Trang Chính    Hình Ảnh    Bút Ký    Truyện Ngắn    Truyện Thật Ngắn    TG & Tác Phẩm    Thơ    Di Tích Lịch Sử và Danh Nhân    Đời Sống: Phong Tục & Khoa Học    Sân Khấu/Nghệ Thuật    Hộp Thư    Nhắn Tin    Tin Tức Thân Hữu    Tin Vui    SK và Gia Đình    Lá Lành Đùm Lá Rách    Vui Cười   
Ẩm Thực/Gia Chánh    Trang Xuân
   Cùng Tác Giả   


ĐIỆN THƯ GIỮA KHIÊM CUNG VÀ  BẠN TRẺ ĐỒNG HƯƠNG AN PHÚ

VÕ HÙNG TUẤN

VỀ  BẮC NAM VÀ AN PHÚ


(QUA 2 TÁC PHẨM NỘI NGOẠI ĐỀU THƯƠNG VÀ THẰNG MẬP CỦA KHIÊM CUNG)


Kính gởi quý anh chị và quý bạn.

Xin gởi đến quý vị cuộc trò chuyện qua email với một bạn trẻ đồng hương An Phú tên là Võ Hùng Tuấn, 28 tuổi, đang làm thảo chương viên (lập trình viên phần mềm=software programmer) cho một Công Ty tư nhân và đang sống ở Thủ Đức. Tuấn rất tha thiết tìm hiểu về nơi chôn nhau cắt rún, Vĩnh Lộc-An Phú, cháu sưu tầm được nhiều bản đồ và tài liệu liên quan đến vùng đất này và là một bạn trẻ thich học hỏi. Tôi rất thich thú khi trao đổi với cháu Tuấn.. KC

************


25/03/2018


Kính gởi cô Lộc Tưởng và ông Hai,

 

Đầu tiên con xin cảm ơn cô Lộc Tưởng đã cho con địa chỉ email của ông Hai Khiêm Cung.

 

Thưa ông Hai, con xin phép gọi ông là ông Hai vì con nghĩ chắc ông sinh năm 1937. Tuổi của ông cũng ngang tuổi ông bà của con.

 

Con xin phép được giới thiệu đôi chút về bản thân. Con tên Tuấn, 28 tuổi, nguyên quán ở ấp Phú Thạnh, xã Phú Hữu, huyện An Phú, An Giang. Hiện nay con đang sống ở Thủ Đức, Saigon.

 

Gia đình con sống ở quê ngoại Phú Hữu, quê nội con ở Vĩnh Hội Đông. Khu vực ấp Phú Thạnh nhà con trước 1975 vốn thuộc ấp 1 (hoặc ấp Vĩnh Phước?) xã Vĩnh Lộc quận An Phú. Trước 1975, em trai của ông ngoại con từng là viên chức trong xã Vĩnh Lộc. Ông tên thường gọi là Ba Chặt, tên trên giấy là Nguyễn Phương Sử.

 

Con đã đọc nhiều bài văn trên trang thatsonchaudoc.com của cô Lộc Tưởng. Trong số đó, con rất thích các bài văn của ông Hai Khiêm Cung. Đọc văn của ông mô tả về làng Bắc Nam và làng Vĩnh Lộc con xúc động lắm. Hồi nhỏ con có nghe ông bà, cô dì nhắc đến địa danh Bắc Nam, Mương Vú trên Miên. Đọc văn của ông con mới hiểu rõ cuộc sống của đồng bào mình ở đó. Ông miêu tả rất chân thật và gần gũi. Trước giờ, hiếm có ai quê quán ở An Phú viết văn, và hiếm hơn khi người đó viết về các làng Bắc Nam, Vĩnh Lộc.

 

Thưa ông Hai, nếu có thể, xin ông Hai cho con biết là nhà Ngoại của ông Hai ở khu vực nào của làng Vĩnh Lộc?

 

Trong bài về thăm quê Ngoại, ông Hai có ghi:

"Qua khỏi Cồn Bắc Nam đến Cồn Cát, nhìn bên phải là làng Đồng Cô Ki, Phưóc Hưng, bên trái là làng Phú Hữu, Vĩnh Lộc. Thỉnh thoảng tàu ghé vào bờ để đón khách dọc đường.

