Trang Chính      Hình Ảnh      Hộp Thư      Truyện Thật Ngắn      Bút Ký      Thơ     Góp Nhặt     Gia Chánh     Tin Tức     SK Nghệ Thuật     Cùng Tác Giã    

Lá Thư Từ Kinh Xáng

 

Kinh xáng Bốn Tổng ngày 5 tháng 4 năm 2006

 

Kính gởi anh Nghĩa Tri Tôn,

Mấy hôm rày tui bận dời trại ruộng anh Nghĩa à, rồi lại nhận được cái "meo" của anh, tui vừa mừng lại vừa lo. Mừng là có thơ của anh là biết anh đang mạnh lại; lo là lo ba cái vụ bông điên điển đó mà.

 

Nguyên văn cái thơ anh viết thế này, xin phép được chép lại hầu giải bày cùng anh vài ba cái thắc mắc mà anh muốn biết cho rõ:

 

 "Anh Hai thân.

            Điện thoại cho anh mà trái giờ , cả tuần tôi đủ thứ chuyện,về nhà thì đã tối.

            Tôi có đọc cuốn "Tiến trình Văn nghệ miền Nam", tác giả Nguyễn Q. Thắng, và cuốn "Tạp bút năm Nhâm thân, 1992" của ông Vuơng Hồng Sển, đề cập về bông điên điển.

            Tôi chưa từng thấy cây điên điển, chỉ thấy bông điên điển làm dưa bán ngoài chợ, không nhớ có ăn chưa. Nay nhờ anh giải thích cho cái tính tò mò của tôi. Đông Tưởng nói anh rành về loại thảo mộc nầy. Trang đầu cuốn T TR V N M N , có bài thơ :

            Điên điển nở tràn sóng (*1) nước xa,                        

            Vàng in bông thắm tóc buông xòa                       

            Giăng câu mơ tưởng người trong mộng                      

            Nhớ nụ cười ai thấp thoáng qua (*2)

 

(*1) Sách ông Vuơng hồng Sển in là "sông." <br>

(*2) Vào mùa nước nổi ,trên sông rạch miền Tây, hoa Điên Điển - một loại hoa đẹp và thực dụng nở vàng cả sông nước, tỏa hương ngào ngạt.

 

Ông VHS,trang 100, cuốn sách trên, đại ý cho là không đúng  theo thực tế. Ông NQT là học giả ,có bằng :Cử nhân giáo khoa Văn chương và Triết học, Cao học Văn chương Việt Hán, Tiến sĩ chuyên khoa Việt Hán (trước 1975)

Ông NQT gốc Trường Xuân, Quảng Nam (theo tiểu sử).                 

Cám ơn anh trước, biết anh bận dọn nhà, mà lại làm phiền anh,cũng vì tánh tò mò,gần chết mà chưa bỏ tánh tò mò.

                       

Thân,

Lưu Nhơn Nghĩa "

 

Bụi Điên Điển

Thưa anh Nghĩa,

Trời thần ơi, nhận mấy hàng vắn tắt như vậy mà sao tui lo quá mạng. Vì như anh biết, từ hồi nào tới giờ tui ít giải bày chuyện ruộng rẫy bằng thơ từ, nên ngồi viết cho anh mấy hàng này mà lại là bàn về cái giống cây điên điển do một vị có bằng "tiến sĩ" viết, lại là một việc tài đình, ngoài sức tưởng tượng anh Nghĩa à!

 

 

Cây Điên Điển

 

 

Bông Điên Điển

 

 

Bông Điên Điển

 

Nhưng có điều phải nói trắng ra là cụ Vương Hồng Sển nhận xét về bốn câu thơ mà anh nói in trong trang đầu cuốn sách "Tiến Trình Văn Nghệ Miền Nam" là "không đúng trong thực tế", quả đúng y chang như vậy.

