Trang Chính    Hình Ảnh    Bút Ký    Truyện Ngắn    Truyện Thật Ngắn    TG & Tác Phẩm    Thơ    Di Tích Lịch Sử và Danh Nhân    Đời Sống: Phong Tục & Khoa Học    Sân Khấu/Nghệ Thuật    Hộp Thư    Nhắn Tin    Tin Tức Thân Hữu    Tin Vui    Phân Ưu    SK và Gia Đình    Lá Lành Đùm Lá Rách    Vui Cười    Ẩm Thực/Gia Chánh    Trang Xuân    Cùng Tác Giả   


TÂM TÌNH VỚI ANH HAI AN PHÚ(*)


http://thatsonchaudoc.com/banviet2/HaiTrau/TacGiaTSCD2/VaiTacGiaTieuBieuVungTSCD_files/image012.jpg

Nhà văn Khiêm Cung-Dương Văn Chung và cảnh chùa Phù Dung (Hà Tiên, Kiên Giang), năm 2010.


Lời giới thiệu:


Thưa bạn,

Sau hai lần trò chuyện cùng nhà văn Khiêm Cung-Dương Văn Chung vào năm 2011(đăng trên tạp chí Da Màu (Hoa Kỳ) và trang nhà Thất Sơn Châu Đốc (Boston)

1/ Lần thứ nhứt:

Kỳ 1: https://damau.org/20404/bac-nam-phang-phat-nu-cuoi-tro-chuyen-cung-anh-hai-an-phu-phan-1(Ngày 15.06.2011).


Kỳ 2: https://damau.org/20445/bac-nam-phang-phat-nu-cuoi-tro-chuyen-cung-anh-hai-an-phu-phan-2(16.06.2011)


2/Lần thứ hai:

https://damau.org/21454/tro-chuyen-cung-anh-hai-an-phu-nhon-ngay-gio-thu-tu-cua-nha-van-phong-hung-luu-nhon-nghia (ngày 27.09.2011)


Hôm nay, sau hai năm dịch bịnh covid hoành hành khắp mọi nơi, qua thư từ được biết anh chị Hai An Phú sức khỏe rất tốt, nên tôi rất mừng và lại xin anh Hai có thêm một cuộc tâm tình nữa với vài câu hỏi trong thân tình và với sự đồng ý của anh Hai An Phú, tôi xin được trân trọng giới thiệu cùng các bạn!


Hai Trầu

Kinh Xáng Bốn Tổng, ngày 10 tháng 07 năm 2022.

(*) [Anh Hai An Phú là tên gọi của nhà văn Khiêm Cung-Dương Văn Chung trong nhóm Thất Sơn Châu Đốc kết nghĩa gồm: Anh Bảy Tân Châu (nhà văn Vũ Thất), Anh Hai An Phú, Hai Trầu, cô Út Châu Phong(chị Nguyễn Thị Lộc Tưởng, chủ trang nhà Thất Sơn Châu Đốc), và bạn Thái Lý]


Một chút tiểu sử:


-Dương Văn Chung là tên thật, bút hiệu Khiêm Cung

-Sanh năm Ất Hợi.

-Tại làng Bắc Nam, quận An Phú, tỉnh Châu Đốc.

-Cựu công chức- Quân nhân.

-Định cư tại Úc Đại Lợi từ năm 1989.


Tác phẩm


* Nội Ngoại Đều Thương (2009), tái bản lần thứ nhứt, năm 2021

* Thằng Mập (2013)

* Những Mảnh Hồn Tôi (2019)


 (Các sách trên đều do nhà xuất bản Quán Âm Sơn, Tân Tây Lan xuất bản)


https://lh4.googleusercontent.com/LzC8awLmDIRWFTJFMJUvPtRpgG_IWX9C3Oy_Gnr8Aaq555pMlUhMXfYuJG_BpYF0FueLAZpsIZxAg0V175T8Xbm8QYICv3ZjhSaqboA9E_KJswd4KcBsmrkOoFFVq3HkdGVIKEZ7U2d1G1xEuA 

Bìa cuốn “Nội Ngoại Đều Thương” xuất năm 2008 và bìa tái bản lần thứ nhứt năm 2021.

 

http://thatsonchaudoc.com/banviet2/HaiTrau/HoiKy/DocThangMapCuaKhiemCung_files/image001.jpg
Bìa tập truyện thật ngắn “Thằng Mập” (song ngữ Việt-Anh) xuất bản năm 2013 và bìa sách “Những Mảnh Hồn Tôi”xuất bản năm 2019.


