Trang Chính    Hình Ảnh    Bút Ký    Truyện Ngắn    Truyện Thật Ngắn    TG & Tác Phẩm    Thơ    Di Tích Lịch Sử và Danh Nhân    Đời Sống: Phong Tục & Khoa Học    Sân Khấu/Nghệ Thuật    Hộp Thư    Nhắn Tin    Tin Tức Thân Hữu    Tin Vui    SK và Gia Đình    Lá Lành Đùm Lá Rách    Vui Cười   
Ẩm Thực/Gia Chánh    Trang Xuân
   Cùng Tác Giả   


ĐIỆN THƯ TRAO ĐỔI GIỮA KHIÊM CUNG VÀ VÕ HÙNG TUẤN ĐỢT 2

VỀ BẮC NAM & AN PHÚ

(Qua 2 tác phẩm Nội Ngoại Đều Thương và Thằng Mập)

19/04/2018

Ông Hai kính mến,

 Con dự định tìm thêm hình ảnh và bản đồ có liên quan tới làng Bắc Nam để gửi ông Hai. Vui thay, trong khi truy lục tàng thư trên thư viện Pháp quốc, con tình cờ tìm được tư liệu sổ bộ của người Pháp có nhắc tới làng Bắc Nam. Cho nên tiện thể, con xin phép gửi luôn cho ông Hai tham khảo.

 Để mở đầu, con xin phép ông Hai cho con nhắc lại một số đoạn trích trong các bài viết của ông Hai dưới đây.

 Trong bài Làng Tôi (http://thatsonchaudoc.com/truyenngan/langtoi.htm), ông Hai có miêu tả về làng Bắc Nam và nhắc tới một người Hoa là Chú Bánh Lớn.

 “Dân trong làng thường phân biệt làng Bắc Nam thành hai xóm: xóm trong gần nguồn sông, người Miên ở; xóm ngoài là khu vực vàm sông, giáp mối giữa sông nhỏ và sông cái, nơi định cư của người Việt và người Hoa. Lúc bấy giờ Việt - Miên - Lào là ba nước Đông Dương thuộc Pháp. Người Việt và người Miên sống với nhau rất hòa thuận.

Xóm ngoài có sinh hoạt theo tập tục của người Việt và người Hoa, có công xi rượu của Chú Bánh Lớn,  có khu chợ nhỏ ở vàm sông.”

Tiếp theo, trong bài viết Con Chú Chín Mập (http://thatsonchaudoc.com/banviet2/DuongVanChung_KC/HoaDongCoNoi/01.htm), ông Hai có nhắc thêm một ông người Hoa khác là ông Bánh Nhỏ.

 “Thằng Mập 7 tuổi, tròn trịa. Người ta gọi nó là con Chú Chín Mập.

Chú Chín Mập là con ông bà Bánh Nhỏ. Trong làng có 2 ông Bánh, người Hoa, Bánh Lớn và Bánh Nhỏ. Bánh là tiếng gọi tắt của Bánh chưởng hay Ban trưởng, lãnh đạo nhóm người Hoa trong làng. Thằng Mập không hề gặp ông bà Bánh Lớn, không rõ họ  đi về Tàu hay đã chết. Ông Bánh Nhỏ đã mất, bà Bánh Nhỏ là người Việt Nam còn sống, dáng người thong dong, gương mặt sáng, hiền hòa, vui vẻ với mọi người.

Không biết tên thật là gì, nhưng nhìn thân hình tròn trịa của chú, người ta gọi chú là Chú Chín Mập. Chú thím Chín Mập cùng mấy người em của chú sống chung với mẹ trong một biêt thự lầu có thềm thang cao phía trước, chú thím chuyên lãnh may đo quần áo tại nhà, may  rất khéo.

Chú Chín cũng thương Thằng Mập, có lẽ vì thấy nó giống chú và nó cũng thật thà, chú may cho nó một cái “quần  sọt” bằng vải kaki màu vàng, giống như quần của mấy thầy đội chú cai của Pháp đang mặc thời bấy giờ. Nó mặc quần sọt vào coi càng giống Chú Chín Mập.”

Và sau đó, nhà văn Hai Trầu Lương Thư Trung đã có bài viết cảm nhận (http://thatsonchaudoc.com/banviet2/HaiTrau/HoiKy/TGTP_DocThangMapCuaKhiemCung.htm). Ông Hai Trầu cũng có cùng nhận định như ông Hai, tức là chữ Bánh mang nghĩa là Ban trưởng.

