Trần Phù Thế- Khách trầm mặc bên dòng Bassac,
hồn chợt bâng khuâng đi tìm mộng trong “ Cõi tình mong manh”.
Lâm Hảo Dũng
Nhà thơ Trần Phù Thế một tên tuổi không mấy
xa lạ đối với bạn đọc yêu thi ca nhất là những anh em bạn bè văn nghệ cùng một
thời đồng hành với anh tại miền Tây sông Cửu.
Với
khuôn mặt hiền hòa, đôn hậu nhưng ẩn chứa một trời mơ mộng và hồn thơ đã phát tiết
sớm vào đầu thập niên 1960. Sau những năm gian khổ của đời lính chiến, những
ngày tháng bị giam cầm khi miền Nam sụp đổ,nhà thơ lúc bước khỏi ngưỡng cửa lao
tù lại phải đối diện với nỗi đau khổ dày xéo tâm hồn mình, khi người bạn đời đã
rẽ sang hướng khác.
Cơn
đau chất ngất ấy không thể diễn đạt trong đời thường mà chỉ in đậm nét trong
thi ca anh. Thế nhưng trong giòng thơ anh nỗi đau ,vẫn là nỗi đau nhẹ nhàng như
vết thương ,cứ ngỡ trầy xước bên ngoài cơ thể ,nhưng lại rõ máu trong lòng suốt
phần đời còn lại.
“Ngày
ra tù ta về ra đứng trước sân- Nghe mẹ nói con vợ mày đi biệt-Hai đứa con ba bốn
tuổi làm sao biết- Lỗi ba đi tù hay lỗi mẹ còn son (Giỡn bóng chiêm bao - Chuyện
đời ta).
Trần
Phù Thế đã có hai thi tập được ấn hành tại hải ngoại. Giỡn bóng chiêm bao in
năm 2003 và Gọi khan giọng tình in năm 2009. Cả hai cuốn đều do Thư Ấn Quán xuất
bản. Trần Phù Thế một đời dâng hiến cho thi ca, anh vẫn liên tục sáng tác khá đều
tay. Thơ anh bay nhảy theo những con chữ (theo cách gọi của anh), phiếu diễu
bay lượn như dòng sông Bassac chảy qua quê hương Đại Ngải một cách êm đềm theo
năm tháng.
Ở tuổi thất thập cổ lai hy, người già nhưng tâm hồn vẫn trẻ, “Thơ tình tuổi bảy
mươi “của Trần Phù Thế mượt mà ngất ngưỡng. Thắc mắc của tác giả có tính cách
cá biệt nhưng lại là nỗi ưu tư chung của mọi người. Cái gốc của khổ đau mà tôn
giáo nào cũng vạch lối soi đường ngõ hầu hướng dẫn chúng sinh kinh qua sự khổ.
“ôm
hình từ buổi sơ sinh - từ khi tiếng khóc binh minh cuộc đời – bóng hình là một
trên đời – đừng ai chia cắt tách rời hai nơi – bóng hình là máu thịt tôi (BHL MTT).
Thể
xác và linh hồn, ngôn ngữ dùng để diễn đạt hai phần căn bản của một con người.
Bóng và hình, một cách ví von như xác và hồn. Hai vật thể không thể tách rời.
Trong thi ca chúng ta vẫn sử dụng những đơn từ mà khi ghép lại ý nghĩa biến đổi
một cách thanh thoát, linh động hẳn lên
Nắng
– Mưa, Gió – Trăng, Mây – Nước, Hoa – Lá, Anh – Em, Vợ- Chồng… Thiếu chúng thi
ca sẽ kém phần thi vị chăng?
Một
ẩn dụ hay là sự mệt mõi trong cuộc sống của thế kỷ 20 bước sang thế kỷ 21, con
người chắp cánh cùng với hỏa tiển ,phi thuyền, điện toán, mà thế hệ già như Trần
Phù Thế chắc sẽ đứng bên lề:
“Ta đứng bóng nằm
Ta ngã bóng khóc
Ta đi bóng mệt
Ta nằm bóng tan
Ta ngủ bóng tàn”
(Bóng và ta)
“Trăm năm bóng chẳng theo hình – Ngàn năm bóng vẫn một mình cô đơn”, Trần Phù
Thế một bóng đi tìm hình và tìm đến bao giờ?. Trong nỗi mông mênh cô quạnh, nhà
thơ run rẩy theo nhịp tim đau nhức và vẫn thao thức, vẫn mong chờ ,dường như
không tách rời khỏi tâm hồn tác giả, cho dù đôi khi nguyên ủy của vấn đề đến từ
bằng hữu.
