Trang Chính      Hình Ảnh      Hộp Thư      Truyện Thật Ngắn      Truyện Ngắn      Thơ     Góp Nhặt     Cùng Tác Giã    

AN-GIANG, MỘT VÙNG

     CỔ TÍCH Ở PHƯƠNG NAM.

                    Lương Thư Trung

                                             (Trang 2)

 

          Trên con đường khoảng năm mươi cây số này bạn sẽ đi xuyên qua những cánh đồng đầy lúa là lúa. Khi bạn đến ngã ba lộ tẻ Mặc Cần Dưng, đường đi Tri tôn, bạn có thể dừng lại nơi đây trong chốc lát để thưởng thức món bánh tét vùng này. Những hạt nếp mới mà mềm và thơm mùi lá dứa ngạt ngào, làm bạn nhớ mẹ ngày xưa cũng nấu cho mình những nồi bánh tét nhân đậu, nhân chuối vào những ngày giỗ chạp, tết nhất mà thương mẹ nhiều hơn vì đã quá vất vả với mình. Từ đây nếu bạn theo con đường rải đá xanh, bạn sẽ về Cần Đăng, Hang Tra, Trà Kiết, Cầu số 5, Tri Tôn. Ngày xưa, con đường này vắng ngắt, mỗi ngày chỉ có một chuyến xe đò hiệu Thành-Long ột ệt bò từ Tri Tôn xuống Long Xuyên rồi trưa trưa lại bò về hết sức mệt mỏi. Riết rồi, trẻ con trong vùng mỗi lần thấy chiếc xe đò bò ngang qua vạt lúa của mình mà nhớ câu hát huê tình cười đùa mang nhiều ý nghĩa:

          " Thành Long chạy tắt đường đồng,

            Mấy cô chưa chồng lại muốn Thành Long."

Theo con đường này, bạn nhìn về hướng tay trái, xa xa dưới kia có rặng cây băng ngang cánh đồng nối liền hai vùng Hang Tra với Ba Bần là kinh xáng Bốn Tổng. Con kinh thẳng nên rặng cây xanh rì cũng thẳng như một nét mực Tàu vẽ lên nền trời trong vắt, mà hai ngọn núi Ba Thê, Núi Sập trong kia cũng khuất một phần chân bên kia rặng cây xanh. Ba bên bốn bề lúa là lúa. Bạn mà lọt vô vùng tứ giác này, có đủ các món nhậu để đãi bạn, từ chuột, rắn, rùa, cá lóc, lươn, tôm, chim muông đủ loại như một kho vô tận, nhất là vào những năm xa xưa còn làm lúa mùa chẳng thiếu món ngon vật lạ nào thuộc vùng đồng ruộng. Tiện đây nhắc một chút về địa danh Hang Tra mà có lẽ các bạn mới nghe lần đầu. Là vùng heo hút nơi thôn cùng này, nhưng Hang Tra lại có lần ghi tên mình vào sử sách qua trận đánh Pháp của Quản Cơ Trần Văn Thành vào ngày 20 tháng Hai, năm Quí Dậu (1873). Quản Cơ Trần Văn Thành, theo sử sách, quê ở ấp Bình Phú (Cồn Nhỏ), làng Bình Thuận Đông, tổng An Lương, quận Châu Phú Hạ, tỉnh Châu Đốc(3); nay là ấp Bình Phú, xã Bình Hòa (Mặc Cần Dưng), Quận Châu Thành, tỉnh An Giang. Để nhớ công ông, tại làng Bình Hòa trên con đường bạn sẽ đi qua ngang cầu sắt Mặc Cần Dưng có ngôi trường trung học mang tên Quản Cơ Thành. Ngoài ra vùng đất An Giang còn rất nhiều sĩ phu, hào kiệt nữa mà bài viết ngắn này không tiện ghi ra hết được. Nhưng có lẽ cụ Thoại Ngọc Hầu là một trong những tiền nhân có công nhất trong việc kinh bang tế thế và mở mang vùng An Giang này mà ai ai đã đọc sử sách cũng đều am tường. Những di tích mà Ngài đã để lại như kinh đào Long Xuyên- Rạch Giá, kinh Vĩnh Tế dọc biên giới Việt-Miên là những bằng chứng cụ thể.