Hai Trầu (HT): Sunday, 26 June 2022 1:17 AM


Dà, thưa anh Hai An Phú,


Mở lại cuốn sách “Nội Ngoại Đều Thương” (NNĐT) của anh Hai xuất bản năm 2008, tính ra đến hôm nay nó ra đời cũng được 14 năm rồi, thời gian trôi qua mau quá phải hông anh Hai? Được biết anh Hai đã ở Úc cũng hơn 30 năm, anh Hai có lần nào về thăm lại làng Bắc Nam của anh ở quận An Phú, tỉnh Châu Đốc, hông anh Hai?


Hai An Phú (HNP): Sunday, June 26, 2022 at 04:27:38 AM


Kính anh Hai,

Tôi có về thăm Châu Đốc và quận An Phú năm 2010. Từ 1954 đến giờ, tôi chưa bao giờ có dịp về thăm làng Bắc Nam. Bây giờ đã quá 80 tuổi, tiền bảo hiểm du lịch cao hơn giá vé máy bay. Vợ chồng tôi chắc “chịu chết” ở Úc rồi, anh Hai ơi!


HT: Sun, Jun 26 at 9:24 AM


Dà, trong bài Thầy Tôi (NNĐT, trang 47), anh Hai có viết:

"... Và khi vào trường Tiểu Học tỉnh lỵ Châu Đốc thì vào thẳng lớp Dự Bị (Cours Préparatoire) sau nầy gọi là lớp Tư, toán không kém ai, nhưng Pháp văn thì khóc ròng với cách chia động từ Có (verbe Avoir) và động từ Thì, Là (verbe Être). Học khá lâu tôi mới theo kịp các bạn về Pháp văn" (trang 47).


Vậy anh Hai còn nhớ vì đâu mà ngay từ lớp Tư bậc Tiểu học, anh Hai đã mê môn toán rồi? Xin anh Hai kể thêm một chút về môn Toán của anh ở các lớp bậc Trung Học Đệ nhất cấp và đệ Nhị cấp, rồi Tú Tài I, Tú Tài II và có phải nhờ vậy mà sau này khi chọn ngành chuyên môn lúc bắt đầu vào đời anh chọn trường Quốc Gia Thương Mại (Sài Gòn) để theo nghề sổ sách không anh Hai?


HAP: On Monday, June 27, 2022 at 09:54:30 PM CDT,


Kính anh Hai,


Ông thân tôi đã dạy tôi biết đọc và viết khá rành chữ Việt lúc tôi lên 6 tuổi, và cũng thuộc lòng cửu chương. Ra tỉnh học trễ 2 năm và muốn học cùng một lớp với người anh bạn dì ruột, nên xin Ông Đốc học lúc bấy giờ cho vào học lớp Tư luôn. Chưn ướt chưn ráo, nhà quê mới ra tỉnh lần đầu, mình ngỡ ngàng lắm, không quen với các thú vui ở thành thị, lại nhớ nhà lắm, nên suốt ngày chỉ lo học! Môn toán từ đó trở thành một trò tiêu khiển của tôi giống như lớp trẻ ngày nay thích chơi games. Tôi mua sách “những bài toán số học thật khó” để tập làm, giải được bài nào thì thấy phấn chấn trong lòng như người lớn thắng một ván cờ tướng.


Đến năm lớp Đệ Thất, Đệ Lục, vì thiếu giáo sư chuyên Toán, ông thầy phụ trách cho làm bài tập toán ít quá, tôi bị mất trớn. Rất may, trong thời gian nghỉ hè, tôi được dịp học thêm toán lớp Đệ Ngũ (có ôn lại Toán các lớp Đệ Thất, Đệ Lục) với Thầy Để, Thầy mới đậu Bằng Tú Tài I mà giảng rất dễ hiểu, nhờ vậy tôi thấy thích học toán trở lại.


Vừa có mộng hải hồ, lại vừa muốn thi vào các trường được miễn quân dịch trong thời gian học, nên tôi nộp đơn vào Trường Hàng Hải Thương Thuyền và Trường Quốc Gia Thương Mại. Trường Quốc Gia Thương Mại thi và công bố kết quả đậu trước, nên tôi bỏ kỳ thi vào trường Hàng Hải Thương Thuyền. Trường Quốc Gia Thương Mại năm đó mở thi tuyển ở 2 nơi, Sài Gòn và Huế, tổng số thí sinh dự thi là 1.200 người, ai đậu thi viết rồi, phải vào thi vấn đáp, tổng cộng số tuyển sinh trúng tuyển vào học là 50 người tại một nơi duy nhứt là Sài Gòn. Nhập học rồi mới biết mình sẽ học môn Kế toán. Do đó, học Trường Quốc Gia Thương Mại và học môn Kế toán không phải do giỏi toán mà do “số phận đẩy đưa”, anh Hai ơi !


