỗi là tình cảm hơi nghiên về bên ngoại một chút. Tôi không hiểu tại sao như vậy. Có lẽ vì bên nội ở gần, gặp gỡ hàng ngày, còn bên ngoại ở xa nên thương nhớ nhiều hơn. Vả lại, mỗi lần về thăm Ngoại, tôi có dịp nô đùa với con của Cậu, vui thật là vui.

 

Gia đình tôi ở Bắc Nam ngay biên giới Miên và tỉnh Châu Đốc, còn Bà Ngoại tôi ở làng Vĩnh Lộc, cách nhau khoảng bốn năm mươi cây số.

Mỗi năm có mấy lần, vào dịp giỗ quảy hay Tết nguyên đán, mẹ tôi dắt hai ba đứa con về thăm Bà Ngoại. Trời tờ mờ sáng, mẹ đánh thức các con còn đang ngáy ngủ:

-Thức dậy ! Về Ngoại.

Chị em tôi tỉnh ngủ ngay, hăm hở ngồi dậy để sẵn sàng về thăm Ngoại.

Cha tiễn mẹ con chúng tôi đi bộ trên con đường làng bằng phẳng dọc theo bờ sông nhỏ ra đến vàm sông cái gần đó đợi tàu đò. Khu vàm sông có chợ nhỏ bán tạp hóa và những thứ hàng thiết dụng hàng ngày và có lò nấu rượu, tất cả đều do người Hoa làm chủ. Ngày xưa, tàu đò là một chiếc tàu nhỏ, có mui, gọi theo phiên âm tiếng Pháp là chiếc “ca-nô”.

Tiếng “ca-nô” nghe phình phịch từ xa làm cho chị em tôi náo nức, mong cho mau bước xuống tàu. Nếu gặp được chiếc “ca-nô” của Cậu Tư, anh ruột của mẹ tôi thì càng vui.

Chúng tôi ngồi trên băng ghế dài, dọc theo bên trong be tàu. Tôi nhìn chú thợ máy làm việc không nghỉ tay, lúc chỉnh bộ phận này, lúc chỉnh bộ phận khác, khi thì bơm nước từ khoang tàu ra ngoài. Tôi thầm cảm phục chú đã điều khiển được máy tàu và mơ ước khi lớn lên sẽ học nghề thợ máy như chú. Chú là người cùng làng với Bà Ngoại, chú cũng rất vui tánh, hay nhướng hay nháy, chọc ghẹo chị em tôi.

Qua khỏi Cồn Bắc Nam đến Cồn Cát, nhìn bên phải là làng Đồng Cô Ki, Phưóc Hưng, bên trái là làng Phú Hữu, Vĩnh Lộc. Thỉnh thoảng tàu ghé vào bờ để đón khách dọc đường.

Gặp mùa nước đổ, nước cuốn theo đất phù sa đục ngầu, chảy rất xiết. Thuận theo chiều nước, tàu chạy rất nhanh, chưa đầy hai tiếng đồng hồ đã thấy đình làng Vĩnh Lộc, rồi đến nhà Bà Ngoại.

Ở mé sông ngay nhà Bà Ngoại có một cái cầu tàu, dưới độn thùng phuy cho cầu nổi trên mặt nước, trên mặt cầu tàu có lót ván. Cầu tàu dùng để tàu của Cậu Tư tôi đậu khi trở về bến sau  một chuyến đưa đò dọc hai ngày.

Chiếc “ca-nô” đưa mẹ con chúng tôi vừa cặp cầu tàu thì nghe trên bờ, con của Cậu Tư tôi reo hò:

            -Bà Nội ơi ! Cô Năm với mấy đứa nó về !

Bà Ngoại tôi mừng lắm, rờ đầu, nựng nịu từng đứa cháu ngoại.

 

Nhà Bà Ngoại có sàn cao, lót ván, rộng rãi. Phía trước để hai bộ ván ngựa chân quỳ đánh vẹc-ni vàng bóng ở hai bên. Chính giữa là một bộ ghế trường kỹ, vào bên trong một chút là tủ cẩn ốc sa cừ để thờ ông bà, có lư hương, chân đèn bằng đồng. Phía sau tủ thờ là vách ngăn nhà trước với nhà sau. Bên trái và bên phải vách ngăn là  hai cái cửa buồng, có màn bằng vải phủ xuống.

 

Tối lại Cậu Tư tôi kể cho chúng tôi nghe chuyện vui, chuyện cổ tích và đưa ra nhiều câu đố vui để chúng tôi trả lời. Còn các con của Cậu thì rủ chúng tôi chơi cút bắt. Đặc biệt là sau khi chiếc đèn măng-xông đã tắt, cái đèn dầu có ống khói thắp lên, tỏa ánh sáng lờ mờ, một chị con Cậu tôi kêu tôi nhìn về hướng cửa buồng. Tôi kinh hoàng nhìn thấy trong bóng tối một cái miệng đầy lửa đỏ đang thở ra khè khè. Tôi nhắm mắt lại, rồi lại mở hí hí mắt ra xem, lại thấy vẫn còn cái miệng lửa đó. Đêm đó tôi chiêm bao và mớ vì thấy toàn là lửa,  mẹ tôi phải vỗ về  tôi mấy lần. Sáng hôm sau, Cậu tôi căn dặn không cho mấy chị chơi cái trò ngậm nhang vào miệng để khè trong bóng tối. Tuy vậy, đêm đêm tôi vẫn len lén liếc nhìn hai cánh cửa buồng nhà Cậu và tôi phát rùng mình.

 

Thăm Ngoại được ba ngày, Bà và gia đình Cậu mợ ra tận cầu tàu tiển mẹ con chúng tôi về. Không có hàng đi, mà hàng về nhiều quá, mẹ con chúng tôi tay xách, nách mang những giỏ quà của Bà. Hình như Bà sớt chia phần lớn tình thương của Bà cho mẹ tôi, đứa con gái út, mỗi giỏ quà là mấy mươi giỏ tình thương.

                                                                                               

Sydney, cuối thu 2006

 

 

   Trang Chính    Hình Ảnh    Hộp Thư    Truyện Thật Ngắn    Bút Ký    Thơ    Góp Nhặt    Sức Khỏe và Gia Đình    Gia Chánh    Tin Tức    SK Nghệ Thuật    Cùng Tác Giả