“Con
tim đã mõi chín chiều -Nằm nghe lượng máu ít nhiều già nua”( BTĐCCNNĐ)
hoặc
“Nầy em kiếp sống phù vân- đầu thai trở lại khóc phần dối gian”
(Lửa
đời)
Khát vọng lúc nào cũng chất ngất, nhà thơ “thèm cơn nước lũ, tình người dấu êm,
trời xanh nắng ấm “ và bất ngờ tác giả ước ao được ôm ấp mọi ưu phiền của thế
gian.Trái tim tác gỉa qủa độ lượng không ngờ.
Cuối cùng là một tình yêu gắn bó, tình yêu thiêng liêng cao quí nhất của con
người – đó là tình mẫu tử :
“Thèm nghe tiếng hát mẹ ru
Tuổi thơ xa lắc mịt mù tuổi thơ
Bây giờ chỉ có giấc mơ
Mới mong nghe được tiếng hò Hậu Giang”
(Thèm)
Còn nỗi vui nào hơn khi gặp lại bằng hữu nơi xứ người vì trong mỗi con người Việt
Nam chúng ta vốn dĩ đã phân ly từ thuở khơi nguồn lập quốc:
“Ta thương ngươi thương thật thương thà
Ngươi thương ta tánh hiền chơn chất
Ngươi miền Trung ta Nam bộ
Và từ đó ta ngươi tình thân thuộc
Ngươi tên lang bạt đến miền Tây
Giọt nước Cần Thơ ngươi uống mãi
(Uống rượu với Lê Đình Bì ở SanJose)
Bản chất hiền hòa của con người Nam bộ lại được thể hiện qua những ước muốn đơn
sơ thuần hậu. Dòng sông Cửu khi chảy ngang quê hương anh đã chuyên chở phù sa từ
thượng nguồn, mang theo những tố chất mầu mỡ, tài nguyên phong phú về thủy sản.
Nhưng có ai biết con sông được xem là mạch máu chánh của miền Tây đã quyện
hương vị linh thiêng, huyền bí của ngọn Thất Sơn Châu Đốc và cũng chính nơi đây
phát sinh ra hai tôn giáo mà dân chúng miền Tây không thể nào không ghi khắc-
Phật giáo Hòa Hảo và Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương (đạo Hiếu Nghĩa)
Anh linh của vị khai quốc công thần Thoại Ngọc Hầu vẫn chiếm một vị trí quan trọng
trong tâm hồn người dân Bảy Núi.
“Đời
anh cục đá bên đường- Bước chân ai đạp ai thương cũng đành -Còn em em có vì
anh- Nâng niu cục đá xoa lành vết thương” (Anh như cục đá)
Một
ý tưởng có ngây ngô nhưng bày tỏ trọn vẹn sự chân thành?
Có những câu thơ đẹp, thiết tha trong trái tim tan vỡ ,chảy ngập ưu phiền
“Thịt
da ngày tháng buồn tênh- Huống chi đông đã lạnh nghìn năm qua.” (mưa đêm tàn
đông)
Tình
quê hương chợt ẩn chợt hiện pha lẫn chút tình yêu nam nữ luân lưu hài hòa không
bao giờ thay đổi.
“Nhớ
ơi quê cũ mưa rào tháng năm – đêm mơ thấy ướt chỗ nằm – tưởng đâu cái thuở xa
xăm quê nhà.” (Nhớ mưa).
Hoặc
đôi lúc băn khoăn.
“Được
thua đâu có lạ gì – Nhưng thua mà được mấy khi có người – Đời là một giấc mơ
thôi.” (thua)
Trong
quắt quay xót xa lại có điều chi hối tiếc?