          Để trở lại con đường số 9 về Châu Đốc, bạn sẽ qua khỏi Mặc Cần Dưng đến Năng Gù, một "xóm đạo" lớn nhất  An Giang này. Và chính vị cố đạo Conte coi nhà thờ Năng Gù, vào năm 1891 đem một giống lúa ở Cao Miên về đây gieo giống thử. Nó sống và lên theo kịp nước lụt, nên người Pháp gọi là lúa nổi (riz flottant), còn người Việt mình gọi là lúa mùa(4), lúa sạ vì giống lúa này chỉ cần cày bừa rồi chờ mùa mưa xuống là sạ, rồi chờ đến mùa lúa chín là cắt gặt và mỗi năm chỉ làm lúa một mùa duy nhất mà thôi (sạ vào tháng ba, tháng tư, cắt gặt tháng chạp, tháng giêng âm lịch). Tại Năng Gù này, nếu bạn xuống đò đi ngang qua dòng An Giang bạn sẽ đến những ngôi làng trù phú trên các cồn cát  với rẫy đậu, bắp, thuốc lá cùng vườn cây ăn trái, ruộng lúa. Những cù lao trên dòng sông Cửu Long trong địa phận An Giang này thật sự là một thánh địa với ngôi làng Hòa Hảo, làng Hưng Nhơn, quận Chợ Mới, với xã Mỹ Hội Đông, Nhơn Mỹ, Long Kiến, Mỹ Luông, cù lao Ông Chưởng, cù lao Ông Hổ, cù lao Giêng với xóm đạo Công giáo và trại mồ côi khá lớn được tạo dựng từ lâu đời. Riêng Cù Lao Giêng, vào những ngày gần cuối thập niên 60, chúng tôi có dịp theo phóng viên Việt tấn xã đến thăm trại cô nhi cùng xóm đạo này, nhờ vậy mới thấy vùng đất An Giang, đâu đâu tình thương yêu cũng tỏa ra như một vùng đất thánh. Ngay địa phận hai xã Hòa Hảo và xã Hưng Nhơn,  trên Chợ Mới một đổi, sông Tiền Giang phía Tân Châu và sông Hậu Giang phía Châu Đốc ăn thông với nhau bằng con sông Vàm Nao có bề ngang rộng đến hơn hai cây số với lưu lượng nước rất mạnh và những dòng nước xoáy ngầm làm xụp lở bờ sông mỗi ngày mỗi lớn thênh thang. Nơi đây thường xảy ra những cảnh chìm ghe chết người vào những mùa dông mưa, bão tố mà hồi còn nhỏ chúng tôi thường nghe ông bà xưa kể lại tại Vàm Nao này có ông Năm Chèo nuốt vào bụng nhiều mạng người mỗi lần ghe xuồng qua sông trên khúc sông sâu và rộng bao la với sóng to gió lớn vào mùa gió chướng. Sông Vàm Nao, theo tương truyền, vào thời cụ Thoại Ngọc Hầu đào kinh Rạch Giá-Long Xuyên và kinh Vĩnh Tế vào đời vua Gia Long, chỉ là một con rạch nhỏ nhưng rất nhiều cá sấu (4b), nên việc qua lại vùng này vô cùng ghê rợn. Nhớ hồi còn nhỏ, mỗi lần trẻ con khóc mà dỗ hoài không nín, chỉ cần người lớn dọa:" Còn khóc, ông Năm Chèo nuốt vô bụng" là đứa bé nín liền.

          Nhắc cù lao Ông Chưởng là nhắc cụ Chưởng Binh Lễ, người có công trong việc đánh tan giặc Xiêm và giặc Miên cùng với Đốc Binh Vàng vào năm 1837, nhưng cả hai ông đều tử trận và để tưởng nhớ công đức, hai ông đều được triều đình phong làm Phúc Thần và được dân chúng lập đền thờ, cúng tế trang nghiêm, cùng đặt tên các kinh rạch, cù lao, đường xá, trường học tại địa phương. Chúng tôi ghi lại câu ca dao này để các bạn biết cả một  vùng sông rạch này cá tôm nhiều vô số kể:

          "Chiều chiều quạ nói với diều,

            Cù lao Ông Chưởng còn nhiều cá tôm."