HT: Tuesday, 28 June 2022 1:48 PM


Dà, xin cảm ơn anh Hai An Phú đã cho biết cái duyên của anh Hai khi thi vào trường Quốc Gia Thương Mại Sài Gòn những năm anh Hai mới vào đời!


Quả là kỳ thi của anh Hai quá khó anh Hai! Với 1.200 thí sinh cho cả hai nơi Huế và Sài Gòn mà nhà trường chỉ lấy có 50 thí sinh trúng tuyển thì thiệt là khó, mà anh Hai được đậu, vậy là anh Hai học giỏi dữ lắm rồi! Hồi thời của anh Hai cũng như thời của tôi, tôi học sau anh Hai tới bảy năm vì tôi nhỏ tuổi hơn anh rất nhiều, hồi đó việc thi vô ngành chuyên môn khó dữ lắm!


Hồi đó, anh Hai còn nhớ mấy năm đầu thập niên 1960-1970, việc thi chọn ngành thiệt là quá gay cấn nhe anh Hai vì thí sinh dự tuyển thì nhiều mà các trường chuyên môn nào cũng hà tiện tuyển người nên số lấy đậu hổng có mấy người, còn số bị rớt thì hầu như lấy ăn phần chắc! Do vậy mà thí sinh nào cũng nạp đơn thi hai ba trường cùng một lúc, và có khi cả ba bốn trường dự tuyển mình đều rớt ráo trọi; thành ra, lúc bấy giờ trường nào chấm đậu là mình vào học trường đó liền chứ không có ở đó lựa chọn trường ngon, trường dở gì được!


Hồi đó, học trò nhà quê dưới tỉnh lên Sài Gòn ứng thí và học hành lơ tơ mơ như tôi dường như nghề chọn mình chứ mình không thể chọn nghề được anh Hai ơi, trừ khi có nhiều anh học hành quá giỏi thì không kể!!


Dà, anh Hai còn nhớ hồi đó Hội đồng khảo thí trường Quốc Gia Thương Mại Sài Gòn họ cho anh Hai thi các môn gì hông anh Hai?


HAP: On Wednesday, June 29, 2022 at 08:25:52 PM CDT,


Kính anh Hai,

Tôi thi tuyển vào Trường Quốc Gia Thương Mại năm 1957, từ đó đến nay đã 65 năm, không còn nhớ đã thi những môn gì, nhưng chắc chắn có 2 môn Toán và Việt văn (hình như có Anh hoặc Pháp văn). Đề thi Việt văn năm đó là bình giải câu “Phi thương bất phú”.


Từ Châu Đốc lên Sài Gòn dự kỳ thi tuyển này chỉ có 2 người, một người bạn thân và tôi. Tôi hiểu “phi” có nghĩa là “không”, không buôn bán thì không làm giàu, còn anh bạn của tôi hiểu “phi”  là “gian phi”, mua gian bán lậu thì có ngày bị phát giác sẽ tiêu tan sự nghiệp. Kết quả cả hai đứa tôi đều đậu, mặc dầu anh bạn tôi đậu hơi thấp.


HT: Wed, Jun 29 at 8:46 PM


Dà, cảm ơn anh Hai rất nhiều.


Qua đề thi “Phi thương bất phú” như anh Hai vừa nhắc và anh hiểu như vậy là đúng rồi vì sách vở xưa nay đều ghi chép:”Không mua bán thì không giàu (chỉ có nghề buôn là dễ làm giàu)”(1) và anh bạn của anh lại nghĩ “phi”“gian phi”, quả là một ý nghĩ mới mà đây là lần đầu tôi nghe anh Hai kể! Có lẽ vì ý nghĩ rất lạ này, thay vì anh bạn của anh Hai bị lạc đề, nhưng Ban giám khảo lại nghĩ rằng thí sinh này có ý tưởng rất mới, rất đặc biệt và nhờ vậy nên ảnh được ban giám khảo đặc ân chấm đậu chăng?


