Trang Chính      Hình Ảnh      Hộp Thư      Truyện Thật Ngắn      Bút Ký      Thơ     Truyện Ngắn     Góp Nhặt     Sức Khỏe và Gia Đình     Tin Tức     Cùng Tác Giả     

ĐẶT ĐÂU NGỒI ĐÓ

Khiêm Cung

 

Ông Hương nay đã trên sáu mươi. Ông bà có hai đứa con, đứa lớn là con trai tên Tuấn, năm nay đã hai mươi tuổi và đứa nhỏ là con gái, tên Tú, mười bảy tuổi. Lúc gia đình Ông đến Úc Đại Lợi định cư, Tuấn lên sáu vào học lớp 1 và Tú lên ba, còn ở nhà quanh quẩn bên mẹ. Dạo đó Tuấn và Tú nói tiếng Việt rất rành rẽ, Tuấn rất yếu tiếng Anh, nhà trường phải cho một cô giáo dạy kèm Anh ngữ cho nó ngoài giờ.

 

Sau mười bốn năm sống trên quê hương thứ hai nầy, hai đứa trẻ nói tiếng Anh dễ dáng, lưu loát, còn tiếng Việt thì càng ngày càng vấp váp, ngọng nghịu. Phần ông bà Hương, đã học qua nhiều khóa Anh văn miễn phí mà sao vẫn vừa ngọng vừa điếc tiếng Anh. Ở quê nhà ông bà đã từng học Anh ngữ suốt thời gian trung học, nhưng phát âm không đúng từ những năm đầu đã hằng sâu trong trí lâu ngày, không sao sửa được.

 

Đặt chân đến đất Úc không bao lâu, ông bà Hương bắt đầu lãnh hàng về nhà may.

Một năm sau ông thi đậu sơ tuyển vào ngành bưu điện. Trước hết ông Hương phải qua một khóa huấn nghệ về lựa thư. Suốt ngày ông ngồi trước một cái thùng bằng ván, ngăn thành từng hộc vuông, trên đó có ghi địa danh, trông giống như cái chuồng chim bồ câu. Tay ông cầm một xắp thẻ ghi địa danh và ông xếp thẻ vào đúng ngăn hộc mang địa danh đó. Sau khi đặt hết thẻ vào các hộc, ông kiểm lại thời gian đã lựa so với thời gian định mức. Địa danh ở Úc có lẽ phiên âm từ tiếng thổ dân, nhiều tên khá dài, khó nhớ như Wollongong, Wooloomooloo, Canberra, Rushcutters Bay…Lần nào ông Hương kiểm lại cũng thấy mình bị trễ từ năm đến mười phút. Khóa học chia làm ba giai đoạn. Sau mỗi giai đoạn đều có thi kiểm tra, mỗi khóa có vài người rớt. Phải cố gắng mới đậu được.

Học thì khó nhưng công việc lựa thư thực tế không quá vất vả lắm đâu. Ông Hương làm việc chung với rất nhiều người Việt, trong những ngày đầu tập sự, ông Hương gặp các đồng nghiệp trẻ người Việt. Thấy ông làm việc cần cù,  họ nói với ông:

                        -Chú ơi ! Ở đây chủ yếu là nghỉ ngơi !

Ông Hương thường làm thêm giờ tới khuya mới về nhà. Lương giờ phụ trội bằng gấp rưỡi hoặc gấp đôi lương ngày thường. Có những đêm đông lạnh buốt, sau giờ tan sở, ông Hương ngồi trên sân ga St Leonard vùng Bắc Sydney đón xe lửa để về Cabramatta ở miền Tây, hơn nửa tiếng đồng hồ mới có một chuyến. Xe chạy cả tiếng đồng hồ mới đến nơi, nên ông có nhiều thời gian để ngủ gà ngủ gật.

Kể từ đó bà Hương tiếp tục may hàng mướn một minh, suốt ngày chân đạp máy, tay kéo vải nghe rồn rột, rồn rột. Bà không có thời gian để nấu cơm, ăn mì gói gần như trường kỳ. Thỉnh thoảng bị hãng may phát hiện may không đúng tiêu chuẩn, bà Hương phải tháo hàng ra để may lại, thật mất công.

