Trang Chính      Hình Ảnh      Hộp Thư      Truyệnt Thật Ngắn      Bút Ký      Thơ     Truyệnt Ngắn     Góp Nhặt     Sức khỏe và Gia Đình     Gia Chánh     Phân Ưu     Tin Vui     Tin Tức     Trở lại trang trước     

Lá Thư Từ Kinh Xáng

 

Kinh xáng Bốn Tổng ngày 23 tháng 9 năm 2007

 

Thăm anh chị Đoàn Đông & Lộc Tưởng,

Năm nay sắp nhỏ không làm lúa vụ ba, nên trong nhà tháng nước này hơi rảnh rang một chút, tui ngồi biên mấy hàng này gởi thăm anh chị cùng bà con Châu Đốc Thất Sơn luôn thể . Sô là mùa nước lên nhưng năm nay tháng 8 âm lịch rồi mà nước chưa lên nhiều nên cá mú dạo này kiếm ăn cũng hổng có dễ . Sắp nhỏ giăng lưới 3 phân rưởi một đêm kiếm được vài ba ký bán cũng được vài chục ngàn, rồi cũng đấp đổi qua ngày anh chị à . Ở nhà quê mà, tháng nước thì chỉ giăng câu, giăng lưới thôi, chớ hổng biết làm gì thêm cho có huê lợi như ở chợ búa mua bán có đồng ra đồng vô coi bộ khỏe re …

 

Thưa anh chị,

Số là vài bửa nay , tui có nhận được tờ  đặc san “Châu Đốc, quê hương và nỗi nhớ”, hổng biết ai gởi cho mà hổng thấy đề địa chỉ người gởi; nên dịp này nhờ anh chị chuyển lời tui vô vàn đa tạ tấm thạnh tình của hội đồng hương Châu Đốc còn nhớ tui mà gởi báo cho để đọc đở nhớ mấy anh chị xa nhà …

 

Rồi tui bắt đầu đọc đi đọc lại vài bận vài bài nói về mùa cá linh, về lúa sạ, về năm non bảy núi, và nhiều trang báo khác, tui đọc bắt ngây anh chị à ! Nhơn đây, tui xin ghi ra vài nhận xét gởi qua cho anh chị tường lãm coi cái anh già này đọc báo là đọc thiệt tình chứ hổng có đọc lướt lướt qua trang rồi bỏ qua luôn nhe anh chị …

 

Trước nhứt bài của thầy Nguyễn Thanh Liêm viết về “Châu Đốc”,( trang 9), thầy Liêm có nói lúa sạ vùng mình là do ông Phan Văn Vàng ở Tân Châu đi mua bán cá sấu bên Miên mang về phổ biến ở Châu Đốc vào cuối thập niên 1920. Tình thiệt, tui hổng biết trúng trật gì nhưng hồi xưa tui có đọc “Bảy ngày trong đồng Tháp Mười”, nhà văn Nguyễn Hiến Lê có viết:”Năm 1891, cố đạo Conte, coi nhà thờ Năng Gù (Long Xuyên) đem một giống lúa ở Cao Miên về đây gieo thử : nó sống và lên theo kịp nước lụt, nên người Pháp gọi là lúa nổi (riz flottant) còn người mình gọi là lúa sạ vì trồng nó chỉ cần cày bừa, sạ (gieo) rồi đợi tới mùa gặt. Khỏi phải cấy .” (Bảy ngày trong đồng tháp Mười, trang 86).

 

Rồi thầy Liêm kể về cách bắt cá linh bằng “bò” ở miệt sông tiền Giang từ biên giới Miên đến Vàm Nao (xã Hòa Hảo). Tui thấy thầy Liêm tả cái “bò” là dụng cụ đươn bằng tre gọi là “bò”. Thiệt tình tui hổng biết cái bò này theo lời tả của thầy hình dạng nó ra làm sao ; nhưng ở miệt Mặc Cần Dưng thì tui biết cái “bò” như vầy : Người ta đóng một cái sườn bằng cây hình dạng giống như cái mui ghe cà dom. Xung quanh lợp bằng những miếng cật tre cho kín. Ở phía trước thì để trống; phía sau đít cái bò lợp kín và có chừa cửa  nhỏ và có nắp đậy để mỗi khi kéo bò lên, người ta mở cái cửa này mà đổ cá ra thúng hoặc ra thùng. Dưới bụng cái bò, người ta làm hai cây rượng bằng hai cây tre lớn và dài tới ngọn, loại tre mạnh tông già càng tốt để  khi kéo bò, mọi người xúm nhau lại nắm hai ngọn tre kéo lên nhanh khỏi cái ụ vừa nhẹ vừa không bị vướng bùn để cá không chạy vọt ra kịp .

Sau này có người có đủ phương tiện họ dùng lòi tói làm cái cảo để quay cái bò lên thay vì kéo bằng tay vừa nặng vừa chậm nên cá lớn dễ chạy thoát .

