THỬ TÌM HIỂU VÀI NÉT VỀ “BÀN THỜ ÔNG
THIÊN”
QUA VÀI TRANG SÁCH
CŨ
Hai Trầu
Nhắc tới miền quê thuộc miền Tây Nam nước Việt, không ai là không biết tục thờ
cùng “Bàn Thờ Ông Thiên” nơi trước sân ở mỗi nhà; nhưng danh từ “Bàn Thờ
Ông Thiên “ có từ khi nào thì khó mà xác định một cách chắc chắn.
Lần dở lại các trang sách cũ, như quyển “Đại Nam Quốc
Âm Tự Vị” của Huình-Tịnh Của (1) không có danh từ này. Rồi đến các tự điển như
“Hán Việt Từ Nguyên” hoặc “Tầm Nguyên Từ Điển” của Bửu Kế (2) cũng không thấy
nhắc đến danh từ này. Lần mò tìm trong “Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân Từ Điển”
của Trịnh Vân Thanh (3) cũng không có vết tích gì về “Bàn Thờ Ông Thiên”. Ngay
như quyển “Việt Nam Tân Tự Điển” của Thanh Nghị, do nhà xuất bản Thời Thế (Sài
Gòn), 1951, cũng không có ghi lại danh từ này dù việc thiết lập “Bàn Thờ Ông
Thiên” đã có từ rất lâu trước đó.
Vì muốn tìm hiểu việc thờ cúng “Bàn Thờ Ông Thiên” rất
phổ thông này nơi các làng quê, chúng tôi tìm đọc qua các sách vở có liên quan
đến đất Nam Kỳ như “Một Tháng Ở Nam Kỳ” trong quyển Hành Trình Nhật Ký của Phạm
Quỳnh (4), “Tìm Hiểu Đất Hậu Giang & Lịch Sử Đất An Giang” cũng như
“Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam” của Sơn Nam (5) đều không thấy nhắc đến việc thờ
Trời này.
Rồi chúng tôi dò tìm lại “Việt Nam Phong Tục” của Phan
Kế Bính, “Làng Xóm Việt Nam” của Toan Ánh (6) đều không thấy vết tích gì về
“Bàn Thờ Ông Thiên”.
Đến như cuốn “Thần, Người Và Đất Việt” (bản mới) của Tạ
Chí Đại Trường (7) tác giả có khảo sát rất chi ly về các tín ngưỡng trong việc
thờ phượng tế tự cùng các tôn giáo vùng đất Nam Kỳ, nhưng cũng không thấy nhắc
đến việc cúng kiến nơi “Bàn Thờ Ông Thiên”.
Thành ra, càng tìm kiếm sách vở nhắc đến “Bàn Thờ Ông
Thiên”, dù chưa gặp, nhưng tôi vẫn không nản lòng vì qua việc tìm kiếm này, tôi
có dịp đọc lại nhiều sách cũ mà lúc bình thường tôi chưa đọc kỹ.
Thế rồi, qua cuốn du ký và biên khảo“Bảy Ngày Trong Đồng
Tháp Mưòi” của Nguyễn Hiến Lê, tác giả kể:
“Ngoài Bắc làng nào cũng có chùa, và phụ nữ thường đi
lễ Phật đấy, song ít nhà có bàn thờ Phật và số người ăn chay không đáng kể.
Anh Bình mỉm cười:
-Anh
quên rằng dân quê Bắc-Việt suốt năm ăn chay sao ? “Tứ thời rau muống, tứ thời
tương.”
-Ngay
những nhà giàu ở thành-thị cũng ít ăn chay, ít lắm, mà có ăn chay thì chỉ ăn tại
chùa, trong những dịp có hội hè, tế lễ thôi. Trong này mười gia đình thì tám
chin gia đình có bàn thờ Phật hoặc bàn thờ ông Thiên và nhà nào cũng có
người ăn chay.
