Trang Chính      Hình Ảnh      Hộp Thư      Truyện Thật Ngắn      Bút Ký      Thơ     Truyện Ngắn     Góp Nhặt     Sức Khỏe và Gia Đình     Tin Tức     Cùng Tác Giả     

ANH NĂM HÀNG XÉN

Khu mua bán tấp nập Xóm Hàng Keo

 

                                                                   Khiêm Cung

 

Gia đình anh dọn về Xóm Hàng Keo, ở trong một căn nhà nhỏ, chỉ rộng ba mét, dài mười một mét, có gác, vách ván, lợp tôn, sát  bờ lộ Chi Lăng từ năm 1969.

 

Vợ anh mở tiệm hàng xén, anh đi làm việc, không ai biết anh làm việc gì, công hay tư, người ta quen gọi anh chị là anh chị Năm Hàng Xén. Tiệm của chị Năm bán đủ thứ, gạo, đường, muối, bột ngọt, gia vị, mì gói, bánh kẹo…Chị Năm còn vựa bán một ít la-ve, nước ngọt nữa.

 

Căn nhà chật hẹp, nhưng chị Năm thích buôn bán, nên mua căn nhà nầy với giá cao gấp đôi, gấp ba so với một căn nhà như vậy ở sâu trong Xóm Hàng Keo. Anh Năm mơ ước một căn nhà rộng rãi để cho gia đình ở thoải mái, chị Năm không đồng ý, anh Năm đành chiều theo.

 

Mặc dầu không phải là một cái chợ, nhưng hoạt động thương mại ở khu vực này rất tấp nập. Đây là tiệm cà phê mở cửa bán từ bốn năm giờ sáng cho tới tối, khách hàng ì xèo, gồm đủ thành phần, làm việc văn phòng cũng như lao động chân tay; một tiệm phở do bà chủ người miền Bắc, treo bên trong tủ kiếng mấy con gà và thịt bò luộc sẵn, nồi nước phở lúc nào cũng bốc hơi thơm phức;  tiệm hớt tóc bình dân có ba ghế, khách đang hớt, khách ngồi chờ, chủ tiệm có sẵn bàn cờ tướng để khách đánh chơi cho quên thời gian chờ đợi và một ống thuốc lào cho khách kéo nghe ro ro; tiệm sửa xe gắn máy lúc nào sân cũng đầy xe để sửa; vựa bán vật liệu xây cất, có làm thêm mộ bia để bán, thời chiến tranh mộ bia bán rất chạy; tiệm chụp hình trưng bày nhiều hình chân dung mẫu, màu có, đen trắng có, chân dung những quân nhân oai hùng trong bộ quân phục đại lễ với dây biểu chương tòng tụi trên vai hoặc chân dung các thiếu nữ yêu kiều với chiếc nón lá che nghiêng; nhà thuốc Tây bán đủ loại thuốc nhập và thuốc do viện bào chế trong nước như OPV của Dược sĩ Phạm Cao Thăng hay viện bào chế Nguyễn Thị Hai, Roussel…; và rất nhiều loại hàng buôn gánh, bán bưng như xe bán bánh mì thịt, chè cháo, bánh cuống đổ bán tại chỗ, sạp bán khô cá thiều, khô bò, khô mực nướng, hột vịt lộn, nhậu với rượu đế, rượu thuốc, rượu nếp than.

 

Cặp theo bờ lộ Chi Lăng đi lên phía trái là nhị tỳ Quảng Đông, rồi đến Ngả tư Phú Nhuận, còn đi xuống thì gặp Trường Tiểu Học, Trường Mỹ Thuật Gia Định, còn gọi là Trường Vẽ, Lăng Ông tức là Lăng Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt,  rồi Chơ Gia Định.

 

Bên kia bờ lộ Chi Lăng là Bót Hàng Keo, Khu Công Chánh Gia định, Trường Trung Học Tư Thục Hoàng Hoa Thám, bệnh viện Nguyễn Văn Học, bệnh viện Ung Thư, Tòa Hành Chánh Tỉnh Gia Định. Tiếp tục đi xa hơn nữa là Xóm Lò Heo Cũ, Xóm  Hàng Xanh.

 

Phương tiện di chuyển công cộng đặc biệt vẫn còn xài xe thổ mộ, hai bánh bằng gỗ niềng sắt, một con ngựa kéo, xe xích lô đạp, xích lô máy, xe lam ba bánh, xe buýt, xe taxi là loại xe Renault hai ngựa sơn màu xanh và màu trắng ngà. Xe hơi nhà khá nhiều, nhưng phương tiện di chuyển thông dụng nhứt là các loại xe vespa, lambretta hai bánh, xe gắn máy như Honda, Mobylette, Goebel…v.v. Xe không nhiều lắm, nhưng đường xá chật chội, giờ đi làm, cũng như giờ tan sở hay bị kẹt xe khoảng từ Trường Vẽ cho tới Cầu Bông.

 

Khu mua bán nhỏ này là xóm bình dân, quy tụ nhiều thành phần. Mỗi người có một biệt danh do lối xóm đặt mà chính đương sự cũng không biết mình mang biệt danh đó.

