SÔNG RẠCH MIỀN TÂY VÀ
VÀI LOẠI GHE XUỒNG THÔNG
DỤNG
Miền Tây là miền sông rạch chằng chịt. Bạn đi đâu, về đâu bạn đều gặp trên đường
bạn đi biết bao là sông rạch. Có những con sông thiên nhiên mà cũng có những
con kinh đào, có những sông cái lớn mà cũng có những kinh rạch nhỏ nữa, không
làm sao kể xiết. Là một cư dân được sanh ra và lớn lên nơi làng quê, một trong
những vùng sông nước ấy, nên trong dòng đời xuôi ngược, tôi có nhiều dịp sống với
sông ngòi vùng quê của tôi mà dường như cũng là của bạn nữa!
Rạch Trầu (Tân
Bình, Lấp Vò, Sa Đéc)(hình Trần Nhiếp)
Hồi đó, anh chị em tôi được cha mẹ sanh ra tại làng Tân Bình (Lấp Vò)(1) với
con rạch nhỏ thường cạn nước có cái tên rất mộc mạc là Rạch Trầu. Thuở nhỏ tôi
thường nghe song thân chúng tôi kể lại thời mới khai hoang thì Rạch Trầu chỉ có
voi đi rồi lâu dần thành rạch. Con rạch rất cạn! Vào mùa nắng, nhiều lúc nước
ngoài sông lớn chỉ chảy vô rạch chưa đầy rạch thì nước lại ròng và nước trong rạch
bắt đầu rút trở ra sông lớn để lại lòng rạch khô nước. Mà sông ấy có tên là rạch
Tân Bình. Rạch Tân Bình nói là sông lớn nhưng bề ngang con sông chỉ vài chục
thước với nhiều cua quẹo cong queo chảy từ chợ Lấp Vò vô tới cuối làng và gặp
dòng nước từ dưới ngả tư Cai Bường (dân quê đọc trại ra là Cái Bường) bên làng
Vĩnh Thạnh chảy qua, nên ở chỗ giáp nước ấy lòng sông rất cạn; có khi vào mùa nắng
nước ít và lại gặp cỏ bò ra lấp mặt nước với nạn lục bình nữa thì xuồng ghe không
cách nào bơi qua khúc sông này được. Vả lại hồi mấy năm còn chiến tranh, ở chỗ
cuối làng ấy ruộng hoang nhà trống nhiều vì dân chúng phải bỏ làng tản cư nên
lòng sông vốn không sâu lại càng hoang vắng tiêu điều hơn. Về sau này, có dịp về
làng cũ làm ruộng, rồi có dịp đấp đường bồi lộ bắc cầu, tôi mới vào vùng quê
thanh vắng ấy nhưng sông Tân Bình ở mấy chỗ giáp nước này sông chẳng lớn được
bao nhiêu!
Ngã ba vàm Tân
Bình và Xáng Lớn (Lấp Vò, Sa Đéc)
Cầu ván bắc ngang
vàm Tân Bình ngày trước.(Hình do Huỳnh Hữu Đức chụp)
Dọc theo con rạch Tân Bình, có nhiều rạch nhỏ dẫn nước vô đồng. Ngoài Rạch Trầu,
từ ngoài chợ cũ Lấp Vò trở vô, quê tôi còn có Rạch Bờ Cao với ngôi chùa Ông mái
chùa lợp tole vách lá nghèo nàn, Rạch Dược với ngôi chùa Tân Phước Tự, Xáng Nhỏ
dẫn nước vô cánh đồng Tân Bình-Bàu Hút, rạch Xẻo Da, rạch Bà Chánh, ngã Bát,
ngã Cạy dẫn qua vùng Đất Sét Nhỏ thuộc làng Mỹ An Hưng. Từ chợ Cũ Lấp Vò, nếu
ngược lên Cái Tàu về hướng sông Tiền Giang, qua hai làng Bình Thạnh Trung và
làng Hội An Đông, bạn sẽ lần lượt đi qua những vàm rạch nhỏ như rạch Xẻo Tre với
ngôi chùa Thiên Phước nằm ngay nơi vàm rạch, rồi rạch Mương Kinh , cả hai con rạch
này thuộc Sa Đéc; rạch Cái Nai, rạch Xẻo Môn hồi đời trước thuộc Lấp Vò, nay
thuộc Chợ Mới (An Giang) .
KinhMương Khai
(Tân Bình, Lấp Vò)
Bạn đi lên chút nữa tới chợ Cái Tàu nằm bên bờ sông Tiền Giang với dòng
sông nước chảy xiết từ trên Châu Đốc đổ xuống Cao Lãnh, Sa Đéc, Vĩnh Long… Nhớ
có lần tôi còn nhỏ, về ngang chợ Mỹ Luông rồi qua đò ghé thăm Cù Lao Giêng với
trại mồ côi và ngôi nhà thờ lớn nhứt vùng. Cù Lao Giêng ngày ấy cách nay năm
mươi năm mà sao rất trù phú với nhiều máy dệt vải, nhiều vườn cây ăn trái sai oằn…
Nếu bạn theo dòng sông Tiền Giang, phía Cao Lãnh, qua khỏi tỉnh lỵ một đỗi khoảng
chừng tám chín cây số bạn sẽ gặp địa danh Phong Mỹ, nơi này có con kinh chạy vô
Đồng Tháp Mười qua các vùng Mộc Hóa, Kiến Tường cũ dẫn tuốt lên tới vùng đất Thủ
Thừa thuộc Long An mà mấy năm 1984 chúng tôi có dịp theo chiếc ghe cui của một
người bạn làm ruộng chở gạo lên Sài Gòn bán theo con kinh này dẫn tới Bến Lức
đi qua hai con sông Vàm Cỏ của tỉnh Tân An. Hồi ấy vùng này hai bên bờ kinh có
trồng lúa thần nông nhưng những cánh đồng năn và lác cũng còn nhiều với bờ kinh
trồng tràm hoặc cây bạch đàn cành lá lất phất như những cành liễu … Tại nơi vàm
kinh Phong Mỹ, tôi còn nhớ những lúc đậu ghe dưới bến các trại cưa cây, nấu
cơm ăn chờ cây lên nề xẻ gỗ chở về làm trụ cầu, lúc chúng tôi cùng dân làng hùn
tiền bắc cầu bồi lộ hầu giúp cho việc đi lại của bà con làng Tân Bình được dễ
dàng vì hồi đời trước tới mấy năm vừa kể làng quê tôi có nhiều nơi xe gắn máy vẫn
còn chưa tới được vì còn quá nhiều cầu khỉ bắc qua những mương rạch.