Trên dòng An Giang mà bạn đang "theo dòng", vào mùa nước giựt, bạn sẽ thấy hàng hàng lớp lớp những cụm, những dề lục bình trôi bềnh bồng trên dòng nước xuôi về hạ nguồn với những cánh hoa màu tím đung đưa trong gió, mang mang nỗi buồn về những mảnh đời vô định, không bến, không bờ... Thời Pháp đô hộ có cả những thây ma bị Tây giết thả trôi sông tấp theo những dề lục bình... Rồi chợt nhớ về những vần thơ của một thi sĩ thời tiền chiến đã cảm hoài:

          "Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,

            Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều .

            Nắng xuống, chiều lên sầu chót vót,

            Sông dài trời rộng, bến cô liêu .

 

            Bèo giạt về đâu hàng nối hàng?

            Mênh mông không một chuyến đò ngang.

            Không cầu gợi chút niềm thân mật,

            Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng ..."

                                     (Huy Cận)

Trở lại bến đò Năng Gù, mới bạn về thăm Châu Đốc với biết bao cảnh đẹp. Nhưng có lẽ từ trên bờ sông Châu Đốc được cẩn bằng những thềm đá xanh cao vòi vọi mà dòng nước tháng giêng thăm thẳm dưới xa kia cho bạn nhận ra lời ví trong ca dao gần gũi bạn hơn:

"Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc..."

Chợ Châu Đốc có đặc điểm là chuối thường để nguyên quầy, không cắt ra từng nải một và dù ban đêm nhưng chuối vẫn treo đầy trong các sạp, không cần phải dọn dẹp và sáng hôm sau lại bán tiếp tục mà không bị mất cắp. Dĩ nhiên bạn nên mua vài keo mắm thái, mắm trèn ngon ơi là ngon để làm quà cho bạn bè. Tại đây bạn có thể đi thăm Bồ Đề Đạo Tràng ngay trong thị xã, thăm Núi Sam với thánh miếu Bà Chúa Xứ, lăng cụ Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An. Nếu bạn theo con đường liên tỉnh lộ dọc con kinh Vĩnh Tế để về thăm Ba Chúc mà từ những năm xa xưa cách nay gần bốn mươi năm chúng tôi đã đến vùng này vào lúc Ba Chúc bắt đầu được khai mở làm thành "khu trù mật". Rặng núi nằm chắn một vòng thật dài như một thành lũy ngăn bước gây hấn của quân Miên có tên là Bảy Núi in hình lên nền trời thật hùng vĩ. Chúng tôi không có dịp đi hết qua các ngọn núi này nhưng ông bà xưa có kể tên các ngọn "Thất Sơn" này như sau, xin ghi lại cho bạn: Núi Két, Núi Cấm, Núi Bà Đội Om, Núi Voi, Núi Dài, Núi Cô Tô, và Phụng Hoàng Sơn. Việc đặt tên các núi, ông cha xưa thường căn cứ vào hình dáng ngọn núi mà đặt tên, nên mới có những tên núi như những hình ảnh vừa kể mà ai ai cũng nhận ra được. Thất Sơn là một vùng với nhiều giai thoại huyền bí nhưng có lẽ những người Việt bị giặc Miên giết chết năm Pôn Pốt tràn qua còn để lại nhiều sọ người chất cao như núi tại một ngôi chùa là một trong những niềm đau xót mà chúng ta cần chia sẻ. Xin các bạn dành một phút để mặc niệm những oan hồn của đồng bào xấu số chết tức tưởi nơi vùng biên cương này khi đất nước quá nhiễu nhương!