Gặp mùa nước đổ, nước cuốn theo đất phù sa đục ngầu, chảy rất xiết. Thuận theo chiều nước, tàu chạy rất nhanh, chưa đầy hai tiếng đồng hồ đã thấy đình làng Vĩnh Lộc, rồi đến nhà Bà Ngoại.

Ở mé sông ngay nhà Bà Ngoại có một cái cầu tàu, dưới độn thùng phuy cho cầu nổi trên mặt nước, trên mặt cầu tàu có lót ván. Cầu tàu dùng để tàu của Cậu Tư tôi đậu khi trở về bến sau  một chuyến đưa đò dọc hai ngày."

 

Con chưa hình dung được khu vực ông Hai miêu tả là đoạn nào của làng Vĩnh Lộc. Chỗ đó có gần bến đò Vĩnh Lộc - Phước Hưng không ông Hai? Ngày xưa con học tiểu học ở trường kế bên đình Vĩnh Lộc nên con biết chỗ đó nước chảy rất mạnh. Đoạn đường ngang đình đã sạt lở lâu rồi, trường tiểu học cũng đã dời đi.

 

Con có đính kèm thêm một tấm bản đồ cũ, trong đó con đánh dấu chỗ nhà con và đình Vĩnh Lộc.

 

Kính chúc ông Hai và cô Lộc Tưởng mạnh khỏe,

Tuấn

 



27/03/2018

Cháu Tuấn mến,

Được thư của cháu, một người cùng quê quán, ông mừng lắm. Ông muốn viết cho cháu nhiều, nhưng đang bận chút công việc, vài hôm ông sẽ viết cho con, con đừng buồn nghen.

Thân mến.

KC Dương Văn Chung

 

28/03/2018

Cháu Tuấn thân mến,

Đừng buồn nghen, ông chậm trả lời thư của cháu. Bà Ngoại của ông ở chung nhà với người con trai là Cậu Tư của ông, tên là Phạm Long Du (Ông Tư Du). Theo bản đồ Tuấn kèm cho ông, thì nhà Tuấn, tới đình Làng Vĩnh Lộc, đi một đổi khá xa mới tới Bến đò Vĩnh Lộc-Phước Hưng, đi thêm chút nữa tới nhà Ông Tư Du. Chợ An Phú ở bên  kia sông, tức cùng một bên với làng Phước Hưng, từ nhà Ông Tư Du xuống đó hơi xa..  Đọc thư của cháu, ông rất cảm động. Cháu viết rất mạch lạc, giản dị, chân thật, hiển lộ nỗi nhớ  quê nhà, nơi chôn nhau cắt rún. Ông nghĩ  nếu Tuấn viết bài để đăng trên Trang Web Thatsonchaudoc.com, chắc chắn bài của Tuấn hay lắm đó. Ông chắc chắn Cô Lộc Tưởng sẽ rất vui  khi nhận được bài của Tuấn gởi đăng. Viết thử đi Tuấn. Mến chúc cháu và gia đình được mọi sự an lành .

Khiêm Cung

 

 

29/03/2018

Cháu Tuấn mến,

Ông đang chờ tin của Tuấn.

Khiêm Cung

 

30/03/2018

Ông Hai kính mến,

 

Con rất xin lỗi ông Hai vì chưa kịp hồi âm thư ông Hai mấy ngày qua. Kính mong ông Hai lượng thứ cho con.

 

Thật tình mà nói, ngày nào con cũng mở mạng internet trên điện thoại, nên hễ ông Hai gửi email là con hay liền.

 

Con rất muốn gửi mail tức thì cho ông Hai. Nhưng mà con nghĩ lại, viết nhanh thì không thể nói kịp hết ý, lại có khi thành ra không chân thành.

 

Chắc ông Hai cũng biết là thời đại bây giờ, có mạng internet rồi, trò chuyện hay viết thư gì cũng rất nhanh, tích tắc là có, bất kể xa gần. Thế hệ của con không có được cái cảm xúc mong ngóng từng lá thư tay như thời trước. Công cụ phát triển cũng rất hữu ích, tuy vậy, cũng có thể khiến con người ta ít suy ngẫm khi trao đổi.

 

Dạ thưa ông Hai,

 

Đọc thư ông Hai, con ngẫm từng đoạn một, ráng hình dung xem đoạn đường ông mô tả là đoạn nào, mình có bà con hay bạn bè gì ở đó không.