Cầu ván ngã ba Gia
Vàm-Thủ Ô nơi chỗ giáp nước do dân làng góp công bắc năm 1990,
nay cũng bị thay bằng cầu đúc.
Trở lại vùng sông Tiền Giang từ Phong Mỹ (Cao Lãnh) chạy dài lên tới Hồng Ngự
bên kia sông đối diện bên này sông là chợ Tân Châu thì vùng Tân Châu, Châu Đốc
có rất nhiều kinh rạch nhỏ dẫn nước từ hai con sông cái Tiền Giang và Hậu Giang
vào các cánh đồng mang phù sa phủ khắp vùng đất trù phú này. Nhưng trước hết
phía Mỹ Luông (Chợ Mới) chạy về hướng Tân Châu có mấy con sông chính như sông
Vàm Nao, rạch Cái Vừng (Long Sơn). Tại Tân Châu có kinh Vĩnh An Hà mà vàm kinh
nằm ngay tại phía dưới chợ Tân Châu, cuối con đường Bạch Đằng cũ nay đã bị trôi
theo dòng nước cuốn lâu rồi, con kinh này còn gọi là Kinh Cũ dẫn nước từ sông
Tiền Giang chạy qua tới sông Hậu Giang thuộc làng Châu Phong dài 17 cây số mà
vàm phía Châu Phong đổ ra Châu Đốc nhìn về Núi Sam bát ngát cả một vùng; còn
vàm chính phía chợ Tân Châu thì vàm kinh này đã bị lấp khoảng năm sáu năm nay rồi.
Bến nước xưa nay chỉ còn là bờ đất mới thành con lộ, làm người xưa cứ đêm đêm nằm
ngủ mà như chợt giựt mình nghe tiếng ai gọi đò trong câu thơ của Tú Xương thuở
nào:
“Sông sâu giờ đã lên đồng,
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô
khoai.
Đêm nghe tiếng ếch bên tai,
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi
đò.”
Vàm kinh Vĩnh An
Hà năm 2005, tại chợ Tân Châu lúc chưa bị lấp.(Tân Châu, An Giang)(hình
HT)
Vàm kinh Vĩnh An
Hà bên bờ Tiền Giang, tại chợ Tân Châu, nay đã bị lấp thành đường xe chạy
.(Tân Châu, Châu Đốc)(hình Thái Lý)
Cầu sắt bắc ngang
kinh Vĩnh An Hà tại chợ Tân Châu lúc vàm kinh chưa bị lấp.(hình Thái Lý)
Riêng miệt Châu Đốc với hai nhánh sông Cửu Long là chánh thì toàn vùng này
còn có nhiều sông rạch nhỏ cũng như các con kinh đào làm thành một mạng sông rạch
dày đặc phủ khắp nơi này. Chẳng hạn như vùng An Phú có con sông Bắc Nam, vùng
Vĩnh Hội Đông (An Phú) có rạch Chắc Ri, vùng Vĩnh Ngươn có rạch Cây Gáo, vùng
Châu Phú có rạch Cần Thảo, kinh Ông Cò, kinh Mỹ Đức, vùng Vĩnh Xương có Kinh
Năm Xã, kinh 186 Vĩnh Mỹ. Đó là chưa kể con kinh quan trọng nhứt vùng là kinh
Vĩnh Tế và các kinh đào vùng Núi Sam như kinh cầu số 2 Núi Sam, kinh cầu Ba Nhịp,
kinh cầu số 4 Núi Sam…
Vàm Kinh Cũ (Vĩnh
An Hà) phía Châu Phong, Châu Đốc.(hình Thái Lý)
Rạch Cây Gáo làng
Vĩnh Ngươn (Châu Phú, Châu Đốc)(hình Thái Lý)
Xuồng ghe trên
kinh Vĩnh Tế, Châu Đốc.(hình Thái Lý)
Kinh 186, Vĩnh Mỹ,
Châu Đốc.(hình Thái Lý)
Kinh cầu số 2, Núi
Sam, Châu Đốc(hình Thái Lý)
Kinh cầu số 4, Núi
Sam, Châu Đốc.(hình Thái Lý)
Kinh cầu Ba Nhịp
(Núi Sam, Châu Đốc)(hình Thái Lý)
Rạch Cần Thảo,
Châu Phú, Châu Đốc.(hình Thái Lý)
Kinh Mỹ Đức (Châu
Phú, Châu Đốc)(hình Thái Lý)
Rạch Chắc-Ri làng
Vĩnh Hội Đông (An Phú, Châu Đốc)(hình Thái Lý)
Thêm vào đó, nếu qua khỏi vùng Mỹ Đức, theo con đường liên tỉnh lộ số 9 cũ
xuôi xuống Long Xuyên, chúng ta còn phải đi qua nhiều cây cầu bắc ngang những
kinh rạch quen thuộc với cư dân Long Xuyên-Châu Đốc và có lẽ ai đã từng sống hoặc
đi qua vùng này chắc cũng còn nhớ rất rõ như kinh xáng Cái Dầu, kinh xáng Vịnh
Tre; xuống tới Năng Gù có kinh Ông Quít, rồi gặp cua Mặc Cần Dưng có rạch Mặc Cần
Dưng là một con rạch khá lớn, dòng nước chảy từ vàm nơi sông Hậu Giang vô tới
Tri Tôn (Xà Tón) lúc nào ghe xuồng đi lại cũng tấp nập. Qua khỏi rạch Mặc Cần
Dưng, nếu bạn đi tiếp xuống Long Xuyên bạn sẽ lần lượt qua các cầu Mương Trâu,
rồi đi một đỗi nữa gặp rạch Chắc Cà Đao nằm ngay bên chợ Hòa Bình Thạnh là một
quận lỵ Châu Thành của tỉnh Long Xuyên ngày trước. Rồi đi tiếp nữa bạn sẽ qua rạch
Xép Bà Lý, rạch Cần Xây, rạch Trà Ôn, cua Lò Thiêu với cây cầu Nguyễn Trung Trực
bắc ngang con sông dẫn nước từ ngoài sông Hậu Giang với vàm sông ngay ty Trường
Tiền nằm cuối đường Tạ Thu Thâu, con sông này chảy vô Núi Sập. Xuống tới chợ
Long Xuyên với cây Hoàng Diệu bắc ngang kinh Thoại Hà mà dân ở đây quen gọi là
lòng Long Xuyên. Chính con kinh Thoại Hà này chảy vô tới rạch Bà Bầu sẽ gặp con
sông chỗ cầu Nguyễn Trung Trực khi nãy thì hai nhánh sông này gặp nhau và tiếp
tục chảy vô tới Rạch Giá và đổ ra biển.