Lâu rồi anh Hai có lần nào gặp lại anh bạn cùng lên Sài Gòn đi thi vào trường Quốc Gia Thương Mại với anh hông anh Hai và anh Hai có lần nào gặp lại "Anh Năm Hàng Xén-Xóm Hàng Keo","Thằng Chum Xứ Cá" trong sách “Nội Ngoại Đều Thương” của anh hông?


HT:


Thưa anh Hai An Phú,

(Trong khi chờ đợi anh Hai hồi đáp câu hỏi trên, tôi xin gởi tiếp anh Hai vài lời tâm tình và câu hỏi này nữa, để khi rảnh anh Hai nhắc chuyện cũ nghe chơi cho vui nhe!)


Nhớ hồi đó, lúc Tía Má tôi còn tản cử trên Mặc Cần Dưng (tức xã Bình Hòa, quận Châu Thành, tỉnh Long Xuyên), lúc bấy giờ tôi theo học các lớp bậc Sơ học tại trường Sơ Đẳng Tiểu Học Vàm Nha (chỗ gần chùa Kỳ Viên, thuộc địa phận Vàm Nha, gần sóc Miên, nằm trên đường liên tỉnh lộ Long Xuyên đi Cầu Số Năm vô Xà Tón-Tri Tôn). Sau khi học hết các lớp Năm, lớp Tư, lớp Ba ở đây tôi thi đậu văn bằng Sơ Đẳng Tiểu Học và được chuyển ra trường Tiểu Học Bổ Túc Hổn Hợp xã Bình Hòa tiếp tục lên học lớp Nhì với thầy Nhì; rồi lên lớp Nhứt học với thầy Nguyễn Văn Chánh (Thầy Nguyễn Văn Chánh vừa dạy lớp Nhứt vừa làm Hiệu Trưởng của trường này). Riêng tôi rất may mắn là đến ngày 10 tháng 5 năm 1956 tôi được miễn thi bằng Tiểu Học vì đủ điểm các kỳ thi lục cá nguyệt của hai Lớp Nhì và Lớp Nhứt và được cấp Văn Bằng (Chiếu theo Nghị-Định số 8-NĐ/GD ngày mồng 4 tháng Giêng năm 1954 của Bộ Giáo-Dục ấn-định thể-lệ Văn-Bằng Tiểu-Học. (2)


Dường như vào những năm còn đi học ở trường Tiểu Học Bổ Túc Hổn Hợp Bình Hòa vào các năm 1954-1956, ở làng Bình Hòa (Mặc Cần Dưng) đã có xuất hiện “Đạo Đâm Đạo Lụi” rồi; và tôi còn nhớ hồi đó ở Mặc Cần Dưng nói chung và xóm Nhà Lầu, ấp Phú An, xã Bình Hòa (chỗ nhà cậu Hai tôi và gia đình Tía Má tôi đang ở) nhà nào cũng làm một cái mõ bằng tre treo ở chỗ dưới mái nhà, nếu nghe trong xóm gõ mõ báo động có “đạo đâm đạo lụi” xuất hiện thì cả xóm, cả ấp…, mọi nhà cùng nhau đánh mõ báo động; rồi thanh niên trai tráng người này cầm dao, người kia cầm cây, gậy gộc ở tư thế sẵn sàng ứng chiến giống như sắp đánh giặc vậy; còn con nít như tụi tôi thì núp trong mùng, hổng dám ra ngoài; thêm nữa tối nào trong nhà cũng giăng mùng gần giữa nhà, hổng dám giăng mùng gần vách sợ đạo đâm họ dùng chĩa đâm trúng mình.


Thêm nữa, người ta hồi đó còn đồn đạo này truyền bá tin tức nói ai đâm được 10 người trở lên thì lên thiên đàng hoặc họ có tài huyền biến như vừa thấy họ bị rượt dồn quá bèn nhảy xuống hầm nước sâu, bà con ở đó xúm lại thủ sẵn gậy gộc bao vây cái hầm, rồi còn lấy gàu tát cạn hầm nước nữa nhưng họ lại biến đâu mất, hổng thấy tăm hơi gì? Nhớ lại hồi còn nhỏ tụi tôi rất ớn mấy tin về vụ “đạo đâm đạo lụi” này dữ lắm nhe anh Hai.


Còn anh Hai, như anh kể trong bài viết “Đạo Đâm Đạo Lụi” của anh trong quyển “Nội Ngoại Đều Thương” trang 196 (3); ngoài ra ở ngoài đời lúc bấy giờ, hồi đó anh còn nhớ người ta tuyên truyền về đạo này thêm những chi tiết gì nữa hông anh Hai và nó có thiệt hông anh Hai hay chỉ là những tin đồn thất thiệt, loại như mê tín dị đoan?