 

Theo như ông Hai tả trong thư thì nhà của cậu Tư ông Hai, tức ông Tư Du, chắc dưới bến đò Phước Hưng - Vĩnh Lộc. Đoạn đó có lẽ ở gần chùa Vĩnh Phước và phía trên Ủy ban xã Vĩnh Lộc.

 

Ông Hai kính mến,

 

Con xin phép tạm ngưng thư ở đây. Cuối tuần con sẽ viết nhiều hơn cho ông Hai. Con thấy mình rất may mắn khi được ông Hai thương mến và trả lời thư.

 

Con chúc ông Hai mạnh khỏe.

 

Kính thư,

Cháu Tuấn

 

30/03/2018

Cháu Tuấn thân mến,

Hôm trước chậm trả lời thư của cháu, ông sợ cháu buồn. Cháu không buồn ông, ông vui rồi. Già rồi ông không còn đi làm việc lãnh lương, nhưng bận suốt ngày để “vác ngà voi thiên hạ”, làm công quả 2 chùa, một chùa ở Sydney, chỗ ông đang ở , một chùa ở New Zealand (Tân Tây Lan), Thầy Trụ Trì cần gì ở bên Úc thì Thầy điện qua, ông chạy việc cho Thầy. Ngoài ra, ông còn làm điều hợp viên (MC) đám tang, đại diện đám cưới...v.v, miễn phí và làm thiện nguyện cho Hội Người già nữa. Khi nào thấy ông chậm trả lời thì biết ông đang vác ngà voi. Ông chỉ nhớ làng Vĩnh Lộc lúc ông còn nhỏ, thời kỳ mà ông gọi là “thời kỳ đất sét” (Khiêm Cung-Quê Ngoại-Thatsonchaudoc.com), ông không biết chùa Vĩnh Phước và Ủy Ban Xã Vĩnh Lộc nằm ở chỗ nào. Ông cháu mình tiếp tục trao đổi cho vui nghen cháu. Chúc cháu và gia đình vạn sự an lành.

Thân mến,

Hai An Phú

 

31/03/2018

Ông Hai kính mến,

 

Vừa biên thư cho ông Hai lúc sáng, chưa kịp đợi hồi âm của ông Hai, con viết tiếp thư này.

 

Được biết ông Hai có một số tác phẩm, trong đó tập truyện Nội Ngoại đều thương là tập truyện nổi bật nhất. Đối với một người sinh trưởng ở Phú Hữu - Vĩnh Lộc như con, tập truyện này sẽ rất quý giá. Xin ông Hai cho con biết là ông Hai có đăng tải tập truyện này trên thatsonchaudoc.com hay không vậy ông Hai? Con chỉ thấy tập truyện Thằng Mập được đăng tải.

 

http://thatsonchaudoc.com/banviet2/DuongVanChung_KC/ThangMap/ThangMap.html

 

Thưa ông Hai,

 

Con xin phép thưa với ông Hai là tuần sau vợ chồng con đi Nhật Bản du lịch 4 ngày. Hi vọng có thể ngắm được hoa anh đào và lần đầu tiên thấy tuyết.

 

Chiều nay trời mưa to ở Thủ Đức. Hổm rày trời nắng gắt, hôm nay bắt đầu mưa to và kéo dài. Chắc là mùa mưa sắp đến.

 

Tình cờ, con lại đọc bài bút ký Tôi bỏ hút thuốc lá của ông Hai. Cũng khá trùng hợp là năm 1965, ông Hai đi lính năm 28 tuổi, chạc tuổi con bây giờ. Hiện thời con cũng ở Thủ Đức, nhưng đi làm chứ không phải đi lính như ông Hai. Mà hồi xưa, 28 tuổi thì ông Hai đã có một vợ hai con trai rồi. Hì hì.

 

Thưa ông Hai,

 

Sẵn thư này, con cũng xin phép hỏi thăm ông Hai về làng Bắc Nam và một số làng bên cạnh. Lúc con còn nhỏ, thỉnh thoảng nghe bà ngoại và mấy dì nói chuyện, có nhắc tới việc bà con họ hàng mời đám giỗ trên Mương Vú, Bắc Nam ở trên Miên. Sau này được biết ông Hai quê quán làng Bắc Nam nên con rất mừng, muốn được ông Hai chỉ bảo.