 

Trong lòng cái bò, người nhà quê thường chất chà  tre hay nhánh bần hoặc nhánh me nước cho cá vô dựa và cá tưởng như đống chà trên sông. Địa điểm đặt bò thường mấy chỗ gần vịnh vì cá lớn thường ở vịnh hơn ở chỗ doi . Bò mỗi ngày chỉ kéo một vác hoặc vài ba bửa mới kéo một lần cá mới có nhiềụ . Các loại cá vô dựa trong bò thường là cá rô biển, cá lóc, cá trê, cá chạch lấụ . Đôi khi có cá rô đồng, cá thác lác nhưng tui hổng thấy cá linh vì cá linh là loại cá đi theo từng bầy và loài cá đi theo nước chảy chứ hổng có chịu dựa vô chà như nhiều loại cá đen mà tôi vừa kể . Riêng cái ụ để đặt cái bò thường ở chỗ tương đối ấm cúng. Muốn vậy, xung quanh cái ụ người ta cũng cắm chà chung quanh để cá dạn ở và ghe tàu cũng hổng có đụng vô bò làm cá bị động bỏ đi nơi khác . Tui hổng rành cái “bò” của thầy Liêm tả có giống cái “bò” ở miệt Mặc Cần Dưng hông ?

 

Ngoài ra, tui cũng hổng dám có ý kiến gì về “Nhớ mùa cá linh” của tác giả Hoài Phương (trang 57) nhưng tui biết chắc là cá linh là loại cá không ở cố định một chỗ . Tháng năm cá linh non ở trên sông. Tháng 6, tháng 7 cá lội vô đồng. Tháng 8 cá trọng. Ngày 25 tháng 9 âl nước phân đồng và cá linh dợm ra mé kinh dò đường sẵn để tháng 10 nước giựt là hè nhau lội ra sông ráo trọi . Tháng 11 cá linh hổng còn một con vì đồng khô lúa sắp sạ .Cho nên mỗi giai đoạn bắt cá linh theo mỗi kiểu nhưng chung qui hổng ra khỏi đăng đó khi cá linh non; giăng lưới khi cá linh lớn và lúc cá linh ra sông . Còn kỳ dư khi cá xuống sông rồi là chỉ mấy đồ nghề này là chính : chài, vó cất, đóng đáy ngang sông là bắt cá linh hết sẩy . Hồi xưa ở rạch Mặc Cần Dưng, cá ra sệt nước, các miệng đáy chẳng những đầy nhóc cá linh mà còn nhiều loại cá khác miễn ra sông là dính đáy nhiều lúc phải bửa đụt, xổ cá ra bỏ bớt để rách đáy như Hoài Phương kể trong “Nhớ mùa cá linh” đó anh chị .

 

Thưa anh chị,

Viết về “Ba sông & bảy núi” thì theo tui, tác giả Nguyễn Bổn viết hết sẩỵ, vừa tận mắt thấy núi thấy sông, vừa sống với sông với núi chứ hổng viết theo sách địa lý . Tui thiệt tình là biết sợ bài viết vừa gần gũi , vừa chính xác và vô cùng súc tích này dù chỉ gói gọn trong 3 trang báo . Không cần minh hoạ hình ảnh mà các chi tiết về núi, về sông quá sống động . Hổng chỗ nào mình có thể thêm vô hay bớt ra được .

 

Tới bài “Người dân Châu Đốc” mới thấy cái nét lãng mạn của anh Bảy Tân Châu và cái lòng hiếu thảo của chàng rể Tân Châu hổng thua bất cứ chàng trai xứ nào khác. Cái kết của truyện cảm động.

 

Tới “Chuyến xe cuối năm” của anh Nghĩa Tri Tôn xin để anh chị và bà con bàn, tui hổng dám thêm thắt ý kiến gì vì hổng khéo lại mang tiếng “mặc áo dài khăn đống lạy nhau”, rồi tui lại buồn năm phút…

 

“Vài kỷ niệm về Thủ Khoa Nghĩa Châu Đốc” của thầy Dương Danh Khoa, phần kết cảm động và tui tin học trò cũ của thầy giờ tóc đã hai màu rồi, thầy làm tui hổng có học với thầy mà còn thấy lòng vô cùng cảm động, nói gì mấy anh chị học trò cũ của các lớp thầy đã dạy hồi1963, 1964 !!!

 

Về thơ, thì bài “Ba khúc quê” của Inrasara quá mớị. Lâm Hảo Dũng qua “Hương đồng cỏ  nội” lại quá quen. Phan thị Cúc Vàng thì thơ chở xuồng tình qúa khẩm nhiều lúc đọc thơ của Phan thị Cúc Vàng chỉ thấy xuồng luôn lé đé sắp bị những lượn sóng lưởi búa nhận chìm ….

 

Thưa anh chị,

Xin lướt qua vài bài trên “Châu Đốc, Quê hương & Nỗi nhớ”, tui có vài ý kiến như vậy nhằm chia sẻ cùng anh chị như tiệng dội lại từ kinh xáng Bốn Tổng này để anh chi và các tác giả biết tui có đọc báo thiệt tình . Xin có lời cảm ơn anh chị và bà con TSCD đã nghĩ tình mà gởi báo cho tôi không ngại tốn tiền dán cò dán tem tới hai ba đô la chứ ít ỏi gì ..

 

Kính chúc anh chị và bà con nhiều sức khoẻ, vạn sự như ỵ

 

Nay thư,

Hai Trầu