Qua khỏi thị xã Long Xuyên, tiếp tục theo con đường liên tỉnh số 9 cũ hướng về
Cần Thơ, bạn sẽ lần lượt qua cầu rạch Cái Sơn, rạch Tầm Bót, rạch Gòi Lớn, rạch
Gòi Bé, rạch Cái Sao, rạch Cái Dung, rạch Cái Sắn; qua khỏi rạch Cái Sắn một đỗi,
là ngã ba Rạch Giá-Cần Thơ ; nếu bạn theo đường Rạch Giá thì vô tới chợ Tân Hiệp,
bạn sẽ gặp một loạt các kinh đào mang những chữ từ A tới F, những con kinh này
xuất hiện khi có cuộc di cư của đồng bào từ miền Bắc vào định cư tại vùng này
sau năm 1954 . Hồi đời trước vùng này là cánh đồng lúa mùa bao la bát ngát với
nhiều vạt đất có nhiều đá nổi như vùng Bắc Dục thuộc xã Phú Hòa, Vĩnh Chánh,
sau này cánh đồng này ruộng lúa thần nông thay thế lúa mùa và nhà cửa dọc theo
các bờ kinh sầm uất, sung túc lắm.
Giờ trở lại ngã ba Rạch Giá-Cần Thơ, nếu bạn muốn tiếp tục đi về hướng Cần Thơ
thì bạn qua vùng Thốt Nốt với rạch Trà Uối, rạch Bồ Ót, rạch Thốt Nốt; và khi
qua khỏi địa phận Thốt Nốt bạn sẽ gặp rạch Cần Thơ Bé, rạch Ô Môn, rạch Bình Thủy.
Khi vào địa phận tỉnh lỵ Cần Thơ chúng ta phải đi qua cây cầu rạch Cái Khế nằm
ngay trên đường Nguyễn Trãi; nếu bạn tiếp tục khi ra khỏi thành phố náo nhiệt
nơi này, bạn sẽ gặp cầu Cái Răng bắc ngang rạch Cái Răng, nơi mà tôi có một thời
ở đó ba bốn tháng trong một chủng viện Công Giáo với những ngày tháng lao lung
trong cuộc đời khi còn rất trẻ. Nếu bạn theo con rạch Cái Răng này đi hoài theo
dòng nước chảy xiết ấy thì bạn sẽ gặp kinh xáng Xà-No, vô Vị Thanh (Chương Thiện)
và tiếp tục chảy dài tới Hỏa Lựu, cầu đúc Cái Sình, ngả ba Nước Trong xuống tuốt
dưới Vĩnh Thuận về hướng U Minh, Rạch Giá-Cà Mau. Nơi các bến nước này cũng như
phía bên kia vùng đất Hỏa Lựu (Long Mỹ) tôi có một thời lặn hụp khá lâu để gạn
lưới dỡ chà bắt cá tôm vào những mùa tháng chạp, tháng giêng mà nghe tiếng thở
dài chính mình chẳng biết lúc nào về lại làng cũ…
Giờ xin mời bạn trở ra vùng chợ Cái Răng theo con đường quốc lộ 4 cũ ngày trước
về hướng Sốc Trăng, bạn sẽ tới ngã ba Hòa An nơi có con lộ đá rẽ về hướng Vị
Thanh (Chương Thiện), nơi đây dường như có rạch Hòa An vì hồi đó lâu quá tôi
cũng quên rồi nhưng ở đây dường như có cây cầu đúc rất kiên cố gọi là cầu Hòa
An. Sau khi qua khỏi ngã ba Hòa An, bạn sẽ gặp chợ Cầu Trắng với con rạch chạy
miết vô đồng mà mấy năm còn đi học ở Cần Thơ tôi xuống thăm ông anh tôi đang
xây cất cây cầu nơi chợ làng này và có ngủ lại nơi ấy một đêm và ớn tới bây giờ…
Qua khỏi chợ Cầu Trắng bạn sẽ đến ngả bảy Phụng Hiệp. Đây đúng là một ngả bảy với
ghe xuồng chợ búa buôn bán tấp nập với bảy con kinh đi về bảy hướng khác nhau gồm
kinh Cái Côn, còn gọi sông Cái Côn, nhánh sông này hướng về sông Hậu Giang;
kinh Mang Cá hướng về Kế Sách (Sốc Trăng), cả hai kinh Xẻo Vông hướng về sông
Ba Láng, kinh Xẻo Môn hướng về lòng sông Cần Thơ, kinh Mương Lộ hướng về Sốc
Trăng, kinh Quản Lộ đi Cà Mau, và kinh Lái Hiếu đi Long Mỹ xuyên qua lung Ngọc
Hoàng. Lung Ngọc Hoàng là một cái lung rộng lớn, nước cầm thủy quanh năm không
bao giờ cạn, vì thế cá, tôm, rùa, rắn, chim cò vùng này sống quanh năm ở đây,
nhiều lắm, nhứt lá cá lóc , cá sặt rằn, cá rô con nào con nấy muốn có râu… Nhớ
hồi ấy, năm 1980, tôi có đi qua vùng Phụng Hiệp này rồi theo kinh Cái Côn để về
Mương Khai (Cái Côn) làm lò gạch nhưng vì đi lần đầu nên tôi chỉ thấy sông nước
mênh mông nên cũng chẳng biết gì hơn là nỗi lo phải đến một vùng xa lạ nữa
trong những ngày gian khổ lúc bấy giờ nên chẳng lấy gì làm vui với tâm trạng
lúc nào cũng rầu rĩ ấy!
