Trang Chính    Hình Ảnh    Bút Ký    Truyện Ngắn    Truyện Thật Ngắn    TG & Tác Phẩm    Thơ    Di Tích Lịch Sử và Danh Nhân    Đời Sống: Phong Tục & Khoa Học    Sân Khấu/Nghệ Thuật    Hộp Thư    Nhắn Tin    Tin Tức Thân Hữu    Tin Vui    Phân Ưu    SK và Gia Đình    Lá Lành Đùm Lá Rách    Vui Cười    Ẩm Thực/Gia Chánh    Trang Xuân    Cùng Tác Giả   


ĐỌC “THẰNG MẬP”, TẬP TRUYỆN SONG NGỮ CỦA NHÀ VĂN

KHIÊM CUNG-DƯƠNG VĂN CHUNG


Hai Trầu



Bìa sách “Thằng Mập” của nhà văn Khiêm Cung-Dương Văn Chung.


Tập truyện Thằng Mập của nhà văn Khiêm Cung-Dương Văn Chung do nhà xuất bản Quán Âm Sơn (New Zealand) xuất bản ngày 20 tháng 11 năm 2013, sách không dày, vừa Việt ngữ và Anh ngữ, sách chỉ vỏn vẹn 87 trang gồm 19 truyện thật ngắn với nhân vật chính là “Thằng Mập” và xoay quanh những chủ đề như “Con Chú Chín Mập”, “Đồ Mặt Bư”, “Vấn Điếu Thuốc”, Vớt Con Nít Té Sông”, Tập Lội”, “Đá Cá Thia Thia”, “Bắt Ổ Ong”, “Bắt Hôi”, “Bắt Cóc, Ếch, Ốc, Rắn”, “Thằng Hai Bú”, “Cối Xay Lúa-Cối Giã Gạo”, “Cối Xay Bột”, “Nuôi Heo, Gà Vịt”, Hỏi Đáp Về Cây Lúa”, “Coi Hình Đế Thiên Đế Thích”, “Coi Hát Sơn Đông Mãi Võ”, “Coi Hát Bội”, “Ông Cò Xét Giấy Lão”, “Vui Với Trò Chơi Trẻ Con”.


Vì tôi không rành tiếng Anh, nên ở đây tôi chỉ bàn về phần nguyên bản bằng Việt Ngữ của tác giả Khiêm Cung- Dương Văn Chung mà thôi. Với 19 chủ đề vừa kể, tác giả lần lượt vẽ lại bức tranh quê vô cùng linh hoạt với cách hành văn vừa ngắn gọn mà rõ ràng, bình dị nhưng súc tích giúp người lớn tuổi nếu có dịp được đọc sẽ không khỏi bồi hồi nhớ về những ngày thơ ấu của mình nơi một làng quê nào đó thuộc vùng sông nước miền Tây Nam Việt một thời... Và giúp các thế hệ trẻ sau này có dịp đọc được sẽ biết thêm về các chú các bác lớn tuổi ngày xưa họ có một thời ấu thơ ở nhà quê vô cùng quê mùa, chơn chất và dễ thương như thế.


Vốn là một người được sanh ra và lớn lên nơi vùng sông nước Bắc Nam thuộc quận An Phú tỉnh Châu Đốc, khi viết về “Thằng Mập”, tác giả như viết lại chính những kỷ niệm của đời mình nên việc gì tác giả cũng rành, trò chơi nào tác giả cũng biết và với kinh nghiệm của một người đã từng trải qua nhiều thời kỳ, sống qua nhiều nơi nhưng với tấm lòng của một nhà văn luôn lấy chốn quê chôn nhau cắt rún của mình làm nền cho mọi câu chuyện nên nhà văn Khiêm Cung – Dương Văn Chung đã làm cho những câu chuyện thật ngắn mà chừng như âm vang của những sinh hoạt của đời sống nơi các làng quê thời xa xưa ấy cứ còn đọng lại mãi mãi trong lòng người đọc nhà quê như tôi.


Thú thật, tôi cũng mê viết về nhà quê nhà mùa gần hai mươi năm nay nhưng tôi thì viết dài dòng, lôi thôi chứ không viết ngắn gọn mà cô đọng, súc tích như tác giả được. Thế mới biết cái tài tình ở tác giả qua bút pháp bậc thầy về các truyện thật ngắn về miền quê như trong tập sách này, không phải ai cũng viết nổi như vậy được.