 

Tui nói cụ Vương Hồng Sển nói đúng vì bốn câu thơ này trước hết nó không có hồn. Những chữ "nở tràn sống hay sóng nước xa" không gợi được cái nét đẹp của loài bông  quê mùa nàỵ  Rồi "vàng in bông thắm tóc buông xòa" là "vàng in bông thắm" tóc ai "buông xòa".  "Giăng câu mơ tưởng người trong mộng" lại là một lô chữ thiếu thực tế.  Có người giăng câu nào mà mơ mộng quá mạng vậy. Như anh biết, hồitụi tui còn trẻ sống bằng nghề câu lưới, chỉ mong cầu cá dính câu là mừng để đỡ ngặt lúc túng thiếu, chứ làm   với mộng hoang đường chuyện trai gái. Giăng câu cực lắm nhe anh Nghĩa.  Khóe tay, khóe chưn bị nước ăn nhiều khi phải đăm lá gáo với phèn chua mà thoa lên chỗ nước ăn cho da nósăn lại đỡ đau; đó là chưa kể muỗi mòngnó cắn, cực ơi là cực chứ sướng ích gì mà nhớ mà tưởng. Thành ra tới câu "Nhớ nụ cười ai thấp thoáng qua" là chuyện ngàn năm mây bay rồi anh Nghĩa à! Làm gì mà có "nhớ" với "tưởng".

 

Đó là tui nói cái đoạn bốn câu thơ trong sách ông Nguyễn Q Thắng. Còn chuyện cây điên điển thì lại không thực ở chỗ là vì ông là một vị tiến sĩ nên ông không có làm ruộng, theo như tiểu sử anh kể, nên tui cũng không dám lạm bàn. Nhưng tui biết chắc một điều là cây điên điển thuộc loại có thân xốp, cao khoảng từ ba tới bốn thước. Chúng có lá đối nhau và bông vàng như các giống bố rừng hay lan màu vàng.

Giống lá của loài cây này có cái đặc điểm là ban ngày chúng mở ra hít thở không khí. Chính vì vậy mà khi mình vào trong một đám điên điển thấy cái mùi thơm đặc biệt của lá và cái mát mẻ của hơi thở mà nó thở ra hít vô đó. Nó mát kỳ lạ lắm mà tui thì chữ nghĩa ít quá không biết sao giải thích cho rõ hơn được.

 

Tới chiều lúc mặt trời gần lặn, mấy cái lá đối nhau nhỏ li ti ấy nó tự động xếp lại nhe anh Nghĩa. Tức là nó nhắm mắt ngủ suốt đêm để sáng hôm sau lại mở mắt ướt sương mù và đón mặt trời mọc.

 

Người ta trồng cây điên điển bằng hai cách. Nếu anh muốn trồng bằng hột thì lúc trái điên điển già mình hái vô và lấy hột phơi khô và chờ tháng hai tháng ba đất cày bừa xong mới tủ rơm đốt cho cháy rụi rồi vải hột. Một công đất tùy theo muốn sạ dày hay thưa mình để dành hột giống từ vài ba lít cho một công. Khi sạ xong, chờ mưa xuống hột sẽ nứt nanh và mọc thành cây.   Sau này có máy bơm nước mình bơm nước lên khỏi cần đợi mưa, điên điển lên sớm hơn.

 

Tới tháng Bảy nước tràn đồng thì bông điên điển bắt đầu trổ vàng rực. Bông điên điển buổi sáng còn búp, trưa nở, chiều gần tàn. Nên hái bông điên điển thường hái buổi sáng hoặc buổi trưa.  Vì bông điên điển búp thì ngọt, nở rồi lại bớt ngon, mà sắp tàn thì bông lại lạt nhách, ăn không bằng bông búp.

 

Qua tháng tám, tháng chín, người ta bắt đầu đốn điên điển phơi khô làm củi.  Củi điên điển vì thân cây xốp nên lửa cháy bạo nhưng mau tàn. Nhưng mỗi nhà trồng được một công điên điển mình có thể chụm nấu cơn trọn một năm nhe anh.

 

Đó là tui kể sơ qua vụ trồng điên điển bằng hột. Còn cách trồng nữa là mình trồng bằng hom; tức là trồng bằng các nhánh non của chính cây điên điển. Số là vào khoảng tháng sáu, tháng bảy, khi cây điên điển sắp già và trổ bông, mình muốn lấy nhánh non làm hom, anh phải đạp cho cây điên điển cò xuống. Thân cây điên điển nằm dài theo mé nước nó nẫy những mầm và đăm chồi lên. Những chồi này lớn nhanh.  Vào tháng chín, tháng mười nước sắp giựt, vì 25 tháng chín nước phân đồng, mùng 10 tháng 10 nước giựt, mình dọn đất sạch sẽ rồi chặt mấy chồi điên điển mà mình định làm giống bó lại từng bó, dựng dưới đất bùn. Các chồi này gọi là hom điên điển giống như hom mía giống vậy mà. Khi thấy các hom này ra rễ là mình đem cắm xuống miếng đất mà mình đã dọn sẵn trồng cây điên điển. Cắm hom theo khoảng cách tùy theo mình muống trồng dày hay thưa nhưng thường thường cách nhau chừng năm tấc, xa lắm là một thước vì cắm dày qua điên điển sẽ ít nhánh và cây không lớn, mà cắm thưa qua thì lại phí đất.