Đi
ghe trong các kinh, rạch, vào lúc sẩm tối, ta thường thấy hai bên bờ, cứ vài chục
thước lại hiện lên những đốm đỏ, nhỏ như đom-đóm; đó là hương thắp trước mỗi
nhà. Có xóm vang lên tiếng tụng kinh gõ mõ. Có miền tới ngày rằm, mùng một,
không sao kiếm được ở chợ các món thịt, cá. Nhà nào cũng ăn chay và có nhiều
người ăn chay trường. Cảnh ấy, ở Bắc-Việt tuyệt-nhiên không thấy.”(8)
Ở cuối trang tác giả chú thích về “Bàn thờ ông Thiên”:
“Một bàn thờ nhỏ đặt trên một cái trụ ở giữa trời tại giữa sân, trước nhà, để
thờ Trời Phật” (9).
Bàn
Thờ Ông Thiên bên hai gốc mai vàng ngày Tết
Có được những bút lục vừa kể chúng tôi mừng lắm, ít ra có một bậc tiền bối ghi
lại việc thờ phượng Trời Phật này bằng giấy trắng mực đen thay vì mình chỉ biết
qua truyền miệng với nhau. Thế nhưng, vì muốn tìm học hỏi thêm, nên chúng tôi
tìm đọc lại “Văn Minh Miệt Vườn” của Sơn Nam, và bắt gặp nhà văn ghi lại đôi
nét về khung cảnh nhà cửa miệt vườn như dưới đây:
“Chúng tôi thử phác họa một ngôi nhà ở Miệt Vườn, chủ
nhân là dân điền chủ bậc trung. Nhiều ngôi nhà cất sau này dựng hàng rào sắt,
có xây hồ nước lộ thiên, có lầu. Theo ý chúng tôi thì những ngôi nhà tân thời ấy,
không tiêu biểu cho lắm, tốt hơn là nên chọn lựa một kiểu nhà hơi xưa, cất vào
khoảng năm 1905-1910, lần hồi gia chủ mua sắm thêm bàn ghế bên trong, tu bổ lại.
Địa điểm chọn lựa là vùng Cái Bè, ở bờ sông Tiền, nơi
nổi tiếng nhờ vườn cam và cũng là vùng đất xưa. Hy vọng rằng kiểu nhà sau đây-
nhà của điền chủ- nói lên được phần nào cách ăn ở của người Miệt Vườn hồi đầu
thế kỷ, với nhiều tiểu dị nhưng cũng có nhiều nét đại đồng. Những người phú
nông, trung nông cất nhà theo quan niệm ăn ở và thẩm mỹ ấy, nhiều chi tiết được
thay đổi tùy theo túi tiền của gia chủ.
Mỗi nhà là một cung điện bình dân, với nhà thủy tọa, với
sân rộng, hòn non bộ, cây kiểng. Sau nhà là vườn tược, trước sân và bên hông
thì trồng cây để lấy bóng mát. Nhà không quá kín đối với người ngoài.
Nhà mát cất ở mé sông, kiểu nhà thúy tọa, có “băn” bằng
cây đóng chung quanh. Đây là nơi lý tưởng để ngắm cảnh khi trăng lên, khi nước
lớn. Bên cầu mát là trại lá nhỏ để ghe xuồng đậu, từ chiếc ghe hầu, mui ghe chạm
trổ phết vàng sơn son, đến chiếc ghe lườn, xuồng be, xuồng vỏ gòn.
Rời nhà mát, gặp con đường cái, chạy dài theo mé rạch.
Qua lộ, đến cổng vào nhà. Cổng ít khi đóng lại, nhiều khi không có cửa. Cổng bằng
cây, bằng gạch. Nếu túng thiếu hoặc yêu mến thiên nhiên, cứ trồng cây, uốn cho
nhánh giao lại theo hình vòng nguyệt, hai bên là hàng rào bằng cây khô hoặc cây
tươi như dâm bụt, cây trà kiểng, cây kim quit.
Từ cổng vào nhà là con đường lót gạch tàu, bên đường
viền cỏ dền tây, bông nở ngày, bông vạn thọ hoặc cây đinh lăng.
Bàn thờ ông Thiên dựng giữa sân, gần đường cái. Nhiều khi gia chủ bố
trí thêm một cây trụ, trên chót là cái lồng cửa kiếng, ban đêm thấp ngọn đèn dầu
lửa cho vui. “(10)
Qua đoạn trích vừa kể bàn về ngôi nhà hồi đời xưa, tức
là vào những năm 1905-1910 nơi miệt vườn đã có “Bàn Thờ Ông Thiên” tươm tất rồi
với ngôi nhà tiêu biểu vừa kể . Điều đó cho thấy, sự thờ Trời Phật qua Bàn Thờ
Ông Thiên có lẽ nó đã có khá lâu trước đó.