Chẳng hạn như ngay truyện đầu tiên với tựa đề “Con Chú Chín Mập”, chỉ giới thiệu về ông Ban của người Hoa thôi, mà tác giả vào đề một cách rất nhẹ nhàng mà hấp dẫn kỳ lạ  qua cách gọi tên hết sức bình dân mà lần đầu tôi mới được biết qua đoạn văn ngắn gọn như dưới đây:


“Thằng Mập 7 tuổi, tròn trịa. Người ta gọi nó là con Chú Chín Mập. Chú Chín Mập là con ông bà Bánh Nhỏ. Trong làng có hai ông Bánh, người Hoa, Bánh Lớn và Bánh Nhỏ. Bánh là tiếng gọi tắt của Bánh-chưởng hay Ban Trưởng, lãnh đạo nhóm người Hoa trong làng.(1)


Thì ra nếu không đọc, thì người đọc nhà quê như tôi cứ nghĩ “Bánh” là cái bánh, chứ không làm sao hiểu được “Bánh là Bánh-chưởng”, tức là ông Ban mà ngoài dân gian thường gọi những người Hoa giàu, có nhiều chành lúa, nhiều ghe chai chở lúa gạo trong vùng, có nhiều cây xăng hoặc nhiều ruộng cả trăm, cả ngàn mẫu như ở Long Xuyên có ông Ban Kế lừng danh một thời vào những năm 1950-1960.


Thêm nữa, truyện “Đồ Mặt Bư” với cái tên người đọc cứ tưởng nhân vật ‘Thằng Mập” trong truyện vừa quê mùa một cục và vừa ngu hết biết, nhưng nó rất hiền và biết dạy đời cho những đứa tưởng rằng mình khôn lanh hơn nó:

 “Thằng mập rất hiền, phản ứng cũng chậm lụt, nên đôi lúc làm cho cha nó bực mình, mắng nó là “đồ mặt bư”. Mặt bư là gì? Nó hiểu mang máng rằng cha nó muốn mắng nó là mặt ngu.” Rồi “Có lần nọ thằng Tước cùng xóm, cùng trang lứa với Thằng Mập, đến tụ tập bên hông nhà Thằng Mập để cùng vui đùa với các đứa trẻ khác, trong đó có Thằng Mập và em Thằng Mập. Không rõ em Thằng Mập làm gì mà thằng Tước nổi giận, ôm cắn cánh tay của em Thằng Mập, Thằng Mập can ra không được, nó lẹ làng bóp cổ thằng Tước, Tước ngộp thở, phải nhả em Thằng Mập ra. Thằng Mập trợn mắt, chỉ tay vào mặt thằng Tước bảo nó từ nay phải chừa cái tật hay cắn người ta.”(2)

 Quả như một truyện ngụ ngôn hàm chứa nhiều điều giáo huấn rất ý nghĩa.


Thế rồi qua lối dẫn truyện rất hấp dẫn, dù bị cha mình chê mình ngu như “Đồ Mặt Bư”, nhưng chính Thằng Mập lại là người biết cứu người trong truyện kế tiếp “Vớt Con Nít Té Sông”. Và còn nhiều câu chuyện bổ ích như vừa kể ở các truyện khác nữa.


Thành ra, có thể nói với 19 truyện thật ngắn về Thằng Mập, theo thiển ý của tôi, đó chẳng những là những bức tranh quê rất sống động mà nó cò là 19 truyện ngụ ngôn rất thú vị và ý nghĩa. Nếu chúng ta đọc một lần thì sẽ thấy những bài ngụ ngôn ấy hay rồi rất hay; nhưng nếu lâu lâu chúng ta đọc lại một lần hoặc nhiều lần thì những bài ngu ngôn ấy vừa thâm trầm vừa bổ ích mà lúc nào cũng cần và cũng có thể dùng được dù tác giả chỉ khiêm nhường nói rằng đây chỉ là những “Hoa Đồng Cỏ Nội Một Thời”.


Hai Trầu

Kinh Xáng Bốn Tổng ngày 30-12-2013


Phụ chú:

1/ Thằng Mập, của nhà văn Khiêm Cung-Dương Văn Chung, nhà xuất bản Quán Âm Sơn, New Zealand, năm 2013, trang 2.

2/ Sđd, trang 7.