 “Thì ra nếu không đọc, thì người đọc nhà quê như tôi cứ nghĩ “Bánh” là cái bánh, chứ không làm sao hiểu được “Bánh là Bánh-chưởng”, tức là ông Ban mà ngoài dân gian thường gọi những người Hoa giàu, có nhiều chành lúa, nhiều ghe chai chở lúa gạo trong vùng, có nhiều cây xăng hoặc nhiều ruộng cả trăm, cả ngàn mẫu như ở Long Xuyên có ông Ban Kế lừng danh một thời vào những năm 1950-1960.”

 Thưa ông Hai,

 Tài liệu mà con tìm thấy được xuất bản vào khoảng năm 1933, thời Pháp thuộc. Tên đầy đủ của tài liệu là “Annuaire complet (européen et indigène) de toute l'Indochine, commerce, industrie, plantations, mines, adresses particulières... : Indochine, adresses, 1ère année 1933-1934 / éditeurs madame L. Lacroix-Sommé, messieurs R. J. Dickson et A. J. Burtschy”. Con xin tạm dịch là "Niên bạ đầy đủ về Đông Dương: thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, khai thác khoáng sản,... năm 1933-1934".

 Trong tài liệu này, phần nói về tỉnh Kandal của Cam Bốt (Campuchia) có nêu lên danh sách các làng, làng Bắc Nam được mô tả như sau.

Đường dẫn gốc trên thư viện Pháp quốc: http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k5711393z/f831.image

 Ảnh chụp trang tài liệu.

Tạm dịch:

Làng Bắc Nam (quận Loeuk-Dek)

Vong-Pang, chủ lò rượu

Vong-Pang, tiểu thương

Ong-yoan-Phui, tiểu thương

Hia-Duoi, thầu đánh bắt cá

Nghin-Phong, tiểu thương

 

Như vậy, làng Bắc Nam của ông Hai (và của Thằng Mập trong truyện ông Hai viết) đúng là có hai ông Bánh người Hoa. Hai ông này trùng họ tên, nhưng một người làm chủ lò rượu, còn người kia buôn bán. Và hai ông người Hoa đó là những người có thật hoàn toàn, được chính quyền Pháp ghi tên vào sổ bộ.

Ông Hai kính mến,

 Con hi vọng ông Hai sẽ vui lòng khi biết thông tin trên. Nhân đây, con cũng xin thưa với ông Hai câu chuyện về quê quán bên nhà nội của con.

 Gia đình con sống ở quê ngoại Phú Hữu, còn nhà nội con thì vốn ở xã Vĩnh Hội Đông. Mỗi năm, ngoài ngày Tết, đôi ba lần anh em tụi con mới có dịp về thăm nhà nội.

Cũng giống như gia đình ông Hai, nhà nội con lúc xưa vốn ở một làng bên đất Campuchia. Làng đó tên là Long Tiên. Con nghe kể lại thì có lẽ làng Long Tiên nằm đâu đó bên hướng sông Châu Đốc, giáp ranh các xã Phú Hội, Nhơn Hội bây giờ.

Sau khi Liên bang Đông Dương giải thể, gia đình bên nội con mới bỏ hết nhà cửa, về định cư tại xã Vĩnh Hội Đông. Mồ mả ông bà tổ tiên toàn bộ nằm lại đất Campuchia. Cho nên, tới đời của con (cháu nội), chỉ còn biết được mộ phần của ông bà nội tại xã Vĩnh Hội Đông. Ông nội con sinh năm 1930, ông qua đời trước khi con được sinh ra nên con không có cơ hội gặp ông.

Bà nội con thì mới mất năm ngoái. Bà nội con thương anh em tụi con lắm, giống như ông Hai kể về Bà Ngoại của ông Hai vậy đó ông Hai. Và mỗi dịp anh em tụi con về thăm nhà nội, lại khá giống ông Hai hồi xưa. Có lúc thì đi đường sông bằng xuống máy Cu-le (Kohler), dọc theo xã Vĩnh Lộc, băng qua kênh Thầy Ban rồi men theo song Phú Hội. Có lúc thì chạy xe đạp hoặc xe máy, qua đò Vĩnh Lộc, đi ngang chợ An Phú.

