Trang Chính      Hình Ảnh      Hộp Thư      Truyện Thật Ngắn      Bút Ký      Thơ     Góp Nhặt     Gia Chánh     Tin Tức     SK Nghệ Thuật     Cùng Tác Giả     

CHUYỆN HÊN XUI

                                                                                               Khiêm Cung

 

Chuyện hên xui làm bận tâm nhiều người. Ai cũng muốn hên và sợ xui. Ngày xưa ở làng tôi bà-con rất kỵ ba ngày mồng năm, mười bốn, hai mươi ba, gọi là ngày tam nương. Họ “ nói lề ”:

                                              Mồng năm, mười bốn, hăm ba,

                                              Đi ra thì chết, ở nhà thì đau.

 

Nghe nói rằng tam nương là ba nàng công chúa nước Liêu-Trung quốc, đi chơi ở ngoại thành, bị bọn đàn ông, trai tráng không biết đó là công chúa nên trêu chọc sàm sỡ, bị đám hộ vệ của ba nàng trừng trị, thảm sát. Có lẽ ba nàng đi dạo chơi nhiều lần và ngày tam nương là những ngày thảm sát kinh hoàng nhứt, dân chúng sợ hải, kiêng cử không dám đi ra ngoài. Chưa có một sử liệu nào để chứng minh cho truyền thuyết nầy.

 

Những người đi buôn bán bằng đường sông, để tránh xuất hành một trong ba ngày coi là xui xẻo đó, họ cho thuyền rời bến ngày hôm trước, chèo hoặc bơi đi một vòng, rồi quay trở về bến đậu lại. Qua ngày sau là ngày tam nương, người ta ra đi, coi như tiếp tục chuyến đi buôn đã xuất hành ngày hôm trước.

 

Khi một đứa bé mới chào đời, cha mẹ nó đã nhờ thầy chấm cho nó một lá số tử vi để xem nó sanh vào ngày giờ đó hên hay xui, tương lai vận mạng của nó ra sao. Nếu tuổi đứa bé kỵ với tuổi của cha mẹ nó thì coi nó là xấu hấy, dạy nó gọi mẹ nó là vú, cha nó là cậu…v.v. Đến khi trưởng thành muốn lập gia đình lại cần xem tuổi tác cặp nam nữ có hợp với nhau hay không. Ba tuổi hợp với nhau nhứt là hợi, mẹo, mùi hoặc tỵ, dậu, sửu, gọi là tam hạp. Tuổi kỵ như dần, thân, tỵ, hợi hoặc thìn, tuất, sửu, mùi, tứ hành xung. Mạng của con người thể hiện bằng con thú biểu tượng cái tuổi, người có tuổi con cọp sẽ dữ dằn, ăn hiếp hoặc làm hại người tuổi con heo hiền lành…Coi ngày giờ đám cưới cũng nhằm mục đích đem cái may mắn cho cặp vợ chồng mới được trọn đời hạnh phúc.

 

Tội nghiệp làm sao cho những người góa bụa, bị tước mất quyền làm cha mẹ, không được đứng ra làm chủ hôn, dụng vợ gả chồng cho con cái, phải mượn người khác, còn đủ đôi, đủ cặp, đứng ra làm đại diện.

 

Đến khi chết cũng cần chọn ngày giờ tốt để liệm, để chôn và xây huyệt mả đúng hướng để cho người ở lại được hên.

 

Ngày Tết nguyên đán là ngày lễ hội lớn của cả dân tộc, là ngày đánh dấu một năm cũ đi qua, một năm mới đến, đem lại những thành tựu mới. Bao nhiêu điều cữ kiêng, bao nhiêu lời cầu phước, chúc lành để cho mọi việc được hanh thông, như chọn người xông đất, chưng hoa mai vừa cho đẹp, vừa tượng trưng cho “may mắn”, người miền Nam cúng một dĩa trái cây gồm có trái dừa, đu đủ và xoài, đọc trại âm là vừa đủ xài. Thật là một ước mong đơn giản, tri túc (biết đủ).

 

Tìm hên tránh xui làm mất quá nhiều thời gian trong một đời người. Cái hên cái xui phần lớn lệ thuộc vào thời gian. Và khái niệm về thời gian lại do con người đặt ra.

 

Có người muốn thử thời vận, muốn được cái hên cấp thời trong canh bạc, sòng bài, để rồi thua cháy túi. Lúc đó mới than là mình xui.