“Sông xưa làng cũ về thăm một chiều
Bóng đời ngã xuống liu xiu
Bước chân lên bóng trăm điều tình đau” (Làng xưa)
Những câu sáu tám, ba câu hàm súc vô vàn :
“Hồn em lăn mãi lăn đi một mình
Ngày nào dừng lại trang kinh
Nghe trong tâm thức giật mình ngộ không” (Hồn em)
Chen lẫn với những câu thơ tình đẹp là những bài cảm nhận về thân phận con người
trong tâm thức đầy nỗi xót xa:
“Hình như bóng nắng vừa
tan
Hoàng hôn chưa tắt vội vàng đi chơi
Hình như chạng vạng xuống đồi” (Hình như)
và
“Buồn lây buồn lất một mình
Buồn sang cái bóng cái hình của ta
Nỗi buồn quê cũ càng xa” (Chút buồn lây)
Nỗi nhớ dị kỳ, bộc phát như trái phá, tác giả ngông nghênh:
“Nhớ quay quắt nhớ lạ lùng
Nhớ em đến nỗi trí cùn óc khô
Nhớ em chết cũng đội mồ” (Nhớ)
Từ “Khóc là cười chẳng được sao” đến “Về nơi không nổi không chìm”
chúng ta bắt gặp những câu khi đọc xong phải thẩn thờ suy ngẫm. Tác giả trải
nghiệm 70 năm đời sống, vinh dự,hoan lạc ,chắc không nhiều nhưng buồn đau phải
đầy ắp tâm hồn.
“Đọc ngàn trang sách làm gì
Xếp trang sách lại quên đi chính mình
Ta là hạt bụi trong kinh”
(Hạt bụi trong kinh)
Chúng tôi không thể trích hết được những bài thơ tranh đẹp, hy vọng các bạn đọc
tìm đến “Cõi tình mong manh” thưởng lãm
“Sáng nay còn gặp bạn già
Chiều nay bạn đã thành ma xứ người”
(Vô thường)
hoặc
“Một ngày khi tỉnh khi mê
Lòng trong yên lặng đi về lặng yên”
(Cõi chết)
Hay như nỗi lòng Nguyễn Công Trứ chất ngất cơn phiền toái sau những thăng trầm
trong cuộc sống ,từ quan bước xuống thành thứ dân. Ý niệm đổi thay trong cuộc sống
có là sự khởi động theo dòng tư tưởng tìm sự an - nhàn của Lão Trang hay phảng
phất phong vị thiền.
“Một mai đừng để làm người
Làm con mây trắng cõng hoài gió trăng
Chẳng là con chẳng là thằng
Chỉ là hạt bụi trong ngần kiếp sau”
(Cõi chết).
Trong 99 bài lục bát mới, làm theo thể phá cách, Trần Phù Thế múa bút, chuyển đổi
câu mở đầu bằng câu tám chữ thay vì câu sáu chữ như thông lệ và những câu sáu tám
lại có dịp bay nhảy lên xuống mỗi đọan tùy theo cảm xúc của mình. Như một gịong
hát ngân dài ,ngắn, trầm bỗng , luyến láy để chuyển tải lời ca, nốt nhạc đến tâm
hồn người thưởng ngoạn.
“Đời như
Chiếc áo
Phong phanh kẻ nghèo
Tình như
Chiếc lá bay vèo
Trong cơn gió lộng cuốn theo bụi mù “-( Tình như).
Hoặc câu sáu chữ yêu vận theo
khuôn mẫu cổ điển:
“ Em đừng
Nói nữa
Anh đau buốt lòng
Sợi tình cắt đứt cho xong
Dây dưa chi mãi
Hai lòng đều đau “-( Xin em đừng nói)
Hay thay đổi vị trí của câu tám
chữ khi mở đầu:
“ Sông xưa
Về thăm một chiều
Bóng đời ngã xuống
Liu xiu
Bước chân lên bóng
Trăm điều tình đau”- ( Làng xưa)
Hoặc ngắt đoạn trong câu sáu
mở đầu thành ba phiên đoạn:
“ Long lanh
Giọt lệ
Vừa rơi
Từ trong giọt lệ là lời lặng câm
Biết bao giọt lệ khóc thầm”- ( Giọt lệ Việt Nam)
Chỉ hai câu sáu tám, tác gỉa
“phù phép” biến đổi:
“ Con chim nó gọi bạn tình
Còn ta gọi bạn
Một mình
Tàn hơi”- ( Tàn hơi).
Trong hai câu này nếu muốn, tác
gỉa có thể tung hứng:
“ Con chim
Nó gọi
Bạn tình
Còn ta
Gọi bạn
Một mình
Tàn hơi”.