 Hiện nay trên đất Campuchia vẫn còn lưu lại ít nhiều các địa danh xưa. Như làng Bắc Nam thì tiếng Khmer ghi là Pak Nam (nghĩa là cửa sông), làng Lý Nhơn thì ghi là Li Nhum, khu Mương Vú thì ghi là Khnar Yang Yu. Rất tiếc là con chưa tìm được thông tin gì liên quan tới làng Long Tiên.

 Thưa ông Hai,

 Con xin tạm ngừng bút. Con sẽ tiếp tục gửi tới ông Hai các thư khác liên quan tới quê hương mình. Con cũng mong nhận được hồi đáp của ông Hai.

 Kính chúc ông Hai và gia đình mạnh khỏe.

 Kính thư,

Cháu Tuấn

20/04/2018

Cháu Tuấn mến,

Tài liệu cháu sưu tập rất hữu ích và thú vị, công phu lắm mới tra cứu được. Không nghe nói hai Ông Bánh này có bà-con với nhau nhưng theo tài liệu thì  danh tánh y chang nhau. Khi viết về Thằng Mập, Ông có hỏi một ông Giáo viên người Hoa “bánh” có nghĩa là gì, ông ấy nói Bánh là Ban hay Ban Trưởng là người đại diện cho một nhóm người. Nay thấy  tên Vong-Pang, chữ Pang sao giống chữ Bánh. Cũng có thể 2 vị này có tên là Bánh  không chừng. Dù sao thì cháu rất có công chứng minh giùm là Ộng kể đúng ở trong làng có 2 Ông Bánh, Ông Bánh  lớn và Ông Bánh nhỏ. Chữ Fermier de Pêcheries ngày xưa  ở trên Miên hay gọi là “Ông Sa-Viên” là chủ trúng thầu đánh bắt cá một vùng. Cảm ơn cháu đã sưu tầm. Cháu viết tiếp nghen, Ông đã gởi đợt trao đổi trước của Ông cháu mình để Cô Lộc Tưởng đăng trên Thatsonchaudoc.com. Mến chúc vợ chồng cháu   luôn vui khỏe, hạnh phúc.

 

Hai An Phú.

 

21/04/2018

Ông Hai kính mến,


Con xin cảm ơn ông Hai đã gửi cuộc trao đổi của ông cháu mình trong thời gian qua cho cô Lộc Tưởng. Đọc lại bài tổng hợp của ông Hai con thấy công phu, chu đáo quá ông Hai ơi.

 

Kính thưa ông Hai,

 

Con rất mừng khi ông Hai thích chuyện chú Bánh ở làng Bắc Nam được ghi vào sổ bộ của người Pháp. Dạ thưa ông Hai, con phải thú thật với ông Hai là con không biết tiếng Pháp. Con toàn sử dụng từ điển trên mạng internet để dịch tiếng Pháp sang Việt. Cho nên chỗ "Fermier de Pêcheries" con dịch qua loa thành ông thầu đánh cá chứ không ngờ đó là ông Sa-Viên dù rằng con đã đọc bài viết của ông Hai có nói về nghề Sa-Viên này. Con cảm ơn ông Hai.


Dạ thưa ông Hai,


Vừa qua con may mắn gặp lại một người đồng hương Phú Hữu. Anh tên Phước. Nói là gặp nhưng thật ra chỉ là trò chuyện trên mạng xã hội Facebook vì con ở Thủ Đức, còn anh Phước hiện vẫn đang ở quê Phú Hữu.


Hồi năm con 3 tuổi, anh Phước từng giúp cõng con qua cây cây khỉ bắc ngang kênh ranh hai xã Vĩnh Lộc - Phú Hữu. Năm đó, mẹ con đang mang bầu đứa em trai kế con. Ba con thì đã vô đồng Vĩnh Lộc mấy ngày trước để suốt lúa (thu hoạch lúa). Ba mẹ con đi đường tắt, băng ngang đồng Phú Hữu để vô bưng Vĩnh Lộc.


Anh Phước và gia đình theo đạo Hòa Hảo, lúc trẻ anh mặc áo bà ba, búi tóc. Sau này anh cắt tóc ngắn, ăn mặc như người bình thường rồi lập gia đình. Nhưng anh vẫn theo đạo Hòa Hảo.


Ông Hai kính mến,


Anh Phước có cho con xem tấm hình đình làng Vĩnh Lộc. Hình này chắc chụp cũng khoảng 10 năm trước rồi. Bên phải đình là đài thuyết giảng của đạo Hòa Hảo, có cái hình hồ lô trên đỉnh.