 

Ngày xưa cũng vì sợ xui mà Thị Kính mắc hàm oan. Thị Kính có chồng là Thiện Sĩ. Vợ chồng ăn ở với nhau rất hòa thuận, hạnh phúc. Đêm nọ, Thiện Sĩ ngồi đọc sách, bà ngồi bên cạnh vá may. Chợt khi chồng mệt, tựa bên cạnh bà ngủ, bà trông thấy trên cằm chồng râu mọc ngược, bà sợ xui, sẵn con dao đang cầm trong tay, bà đưa lên toan cắt sợi râu, bổng chồng giựt mình thức dậy, tưởng vợ có ý hại mình, liền kêu lên. Cha mẹ Thiện Sĩ hay được mới kết tội và mời cha mẹ Thị Kính đến để trả lại con. Buồn vì nỗi oan không minh giải được, bà giả trai, xin xuất gia đầu Phật với pháp hiệu Kỉnh Tâm.

Gần chùa có ả Thị Mầu trắc nết, thấy Kỉnh Tâm diện mạo khôi ngô nên phải lòng, nhưng Kỉnh Tâm vô tình, hờ hửng. Thị Mầu lấy thằng đầy tớ có thai. Làng nghe được, kêu ra tra hỏi, Thị Mầu đổ cho Kỉnh Tâm.

 

Sanh nở xong, Thị Mầu ẵm đứa bé trai đến chùa bảo là trả cho Kỉnh Tâm. Sư Ông trụ trì cũng tưởng Kỉnh Tâm phạm giới, đuổi Kỉnh Tâm ra khỏi chùa. Thương cho đứa trẻ thơ vô tội, Kỉnh Tâm đành phải đem con của Thị Mầu ra ở tạm ngoài hiên chùa. Cho đến khi Kỉnh Tâm chết, người ta mới biết y là gái giả trai.

 

Lắm khi trong cái hên có cái xui, trong cái xui có cái hên, giống như chuyện Tái Ông mất ngựa. Tương truyền Tái Ông có một con ngựa quý, tự nhiên biến mất. Ông nói:

-Biết đâu đó là điều phước?

Quả nhiên ít hôm sau, con ngựa quý quay trở về, kéo theo mấy con ngựa khác về cùng. Nhiều người đến chia vui. Tái Ông nói với họ:

-Biết đâu đó là cái họa?

 Đúng như vậy, con ông suốt ngày phi ngựa, chẳng may té gảy chân. Ông lại nói với mọi người:

                      -Biết đâu đó là điều phước?

Ít lâu sau có giặc, trai trẻ trong làng đều phải ra trận, nhiều người chẳng bao giờ trở về nữa. Riêng con trai ông vì tàn tật mà được ở lại nhà bình an.

 

Một câu chuyện thực tế xãy ra ở Việt Nam trước năm 1975, tương tựa như chuyện Tái Ông mất ngựa. Một bà ở Hồng Ngự chở một ghe cá đi Sài gòn bán. Dọc đường Cảnh sát kinh tế kêu ghé vào, bán ép một tờ vé số đặc biệt, bà phải trả hai mươi đồng, tiếc hùi hụi!. Lúc bấy giờ chỉ ba mươi lăm đồng Việt Nam là đổi được một đô la Mỹ theo tỷ giá chánh thức. Bà than là xui xẻo bị ép mua vé số. Vài ngày sau xổ số, bà trúng giải độc đắc hai triệu đồng. Ai cũng nói bà hên.

Con trai bà dùng tiền trúng số, cất một cái nhà máy xay lúa, rất phát đạt. Từ đó con trai bà sanh tâm, ăn chơi, bài bạc, có vợ bé, vợ mọn,  gia tài mỗi ngày một suy sụp. Cái xui đã đến.

 

Chuyện hên xui nói mãi không cùng và thường đi đôi với dị đoan, mê tín. Tôi xin kể một chuyện vui để kết thúc bài nầy. Có lần nọ, một ông bạn bị góa bụa, nên mất quyền làm cha,  nhờ vợ chồng tôi đứng làm đại diện, cưới vợ cho đứa con trai của ông. Trước ngày đám cưới, con trai ông bạn, tức là chú rễ tương lai đưa tôi qua gặp ông sui gái để xem ông có ý kiến gì đàng trai chiều theo cho vui vẻ hai bên. Ông sui gái mạnh dạn tuyên bố:

          -Tôi không tin dị đoan, nhưng chỉ yêu cầu một điều là chiếc xe rước dâu khi đến đậu trước nhà đàng gái cũng như khi đón dâu, chỉ có tiến, chớ không được lùi !

 

 

 

     Trang Chính      Hình Ảnh      Hộp Thư      Truyện Thật Ngắn      Bút Ký      Thơ     Góp Nhặt     Gia Chánh     Tin Tức     SK Nghệ Thuật     Cùng Tác Giả