Từ bến Ninh Kiều (Cần Thơ) nếu bạn theo đường sông Hậu Giang, bạn sẽ qua Xóm
Chài, xuống rạch Mái Giầm, rạch Cái Côn, Mương Khai, Mương Cau và xuôi theo
dòng nước sông Hậu về Kế Sách (Sốc Trăng). Nếu qua Tiền Giang vùng Vĩnh Long có
sông Mang Thít, vùng Trà Vinh có sông Láng Thé là những con sông lớn. Còn trở lại
Cà Mau, bạn sẽ gặp rất nhiều sông rạch thuộc vùng nước mặn này như sông Ông Đốc,
sông Bảy Háp, nhiều lắm không kể xiết…
Với một vòng quanh vài ba miền mà tôi có dịp đi qua và lược kể cùng bạn dù còn
vài ba vùng nữa tôi chưa nhắc nhưng đủ cho thấy miền Tây Nam nước Việt dưới này
là cả một vùng sông ngòi, kinh rạch làm thành một mạng nhện không làm sao kể
cho hết; và dĩ nhiên với thiên nhiên đi đâu cũng gặp nước là nước thì phương tiện
chuyển vận chính ngày xưa mà dân cư các vùng này phải sử dụng chính là ghe xuồng.
Nhưng xuồng ghe cũng không đơn thuần chỉ ghép be ván làm nên những chiếc ghe xuồng,
mà cũng còn tùy đi vào sông nhỏ, hoặc sông lớn thì mỗi loại sông rạch đó nó có
những loại xuồng ghe khác nhau nữa. Chẳng hạn bạn đi sông Cái không thể bạn bơi
xuồng nhỏ vì xa và nguy hiểm; nhưng nếu bạn vào những kinh rạch nhỏ bạn không
thể dùng ghe quá lớn để chuyên chở trên những con kinh cạn. Do vậy xuồng ghe
nói chung, nhưng cũng tùy lúc sông sâu kinh cạn là mà sắm ghe xuồng cho hợp với
thiên nhiên.
Trước hết nhắc về xuồng thì các vùng Mặc Cần Dưng, Hang Tra, Trà Kiết, Định Mỹ,
Vĩnh Chánh, Phú Hòa và nhiều vùng khác thuộc Long Xuyên lại thích xuồng cui, loại
xuồng khá lớn với mũi và lái hơi bầu, sức chở nặng, thường dùng để chuyên chở
lúa gạo hoặc cắt cỏ cho bò trâu. Vùng Lấp Vò cũng ưa sử dụng kiểu xuồng này.
Vùng Mộc Hóa, Kiến Tường thuộc Đồng Tháp Mười cũng như miệt dưới như Chương Thiện,
Cà Mau, Rạch Giá nhiều rừng tràm lại thích xuồng ba lá. Loại xuồng này được
đóng bằng ba tấm be lớn, một be làm đáy xuồng và hai be hai bên hông, di chuyển
nhẹ nhưng chở không nhiều, mỗi chiếc chỉ đi được vài ba người nhưng thường thường
hai người đi là vừa. Còn xuồng câu là loại xuồng mình thon dài, hai mũi hơi
thông nhọn nhằm mục đích khi bơi hoặc chống, xuồng sẽ lướt nhanh trên mặt nước.
Xuồng đục cũng là một loại xuồng câu nhưng người ta chia ra nhiều ngăn với những
tấm bửng ngăn nước từ khoang này chảy qua khoang khác và có đục lỗ lù cho nước
bên ngoài lưu thông vào trong xuồng để rộng cá khi thăm câu dính cá. Nơi mặt xuồng
có dùng sạp tre lót để giữ cá không thể nhảy ra ngoài. Vì xuồng đục mình thon
dài và có chứa nước để rộng cá nên việc đi lại trên xuồng phải rất cẩn thận,
không khéo xuồng bị lắc chòng-chành và dễ bị chìm. Khi chưa rộng cá, xuồng câu
không cần cho nước vô xuồng bằng cách nhét kín các lỗ lù lại bằng những nút làm
bằng miếng xơ dừa hoặc rễ cây bần. Trường hợp câu tôm thì xuồng câu không cần
phải đục lỗ lù và người ta rộng tôm bằng cái rộng treo ở bên hông xuồng. Người
ta cũng có thể dùng xuồng câu để đi soi ếch, soi chuột, soi chim vào mùa nước
lên vì xuồng mình vừa nhỏ vừa thon nên nhẹ chống và xuồng đi nhanh hơn các loại
xuồng ba lá, xuồng cui. Xuồng câu cũng có thể dùng trong việc đi câu nhắp, hoặc
giăng lưới cũng được. Thường thường các công việc giăng câu, giăng lưới, soi ếch,
soi chuột, câu tôm, câu nhắp … chỉ đi một mình nên các loại công việc này rất hợp
với xuồng câu.
Trong tự điển “Từ Ngữ Nam Bộ” (2)
có đề cập đến mấy danh từ như xuồng be tám, xuồng be chín, xuồng be mười,
nhưng các vùng Long Xuyên, Sa Đéc mà tôi biết, trong dân cư ở đây ít nghe nhắc
về ba loại xuồng này.
Còn ghe thì có ghe tam bản rất thông dụng. Bạn đi ngang Long Xuyên hoặc lên miệt
Châu Đốc tại các bến chợ, bến đò người ta ưa dùng ghe tam bản làm ghe mua bán
cây trái hoặc nước giải khát hoặc đưa đò ngang, đò dọc. Loại ghe này mũi và lái
ghe hơi bầu tròn; lườn ghe không sâu lắm, hơi có bề ngang nên ghe tam bản đi rất
vững vàng. Theo tự điển nói ghe tam bản là ghe ghép lại từ ba miếng be là không
đúng vì ba miếng be chỉ có thể ghép được chiếc xuồng ba lá; còn ghe phải lớn
hơn xuồng nên buộc lòng phải dùng nhiều miếng be mới đóng thành ghe tam bản được.