Chúng
tôi chỉ đơn cử một vài thí dụ trong cách gieo vần đặt câu theo thể lục bát của
Trần Phù Thế. Thể thơ này đã được một số tác gỉa và vài tạp chí văn học hải ngoại
giới thiệu. Trong đó sự xếp đặt hai câu sáu tám rất tân kỳ và lôi cuốn, cốt sao
phù hợp với ý tưởng, vần điệu. Nhà thơ là người bỏ hạt gieo trồng theo phương
pháp nào tùy theo cảm hứng.
Một
số tác gỉa lại khéo sử dụng những ngôn từ đầy tính ẩn dụ.
Có người bất giác ví von, lối “ ngắt chữ” này đôi khi đọc lướt qua cứ ngỡ là thơ
hài cú của Nhật Bản.
Đến
đây, chúng ta mới cảm nhận được sự vi diệu của thể thơ lục bát. Nguyễn Du với “Đoạn
trường tân thanh” đã đưa lục bát lên vị trí cao nhất của nền văn chương Việt.
Những
câu: “ Cỏ non xanh rợn chân trời – Cành lê trắng điểm một vài bông hoa” hay
“Rừng thu phong đã nhuốm màu quan san..”. Trác tuyệt vô cùng.
Quê hương và người tình – khung trời kỷ niệm là mái trường thân yêu thuở học
trò. Cái thời mà Huy Cận đã viết những câu đậm đà ,bâng khuâng ,phả trong hương
tình dào dạt:
“Một hôm trận gió tình yêu
lại
Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ”
Cần Thơ được mọi người mến yêu tặng cho mỹ danh Tây Đô. Vị trí nằm giữa các giao
lộ chánh nối liền qua các tỉnh Hậu Giang như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Vĩnh
Long và từ Cần Thơ dẫn đến Châu Đốc, tỏa ra các ngã về Rạch Giá, Hà Tiên. Cần
Thơ thời Trần Phù Thế cắp sách là trung tâm duy nhất có các khóa thi tú tài I,
tú tài II. Nam nữ học sinh đổ về cùng khoe bản sắc nơi mình sinh sống qua những
đặc thù về ngôn ngữ, cá tính. Vẫn không thể quên được Ninh Kiều, nơi thưởng lãm
cho khách nhàn du tại tỉnh thành hay các nơi khác đổ về.
Và Trần Phù Thế:
“Tôi Cần Thơ gởi tình em
Như trời như đất như tên một người
Một người sưởi ấm lòng tôi
Chia buồn khi khóc chia vui khi mừng”
(Chấp nhận)
Hoặc ai hoài hơn:
“Ơi Cần Thơ bến Ninh Kiều
Bao thế hệ chập chờn theo lịch sử
Hoài công thôi Tây Đô giờ máu ứ”
(Chiều cuối năm ngồi bến Ninh Kiều nghe sóng vỗ ).
Phiên khúc tình yêu thoang thoảng như vỗ về như mời mọc, hồn thơ giấy mới trong
trắng biết ngần nào.
“Tháng giêng non ngữa mặt
tình
Hồn xuân bát ngát trên mình nắng xuân
Em về buổi ấy phù vân
Tinh khôi giọt nắng trong ngần tháng giêng”
(Tháng giêng non)
Dâu bể đời người, Trần Phù Thế đã từ
thua thiệt sang mất mát hương nồng ái ân, thân phận là thân phận chung của thế
hệ trai thời đó nhưng cách biểu hiện có khác nhau tùy theo tình huống của mỗi
cá nhân. Chuyện đời bảy mươi của tác giả như bản tường trình, một nỗi đau thân
phận ,trong đó gian truân là điểm nổi bật. Trước khi từ giã trần gian đầy hệ lụy,
tâm tình vẫn chảy một dòng xuôi về quê nhà xa thẳm.
“Bảy
mươi tuổi đợi từng ngày - Trông về cố quốc hồn quay quắt buồn -Từng đêm giấc ngủ
chập chờn- Trong mơ tiếng mớ gọi hồn Quang Trung. ” (Tuổi 70)
Lại ngợi ca mùa thu, mùa thu lòng người, mùa thu cuộc đời sao không là mùa xuân
thắm, mùa hè rực rỡ. Thu mang theo ý nghĩa thơ thẩn, man mác buồn. Đã vậy nhà
thơ lại van vĩ, nuối tiếc
“Thu chưa đầy tuổi đã tàn
Lá chưa đầy tuổi đã vàng gió đông
Đêm qua mưa gió bão bùng
Rừng thu lá rụng muôn trùng lá thu”
(Thu tàn theo gió chớm đông)
Tác giả có nhiều thắc mắc, nhiều câu hỏi thật .Từ “Hỏi người người sẽ về đâu
– Còn ta về chỗ nông sâu dò tìm - mong manh hỏi người” hay “Thức cùng
đêm tự hỏi mình – Sống bao nhiêu tuổi mà tình vẫn không – Thức cùng đêm” . “Bao
năm quê cũ một phương – Đỏ lòm ngày mai nước mất hay còn – Hỏi”
hoặc
đến:
“Tôi còn nước mắt nữa sao?