Trở lại nhận xét của Nguyễn Hiến Lê về tín ngưởng của
dân Nam-Việt trong cuốn “Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười”, tác giả viết:
“Ở chùa bước ra, tôi nói với anh Bình:
-Theo
Chu Duy-Chi, tác giả cuốn :”Trung-Quốc Văn-Nghệ Tư-Trào Sử-Lược”, thì miền nam
Trung-Hoa khí hậu mát-mẻ, đất cát phì nhiêu, việc mưu-sinh nhẹ-nhàng, nên
dân-gian thường được nhàn-hạ, có thì giờ không-tưởng, suy-nghĩ về lẽ huyền bí của
Vũ-trụ, tìm cách thoát tục tu tiên. Óc tưởng-tượng của họ phong phú mà óc thực
tế thì kém, văn-chương lãng-mạn phát-đạt hơn văn-chương tả thực. Trang-Tử và
Khuất-Nguyên đều là người phương Nam, còn Khổng-Tử là người phương Bắc.
-Thuyết
ấy áp dụng vào nước ta cũng có chỗ đúng. Như ở Nam-Việt này, đạo Khổng không
phát triển bằng các tôn-giáo Lão, Phật.”(11)
Chính vì ảnh hưởng bởi Lão Giáo và Phật Giáo hơn các tông giáo khác cho nên việc
thờ Trời Phật qua Bàn Thờ Ông Thiên của dân Nam-Việt là một lẽ hết sức tự
nhiên. Thêm vào đó, theo Nguyễn Văn Huyên, trong Văn Minh Việt Nam, bàn về đạo
Lão, tác giả viết :
“Vị thần tối cao của những người theo đạo Lão, điều khiển tất cả các thần
khác, là Ngọc Hoàng. Ông ở trung tâm của Trời…” và “Ngọc Hoàng thường được gọi
là ông Trời hay Trời. Trong ý thức dân gian, Trời là căn nguyên của các hiện tượng
khí quyển và sự che chở cho người trần. Trời là nguyên nhân nội tại của tất cả;
Trời chủ trì cái sống, cái chết, hạnh phúc, sự giàu nghèo, v.v… Trời chẳng phải
là sức mạnh mù quáng; Trời xem xét, suy nghĩ, phán xét. Về mặt vật chất thì Trời
được tiêu biểu bằng vòm trời tạo thành một nửa thế gian, nửa kia là Đất. Toàn
thể vũ trụ được gọi là Trời Đất”.(12).
Ngoài ra, bàn thêm về Ngọc Hoàng, tức Ông Trời, tác giả Nguyễn Văn Huyên
ghi tiếp:
“Người Việt nói rằng: “Ngọc Hoàng lúc khai thiên lập địa là một con chim
màu đỏ. Lúc trời đất chưa ra khỏi sự hỗn mang, và bóng tối còn bao trùm vạn vật,
Ngọc Hoàng đã cai trị vật chất bất động và lộn xộn. Sau này, khi Trời được giải
thoát, đứng trên cao, và Đất được giải tỏa, nằm dưới thấp, thì Ngọc Hoàng ngự
trị 36 cung điện của các thần trên Trời và 72 thần của các tầng của Đất. Ông là
chúa tể của Mặt Trời, Mặt Trăng, các vì Sao, Gió, Mây, Sét và Mưa. Các thần và
ma của núi, sông, rừng, cánh đồng, biển, cũng như các sinh vật đủ loại người,
chim trên không, cá dưới biển đều trở thành thần dân của Ngọc Hoàng. Ở thời Bàn
Cổ xa xưa, khi con người còn hoang dã ăn thịt sống và uống máu tươi súc vật,
thì Ngọc Hoàng cử Phục Hy xuống truyền cho họ những yếu tố của văn minh, cử Thần
Nông dạy họ làm ruộng, và Hiên Viên dạy họ dệt vải lanh và dệt lụa. Chính Ngọc
Hoàng đã tạo nên các nền trật tự thái bình vinh quang của Nghiêu và Thuấn, và