Nếu muốn đóng ghe tam bản lớn với sức chở nặng thì lại càng dùng nhiều be thêm
nữa chứ không phải chỉ ba miếng be ghép lại. Thường thường ghe tam bản được
chèo bằng hai mái chèo ở lái, ít ai bơi vì bơi ghe đi chậm và thế ngồi bơi cũng
khó hơn là thế đứng chèo. Cũng để cho ghe tam bản ít bị lủi vô bờ người ta vừa
chèo vừa lái chiếc ghe bằng chèo cho ghe đi theo ý mình nhưng để cho tiện người
ta thường ghép dưới phía dưới đuôi ghe một miếng ván vừa gọn vừa mỏng để giữ
ghe thăng bằng và đi thẳng, dân quê gọi là bánh lái nước vì miếng ván này có
công dụng như bánh lái ghe và nằm dưới mặt nước.
Ghe tam bản tại trại đóng xuồng ghe vùng Mỹ Hiệp (Chợ Mới-An Giang)(hình Thế Ngọc)
Ghe tam bản dùng
đưa đò ngang trên sông Châu Đốc nơi bến đò Châu Giang (Châu Phong)
mùa nước lên. (Nguồn: TSCĐ)
Ghe cui là loại ghe có lườn ghe
hơi bầu, ngắn đòn, mũi và lái ghe gần bằng nhau; ngày xưa mấy năm 1950-1960 miệt
Mỹ Hiệp (Chợ Mới, Long Xuyên) có nhiều trại đóng loại ghe cui này với sao sông
lớn với nhiều chiếc ghe cui lớn với sức chứa hằng mấy trăm giạ lúa. Còn loại
ghe cà-vom cũng thường được dân cư các vùng sông rạch này ưa dùng để chở hàng
hóa hoặc lúa gạo. Khởi thủy ghe cà-vom mình thon dài, có mui nhỏ, cột chèo ở
sau lái, ở mũi ghe có nơi đứng dùng sào chống khi ghe chở nặng hoặc ghe đi nước
ngược; về sau ghe cà-vom đóng lớn hơn và có gắn máy đuôi tôm phía lái ghe hoặc
gắn máy trong lòng ghe nhằm chở lúa gạo hoặc hàng hóa được nhiều hơn. Ngoài ra,
miệt Châu Phong, Vĩnh Ngươn, Vĩnh Xương và nhiều vùng thuộc An Phú, Tân Châu,
Châu Phú, Tịnh Biên có loại ghe lườn mình thon dài, hai đầu mũi và lái nhọn quớt
lên. Thường bà con sống với nghề chài rê thì thường dùng loại ghe lườn vì ghe
làm bằng nguyên một khúc cây liền và đục bỏ ruột cây để làm ghe xuồng nên không
có dấu đinh dọc theo các be ghe như các loại ghe xuồng khác nên chài lưới ít bị
vướng rách, rất tiện lợi.
Ghe cui đang đậu
nơi vàm rạch Cái Dâu (Lấp Vò, Sa Đéc) (Hình Trần Nhiếp)
Ghe cui và ghe tam
bản đậu dưới dạ cầu rạch Lấp Vò sau những chuyến chở hàng mỏi mệt.
(hình Trần Nhiếp)
Vùng Long Xuyên hồi xưa, nhứt là ngoài khơi giữa sông Hậu Giang, sông Tiền
Giang người ta neo nhiều ghe chài với bề ngang khá lớn và dài, có mui, dùng để
chở lúa gạo về Sài Gòn. Mấy năm 1950, mấy ông đại điền chủ lúa gạo nhiều như
ông Ban Kế ở Long Xuyên có sắm rất nhiều ghe chài dùng vào việc chuyên chở lúa
gạo này. Vì ghe quá lớn và chở nặng nên ghe chài phải có tàu kéo ghe mới di
chuyển được. Ngoài ghe chài, thỉnh thoảng bạn cũng bắt gặp trên hai con sông Tiền
Giang và Hậu Giang những chiếc sà-lan (chaland) bằng sắt, lườn sà-lan rộng và bằng,
cạn lòng dùng chở đá, xi-măng di chuyển trên sông. Thường thường các ghe chài,
sà-lan ít đậu gần bờ vì sợ ghe mắc cạn, mà nhứt là ghe chài thì neo ở giữa
sông, nên người ta hay giòng bên hông ghe một chiếc xuồng nhỏ để khi ghe ngừng
lại, người trên ghe dùng xuồng này bơi vô bờ để ghé lại chợ mua thức ăn hoặc
các vật dụng cần thiết, rất tiện.
Ghe cà-vom có mui
chở hàng trên sông Tiền Giang (Tân Châu-An Giang) mùa nước tháng 9 âm lịch.(hình
HT)
Sà-lan chở đá trên
sông Châu- Đốc(hình HT)
Trên các sông rạch miền Tây mấy năm thập niên 1960 có thêm loại ghe tắc ráng
cũng rất thông dụng. Loại ghe này xuất xứ từ địa danh Tắc Ráng (Rạch Giá), sau
dần dần lan rộng ra khắp các vùng khác cũng học cách đóng loại ghe này. Đặc
tính của loại ghe này là lườn ghe bằng, mũi ghe hơi quớt lên và gắn máy đuôi
tôm ghe chạy khá nhanh, nên dân quê ở các vùng này còn gọi ghe tắc ráng là vỏ
lãi vì nó lướt nhanh trên mặt sông như rắn lãi.
Vỏ tắc ráng chở dừa
trên sông Sa Đéc(hình Tô Thẩm Huy)
Thêm một loại phương tiện chuyên chở trên các vùng sông nước này nữa là trẹt.