 

Đây là Bà Ba Nhà Lầu, trạc độ sáu mươi, dáng người thong dong, trắng trẻo, khuôn mặt trái xoan, mũi cao kín, môi đỏ tự nhiên. Nghe nói hồi thời Pháp thuộc, Bà có một đời chồng, vợ chồng bất hòa, đưa nhau ra tòa xin ly dị. Ông thẩm phán người Việt ngồi xử, cho vợ chồng ly dị, rồi  có cảm tình với Bà. Vì ông thẩm phán có vợ, nên ông và Bà Ba lấy nhau theo hôn thú bậc hai. Đến thời Đệ nhứt Cộng Hòa mới sửa đổi luật gia đình, chỉ cho phép một vợ một chồng. Ông thẩm phán có quốc tịch Pháp, nên đến năm 1954, thi hành Hiệp Định Gê-Neo (Génève), Pháp rút khỏi Việt Nam, ông đem gia đình qua Pháp ở để tiếp tục làm việc trong ngành tư pháp. Một thời gian sau, Bà Ba có bệnh suyển, không chịu nổi cái lạnh ở Pháp, chia tay với ông, về ở luôn bên Việt Nam. Sau đó Bà Ba lại làm bạn với một viên chức cảnh sát.

 

Bà Ba cho Chị Chín Lấy Mỹ mướn một phần lầu. Chị Chín từ miền Trung vào, tuổi khoảng bốn mươi, ăn nói bặt thiệp vui vẻ, nước da mơn mởn, nhưng hơi xanh xao. Chị lấy một người Mỹ đen, thân hình nó vạm vỡ. Nó có vẻ thương chị Chín lắm. Trái lại, chị Chín  nói chuyện với nó bốp chát bằng tiếng bồi, vậy mà anh Mỹ đen vẫn hiểu. Thỉnh thoảng chị Chín vòi tiền anh ta để đi đánh bài hay đánh đề.

 

Cô Sáu Nhà Thầu có chồng thầu cung cấp hàng cho Tổng Kho Long Bình của Mỹ. Hàng đi thì có hàng về. Cô Sáu mua hàng hợp tác xã PX của Mỹ đem ra ngoài bán, tiền vô như nước

 

Trong xóm ai cũng coi anh Tám Mập như một anh hùng. Anh là chủ quán cà phê hàng chục năm rồi. Anh cao lớn không thua gì người Mỹ. Có một lần, một tên Mỹ đen lái chiếc Jeep lùn, đụng một người Việt Nam chạy xe gắn máy, tên Mỹ lỗi. Tên này xuống xe, toan hành hung anh chủ xe gắn máy. Anh Tám Mập nóng mũi, dọng vào mặt  tên Mỹ đen một cái nên thân. Vì người Việt đứng coi đông quá nên tên Mỹ đen không dám đánh lại, mà chỉ gọi điện thoại về sở  kêu tiếp cứu. Anh Tám Mập kịp lánh đi trước khi quân cảnh Mỹ đến.

 

Trong xóm có tới hai ca sĩ trẻ. Sơn Ca là học trò ruột của Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, thường mặc áo dài trắng, ra khu vực tiệm hàng xén ngồi ăn chè, ăn cháo. Còn Mai Lệ Huyền, nước da ngâm ngâm, hay mặc cái “mini-jupe” màu vàng, đi chung với Hùng Cường. Cặp này thường hát chung “ Em ơi! chiều nay một trăm phần trăm…”.

 

Một nhân vật mà mỗi khi nói đến thì ai cũng cười vui, đó là “Thiếu Tá Cu”. Ông là Thiếu Tá thật, người cao ráo, vui vẻ. Người ta đặt cho ông cái hổn danh đó là vì những ngày rảnh rổi ông mang cái lồng trong đó có con chim mồi lên miệt Thủ Đức gác cu. Người ta nói:

 

                                                Ở đời có bốn cái ngu,

Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu.

 

Ông Thiếu Tá nầy khôn dàn mây, chớ ngu đâu, ông ấy là sĩ quan an ninh quân đội đó, đừng có giỡn mặt ! Có thể người ta nói gác cu ngu ở chỗ, lúc con cu mồi đang dụ con cu kia, người gác cu có bị kiếng cắn cũng không dám nhúc nhích, vì sợ con chim cu kia bay đi mất.

 

Xóm nầy đang yên ổn thì có một chuyện chẳng lành xãy ra, lựu đạn nổ ở quán cơm Bà Tư, chỉ cách tiệm hàng xén của anh chị Năm có mấy căn. Thằng con trai của chủ tiệm sửa xe Đồng Sơn bị miểng lựu đạn văng làm đui một con mắt. Cảnh sát bót Hàng Keo và công chức Khu Công Chánh đang ăn cơm trưa trong tiệm bị thương rất nhiều, cũng may không có ai chết. Tội nghiệp cho Bà Tư chủ quán cơm phải chịu mua bán ế ẩm một thời gian rất dài.

 

Mọi người làm ăn lam lũ, nhưng luôn luôn tương thân tương kính và vui vẻ với nhau.

 

                                                                                    Sydney, mùa Đông 2007