Khóc anh lần cuối máu trào con ngươi”
(Bài thơ đọc trước quan tài – khóc Anh Vân)
Trong hai tập thơ trước “Giỡn bóng chiêm bao và Gọi khan giọng tình” nhất là
trong “Giỡn bóng chiêm bao”, nhà thơ họ Trần đã xử dụng nhiều phương ngữ Nam bộ
thật điêu luyện,mặc dù nhiều ngôn ngữ có tính chất phổ cập nhưng vẫn không làm
giảm đi giá trị của bài thơ, nhất là những câu sáu tám thật xuất thần.
Trong
thi tập “Thơ tình Trần Phù Thế” chúng ta thử lướt qua nhận dạng mẫu anh chàng
“chân quê Nam Bộ” Trần Phù Thế.
“Lần đi cuống quít cuống chân …”- Bóng đời
“Chiều nghiêng tuổi lạnh bóng rên sự đời ” -Bóng tự giễu
“Tối hù mưa gió lưa thưa”– Bóng mù
“Nên hồn ớn lạnh”– Trong hư vô
“Trai tơ là tuổi rượn tình dĩ nhiên”
“Cứ quanh cứ quẩn cái tình dững dưng” –Hà
“Anh tin nó sẽ bện thành giấc mơ” – Rót rượu
“Khi đau mặc kệ đứng lên làm người” – Rót rượu
“Nay ở thị thành lạ hoắc lạ huơ” – Anh như cục đá
“ Xám mốc tương la” -TGCHN
“Đã yếu xìu như cọng bún thiu-Và
“Trái tim ngáp ngáp” – Mơ một ngày Sài Gòn
“Nghe trong xương cốt rêm rêm trở mình” – Tỉnh giấc
“Buồn lây buồn lất “… -Chút buồn lây
“Cá lóc rình sẵn đớp mau” – Kiếp phù sinh
“Số xui tận mạng” - Thử
“Có đui con mắt cũng thèm” – Tội tình là em
Rồi đến (vinh râu,ngoéo tay, mình ên,mần thinh, quậy liền, mút chỉ, ăn vụng,
quên tuốt, nhẹ hều, dị hờm, bậu…)
Những ngôn ngữ đặc thù Nam Bộ trên rất chân phương, biểu lộ rõ bản chất con người
đang sống ở một vùng đất phì nhiêu, do đó tâm hồn con người cũng trở nên phóng
khoáng. Nhớ khoảng thập niên 1950-1960 các nguồn lợi về thủy sản của miền Tây rất
phong phú. Hàng năm dòng sông Cửu Long mang về vô số cá nước ngọt. Ngoài đồng,
nông dân chỉ cần đặt lờ, đặt lọp, kéo vó hoặc đi cắm câu lai rai là đủ chất đạm
cần thiết cho gia đình. Chim chóc từ vùng Rạch Giá, Cà Mau, Sóc Trăng (Cổ Cò,
Trà Cú) được đưa về các chợ hoặc chuyển lên Sài Gòn như trích, le le, chàng nghịch,
ốc cao…
Trong
tập “Cõi tình mong manh” có những câu thơ rất là thơ:
“Ru
em trăng chết muộn màng – Hồn trăng lảng đảng bên ngàn đầy thu – đêm đêm gió thở
sương mù – Lời ru”
“Cái
ngày ta tuổi mười lăm – Một hôm bỗng thấy lòng lâm râm buồn – Tình đầu”
hoặc
dịu dàng:
“Dỗ
dành em là ái tình – Vuốt ve em là chút yêu mình mình ơi – Lấy điểm”.
Trần Phù Thế qua những trang thơ bản thảo tôi vừa đọc, tuy là “Cõi tình mong
manh “, tôi vẫn cảm nhận được những dằn vặt, ray rức tràn ngập trong hồn người
thơ.