HAP: Sat, Jul 2 at 1:32 AM


Kính anh Hai,


Anh bạn từ Châu Đốc lên Sài Gòn thi vào trường Quốc Gia Thương Mại với tôi, sau này ảnh ở làng Phú Lâm, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc, lâu rồi tôi không gặp, mãi tới năm 2010 dịp tôi về Châu Đốc hay tin ảnh mất, tôi có ghé Phú Lâm thắp ảnh nén hương!


Còn Anh Năm Hàng Xén và Thằng Chum Xứ Cá đều là bạn chí thân của tôi, ngày nào cũng gặp nhau, cả ba đứa tôi như bóng với hình, một lòng chung thủy, cùng nhau sống chết, tôi sống hai đứa nó sống, tôi chết hai đứa nó cũng chết theo.


Về đạo đâm đạo lụi, tôi chỉ nghe nói thôi, nói như thiệt, cho nên tôi cũng sợ lắm, mỗi lần nghỉ hè, về An Phú thăm nhà phải ngủ nóp, phải lựa chỗ đặt cái nóp cho an toàn, giữa nhà và cách xa vách nhà (sợ bị đăm xuyên qua nóp).


Anh Hai ơi, nhớ hồi trước, thi trầy vi tróc vảy mới đậu được Văn Bằng Tiểu học (C.E.P.C.I.), vừa  thi viết vừa vấn đáp. Đậu được bằng này có thể đi dạy học được rồi, phải không anh Hai ?


HT:


Dà, xin chân thành cảm ơn anh Hai An Phú đã cho biết:

Anh Năm Hàng Xén và Thằng Chum Xứ Cá đều là bạn chí thân của tôi, ngày nào cũng gặp nhau, cả ba đứa tôi như bóng với hình, một lòng chung thủy, cùng nhau sống chết, tôi sống hai đứa nó sống, tôi chết hai đứa nó cũng chết theo.”


Vậy là “Anh Năm Hàng Xén và Thằng Chum Xứ Cávà anh Hai An Phú, ba nhân vật này chỉ là một, thiệt là vui quá anh Hai!


Còn vụ bằng cấp hồi xưa, những năm cách nay hơn bảy chục năm và học trò các lớp trước thi đậu được văn bằng cho dù “Văn Bằng Tiểu học (C.E.P.C.I.)”cũng “trầy vi tróc vảy” và ai“Đậu được bằng này có thể đi dạy học được rồi!”, như anh Hai nói là quá đúng rồi! Tôi có ông anh thứ Năm, tuổi Bính Tý, nhỏ hơn anh Hai một tuổi, hồi đó ảnh cũng phải thì Văn Bằng Tiểu Học giống như anh nhắc và học trò thế hệ của anh Hai và của ông anh Năm tôi hồi xưa ai cũng đủ sức dạy học trò rồi!


Tương tự như anh Hai thi vào trường Quốc Gia Thương Mại vào năm 1957, lúc bấy giờ  ông anh thứ Năm của tôi đang học trường Trung Học Thoại Ngọc Hầu (Long Xuyên) rồi bạn bè của ảnh rủ nhau tình nguyện vào nhập học Khóa 7 Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức năm 1957. Lúc bầy giờ chưa có lệnh gọi động viên hay nhập ngũ gì gì, đất nước còn thanh bình và sau ba tháng quân trường các Sinh Viên Sĩ Quan được làm lễ gắn Alpha; dịp này anh Năm tôi có giấy phép về về thăm gia đình, ảnh liền về Sài Gòn mua vé xe đò chạy suốt đêm về thăm nhà ở dưới quê Lấp Vò! Nhằm lúc nghĩ Hè, lúc bấy giờ tôi mới bắt đầu vào học lớp Đệ Thất, anh tôi dẫn tôi lên Sài Gòn chơi, nhờ vậy mà tôi mới biết Sài Gòn lần đầu tiên là dịp này!