Ông bà Hương đều có công ăn việc làm, tiền vào đều đặn, nhưng không có thời gian để nghỉ ngơi hoặc chăm sóc việc học hành của Tuấn và Tú.

 

Cũng như phần đông những người Việt khác, ông bà Hương rất thương con, không để cho chúng thiếu thốn hay thua kém chúng bạn về vật chất, không cho chúng phải vất vả đi làm thêm như đi bán báo dạo ngoài giờ học để có tiền bỏ túi tiêu xài, ông bà chu cấp tất cả cho con, mong sao chúng có thời gian, dốc tâm vào việc học. Ông bà luôn mong mỏi các con sẽ trở thành những thanh niên, thiếu nữ  có tâm hồn và phong cách Việt Nam, Tuấn phải xứng đáng là một “chàng trai nước Việt”, Tú phải là một thục nữ đoan trang. Ông bà Hương còn ước mong sau nầy con cái sẽ lập gia đình với người đồng hương để dễ cảm thông với nhau và khi ông bà có cháu nội, cháu ngoại có thể nựng nịu chúng nó, nói chuyện với chúng nó bằng tiếng Việt. Tiếng Việt dễ hiểu hơn tiếng Anh, dù nói thì thầm cũng nghe được mà ! Ông bà muốn “cha mẹ đặt đâu con cái ngồi đó” như thuở ông bà còn trẻ ở quê nhà. Mặc dầu thời buổi bây giờ có nhiều đổi thay, đối với ông bà Hương, kỷ cương gia đình theo chủ trương của Nho giáo vẫn còn là khuôn vàng thước ngọc.

 

Ông bà dạy Tuấn, Tú ở nhà phải nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt, nhưng chúng quen miệng nói chuyện với bạn bè trong lớp cả ngày bằng tiếng Anh, nên anh em cũng trao đổi với nhau bằng tiếng Anh luôn. Ông bà rầy la, bảo phải nói tiếng Việt thì chúng nín luôn, không nói chuyện nữa. Ông bà hỏi tại sao không nói chuyện tiếp bằng tiếng Việt, chúng nó trả lời rằng có những từ không biết diễn tả bằng tiếng Việt như thế nào. Bạn bè của ông bà Hương đến nhà, chúng nó chào xã giao xong rồi trốn biệt, vì e ngại phải tiếp chuyện bằng tiếng Việt. Chúng nó thích chào hỏi “Hello” hơn là khoanh tay cúi đầu “chào ông, chào bà”.

 

Ở tuổi mười ba, mười bốn, sắp nhỏ bắt đầu “bung”, chúng nó muốn làm theo ý riêng của mình. Nếu cha mẹ không để ý, con cái đi quá đà, không cách chi kéo chúng trở lại được.

 

Đáng lẽ năm nay Tuấn phải học năm thứ ba, năm học cuối cùng Đại học New South Wales, phân khoa thương mại, nhưng cuối năm thứ hai bị rớt hai môn kế toán và luật công ty, nên không đủ tín chỉ để năm thứ ba ra trường.

 

Bắt đầu lên đại học, cơ thể Tuấn phát triển rất nhanh, cao ráo, đẹp trai. Mấy đứa con gái thích kết bạn với Tuấn. Tuấn bắt đầu xao lãng việc học. Vậy mà ông bà Hương không hay. Cuối năm rồi, tình cờ ông Hương mở thư của trường đại học báo kết quả thi kết thúc môn mới biết Tuấn học hành kém như vậy.

 

Hình như hơi muộn màng rồi, Tuấn có một bạn gái người Lào, tên Keo, quen với nhau từ lúc học trung học, bây giờ Keo đã nghỉ học, đi làm nhân viên bán bánh mì. Hai đứa chơi với nhau rất khắn khít. Mỗi lần đến nhà Tuấn chơi, Keo chỉ chào hỏi ông bà Hương lấy lệ, rồi hai đứa vào phòng Tuấn đóng cửa lại, mặc sức mà tâm tình. Ông Hương cằn nhằn với bà:

-     Tụi nó không coi ai ra gì hết. Thật là yêu cuồng,sống vội! Yêu dễ dàng thì bỏ nhau cũng dễ dàng.