sai Vũ Vương đắp đê ngăn nước trong trận lụt tràn khắp thế gian. Ngọc Hoàng còn
phái xuống trần Cao Đào để thiết lập công lý giữa mọi người, Tiết để định ra
năm mối quan hệ xã hội lớn, Khổng Tử để viết Ngũ Kinh, và tất cả các bậc hiền
giả đã làm rạng rỡ loài người”.(13)
Do vậy, vốn là xứ nông nghiệp, nên khi khấn vái, người ta cầu khấn Ngọc Hoàng,
tức Ông Trời, cùng các vị thần linh đệ tử của Ngài trong tất cả các sự kiên
liên qua tới cuộc sống như sinh đẻ, bệnh tật, dịch bệnh, hạn hán, lụt lội, mưa
nắng, mùa màng v.v… như qua các thực tế trong việc van vái nơi “Bàn Thờ
Ông Thiên” mỗi ngày hoặc qua văn chương truyền khẩu còn lưu lại mãi mãi:
“Lạy
Trời mưa xuống
Lấy nước
tôi uống,
Lấy ruộng
tôi cày,
Lấy đầy
bát cơm,
Lấy
rơm đun bếp…”
Về hình thể Bàn Thờ Ông Thiên”, thì ai ai có qua vùng đất Nam Việt cũng đã thấy
và đã biết hình dáng loại bàn thờ này, giống như nhị vị tiền bối Nguyễn Hiến Lê
và Sơn Nam lược kể. Thuở còn nghèo, mới khai hoang lập ấp, người ta chặt cây
tràm, hoặc đốn gốc tre gai dài chừng từ 1 thước 60 đến hai thước làm trụ
dựng làm bàn thờ ông Thiên. Trên đầu trụ đóng cây thành hình chữ thập nhằm mục
đích giữ cho miếng ván dùng làm bệ thờ không bị lật rớt. Sau đó lựa miếng ván
vuông vức khoảng chừng bốn tấc đặt lên chữ thập này. Và vậy là có bàn thờ
ông Thiên với cái lon thiếc làm chỗ cấm nhang, chai nước mưa, ba cái ly nhỏ để
cúng nước và một chai nhỏ dùng làm bình bông cúng Trời Phật. Bông thường thường
là bông trang, bông huệ, bông điệp, bông mồng gà trồng ngay nơi bàn ông Thiên
mà mỗi nhà nào cũng có trồng khi bắt đầu dựng trụ thiết lập chỗ thờ cúng này.
Dùng cây tràm, dùng gốc tre lâu ngày trụ bàn thờ ông Thiên bị mưa nắng làm mục,
người ta mới nghĩ đến việc dùng cây vông nem hoặc cây gòn làm trụ vì các loại
cây này khi cắm xuống đất chúng sẽ đăm rễ ra nhánh nên trụ sẽ sống lưu niên từ
năm này qua năm khác không sợ mục; chỉ có điều lâu lâu nên để ý mé bớt các các
nhánh vông, nhánh gòn cho gọn để bàn thờ được tươm tất và đẹp mắt.
Dần dần về sau vào những năm cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960 miệt chợ
Thủ thuộc Chợ Mới (An Giang) và nhiều nơi khác thuộc Long Xuyên như Cần Sây, Rạch
Gòi Lớn, hoặc các vùng thuộc Châu Đốc, Cần Thơ, Sa Đéc, nói chung các
vùng thuộc Tiền Giang và Hậu Giang người ta nghĩ ra cách đúc Bàn Thờ Ông Thiên
bằng xi măng cốt sắt và để bán tại chỗ hoặc có ghe chở bán khắp các làng quê
trong vùng. Do vậy sau này, ít thấy bàn thờ ông Thiên làm bằng cây vông, cây
gòn, gốc tre hay các loại cây gỗ khác và chỉ còn vài nhà vì quá nghèo không mua
nổi bàn ông Thiên đúc xi măng thì mới còn dùng các loại cây cối có sẵn trong vườn
làm trụ bàn ông Thiên.