Trẹt là loại phương tiện di chuyển trong các kinh rạch cạn, ít có sóng gió, rộng
bề ngang và bề dài không dài lắm, đáy cạn, bề ngang mũi và lái bằng nhau, Những
năm 1960 ở thôn quê bắt đầu có người mua máy cày, máy xới thì loại ghe trẹt này
được dùng chở các máy cày, máy xới này; rồi sau này có máy suốt lúa dân quê
cũng dùng trẹt để chở máy suốt lúa rất tiện. Ngoài ra, các bến đò ngang như bến
đò Chợ Củ (Lấp Vò) hồi đời trước lúc chưa bắc cầu ngang, chủ thầu bến đò cũng
dùng trẹt để đưa khách sang sông mỗi ngày. Thường phải hai người chèo chiếc trẹt
qua sông mới nổi vì trẹt nặng và nhứt là gặp mùa nước đổ thì một người không
cách gì chèo chiếc trẹt từ bờ bên này qua bờ bên kia được.
Chiếc trẹt đậu dưới
dạ cầu bắc ngang kinh Vĩnh An Hà, Tân Châu (Châu Đốc). (hình Thái Lý)
Chiếc xuồng mua ve
chai lông vịt bơi ngang chiếc trẹt đang đậu nơi rạch Tân Bình
(Lấp Vò, Sa Đéc)(hình Trần Nhiếp)
Xuồng lườn trên đường
phố Châu Đốc mùa nước lụt năm 1961.(TSCĐ)
Về việc đóng xuồng ghe, hồi đời trước thịnh nhứt là làng Mỹ Hội Đông, Mỹ Hiệp,
Mỹ Luông thuộc An Giang nhiều trại đóng ghe xuồng nổi tiếng; riêng vùng Lấp Vò
tại vàm rạch Cái Sơn thuộc xã Bình Thành dân cư vùng này cũng như các làng lân
cận ưa tới đây đặt đóng xuồng. Xuống vùng Long Hậu, Lai Vung cũng có nhiều trại
đóng xuồng. Hồi mấy năm thập niên 1980-1990, các trại xuồng vùng này ưa lên
trên các làng Tân Bình, Hội An Đông, Định Yên … tìm mua sao về để cưa be đóng
xuồng và chở xuống vùng thuộc Cà Mau để bán. Loại xuồng mà các trại xuồng đóng
sẵn và chở đi bán như vậy thì dân quê thường gọi là “xuồng hàng”, tức là
loại xuồng đóng gấp và loại cây dùng làm be xuồng không được tốt, chẳng hạn phải
dùng cây sao làm be thì người ta lại dùng cây gáo, cây vên vên làm be thì xuồng
xài không bền, dùng qua một vài năm là bỏ vì xuồng sẽ bị hư mục không chấp vá
gì được nên bà con có nơi còn gọi “xuồng năm quăng”, tức xài một vài năm
là bỏ không còn dùng được.
Xe lôi chở xuồng
đóng sẵn qua bắc Vàm Nao (Chợ Mới) An Giang.(HT)
Xuồng đóng sẵn chờ
chở đi bán tại một trại đóng xuồng miệt Chợ Mới (An Giang). (hình Thế Ngọc)
Xuồng trên sông Sa
Đéc.(hình Tô Thẩm Huy)
Vỏ lãi trên vùng
Vĩnh Hội Đông, Châu Phú, Châu Đốc.(hình Thái Lý)
Xuồng lườn bên cạnh
chiếc ghe tam bản dùng làm nhà trên kinh Vĩnh Tế, Châu Đốc(hình Thái Lý)
Xuồng ghe đi lại
trên kinh Vĩnh Tế (Châu Đốc)(hình Thái Lý)
Thợ bắt đầu ghim
lá be đầu tiên(còn gọi “ghim lô”) khởi đóng ghe xuồng
vùng Mỹ Hiệp-Chợ Mới (An Giang) (hình Thế Ngọc)
Ghe tam bản còn
đang trên nề của trại đóng xuồng làng Mỹ Hiệp
(Chợ Mới-An Giang) (hình Thế Ngọc)
Xuồng trét chai và
lấp vò vừa xong, chờ đóng sạp.(hình Thế Ngọc)
Xuồng có hình dáng
giống xuồng cui miệt Chợ Mới (An- Giang) (hình Thế Ngọc chụp)
Thợ đang ráp then
vào chiếc xuồng vùng Mỹ Hiệp (Chợ Mới-An Giang) (hình Thế Ngọc)
Về việc đóng xuồng ghe ở miền Tây hồi đời trước như đã nhắc là các trại
đóng xuồng thường lên miệt Long Xuyên, Sa Đéc mua cây sao về cưa be đóng xuồng.
Trên thực tế, một cây sao kể từ khi bắt đầu lượm bông rồi ươn hột và có cây con
đem trồng, nếu gặp đất tốt, thì phải mất ít nhứt khoảng ba chục năm thì cây mới
đủ chắc thịt để dùng vào việc ghe xuồng. Còn việc bán cây sao cho trại đóng xuồng
thì cũng tùy vào thời giá cây mỗi thời kỳ, mà nhứt là tùy theo luật cung cầu nữa.
Khi thợ cần cây nhiều thì giá cây mắt lên, ngược lại có lúc xuồng ghe ế thì cây
cũng bị ế. Nhưng bao giờ cũng vậy, dân miệt quê buôn bán thường hay bị lầm chứ
người mua ít khi nào lầm, nên người bán cây bao giờ cũng bán rẻ mạt dù đôi lúc
tưởng mình bán được giá. Việc bán cây sao như vậy gọi là bán cây đứng, mà thường
là bán cây đứng, ít khi nào mình đốn sẵn cây để bán. Khi thuận mua vừa bán thì
thợ mua cây để lại một ít tiền dằn cọc và hẹn ngày đem ghe xuồng lại đốn cây và
chở về, lúc bấy giờ họ mới trả hết tiền mua cây.
Thông thường các trại xuồng mua nhiều cây tại một vùng và mỗi lần đốn là đốn một
lượt luôn thể. Khi cây được hạ nằm xuống xong họ bắt đầu dùng cưa đoạn khúc ra
vừa với chiều dài ghe xuồng mà họ dự trù sẽ đóng và phần gốc sao họ cũng đào
lên và lấy luôn gốc về để cưa ra dùng làm cong ghe xuồng. Trường hợp gặp mùa
cây cối mắt mỏ, cây sao không đủ cung cấp cho thợ đóng xuồng thì các trại xuồng
họ mua cây tạp như cây gáo, cây xoài về đóng xuồng hàng để bán cho các miền
đang cần xuồng. Lúc bấy giờ xoài gáo gì cũng bán được hổng đợi gì tới sao, dầu.