 

Con có tìm hiểu lịch sử thì được biết thời nhà Nguyễn, vua Minh Mạng lệnh cho các địa phương lập ra địa bạ để kiểm kê thôn ấp. Được biết ông Hai quê ở làng Bắc Nam nhưng khi tra sổ sách thì lại không thấy làng này. Các làng Phú Hữu, Vĩnh Lộc, Khánh An,... đều có tên. Đặc biệt, một làng nằm bên đất Campuchia cũng có tên trong địa bạ, là làng Lý Nhơn. Con tra thử bản đồ của Pháp, thì làng Lý Nhơn nằm ở phía Bắc, trên làng Bắc Nam.

 

Được biết ông Hai có về thăm lại đình làng Bắc Nam mới trên cồn Bắc Nam, xã Quốc Thái mấy năm trước. Con rất vui mừng vì ông Hai tìm lại được chút ít kỷ niệm cố hương.

 

Con lại nhớ ông Hai có nhắc tới vụ dòng sông bên lở bên bồi ở làng Vĩnh Lộc, quê ngoại ông Hai. Đúng như ông Hai nói, bờ bên Vĩnh Lộc bị lở, bên Phước Hưng được bồi. Bờ sông cặp đình Vĩnh Lộc lở sâu lắm ông Hai, người ta phải làm một con đường tút phía trong. Đình Vĩnh Lộc cũng mấp mé bờ sông mười mấy năm nay rồi.

 

À mà cái cồn Cát kế bên cồn Bắc Nam, bây giờ phù sa bồi lắp nó thành một dải đất dính liền vào xã Quốc Thái rồi ông Hai ơi. Ngày trước ông Hai về thăm đình Bắc Nam chắc có thấy.

 

Mến chúng ông Hai và gia đình mạnh khỏe, vạn sự như ý.

 

Kính thư,

Cháu Tuấn

 

31/03/2018

Cháu Tuấn mến,

Ông rất thich thú khi đọc thư của cháu, trong đó có nhiều chi tiết mà ông không biết  hoặc đã biết nhưng quên. Vụ Cồn Cát thì ông biết lúc về thăm đình làng. Ở đâu mà cháu có Bản đồ đẹp quá vậy. Cuốn Nội Ngoại Đều Thương đúc kết các bài ông đã đăng trong Thatsonchaudoc.com nên Cô Lộc Tưởng khỏi giới thiệu lại. Vợ chồng cháu đi chơi vui vẻ nghen, chừng nào hai cháu về, ông cháu mình viết tiếp.

Thân mến,

Hai An Phú

 

 



2/04/2018

Cháu Tuấn mến,

Cháu nghiên cứu về ông Hai khá kỹ đó. Thôi thì không giấu giếm được nữa rồi, phải khai thật luôn. Ông sanh ra ở nông thôn, không có khai sanh, ra tỉnh học trễ 2 năm, Thầy Lê Văn Vững xuất tiền của Thầy ra Tòa Án Châu Đốc lên án thế vì khai sanh cho ông, sụt 2 tuổi để được nhà trường nhận cho vào học (xin đọc Tâm Sự Tuổi Hoàng Hôn-Thatsonchaudoc.com). Do đó, năm sanh 1937  là năm “Thầy sanh ra “ , chớ Mẹ sanh ra năm 1935. Nếu địa chỉ email ghi chung_35 thì mấy bà thich đánh đề cỏ cảm nghĩ  xấu về mình, nên mới lấy “năm Thầy sanh” để trong email chung_37.  Tuấn thấy trong Bản đồ cũ vẫn có chữ Bắc Nam, phải không? Nhưng có lẽ làng đó không thuộc Việt Nam nên không có trong địa bộ, làng Lý Nhơn hơi đặc biệt đó. Ông Cố Nội của ông là Dương Quốc Thái là Ông Cả của làng Bắc Nam, lúc đó tên làng là Đồng Đức Thượng, giáp ranh với làng Đồng Đức Hạ thuộc tỉnh Châu Đốc-Việt Nam. Làng đồng Đức Hạ còn được bà-con gọi là “Làng dưới”.  Tuấn đang làm việc về ngành Điền Địa phải không ? Đi chơi vui, về viết tiếp nghen.

Thân,

Hai An Phú

 

14/04/2018

 

Ông Hai kính mến,

 

Vợ chồng con vừa mới từ Nhật Bản trở về Việt Nam sau 4 ngày du lịch. Cảnh sắc ở nước Nhật quả thật rất đẹp, đặc biệt vợ chồng con rất thích hoa anh đào ở đó.