Về tên gọi “Bàn Thờ Ông Thiên”, qua sách vở như vừa ghi bên trên, thoạt kỳ thủy
ai ai cũng gọi “Bàn Thờ Ông Thiên” nhưng rồi dần dần vì tính giản dị của cư dân
nơi vùng sông nước Cửu Long này nên nguyên chữ “Bàn Thờ Ông Thiên” được lược ngắn
bớt chữ “thờ” thành ra “Bàn Ông Thiên . Chẳng hạn vùng An Phú, nhà văn
Khiêm Cung Dương Văn Chung cho biết dân nơi ấy gọi “Bàn Ông Thiên”. Ở vùng Châu
Phong, theo chị Lộc Tưởng, người chủ trương trang nhà Thất Sơn Châu Đốc cũng
cho biết ở đây người ta cũng gọi “Bàn Ông Thiên”.
Nhắc đến vùng Châu Phong của chị Lộc Tưởng, chúng tôi nhớ lại trong sách
“Bangsa Champa, Tìm Về Một Cội nguồn Cách Xa”, của tác giả Đỗ Hải Minh, biên khảo
về đời sống đồng bào Chăm vùng cù lao Châu Phong có nhận xét về sự khác biệt giữa
nhà cửa cư dân Việt và cư dân Chăm trong vùng, với tục thờ cúng “Bàn Ông Thiên”
như sau:
“Từ
bên này bờ sông nhìn sang bên kia, không xa lắm, chỉ vào khoảng 50 thước là
cùng, tiếng trẻ em vui đùa vẫn vọng mồn một sang bên này bờ, nhưng thực tế là
hai thế giới khác biệt. Thật vậy, nhà cửa bên kia sông, thường đắp nền cao rồi
dựng cột và vách lên, bên trong nhà có bàn thờ tổ tiên,bày biện bàn ghế, giường
ngủ có chân cao. Hầu như trước nhà nào cũng có một bàn thờ nhỏ gọn gọi là “Bàn
ông Thiên” buổi chiều khói hương nghi ngút. Bên này sông, trái lại, nhà nhà
đều có sàn; cột thường bằng cây nguyên bào nhẵn, cao khỏi đầu người, mặt tiền
nhà nào cũng có một cái thang rắn chắc bằng gỗ, và bên trong nhà hầu như không
có bàn ghế, nên khi khách đến nhà thì chủ nhà thường trải chiếc chiếu hoặc
tấm thảm, để chủ khách cùng ngồi xếp bằng trên sàn gỗ. Nhà cửa phần lớn sát vào
nhau, cả làng hầu như không có nhà nào trồng rau quả, vườn tược, nhứt là vườn
trầu xanh tươi như bên kia bờ.”(14)
Qua nhận xét vừa trích về “Bàn Ông Thiên”, cho thấy học giả Đỗ Hải Minh dù là
người Chăm nhưng ông rất am tường việc tín ngưỡng của cư dân Việt quanh
vùng Châu Phong.
Từ “Bàn Thờ Ông Thiên”, rút gọn còn “Bàn Ông Thiên”, nhưng danh từ này còn lược
gọn thêm một lần nữa khi nhiều vùng bỏ bớt chữ “Ông” và thành “Bàn Thiên” và vẫn
ngầm hiểu danh từ này dùng để gọi “Bàn Thờ Ông Thiên”, hoặc “Bàn Ông Thiên”.
Theo Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ giải nghĩa : “Bàn
Thiên (danh từ): Còn gọi là Bàn Trời, tấm ván vuông có chân cao lối
1 m 60 trồng trước sân ngay cửa để thờ Trời hoặc kiến trúc giống cái nhà nhỏ
vuông-vức lối 50cm mỗi cạnh”(15)
Ngoài ra, theo Từ Điển Từ Ngữ Nam Bộ của Huỳnh Công Tín, cắt nghĩa “Bàn
Ông Thiên” là bàn thờ trước sân nhà để đặt nhang, đồ cúng, làm bằng một tấm
vuông nhỏ được đặt trên một trụ cao ngang tầm với người lớn; “Bàn Thiên”: Bàn
thờ Trời, Phật ở trước sân nhà ở nông thôn.” Trong phần cắt nghĩa hai danh
từ “Bàn Ông Thiên” và “Bàn Thiên”, tác giả có ghi thêm hai thí dụ dẫn chứng:
“Tôi
thấy ông chủ nhà vào trong thắp một nắm nhang, cháy đỏ, đem ra trước sân thắp
lên bàn Ông Thiên rồi qùi xuống khấn vái, khá to tiếng.”(Sơn Nam) và “Ông Hương Ba đứng trước bàn Thiên vái
ba vái, rồi lẩm bẩm điều gì tôi cũng không nghe rõ.” (Phi Vân)(16)
Điều đáng lưu ý là hai bộ từ điển vừa kể của Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ cũng
như của Huỳnh Công Tín đều không có chữ “Bàn Thông Thiên” như nhiều người nói
dân quê miền Tây còn gọi danh từ này để chỉ “Bàn Thờ Ông Thiên”. Và
đây cũng là một điều làm tôi cố ý tìm tòi xem xưa nay có ai gọi “Bàn Thờ Ông
Thiên” là “Bàn Thông Thiên” không?