Nói có ván dầu, nhưng cây dầu ít được dùng vì be dầu gặp nước ưa nở ra nên be
xuồng ghe dễ bị cong, gặp nắng be ván lại co rút lại nên xuồng ghe dễ bị nứt
và vô nước; do vậy, vạn bất đắc dĩ người ta mới xài ghe xuồng bằng loại cây dầu
vì nghèo quá mua ghe xuồng bằng cây sao hổng nổi chẳng hạn. Loại sao mình trồng
và bán cho các trại đóng xuồng ghe gọi là sao vườn. Nói thợ mua cây họ móc gốc
về cưa làm cong đóng xuồng là nói trường hợp ghe xuồng nhỏ, chứ đóng ghe lớn
thì các thợ phải dùng tới be dày làm cong ghe. Lúc bấy giờ người ta dùng cưa lộng
để lộng những tấm be dày này theo chiều cong của lường ghe và ráp nối lại với
nhau thành các cong ghe.
Vườn sao của HT trồng
cách nay 33 năm, có nhiều cây nứt da rùa bắt đầu dùng đóng xuồng được rồi.
(Trong hình ông
anh Năm của tác giả).
Còn một loại sao nữa mà các trại đóng ghe lớn ưa mua về cưa be để đóng ghe xuồng
đó là sao sông lớn. Sở dĩ người ta gọi sao sông lớn không phải vì loại sao này
được trồng dọc theo các con sông cái như Hậu Giang, Tiền Giang, mà là loại sao
trên rừng vùng Cao Miên, khi các chủ trại cây lớn dọc theo các con sông cái họ
mua được của Miên rồi họ kết bè dùng tàu kéo hoặc thả trôi theo sông lớn Cửu
Long trôi xuống vùng Châu Đốc, Long Xuyên, Cao Lãnh, Sa Đéc… và rồi các trại
đóng xuồng ghe nhỏ mới tới đây mua lại và cưa be làm be ghe xuồng. Loại sao này
thì cây rất lớn, thịt cây đã già nên xuồng ghe làm bằng loại sao sông lớn thì
đi rất bền, có khi vài ba chục năm xuồng ghe chưa bị hư; do vậy xuồng ghe đóng
bằng sao sông lớn thì rất mắt nhưng bù lại đi bền và nhà quê thường hay nói là “xuồng
ghe đóng sao sông lớn đi đời đời”, tức là dùng hoài mà hổng hư. Nói thì nói
vậy, nhưng ở đời đâu có gì còn hoài, mà nhứt là sao gì cũng vậy hễ gặp nước mặn
một lần thôi thì coi như con hà sẽ chui vô be được rồi thì sớm muộn gì ghe xuồng
đó sẽ bị hà ăn mục rã ra. Thành ra để đề phòng xuồng ghe bị hà ăn khi đi qua
các vùng sông rạch có nước mặn tràn vô, người ta thường phải dát bên ngoài be
ghe xuồng một lớp nhôm mỏng để ngừa bị hà ăn. Nhưng tốt hơn hết, như ca dao có
câu: “Đừng đi nước mặn mà hà ăn chân”, là lấy ăn!
Mực nước trên cánh
đồng Vĩnh Ngươn (Châu Đốc) giáp với Campuchia
vào mùa nước lên nhưng vẫn còn rất thấp, có nơi chưa vượt khỏi ngọn cỏ.(Hình
Thái Lý)
Ngày nay với tình trạng khô hạn ở miền Tây và qua nhiều mùa nước lên mà nước
không ngập nổi các cánh đồng làm cho chẳng những dân cư sống ở các vùng sông rạch
miền Tây ấy rất rầu, mà nhiều người ở khắp nơi có lòng cũng rầu theo; nhưng qua
lược kể một vài sông rạch miền Tây và vài loại xuồng ghe thông dụng nơi các
sông rạch ấy mà tôi có dịp biết qua hồi còn nhỏ, chắc bạn cũng đã nhận ra rằng
vùng đất phía Tây Nam này là một vùng đất đi đâu bạn cũng gặp sông và đi đâu bạn
cũng gặp ghe xuồng. Ngày nay, đường xá như giăng mắc, xe cộ chạy rầm rập nhưng
ghe xuồng vẫn còn dù không thịnh như bảy tám chục năm về trước với những trại
đóng ghe xuồng vẫn còn rải rác nơi này, nơi khác. Và tên gọi các loại ghe xuồng
tuy gần như giống nhau, cũng xuồng cui, xuồng câu, xuồng ba lá, xuồng lườn, ghe
tam bản, ghe cui, ghe cà-vom, ghe tắc ráng, ghe lườn, trẹt … nhưng mỗi vùng có
những kiểu xuồng ghe hơi khác nhau đôi chút; điều đó cho thấy sự ưa thích của
cư dân mỗi vùng không giống nhau. Thợ đóng ghe xuồng dù không có ý thi đua với
ai nhưng người nào cũng để lộ ra bên ngoài bàn tay khéo léo của họ nơi những
chiếc ghe xuồng mà họ đã làm ra và quyết định của người tiêu dùng chính là thước
đo cái tài khéo léo cùng uy tín của những người thợ khéo ấy. Thành ra, bạn nhìn
qua hình dáng xuồng ghe mỗi vùng bạn sẽ đoán được phần nào đời sống bên trong
tâm hồn của cư dân của các vùng ấy như thế nào, giống như bạn “đọc văn mà biết
người” vậy!
Hai Trầu
Kinh Xáng Bốn Tổng ngày 19 tháng 12 năm 2015.
Cước chú:
1/Theo tài liệu bạn Huỳnh Hồng
Quang gởi, địa danh Lấp Vò được sưu tầm như sau:
“Hiện nay Lấp Vò là một địa
danh cùng một lúc dùng để gọi bốn đối tượng: một con sông, một cái chợ, một thị
trấn và một huyện.