Giờ trở lại một chút về các nhận định của nhà văn Vũ Thất về cuốn sách “Nội Ngoại Đều Thương” của anh Hai mà mới đây nhân dịp ngày Lễ Cha (ngày 19.6.2022), trên trang nhà của Trần Thị Nguyệt Mai cho đăng lại bài viết này:

https://tranthinguyetmai.wordpress.com/2022/06/19/doc-noi-ngoai-deu-thuong-cua-khiem-cung/


Dịp này, tôi đọc lại bài của nhà văn Vũ Thất tôi mới thực sự thấy hết cái hay của cuốn “Nội Ngoại Đều Thương” của anh Hai qua tài liên kết và dẫn dắt người đọc của tác giả Vũ Thất từ gần tới xa, từ xưa tới nay làm người đọc nhà quê già như tôi ở tuổi hơi trộng trộng này tự thấy mình hổng làm sao có thể liên kết một cách liền lạc, mật thiết các tựa bài trong cuốn sách của anh Hai An Phú như nhà văn Vũ Thất cho nổi!

 
Anh Hai nghĩ sao về những nhận định của nhà văn Vũ Thất về đứa con đầu lòng của anh Hai như trong bài vừa rồi vậy anh Hai?


 (Trong khi chờ anh Hai cho biết ý kiến về câu hỏi vừa nêu, xin gởi tiếp anh Hai ý kiến bên dưới)


Thưa anh Hai An Phú,

Nhìn lại một chặn đường khá dài qua biết bao biến thiên của thời cuộc và rồi dòng đời của mỗi anh em mình cũng có nhiều thay đổi theo mỗi hoàn cảnh, mỗi phận người; riêng anh Hai, anh được sanh ra ở làng Bắc Nam (An Phú) vào năm Ất Hợi, rồi khi bắt đầu đi học anh Hai được hai bác gởi anh lên tỉnh Châu Đốc học ngay trường Tiểu học Tỉnh lỵ, rồi đậu vào lớp Đệ Thất đầu tiên của trường Trung học Thủ Khoa Nghĩa; rồi lại lên Sài Gòn đi học tiếp sau khi hết lớp Đệ Tam ở trường Trung Học Thủ Khoa Nghĩa (Châu Đốc), rồi lại tốt nghiệp Trường Quốc Gia Thương Mại (Sài Gòn) và ra đời đi làm việc ở Sài gòn có tới 34 năm; rồi có lúc anh Hai lại buôn bán; có anh lúc anh Hai hú hồn vì vượt biên hụt; có lúc anh Hai thích sống đời sống làm công quả, làm từ thiện, thiện nguyện giúp đời...


Vậy anh Hai có lúc nào thấy mình còn muốn làm thêm một việc gì nữa mà anh Hai đã ao ước là mình sẽ làm nhưng anh Hai chưa có dịp thuận tiện để thực hiện ước mơ của mình hông anh Hai?


Ngoài ra, với ba đứa con "Nội Ngoại Đều Thương (xuất bản 2009, tái bản lần thứ nhứt năm 2021), rồi Thằng Mập (2013), rồi tới đứa thứ ba là “Chuyện Bên Này Bên Kia” (hay “Đôi Bờ Đại Dương” tức “Những Mảnh Hồn Tôi”(2019); sau thời gian miệt mài nuôi dưỡng cho chúng, mỗi đứa được nên vóc nên hình với biết bao chất liệu cùng kinh nghiệm sống, và với biết bao những kỷ niệm từ lúc ấu thơ cho chí đến khi khôn lớn trưởng thành để bước chân vào đời, và cứ thế, cứ thế trải dài cho chí tới hôm nay ở tuổi thượng thọ như anh Hai; vậy anh Hai thấy một trong ba đứa con ấy, đứa nào mà anh Hai vừa bụng nhứt anh Hai?


HAP: On Sunday, July 3, 2022 at 03:33:51 PM CDT


Kính anh Hai Kinh Xáng Bốn Tổng,

Xin gọi lại anh bằng 5 chữ thương mến ngày nào mới quen anh. Xin anh Hai bỏ qua cho những lúc tôi chậm trả lời.


Anh Hai ơi, cái mộng lớn của tôi là luôn luôn muốn học thêm hoài, vì càng học lại thấy mình càng dốt, nhưng rất tiếc là không còn thời gian để học, vì nay tôi “già khú đế” rồi!


Hai đứa con tinh thần đầu lòng của tôi là “Nội Ngoại Đều Thương” và “Thằng Mập”, tôi viết toàn bằng trái tim, tràn đầy kỷ niệm; còn “Những Mảnh Hồn Tôi” vừa viết theo hồi ức vừa chen suy ngẫm chuyện đời, vừa viết theo trái tim, vừa vận dụng trí óc. Tôi thương cái tánh hồn nhiên của hai đứa con đầu hơn “Những Mảnh Hồn Tôi”, nhưng mà con thì đứa nào mình cũng thương như nhau đó anh Hai.


