Trang Chính    Hình Ảnh    Bút Ký    Truyện Ngắn    Truyện Thật Ngắn    TG & Tác Phẩm    Thơ    Di Tích Lịch Sử và Danh Nhân    Đời Sống: Phong Tục & Khoa Học    Sân Khấu/Nghệ Thuật    Hộp Thư    Nhắn Tin    Tin Tức Thân Hữu    Tin Vui    SK và Gia Đình    Lá Lành Đùm Lá Rách    Vui Cười   
Ẩm Thực/Gia Chánh    Trang Xuân
   Cùng Tác Giả   


NHỚ MỘT VÀM SÔNG

Khiêm Cung


Lúc còn học bậc Trung học, tôi làm văn không đến nỗi tệ, cũng đã từng viết báo nhà trường, nhưng tôi thích môn toán hơn vì nghĩ rằng đó là môn học thực tế, ứng dụng trong nhiều ngành khoa học, kỹ thuật; khi chấm thi, giám khảo khó bắt bẻ để bớt điểm một bài toán giải đúng, còn đối với một bài văn, thí sinh viết theo ý của mình, giám khảo có thể chấm điểm theo ý của giám khảo, ít khi nào đạt được điểm tối đa, văn chương mông lung quá, không biên hạn, không có thước đo. Cho nên tôi đã chọn ban Toán. Tôi mê làm toán đến nỗi quên ăn uống, giải được một bài toán khó, tôi thấy sảng khoái như người thắng một ván cờ tướng.


Rồi khi sống ở nước ngoài, nỗi luyến nhớ quê hương ngày một chồng chất, tôi nhớ từng người thân, từng ngọn rau tấc đất, từng tiếng chim kêu, từng đàn cá lội..., tình cảm của tôi đối với chốn cũ, nhứt là đối với Vàm Sông Bắc Nam, nơi chôn nhau cắt rún của tôi, tràn trề, không biên hạn, không thước đo, giống như văn chương.


Tôi còn nhớ bờ vàm bên trái của sông  có công xi rượu của Chú Bánh Lớn ngoài vàm rất đông công nhân, đi lần vào phía trong là khu phố nhỏ có tiệm tạp hóa của Chú Xồi, tiệm may của Chú Chín Mập, tới nhà của cư dân Việt Nam và người Hoa, xóm trong người Miên ở. Hai chị tôi thường ra lò rượu xin hèm, tức là bã rượu, đem về trộn với rau muống xắt cho heo ăn. Tại Vàm sông bên phải có dãy nhà lợp ngói đỏ, là khu hành chánh của Pháp mà người mình thường gọi là đồn Tây, có bến cho tàu đậu, một loại tàu có hai tầng, tầng dưới chở hàng, tầng trên chở khách, chạy đi và về đường Châu Đốc - Nam Vang, tàu có ống khói lớn. Khách đi tàu có thể mướn võng hay ghế bố nằm nghỉ hay mua thức ăn, hủ tiếu, mì hay bánh hỏi với thịt ba rọi luộc, tôm càng nướng...của cái quán ăn trên đó.


Trong làng có một người đẹp gọi là Cô Ba.Cô Ba cặp với người Pháp trưởng đồn.Tới hạn, anh Tây trưởng đồn về Pháp để Cô Ba ở lại một mình. Người ta có bài vè để gièm pha:


                        Lệnh truyền Ông lớn về Tây,
                        Cô Ba ở lại lấy Thầy thông ngôn (?)

Nhưng:            Thông ngôn ký lục bạc chục không thèm
                        Lấy chồng thợ bạc đeo vàng đỏ tay.

Cuộc chia tay nào cũng bùi ngùi xúc động dù cho đó chỉ là một cuộc tình hờ:

 

                        Tàu súp lê một còn trông còn đợi
                        Tàu súp lê hai còn đợi còn chờ
                        Tàu súp lê ba chạy ra biển Bắc
                        Hai tay vịn song sắt, nước mắt anh chảy ròng ròng
                        Hiền thê em ơi ở lại lấy chồng
                        Anh về chốn cũ khó hòng gặp nhau…


 Bao nhiêu kỷ niệm thời thơ ấu hiện về trong đầu tôi, nào là những ngày lễ hội náo nhiệt, đầy màu sắc, khói hương lan tỏa  ở khu đình chùa ngày Tết Nguyên Đán,  lễ cúng kỳ yên tháng Giêng, lễ cúng thí thực cô hồn rằm tháng Bảy với màn giựt giàn đồ cúng...v.v. Làm sao tôi quên được hình ảnh hai hàng đèn dầu cá sáng rực hai bên bờ sông trong ngày Tết. Nhớ ơi là nhớ, nhớ đủ thứ, đủ điều.