Đến nay, có hai nguồn tài liệu
liên quan đến địa danh Lấp Vò:
- Theo dân gian:
Có truyền thuyết cho rằng vào
thời nội chiến Tây Sơn-Nguyễn Ánh trên đất Nam Bộ (1777-1789), trước và sau khi
Nguyễn Ánh về lập căn cứ ở Hồi Oa (Nước Xoáy-Long Hưng), thì rạch Lấp Vò là một
thuỷ đạo vô cùng quan trọng trong việc di chuyển quân của Nguyễn Ánh bằng ghe
thuyền từ sông Tiền sang sông Hậu. Để phục vụ cho việc di chuyển thường xuyên
này, hai bên bờ sông xuất hịên nhiều cơ sở sửa chuyển ghe thuyền, trong đó khâu
chủ yếu là sản xuất, nấu ra dầu chai, một thứ dầu dùng để trét, xảm các đường
ráp nối, hoặc kẻ nứt chung quanh ghe thuyền, mà tiếng nhà nghề gọi là lấp dò
(dò là chỗ nứt trong ghe). Người chuyên làm công việc này được gọi là thợ lấp
dò. Vì thế nên con sông được mang tên Lấp Vò (dò bị viết thành vò).
Tuy nhiên, cũng có người cho rằng
tên Lấp Vò xuất phát từ tiếng Khmer “Srok tak por” (xứ Lấp Vò). Tak por phát âm
theo tiếng Việt thành Lấp Vò. Nhưng hai tiếng tak por không có nghĩa là lấp dò
ghe thuyền, mà có nghĩa “nước sôi”.
- Theo nguồn tài liệu thành
văn:
Trong bộ “ Đại Nam quấc âm tự
vị” của Huình Tịnh Paulus Của in năm 1895, viết: Lấp vò là xảm trét ghe thuyền.
Trong sách “Chuyên đời xưa” của Trương Vĩnh ký, in năm 1866 cũng viết;: “Người
làm nghề trét, xảm ghe xuồng gọi thợ lấp vò”. Theo Vương Hồng Sển, trong sách
“Tự vị tiếng Việt Miền Nam”, thì Lấp Vò cũng có nghĩa là sửa chửa, o bế lại vật
gì đã hư hỏng.
Trong khi đó, trong “Gia Định
thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức, ở mục Sơn xuyên, viết:
“Cường Thành giang (sông Cường
Thành): tục gọi là sông Lấp Vò, ở bờ phía đông sông Hậu Giang, rộng 12 tầm, sâu
18 thước ta, cách trấn về phía nam 178 dặm rưởi. Bờ phía nam có Du giang, chảy
ra sông lớn, cách bờ nam nửa dặm đến thủ sở Cường Thành, ở đây chợ búa đông đúc
(gọi là chợ Lấp Vò). Lại 50 tầm đến ngã ba sông: nhánh phía bắc thông với sông
Qua Giang (Cái Bí), sông Trường Tiền, rồi chảy ra sông lớn (sông Hậu); nhánh
phía đông 70 dặm đến ngã ba nữa: nhánh phía bắc thông với sông Hội An rồi ra
sông Tiền Giang, nhánh phía đông qua sông Thủ Ô, sông Hồi Luân (Nước Xoáy), ra
sông Sa Đéc, rồi cùng thông với Tiền Giang. Hai bên đều có ruộng vườn và dân
cư”.
Từ các nguồn tài liệu trên, có
thể tóm lược:
- Địa danh Lấp Vò ra đời khá sớm,
trước cuộc nội chíến Tây Sơn-Nguyễn Ánh (1777), do cư dân ngụ hai bên bờ sông
có nhiều người làm nghề nấu dầu chai để “lấp dò” ghe thuyền, nên con sông mới
mang tên này.
- Sông Lấp Vò là đường thủy
quan trọng nối liền sông Tiền và sông Hậu, được Nguyễn Ánh khai thác triệt để
trong cuộc nội chiến; dùng con sông này để vừa tránh né quân Tây Sơn, vừa di
chuyển quân, vừa dùng làm nơi tu bổ ghe thuyền và chiêu mộ người lẫn thu mua
lương thực.
- Vùng này từ xưa dân cư đông,
nghề nghiệp đa dạng: trồng lúa, trồng cau (nhiều nhứt là ở Tân Lộc, trong nội
chiến Nguyễn Ánh chế ra súng đại bác bằng gỗ bắn hột cau khô, đuổi được quân
Tây Sơn khi bao vây đánh căn cứ Long Hưng), đóng ghe xuồng, nấu dầu chai...Chợ
Lấp Vò ra đời sớm là một minh chứng cho sự phồn thịnh của khu vực.
- Sông Lấp Vò có nhiều chi lưu
ăn thông đến rạch Nước Xóay, nơi đóng căn cứ Long Hưng, đến rạch Cái Bí, Trường
Tiền (nay thuộc xã Hòa An, Hòa Bình, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), nơi này
Nguyễn Ánh cho mở lò đút tiền, nên con rạch mới có tên này...
- Vào năm 1957 Chính quyền Việt
Nam Cộng Hòa (VNCH), do nghị định số 308-BNV/NC/NĐ ngày 8-10-1957, lập lại quận
Lấp Vò trực thuộc tỉnh Vĩnh Long. Năm năm sau bằng nghị định số 718-NV ngày
11-7-1962, hai quận này tách ra để lập hai quận mới là Đức Thành vẫn thuộc tỉnh
Vĩnh Long. Đến ngày 24-4-1966, tỉnh Sa Đéc được thành lập lại với diện tích nhỏ
hơn trước đây gồm 4 quận, cho tới năm 1975. Trong đó, quận Lấp Vò có 8 xã: Bình
Thạnh Đông, Bình Thạnh Tây, Bình Thạnh Trung, An Hội Đông, Mỹ An Hưng, Định
Yên, Vĩnh Thạnh, Long Hưng.”
2/
Từ điển Từ Ngữ Nam Bộ của Huỳnh Công Tín, nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, Việt
Nam, năm 2006.