HT: Sun, Jul 3 at 10:28 PM


Dà, thưa anh Hai,

Năm chữ “Hai Kinh Xáng Bốn Tổng” được anh Hai thương mến và nhắc, thiệt tình là tôi hết sức cảm động từ đáy lòng đó anh Hai!


Anh Hai năm nay với tuổi đời ở vào hàng thượng thọ rồi, vậy mà anh Hai còn hồi đáp những câu hỏi lòng vòng của em út một cách đầy đủ, tinh tế, gãy gọn và sắc sảo như vậy quả là sức khỏe cùng tinh thần của anh Hai quá tốt, quá quí rồi đó anh Hai! Xin chúc mừng anh Hai.


Tôi thấy qua hai năm mùa dịch covid vừa rồi, người ta bị hạn chế trong việc đi lại và phải ở trong nhà hoài, ít ra ngoài gặp ai và lâu dần dường như cái tình quen biết, giao tiếp giữa bạn bè cũng bị lạt lẽo đi nhiều làm tôi nhớ hồi đó lúc tôi còn ở trên Boston, nhà thơ Hoa Văn cũng cư ngụ ở Boston, có trước tác bài thơ “Đêm buồn  uống rượu một mình” có mấy câu thơ giờ đọc lại thấy thắm thía nỗi niềm của tác giả hồi ấy những năm đầu thập niên 1992-1996:


 “Ở đây xứ lạ buồn ghê gớm,

Có những người quen muốn lạ dần!

Có những tâm hồn như lá cỏ,

Chuyện còn chuyện mất cũng phân vân!”


 (Trích trong thi tập “Che Đời Mưa Bay” của Hoa Văn, tác giả xuất bản năm 2008, Boston, Hoa Kỳ, trang 30)


Thành ra, giờ mà được thư qua tin lại trò chuyên với anh Hai thương tình dành cho em út như tôi qua cuộc trò chuyện về những chuyện hồi xưa này chẳng những nó làm mất thời giờ quí báu của anh Hai như vậy nhiều lắm; mà thêm nữa, nó có vẻ giống như hổng có ích lợi gì ráo trọi nhưng riêng với người nhà quê già như tôi thì được dịp trò chuyện với anh Hai thì tôi thấy quá vui vì có dịp mình cũng nhìn lại mình những ngày còn nhỏ nơi chốn quê mùa cua ốc cá tôm vùng lúa mùa, lúa sạ của quê ngoại làng Mặc Cần Dưng qua những ngày đi học các lớp Sơ học, rồi Tiểu học..., nên tôi không biết nói gì hơn là xin thành thật cảm ơn anh Hai đã không ngại tuổi tác, không quản ngại mất thời giờ và đã dành cho tôi cuộc thăm hỏi tâm tình này; riêng với tôi thật là bổ ích và vui nhiều lắm anh Hai!


 HAP: On Monday, July 4, 2022 at 01:22:02 AM CDT,


Kính anh Hai Kinh Xáng Bốn Tổng,

Được thư anh và các bạn, tôi mừng húm. Thời hậu Covid mà nhận được tin bạn bè, biết là còn mạnh khỏe thì còn gì vui hơn!


À, tôi quên nói cái cảm nghĩ của tôi về lời bình cuốn “Nội Ngoại Đều Thương” của anh và anh Bảy Vũ Thất như thế này: Mỗi anh có một góc nhìn khác nhau, hai góc nhìn đó giúp bà-con hiểu rõ hơn về cuốn truyện, anh nói thấu tim đen, vạch trần cái tâm tư của tác giả; còn anh Vũ Thất vì ở cùng địa phương Châu Đốc, tôi đã viết những gì anh ấy  đã từng thấy, anh ấy là nhân chứng những gì tôi viết. Cảm ơn hai anh nhiều lắm!

Thân kính,

Chung An Phú


HT:


Dà, em út xin chân thành có lời cảm ơn anh Hai một lần nữa.

Kính chúc anh chị Hai cùng gia đình các cháu nhiều sức khỏe, may mắn, an lành và hạnh phúc.


Thân mến,

Hai Trầu.

Kinh Xáng Bốn Tổng ngày 06 tháng 7 năm 2022.


Cước chú:

(1)   Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ, nhà xuất bản Khai Trí, Sài Gòn, năm 1970, Quyển Hạ, Phần II Phụ Lục: Tục Ngữ, Thành Ngữ, Điển Tích, trang 281.