Hồi trước con học Tiểu Học ở trường kế bên đình. Giờ ra chơi là học sinh tụi con hay lẻn qua đình chơi. Khoái nhất là sờ mó mấy cây thương, cây đao. Lúc ấy tụi con đứa nào cũng mê phim Tây Du Ký, nhìn mấy cây vũ khí đó rồi liên tưởng tới trong phim. Rồi cũng có mấy anh học sinh lớp lớn, trèo lên cái tháp hồ lô bắt tổ chim, quạ sao mà bị té gãy tay nữa. Trường cấm học sinh qua đình. Sau này do bờ sông phía Vĩnh Lộc sạt lở quá mức, trường Tiểu Học được tháo dở để chuyển về chỗ chùa Vĩnh Phước phía dưới độ 2 cây số. Đường lộ sát bờ sông cũng sạt lở mất hết, người ta phải làm một con đường mới ở cánh đồng phía trong.


Vậy mà tới giờ, đình làng Vĩnh Lộc vẫn còn y nguyên chỗ cũ. Nếu nhìn kỹ tấm hình cũ, chắc chắn ông Hai cũng thấy bờ sông đã sạt lở sát mé đình.


Dạ thưa ông Hai,


Nhìn hình làng Vĩnh Lộc, con lại nhớ đến rất nhiều kỷ niệm. Hồi nhỏ mỗi lần đi xuồng từ Phú Hữu về quê nội con ở Vĩnh Hội Đông, con rất thích ngắm cái tháp hồ lô của đình Vĩnh Lộc.


Đọc bài viết Về thăm Ngoại (http://thatsonchaudoc.com/banviet2/DuongVanChung/HoiKy/VeThamNgoai.htm) của ông Hai, cảm xúc nhớ quê lại càng da diết.


"Mỗi năm có mấy lần, vào dịp giỗ quảy hay Tết nguyên đán, mẹ tôi dắt hai ba đứa con về thăm Bà Ngoại...
...
Cha tiễn mẹ con chúng tôi đi bộ trên con đường làng bằng phẳng dọc theo bờ sông nhỏ ra đến vàm sông cái gần đó đợi tàu đò...
...
Qua khỏi Cồn Bắc Nam đến Cồn Cát, nhìn bên phải là làng Đồng Cô Ki, Phưóc Hưng, bên trái là làng Phú Hữu, Vĩnh Lộc. Thỉnh thoảng tàu ghé vào bờ để đón khách dọc đường.


Gặp mùa nước đổ, nước cuốn theo đất phù sa đục ngầu, chảy rất xiết. Thuận theo chiều nước, tàu chạy rất nhanh, chưa đầy hai tiếng đồng hồ đã thấy đình làng Vĩnh Lộc, rồi đến nhà Bà Ngoại."


Dù rằng khoảng cách giữa hai kỷ niệm của ông cháu mình cách nhau tới hơn nửa thế kỷ, mà sao con có cảm giác hình ảnh như một vậy ông Hai?


Bây giờ đường xá láng nhựa hết, hiếm có dịp đi tàu, xuồng trên sông như trước. Đình làng Vĩnh Lộc thì lại không còn nằm trên đường lộ chính nữa, muốn vào phải đi theo một con đường mòn. Chắc là sẽ khó có cơ hội ngồi trên xuồng, xuôi theo con nước, ngang làng Vĩnh Lộc như xưa.


Con kính chúc ông Hai và gia đình mạnh khỏe.


Kính thư,

Cháu Tuấn



23/04/2018

Cháu Tuấn mến,

Cháu dịch từ Fermier de pêcheries là thầu đánh cá không sai, ông chỉ muốn nói ở trên Miên người ta còn gọi đó là ông Sa-Viên, chưa ai giải thich được tại sao có từ Sa-viên này. Còn về Vàm sông Bắc Nam, Chú Lý Việt Thái đã cực nhọc đi tác rán tới Đồng Ki chụp giùm ông mấy kiểu rất đẹp. Ông rất xúc động khi nhìn lại được Vàm Bắc Nam sau 70 năm xa cách với quá nhiều đổi thay. Ngày xưa không có cầu đúc bắc ngang sông như bây giờ, nên ông đã lấy chiếc xuồng tam bản đưa bà-con từ bờ sông bên kia qua bờ bên này đi chợ, bận đi bận về lấy 5 xu. Bờ bên phải không còn vết tích Công xi rượu của Chú Bánh lớn, bờ bên trái vắng bóng ngôi chùa Phật trên ngọn đồi đất thấp, dưới tàng cây dương; những bụi cây hai bên bờ rậm rạp làm cho lòng sông hẹp lại, nước chảy ra sông cái lững lờ, không cuồn cuộn nổi sóng như xưa. Nhưng đối với ông, hình ảnh Vàm Sông Bắc Nam là một kỷ niệm vô giá. Nơi vùng đất này tổ tiên, cha mẹ ông đã từng sanh sống, anh chị em của ông đã sanh ra; Nước dòng sông này, gia đình ông đã bao đời tắm gội. Người dân nơi đây sống rất hiền hòa thuận thảo, cùng nhau chia xẻ những đắng cay, ngọt bùi, cùng chung một tín ngưỡng nhân gian...v.v.