 

Đất trồng điên điển hồi thời tui với anh còn nhỏ thì miệt trên mình đất gò, đất xấu làm rẫy không tốt là trồng. Có người trồng vài ba công sát mé vườn vì hồi xưa đất nhiều người thưa nên đất xài hổng hết. Sau này dân đông mà đất không nở nên người ta trồng điên điển theo bờ mương, bờ kinh xáng, ít ai trồng ở bờ sông vì điên điển không thích xuống sông sâu nước chảy anh Nghĩa à. Nó là giống hoa đồng cỏ nội nên nó chịu sống trên bờ kinh, bờ mương hoặc đất gò, đất ruộng. Đó là đặc điểm của loài bông này nhe anh.  Nếu thỉnh thoảng anh thấy cặp bờ sông mà có loại cây này thì cũng giống như tui có hôm lên thăm Sài Gòn vậy mà, không giấu được gót chân đóng phèn của mình!!!

 

Anh Nghĩa Tri Tôn thân,

Về các món ăn từ bông điên điển thì nhiều. Anh ăn sống chắm nước cá kho hoặc mấm kho cũng được. Nó có mùi vị của giá sống. An giòn giòn mát miệng. Bông điên điển làm dưa ăn giống dưa giá. Bông điên điển nấu canh chua với cá lóc, cá rô càng ngon. Bông điên điển nấu canh thường với cá trê ăn giống canh cá trên nấu với bông so đũa. Rồi bông điên điển mà xào thịt heo ba rọi ngọt ơi là ngọt.  Bông điên điên xào với tép, bỏ thên chút thịt heo  hoặc thịt gà làm nhưn bánh xèo ăn hết sẩy.  Nhưng anh xào nấu món gì ăn cũng ngon ráo trọi kể cả luộc chắm tương chao ăn cũng ngon như thường vì nó có vị mát, ăn vô là khoẻ re cái bụng.

 

Ngoài ra, cây điên điển còn trị được bịnh dời ăn. Người ta bẻ cái đọt điên điển, ở đó có mũ điên điển chảy ra và thoa lớp mũ lên chỗ dời ăn vài ba lần là lớp da bị dời ăn từ từ khô lại và hết hồi nào mình hổng có hay. Vậy mà trong cuốn "Các cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của giáo sư Đỗ Tất Lợi, dày gần 1300 trang, mà tui tìm hoài hỗng thấy thầy tiến sĩ này nhắc tới cái loại cây mọc đầy ở miệt ruộng rẫy của mình. Nghĩ mà thương cho một loài cây hữu ích mà bị bỏquên. Phải hông anh?!?

 

Thưa anh nghĩa Tri Tôn,

Thơ viết cho anh khá dài mà trong bụng còn muốn nói hoài nhưng mắt mũi tui bây giờ kém quá  mạng nên xin anh cho tui ngừng ở đây nhe anh Nghĩa. Có trúng trật gì xin anh cho tui biết thêm rồi cái nào biết tui gởi anh thêm, còn cái nào mình hỗng biết thì tui cũng nói cho anh biết là tui mù tịt để anh đở lòng mong đợi.

 

Kính chúc anh chị và mấy cháu mạnh giỏi.Cho tui gởi lời thăm mấy anh chị Lộc Tưởng và Đoàn Đông, anh Dương Văn Chung và bà con TSCD mình mạnh giỏi luôn thể nhe anh.

 

Kính thư,

Hai Trầu

     Trang Chính      Hình Ảnh      Hộp Thư      Truyện Thật Ngắn      Bút Ký      Thơ     Góp Nhặt     Gia Chánh     Tin Tức     SK Nghệ Thuật     Cùng Tác Giã