Lần mò tìm đọc lại các sách mà tôi hiện có, may sao chỉ có tác giả Nguyễn
Văn Kiềm & Huỳnh Minh trong quyển “Tân Châu Xưa” khi lược kể về cách thờ
phượng của ông đạo Tưởng ở Tân Châu, các tác giả viết:
“Vào lối năm 1928, một cái am tạm làm bằng tre lá được dựng lên tại phần đất
ông Nguyễn Chánh Sắt, tọa lạc giữa Long Đức Tự và ấp chiến lược Long An “A” hiện
giờ, mà tục thường gọi con đường này là “Đường Chùa”, thuộc xã Long Phú, cách
quận lỵ Tân Châu độ một cây số ngàn. Ấylà cái am của Ba Quốc cất để tu tâm dưỡng
tánh(…)
Khách
tò mò đến am nhận thấy chốn tôn nghiêm của ông sắp đặt thật có ngăn nắp: từ cột
cái trở vô, ông lên cái gác thờ “Quan Đế Thánh Quân” tức “Quan Vân Trường” hiển
thánh đời Tam Quốc, “Thục, Ngô, Ngụy” bên Tàu, gọi “Bàn Tổ” hay “Bàn Thầy”. Bên
tả thờ Thần, bên hữu thờ Thánh. Đối diện bàn thờ Quan Công là cái khánh thờ
“Chư Vị Năm Ông”.
Trên gác có xây cái liêu kín để ông tịnh và có đưa ra cái thiên thai để tiếp
nhận những người đạo hạnh tập tuyệt thực. Phía trong có dành căn phòng thờ “Sơn
thần” để chữa bịnh. tại giữa sân lại dựng lên “Bàn Thông Thiên” theo cổ
tục nước ta. Chung quanh chỗ thờ Trời có trồng bông mồng gà và bông vạn thọ,
nên lộ lên một phong cảnh thật trang nghiêm.”(17).
Về cách cúng lạy “Bàn Thông Thiên” của ông đaọ Tưởng, tác giả ghi tiếp:
“Mỗi
ngày hành lễ ba thời: khuya, ngọ, chiều. Mỗi khi hành lễ cũng có chuông mõ như
các nhà chùa. Đây là cách ông lạy: trước hết ông lễ bàn Thầy, bàn Thánh, bàn Thần,
bàn Chư Vị Năm Ông, mỗi bàn 12 lạy gồm 48 lạy. Khi xong, ông ra lễ bàn Thông
Thiêng bằng lối lạy đủ bốn hướng: “Đông, Tây, Nam, Bắc” cũng 48 lạy phân ra mỗi
hướng 12 lạy y như Bàn Thầy.” (18)
Qua ghi nhận này, chúng tôi thấy việc cúng lạy nơi Bàn Thờ Ông Thiên tùy mỗi
nơi, mỗi nhà, mỗi người, lấy cái tâm thành kính tưởng Trời Phật làm trọng,
không nhất thiết ai ai cũng theo cách lạy 48 lạy như ông Đạo Tưởng. Cúng lạy mỗi
ngày ba thời, mỗi thời lạy 48 lạy mà rồi qua sách Tân Châu Xưa với “Pha bạo
loạn tế cờ” nghe qua mà ớn thần hồn.
Tóm lại, qua vài trang sách cũ nhìn lại việc gọi tên một cổ tục trong việc thờ
Trời Phật nơi “Bàn Thờ Ông Thiên” của cư dân vùng châu thổ Cửu Long cho thấy
dân cư các vùng sông nước Nam Việt này rất tin TRỜI PHẬT và không ai bảo ai
nhưng mỗi nhà, mỗi người đều thành tâm thờ kính và cầu khấn TRỜI PHẬT tạo thành
một nét tín ngưỡng rất đơn giản mà thiêng liêng, rất gần gũi mà cao siêu vòi vọi.