Vàm kinh Bắc Nam 3 (8)


Vàm Bắc Nam-Ảnh Thái Lý


28/04/2018
Kính thưa ông Hai,


Hổm rày ông cháu mình đã có nhiều trao đổi về đình làng Vĩnh Lộc. Hôm nay, con xin phép ông Hai cho con được trao đổi với ông Hai về vàm sông và đình Bắc Nam.


Dạ thưa ông Hai,


Trong bài DÒNG SÔNG KỶ NIỆM (http://thatsonchaudoc.com/banviet2/DuongVanChung/HoiKy/TBDONGSONG.htm), ông Hai có miêu tả về Vàm sông Bắc Nam như sau.


"Tôi không rõ ông bà Nội của tôi sanh tại đâu, nhưng cha và anh chị em tôi đều sanh ra tại làng Bắc Nam, bên bờ một con sông nhỏ thuộc địa phận Miên, giáp giới với Việt Nam. Nước sông Bắc Nam đã tắm gội cho cha con chúng tôi lúc mới chào đời. Đây là con sông thiên nhiên, nước rất trong. Gia đình tôi ở gần vàm sông, là khu vực  người Việt và người Hoa sinh sống, đi dần vào hướng ngọn sông người Miên ở. Nói là ngọn sông, tôi chẳng biết con sông khá dài nầy phát nguồn từ đâu, hình như nó là một nhánh thật nhỏ của Biển Hồ."


Con xin phép gửi ông Hai hình ảnh vệ tinh Google của khu vực Vàm Bắc Nam.



Con xin cảm ơn ông Hai đã cho con xem hình ảnh Vàm Bắc Nam mà chú Thái Lý đã kỳ công đã thuê tắc ráng tới Đồng Ky chụp hình.


Dạ thưa ông Hai,


Quả đúng như ông Hai nói, vật đổi sao dời, Vàm Bắc Nam vẫn còn đó nhưng nhà cửa, con người đã thay đổi quá nhiều.


"Ngày xưa không có cầu đúc bắc ngang sông như bây giờ, nên ông đã lấy chiếc xuồng tam bản đưa bà-con từ bờ sông bên kia qua bờ bên này đi chợ, bận đi bận về lấy 5 xu. Bờ bên phải không còn vết tích Công xi rượu của Chú Bánh lớn, bờ bên trái vắng bóng ngôi chùa Phật trên ngọn đồi đất thấp, dưới tàng cây dương; những bụi cây hai bên bờ rậm rạp làm cho lòng sông hẹp lại, nước chảy ra sông cái lững lờ, không cuồn cuộn nổi sóng như xưa."


Đây là hình ảnh vệ tinh cận cảnh khu vực cửa sông Bắc Nam, nơi ngày xưa ông Hai từng làm "nghề" đưa đò.



Dạ thưa ông Hai,


Nhìn vào hình ảnh vệ tinh, có thể thấy gần Vàm Bắc Nam vẫn có nhà cửa và công xưởng, không quá khác biệt so với bên đất Việt Nam.


Ông Hai kính mến,


Con có dịp xem lại bài viết THĂM ĐÌNH LÀNG (http://thatsonchaudoc.com/banviet2/DuongVanChung/HoiKy/ThamDinhLang.htm), được đăng tải cách đây 10 năm (2008), ông Hai có mô tả chi tiết hành trình về thăm đình làng Bắc Nam mới ở xã Quốc Thái.


"Tôi sanh ra tại đó. Nay đất “Bắc Nam” chỉ còn người Miên ở, đình làng và mồ mả ông bà tôi phải dời về Cồn “Bắc Nam”.