 (2) Mẫu Văn Bằng Tiểu Học năm 1956-1958 của Bộ Quốc-Gia Giáo-Dục


VIỆT-NAM CỘNG-HÒA                                          BỘ QUỐC- GIA GIÁO-DỤC


VĂN-BẰNG TIỂU-HỌC

*******


Bộ-Trưởng Quốc-Gia Giáo-Dục,



Chiếu Nghị-Định số 8-NĐ/GD ngày mồng 4 tháng Giêng năm 1954 của Bộ Giáo-Dục ấn-định thể-lệ
Văn-Bằng Tiểu-Học.


Chiếu bảng tổng-kê điểm số trung-bình các kỳ thi lục-cá-nguyệt lớp Nhì và lớp Nhứt lập ngày 10 tháng 5 năm 1956 tại Trường Tiểu-Học Bổ-Túc Hổn-Hợp Bình-Hòa chứng nhận trò Lương-Văn-T…, sinh ngày… tháng … năm… tại Bình-Hòa (Long-Xuyên) được miễn thi bằng Tiểu-Học và được cấp Văn-Bằng.


Cấp cho trò Lương-Văn-T… Văn-Bằng Tiểu-Học để chấp chiếu và tiện dụng.


Sài gòn, ngày 10 tháng 3 năm 1958

T.U.N Bộ-Trưởng Quốc-Gia Giáo-Dục


Giám-Đốc Nha Học-Chánh Nam-Phần

(Ấn ký)


Người có bằng ký:



Sốn biên vào sổ: 8.104.


 (3) ĐẠO ĐÂM ĐẠO LỤI

Dương Văn Chung

 

        “  Một trong những hình thức khủng bố mà người Trung Đông thực hiện là ôm bom tự sát. Nguyên nhân nào hấp dẫn những tay cảm tử thí mạng như vậy ? Người ta nói vì họ là những người cuồng tín, coi cái chết đó là tử vì đạo, được về với thánh A La và ở cõi thiên đàng ấy, người đàn ông cảm tử sẽ có bảy mươi hai bà vợ. Vui thật là

vui, chết cũng đáng lắm thay!

          Ở miền Tây, cụ thể là ở Châu Đốc, Long Xuyên vào cuối thập niên năm mươi, tin đồn có phong trào đạo đâm, đạo lụi. Nghe nói, cũng giống như những kẻ ôm bom tự sát, người theo đạo nầy nếu đâm chết mười người thì biết bay. Tin dữ lan ra cả vùng, nơi nầy có người bị đâm, nơi kia có người bị lụi, với nhiều tình

tiết giựt gân kinh khủng. Chỉ nghe đồn, chưa ai thấy tận mắt người nào bị đâm, nhưng ai cũng nơm nớp lo sợ bị mất mạng vì bọn tà đạo nầy.

          Tôi đi học ở Sài Gòn, những ngày nghĩ lễ thường đi về Châu Đốc thăm nhà bằng xe đò chạy đêm. Đi xe đêm mát trời, nếu có kẹt bắc Mỹ Thuận hay bắc Vàm Cống thì

mình có thể ngủ ngồi trên xe hoặc vào mấy quán giải khát ở bến bắc để uống nước.

          Xe về đến chợ Châu Đốc khoảng 12 giờ khuya. Tôi đến nhà người chị bạn dì, nơi

tôi đã ở suốt thời gian còn học Tiểu học và Trung học tại Châu Đốc. Tôi kêu cửa:

          -Chị hai ơi, chị hai, mở cửa, em về đây.

          Tôi nói mấy lần như vậy, chị hai tôi mới lên tiếng:

          -Cậu năm hả cậu năm?

          -Dạ, em nè, chị hai.

          -Nếu phải là cậu thì đưa cái cặp cho chị coi trước nghen.

Tôi đưa cái cặp lên khỏi đầu vừa để chị hai tôi thấy, vừa để thủ thế, đở đòn, nếu chị tôi

sợ quá rồi đập đại.

Vừa bước vào cửa, tôi thấy chị tôi cũng đang ở thế thủ, chị đưa cao cây gài cửa lên để

sẵn sàng đập xuống.

Tôi hỏi:

          -Chị làm gì mà dàn trận thấy ghê quá vậy ?

Nhận diện được nhau, hai chị em cười ngất.”


 (Trích trong “Nội Ngoại Đều Thương”, nhà xuất bản Quán Âm Sơn, Tân Tây Lan, năm 2008,  phần Truyện thật ngắn, trang 196-197).