Tôi chập chững viết, viết cho vơi bớt nỗi niềm thương nhớ đang trào dâng trong tâm hồn, viết với cả trái tim. Cảm ơn ai đã đồng cảm khi đọc được tâm tư của người xa xứ. Tôi viết về Vàm sông Bắc Nam theo ký ức trên bảy mươi năm về trước và luôn ước mơ có được một tấm hình Vàm sông Bắc Nam ngày nay xem như thế nào để tôi làm hình bìa tập truyện ngắn “Những Mảnh Hồn Tôi”.


Cháu Lý Việt Thái hiện còn ở Châu Đốc-An Giang-Việt Nam, ngày 24/04/2018 đã hết sức gian khổ, đi tắc rán từ Châu Đốc lên Đồng Ki, dọc theo bờ sông Hậu, chụp được mấy tấm hình Vàm sông Bắc Nam gởi tặng tôi.


Vàm kinh Bắc Nam 3 (8) - Copy

Ảnh: Hình bìa do Thái Lý chụp


Sau đó, cháu Võ Hùng Tuấn  An Phú-An Giang gởi cho tôi một tấm hình do vệ tinh chụp cho thấy rõ cây cầu bắc ngang đôi bờ Vàm sông Bắc Nam là một phần xa lộ chạy đến Thủ Đô Nam Vang (Pnom Penh) của Kampuchia.Tôi rất trân quý các tấm hình mà Lý Việt Thái và Võ Hùng Tuấn đã gởi tặng, nhưng nhìn hình ảnh Vàm sông Bắc Nam ngày nay, tôi không khỏi bồi hồi tiếc nhớ cảnh cũ mà thời gian đã xóa nhòa, túp lều lá dưới bóng cây thay cho công xi rượu, một đám lau sậy thay cho bến tàu và đồn tây. Cây cầu đúc bắc ngay bến đò mà ngày xưa Thằng Mập bơi xuồng tam bản đưa bà-con đi chợ, chuyến qua chuyến lại lấy 5 xu (Truyện thật ngắn Thằng Mập, cùng một tác giả). Khu đình chùa không còn nữa, anh linh của chư vị thánh thần chắc đã thăng thiên (?).


Bà Huyện Thanh Quan có bài thơ tiếc nhớ cảnh cũ Thăng Long Thành:


                                                Thăng Long Thành hoài cổ


                                            Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
                                            Đến nay thấm thoát mấy tinh sương
                                            Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo,
                                            Nền cũ lâu đài bóng tịch dương,
                                            Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
                                            Nước còn cau mặt với tang thương.
                                            Ngàn năm gương cũ soi kim cổ.
                                           Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.


Vàm sông Bắc Nam chỉ là một khu thị tứ nơi thôn dã làm sao sánh bằng Thăng Long Thành (Hà Nội) là một kinh đô ngày xưa, sau Vua Gia Long dời kinh đô về Huế để lại cảnh một cố đô điêu tàn,  nhưng nếu đem cân được thì nỗi nhớ Vàm sông Bắc Nam của tôi không nhẹ hơn lòng hoài cỗ Thăng Long Thành của Bà Huyện Thanh Quan chút nào.


Có lẽ Bà Huyện Thanh Quan và mọi người trong đó có tôi, thường đi ngược dòng thời gian, nhớ về quá khứ, nhớ để rồi tiếc cảnh cũ không còn theo định luật đổi thay của trời đất. Viết lại quá khứ theo hồi ức của mình để vơi bớt nhớ nhung, theo các bậc Thiền sư, làm cho tâm của mình bị dao động.


Thiền sư bảo: “Chỉ nghĩ tới hiện tại, đừng nghĩ đến quá khứ vì quá khứ đã đi qua, cũng đừng nghĩ đến tương lai, vì tương lai chưa đến”.


Kính bạch Thầy, trong từng cái tic-tắc đồng hồ, hiện tại đã biến thành quá khứ, con là người phàm, đã sống với quá khứ hơn tám chục năm qua với biết bao kỷ niệm khó phai. Nhiều đêm trong lòng mình nhớ về Vàm sông Bắc Nam của con những ngày thơ ấu đến đỗi không làm sao có thể dỗ giấc ngủ được, nên con xin phép Thầy cho con được nhắc về nó một chút cho đỡ nhớ. Con hy vọng nhờ vậy, tâm con vơi bớt đôi chút lăng xăng!


Khiêm Cung,

Sydney, ngày 08-03-2019