 

Kính thưa ông Hai,

 

Con rất cảm ơn ông Hai đã cho con biết thêm về chuyện ông Hai không có giấy khai sanh, sau đó nhờ có Thầy Lê Văn Vững giúp đỡ. Sở dĩ con biết được kha khá thông tin của ông Hai là nhờ con đọc các bài viết của ông Hai trên thatsonchaudoc.com.

 

Thưa ông Hai,

 

Con không phải là nhân viên Điền Địa hoặc làm việc liên quan tới chính quyền. Con hiện nay đang làm nghề Lập trình viên Phần mềm (Software programmer) cho một công ty tư nhân tại Sài Gòn.

 

Con rất thích tìm hiểu lịch sử, nhất là lịch sử của quê hương An Phú. Các bản đồ này con lấy từ Thư viện của Pháp. Người Pháp lưu trữ rất nhiều thông tin, tư liệu của Việt Nam.

 

Kính thưa ông Hai,

 

Các địa danh như Bắc Nam, Mương Vú, Pẹc Chạy hoặc Đồng Đức hiện nay vẫn còn tồn tại. Con đã có dịp đi lên chợ Khánh An mới, đối diện với Mương Vú bên kia sông. Bà con người Việt mình vẫn còn ở bên đất Miên rất đông.

 

Con có tìm hiểu thêm qua người thân và báo chí thì được biết, con em người Việt sống trên đất Miên ngày nay vẫn qua đất Việt Nam học. Các em đều phải mượn người thân bên Việt Nam làm giấy khai sinh hoặc cho nhập hộ khẩu để đi học. Như vậy, từ thời của ông Hai đi học, cách đây hơn 60 năm, tới ngày nay con em người Việt mình vẫn còn chung cảnh ngộ ngày xưa.

 

Con mến chúc Ông Hai, Bà Hai và gia đình mạnh khỏe.

 

Kính thư,

Cháu Tuấn

 

16/04/2018

Cháu Tuấn mến,

Ai cũng khen hoa anh đào ở Nhật. Nếu thuận tiện, ông cũng thu xếp đi Nhật một chuyến cho biết. Các con và cháu của ông bên này hầu hết cũng là software programmer. Cháu tìm được mấy bản đồ cổ từ Thư viện Pháp rất quý. Khi nào có hình Vàm Bắc Nam và Đình Vĩnh Lộc, Tuấn cho ông xin, ông muốn sưu tập những hình ảnh thân thương  đó để nhìn cho đỡ nhớ.  Nếu Tuấn đồng ý, ông đăng những mẫu chuyện mà ông cháu mình trao đổi mấy hôm nay, Tuấn thấy có được không? Mến chúc vợ chồng cháu vui khỏe, hạnh phúc.

Thân mến,

Hai An Phú

18/04/2018


Ông Hai kính mến,

 

Dạ, nếu thuận lợi, ông Hai bà Hai và gia đình thu xếp qua bên Nhật Bản một chuyến để ngắm hoa anh đào và núi Phú Sỹ.

 

Con cảm ơn ông Hai đã có nhã ý đăng tải những mẫu chuyện mà ông cháu mình trao đổi mấy hôm nay. Dạ thưa ông Hai, nếu được như vậy thì con thấy vinh hạnh quá. Con cảm ơn ông Hai và cô Lộc Tưởng nhiều lắm.

 

Dạ thưa ông Hai,

 

Con rất mừng khi biết mình làm cùng ngành nghề với đa số con, cháu của ông Hai. Con cũng không biết có phải trùng hợp hay không nữa. Ông chủ công ty phần mềm đầu tiên mà con làm việc là ông Nguyễn Hữu Lệ. Ông Lệ nhận học bổng du học ở Úc Đại Lợi và có luôn quốc tịch Úc. Sau đó, ông Lệ làm việc ở Nhật và Canada. Từ sau năm 2000, ông Lệ về Việt Nam và lập nên một công ty phần mềm hàng đầu Việt Nam. Hiện nay con không còn làm việc trong công ty của ông Lệ nữa.

 

Kính thưa ông Hai,

 

Để thuận tiện cho việc trao đổi của ông cháu mình, con xin tách chuyện Vàm Bắc Nam và Đình Vĩnh Lộc sang các thư khác.

 

Kính chúc ông Hai và gia đình mạnh khỏe.

 

Kính thư,

Cháu Tuấn