...
Tôi theo chú Út tôi đi xe hơi về hướng Long Bình, biên giới Việt-Miên, có cô em họ của tôi chỉ đường. Từ chợ An Phú xe chạy khoảng 15 km  tới chợ Đồng Cô Ki, gọi là chợ Quốc  Thái.

...
Qua khỏi chợ Quốc Thái một đổi, xe chạy ngang qua một chiếc cầu ván tới cồn “Bắc Nam”, quẹo trái, chạy theo một con đường mòn hẹp, gồ ghề, tài xế phải cẩn thận lắm mới khỏi lọt xuống ruộng, thỉnh thoảng anh phải xuống xe, kéo chiếc xe đạp hay hon-đa vào dựng sát lề, xe hơi mới chạy qua được.

Xe tới trước đình. Đình vừa xây xong, nền cao hơn một mét, tưỡng gạch, lợp ngói, khá khang trang. Đối diện là ngôi đình cũ đã hư dột.

...

Lễ đình xong, tôi xin Chú Tư Đinh đưa tôi ra mé cồn “Bắc Nam”. Chú Tư chỉ tay về phía cây cổ thụ ở xa tít và nói:
-Làng “Bắc Nam” ở đó.
Tôi nhìn theo tay chú Tư Đinh, qua con sông nhỏ, đến một thảm cây cỏ xanh tươi ngút ngàn mới tới cây cổ thụ chú Tư chỉ. Nỗi nhớ quê xưa bừng dậy.


Bài thơ Hoàng Hạc Lâu (Thôi Hiệu) mà ông Hai trích đăng quả thực rất đồng cảm với tâm tư và hoàn cảnh của người con xa xứ. Càng tâm tư hơn khi quê hương xưa giờ đã bị chia cắt bên kia biên giới, chỉ có thể đứng bên này sông nhìn vọng sang... Con rất thích hai câu cuối.


Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Tản Đà dịch:

Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?



Dạ thưa ông Hai,


Theo như mô tả trên của ông Hai, thì đình làng Bắc Nam (mới) phải nằm đâu đó bên ấp Quốc Phú xã Quốc Thái. Con không nhìn thấy cây cầu nào bắc từ bờ qua cồn Bắc Nam. Và bên cồn Bắc Nam, nhà cửa có vẻ rất thưa thớt. Con không rõ có phải do dữ liệu của hãng Google có phải cũ hay không. Nhưng cách đây 10 năm thì theo ông Hai miêu tả khu vực gần đình Bắc Nam đã có người sinh sống.



Con lại tìm thêm một bài viết khác của ông Hai, nói về hành trình đi tàu từ quê Nội Bắc Nam về làng Vĩnh Lộc.


Qua khỏi Cồn Bắc Nam đến Cồn Cát, nhìn bên phải là làng Đồng Cô Ki, Phưóc Hưng, bên trái là làng Phú Hữu, Vĩnh Lộc. Thỉnh thoảng tàu ghé vào bờ để đón khách dọc đường.


Trích Khiêm Cung - VỀ THĂM NGOẠI (http://thatsonchaudoc.com/banviet2/DuongVanChung/HoiKy/VeThamNgoai.htm).


Dạ thưa ông Hai, theo như ông Hai nói bên trên, kế bên cồn Bắc Nam là một cồn khác, gọi là cồn Cát, đối diện làng Đồng Cô Ky. Có lẽ sau hơn nưa thế kỷ, cồn Cát đã bị bồi lắp và dính vào đất liền nên trên hình ảnh vệ tinh chỉ còn thấy lại duy nhất cồn Bắc Nam nằm giữa sông Hậu.


Sông kia rày đã nên đồng

Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai

Vẳng nghe tiếng ếch bên tai

Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò

Sông Lấp - Trần Tế Xương



Phải chăng khu vực đình làng Bắc Nam (mới) mà ông Hai về thăm cách đây 10 năm nằm trên cồn Cát chứ không phải cồn Bắc Nam?


Con được biết khu vực trên còn có một cồn đất gọi là Cồn Liệt Sĩ. Con không rõ đó có phải là tên mới của cồn Cát hay chính là cồn Bắc Nam đổi tên.

https://tv.tuoitre.vn/thoi-su/20151005/cau-con-liet-si-bay-nguoi-di-duong/16319.html

https://tuoitre.vn/mam-song-tren-con-liet-si-75422.htm


Kính thưa ông Hai,


Con xin phép tạm ngừng bút. Con kính chúc ông Hai và gia đình mạnh khỏe và có nhiều niềm vui.


Kính thư,

Cháu Tuấn An Phú