Tình yêu lảng đảng sương khói của anh tan biến theo bóng mây quê nhà, hoà nhập
vào không gian bao la của đất nước người và tình yêu ấy vô hình chung gia tăng
cường độ đến không ngờ.
Từ
anh chàng đầu còn húi trọc đến khi bước vào đời lính chiến, kỷ niệm có làm tâm hồn
Trần Phù thế nhạt phai? Trong thi tập anh , bàng bạc nỗi nhớ niềm thương và chỉ
quên được khi xuôi tay về nơi miên viễn.
Tình yêu quê hương đất nước, một nhánh khác quan trọng của trái tim, theo máu
luân lưu chảy miên man trong cơ thể. Đột biến của đời thường đã tác động đến
chúng ta, kinh hoàng hơn cơn địa chấn. Vì địa chấn chỉ xảy ra trong một khoảng
thời gian ngắn ngủi. Phần chúng ta phải cần bao thế hệ mới có cơ may hàn gắn –
nếu có thể.
“Ta về mười năm chưa về -Bước chân khổ nạn hồn tê nỗi buồn – Tháng tư ta về”
Hay cảm khái hơn:
“Còn
ta mãi mãi tên thua trận – Ôm cả niềm đau tận đến giờ – Uống rượu với Lê Đình Bì
ở San Jose”
Thủ đô hoa lệ của chàng chỉ còn trong trí nhớ – Sài Gòn của chàng là chiếc bình
cũ dung chứa hương rượu mới – liệu có còn đủ sức mê hoặc để làm hồn chàng say
khước nữa hay không?
“Một
ngày mơ chút Sài Gòn – Chút mưa chút nắng đâu còn dáng em – Bao năm mất bóng
người quen – Đâu còn cơn gió gọi tên chúng mình - Một ngày mơ Sài Gòn.”
Lệ
của chàng không phải dâng tặng cho người tình mà lại là giọt lệ Việt Nam. Lòng chàng tha thiết quá:
“Long
lanh giọt lệ vừa rơi – Từ trong giọt lệ là lời Việt Nam – Biết bao giọt lệ khóc
thầm” hoặc “Hồn thiêng tổ quốc lời
thề Việt Nam – Sẽ về”
Hay trong bài “Tạ lỗi ngày về”
“Ngày
về tạ lỗi liếp rau – Liếp rau hoang phế liếp trầu vắng tanh – Chỉ còn xiêu vẹo
mái tranh – Và cây vú sửa trơ cành chiều hôm.”
Chàng kể lể “Thì ra lịch sử đau lòng nước”, đến khi trở về chàng cũng “Tha thứ và
buông bỏ”, những năm tù đày gian khổ xem như kiếp nạn đời người - “Coi như một
kiếp sắc không – Oan oan tương báo cái lòng nào vui.”. Thật vô vàn cảm phục.
Chàng rõ ra là một con người thuần hậu đầy nhân bản của con người miền Tây, một
người cầm súng miền Nam như nhà thơ lính Trần Hoài Thư luôn luôn hoài niệm
trong niềm kiêu hảnh.
Trong
“Nói với đêm giao thừa”, chàng lại thảng thốt:
“Hai
mươi năm một giấc mê – Còn bao năm nữa lời thề mới xong.”
Tập thơ khép lại, chúng tôi hy vọng được giới thiệu đến quý bạn đọc những ghi
nhận mộc mạc của mình bằng sự rung động của trái tim gởi đến một người bạn của
một đời.
Chúng
tôi cảm ơn Trần Phù Thế đã cho tôi những giây phút trầm mặc giữa cuộc sống đầy
hệ lụy hôm nay khi mà tâm cảnh nặng sầu hơn viễn cảnh.Thật sảng khoái khi bắt gặp:
(Nửa đêm tỉnh giấc ở trần – Nằm yên gió tạt mộ phần lạnh run- Kiếp người).
Và
chúng ta có sẳn sàng đồng hành cùng chàng chăng?.
Thi
tập “ Cõi tình mong manh” do Thư Ấn Quán xuất bản.
Lâm Hảo Dũng
Vancouver,
B.C- Canada
June
15/13
* (Đây chỉ là cảm nhận riêng tư của người đọc thơ viết về một người thơ. Mong
qúi bạn đọc thông cảm nếu có gì sai sót).