Nói thì nói như vậy, chớ ở xứ sở tự do nầy, thanh thiếu niên và trẻ con được luật pháp bảo vệ thật đúng mức. Cha mẹ đánh con sẽ bị cảnh sát bắt, truy tố ra tòa, có thể bị tòa ra án lệnh phải cách xa con mấy trăm thước. Rầy la con cái, chúng sẽ bỏ nhà ra đi, nhà nước có nơi để cho “người không nhà “ tạm trú và cho ăn uống đàng hoàng. Thật là một cách dung dưỡng và khích lệ hư đốn. Nhưng mà nhập giang tùy khúc, nhập gia tùy tục, ông bà Hương đành phải tuân theo luật lệ của nước Úc, không dám xử nặng với con cái..

 

Ông bà Hương cố thuyết phục Tuấn nên xa rời Keo. Ông bà nói người Lào ít khi chịu làm ăn, học hành đến nơi đến chốn, mà thích ăn chơi, làm có được chút ít tiền rồi nghỉ, tiêu pha cho hết số tiền đó, mới đi làm tiếp. Nếp sống và phong tục của họ không giống với người mình, khó ăn đời ở kiếp với nhau lắm.

Tuấn không nghe mà còn nói:

-     Sao ba má kỳ thị quá !

Có lẽ vì buồn, Tuấn phát bệnh, nằm ì trong phòng mấy ngày. Keo đến xin vào thăm, ông bà Hương nói để cho Tuấn nghỉ ngơi, không cho Keo vào. Keo nói Tuấn điện thoại gọi nó đến, rồi nó tự động đi vào phòng của Tuấn. Ông bà Hương lắc đầu, chịu thua.

 

Thời gian sau, Tuấn cho ông bà Hương biết Keo đã ăn ở với nó có thai. Như sét đánh bên tai, ông bà Hương nhứt định không chấp nhận Keo vào trong gia đình của ông bà.

 

Vài ngày sau Tuấn đi học rồi không về nhà. Ông bà Hương không tìm ra tông tích  của nó, sợ nó buồn quá rồi làm liều, hay là có bị tai nạn gì không. Ông Hương đi báo cho cảnh sát, họ chỉ ghi nhận sự việc chớ chưa có tin tức gì. Ông bà ăn ngủ không yên, riêng bà thì cứ khóc hoài, vì nhớ thương và lo lắng cho Tuấn.

 

Ông bà Hương chỉ còn hy vọng vào Tú. Không biết Tú có làm cho ông bà thất vọng nữa hay không ? Con bé thường ôm máy vi tính, nói là tìm tài liệu để làm bài, không biết có “chat” tới “chat” lui gì với thằng bạn nào phương xa chưa hề gặp mặt hay không. Tú cũng thường nói điện thoại cả tiếng đồng hồ, làm cho cả nhà không ai sử dụng điện thoại được.

 

Chuyện của Tuấn xãy ra quá nhanh làm cho ông bà Hương điên đầu. Ông trầm ngâm ít nói, còn bà tỏ ra tiếc rẻ:

-     Phải chi minh dành thời gian chăm sóc con cái nhiều hơn.

-     Phải chi nó thương đâu mình chịu đó…

Bà thở dài nói với ông:

-     Mình mong cho con cái có hạnh phúc, mà hạnh phúc là cái gì nó muốn nó đạt được. Thương con, minh nên chấp nhận tất cả nghe mình.

Ông Hương vẫn trầm ngâm, nhưng trong lòng đã dấy lên bao nhiêu điều đắng cay, chua chát, khi phải mặc nhiên chấp nhận một cuộc đổi đời mà hầu hết mọi người thời nay đã công nhận:

                        Con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đó !

 

                                                                                                Sydney, Mùa Xuân 2006

                                                                                               

     Trang Chính      Hình Ảnh      Hộp Thư      Truyện Thật Ngắn      Bút Ký      Thơ     Truyện Ngắn     Góp Nhặt     Sức Khỏe và Gia Đình     Tin Tức     Cùng Tác Giả