Dù với bất cứ danh gọi nào, dù “Bàn Thờ Ông Thiên”, “Bàn Ông Thiên”, “Bàn
Thiên” hay “Bàn Thông Thiên” thì mục đích và ý tưởng của cư dân vùng đất Nam Việt
này đã tạo cho mình một đời sống tâm linh rất phong phú, thanh cao, an lạc vậy
!
Hai Trầu
Kinh
xáng Bốn Tổng ngày 16-03- 2012
Phụ chú:
1/ “Đại Nam Quốc Âm Tự Vị” của Huình Tịnh Của, Sài Gòn,
Imprimerie REY, CURIOL&Cie, 1895.
2/
“Từ Điển Hán Việt Từ Nguyên” của
Bửu Kế, nhà xuất bản Thuận Hóa, năm 1999. ‘Tầm Nguyên Từ Điển” của Bửu Kế, nhà
xuất bản Thanh Niên, 2005
3/
“Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân
Từ Điển” của Trịnh Vân Thanh, bản in 1966.
4/ “Hành Trình Nhật Ký” vớ “Một Tháng Ở Nam Kỳ” của Phạm
Quỳnh , đăng trong tạp chí Nam Phong , xuất bản năm 1917 tại Hà Nội; Xuất
bản thành sách tại Paris năm 1997. In lần thứ hai tại San Jose, An Tiêm xuất bản,
2002
5/
“Tìm Hiểu Đất Hậu Giang &
Lịch Sử Đất An Giang” của Sơn Nam, nhà xuất bản Trẻ, Việt Nam, năm 2003.
“Lịch
Sử Khẩn Hoang Miền Nam” của Sơn Nam do Xuân Thu (Hoa Kỳ) tái bản, không ghi
năm.
6/ “Việt Nam Phong Tục” của Phan Kế Bính, nhà xuất bản
Miền Nam, không ghi năm.
“Làng
Xóm Việt Nam” của Toan Ánh, do Đại Nam (Hoa Kỳ) tái bản, không ghi năm.
7/
“ Thần, Người và Đất Việt” (Bản
Mới) do nhà xuất bản Văn Học, California, Hoa Kỳ, năm 2000.
8/“Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười”, Du Ký và Biên Khảo, của
Nguyễn Hiến Lê, loại sách “Học Làm Người”, Sài Gòn, 1954, trang 114.
9/ “Bảy
Ngày Trong Đồng Tháp Mười”, sđd, trang 114.
10/
“Văn Minh Miệt Vườn” của Sơn
Nam, nhà xuất bản Hồng Lĩnh, 1992, trang 111.
11/ “ Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười”, sđd, trang 113.
12/
“Văn Minh Việt Nam” của Nguyễn
Văn Huyên, nguyên văn tiếng Pháp, bản tiếng Việt do nhà xuất bản Hội Nhà Văn
& Công ty Văn Hóa Phương Nam ấn hành, năm 2005, trang 336.
13/ “Văn Minh Việt Nam” của Nguyễn Văn Huyên, sđd, trang
347.
14/ “Bangsa Champa, Tìm Về Với Một Cội Nguồn Cách Xa” của
Đỗ Hải Minh & Dorohiêm, Seacaef&Viet Foundation xuất bản, California
(Hoa Kỳ, năm 2004, trang 26.
15/
“Việt Nam Tự Điển” của Lê Văn
Đức & Lê Ngọc Trụ, nhà xuất bản Khai Trí, Sài Gòn, năm 1970, Quyển Thượng,
trang 59.
16/ “Từ Điển Từ Ngữ Nam Bộ” của Huỳnh Công Tín, nhà xuất
bản Khoa Học Xã Hội, Việt Nam, năm 2007, trang 116.
17/
“Tân Châu Xưa” của Nguyễn Văn Kiềm&Huỳnh
Minh, nhà xuất bản Thanh Niên, Việt Nam, 2003, trang 165.
18/
“ Tân Châu Xưa”, sđd, trang 166.