          Tại bến đò Châu Giang, nếu bạn đi thêm mười bảy cây số về hướng đông, bạn sẽ gặp một thị trấn tơ tằm và buôn bán phồn thịnh nằm bên bờ sông Tiền: Chợ Tân Châu. Tân Châu nổi tiếng với hàng lãnh Mỹ-A đen tuyền nhuộm bằng trái mặc nưa, một loại hàng thông dụng khắp từ miền Lục Tỉnh đến Sài Gòn và cả miền Trung. Dòng sông Cửu Long nước chảy xiết, rộng thênh thang. Xa xa bạn sẽ nhìn thấy những tàu buôn ngoại quốc đang buông neo sừng sững ngoài khơi như những cù lao, cồn cát. Vì là con đường giao thương qua lại quốc tế, nên Tân Châu như một thương cảng vùng nội địa của An Giang khi tàu buôn dừng lại. Do đó có những mặt hàng ngoại quốc ở Tân Châu tràn ngập mà các nơi khác không có càng thu hút nhiều người buôn bán từ các nơi khác đổ xô về làm cho chợ Tân Châu lúc nào cũng nhộn nhịp. Nhưng "tang điền biến vi thương hải" vì dòng nước chảy xiết, mới năm kia, cả con đường Bạch Đằng với khu chợ náo nhiệt ngày nào đã chìm theo dòng nước trôi mất hút. Giờ chỉ còn một khu hoang vắng ngậm ngùi, những căn phố, những viên đá xanh lót đường ngày nào thăm thẳm dưới lòng sông vô định qua từng mùa nước dâng, nước cạn... Khu chợ Tân Châu mới thì dời về sân banh còn buồn so như chưa kịp lay hồn tỉnh dậy... Chợt nhớ mấy câu thơ của cụ Tú Xương:

"Đêm nghe tiếng ếch bên tay,

 Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò !"

Về Tân Châu bạn sẽ gặp những bè cá trên sông, những con cá he nghệ vàng nghín, cá ba sa đầy mỡ. Xuống Long Sơn, trên con đường đi về Hòa Hảo, bạn sẽ vui với mùa nhãn chín thơm đầy vườn bên tiếng chim, tiếng dơi xào xạc, nhớ câu thơ của Tế Hanh trong bài thơ Vườn Xưa đầy tình tự:

          "Hai ta như sen mùa Hạ, cúc mùa Thu,

            Như tháng mười hồng, tháng năm nhãn,

            Em theo chim em đi về tháng tám,

            Anh theo chim cùng với tháng ba qua ."

Tân Châu còn là rừng mía chạy mút tầm mắt, những vạt mía thơm diệu, mía tây, mía huê kỳ, mía cọ cho nhiều đường ngọt lịm...

Trước khi bạn trở lại Sài Gòn hoặc về miền Cần Thơ, Cà Mau, xin mời bạn trở lại thăm hai vùng thân quen một thời của An Giang ngày xưa, giờ đã thuộc về hai tỉnh khác. Đó là Thốt Nốt thuộc Cần Thơ và Lấp Vò thuộc Sa Đéc. Giống như hai đứa con gái bắt buộc mẹ cha phải gả đi xa, cư dân Lấp Vò và Thốt Nốt luôn nhớ về An Giang không muốn rời căn nhà thân yêu cũ. Cực chẳng đã, phải dính líu đến giấy tờ hành chánh, nhưng kỳ dư mọi giao dịch, mua bán, thăm viếng họ đều gần gũi với An Giang hơn nhiều và lúc nào cũng tha thiết. Thốt Nốt cũng giàu có với lúa, với vườn và tháng mưa, lúa hột phơi đầy trên con lộ số 9 về hướng Cần Thơ mà mỗi lần xe chạy qua nghe rào rào dưới lườn xe vùn vụt. Còn Lấp Vò thì có nhiều trăn trở, đau buốt riêng của nó so với các nơi khác ở quanh vùng này. Bạn có tưởng tượng trong nhà lồng chợ Lấp Vò, thời thuộc Pháp, nhiều người bị Tây bắt chặt đầu, xác thả trôi sông và lấy đầu treo đầy cây tre trong nhà lồng chợ . Ngày xưa, nghe ông già bà cả kể, nơi chợ quận này có thằng Tây Major ác dữ lắm, biết bao gia đình là nạn nhân của nó, bị chặt đầu mà kinh hồn.

          Nếu bạn qua sông bằng con đò chèo và theo con đường lộ đá cũ lồi lõm, bạn sẽ về Cái Tàu Thượng, Tòng Sơn nơi sanh quán của Đức Phật Thầy Tây An. Ngôi chùa Tòng Sơn bên dòng sông Cửu Long, cách Cái Tàu Thượng vài ba cây số về hướng Đất Sét Nhỏ, là một ngôi cổ tự mà nhiều thập phương bá tánh về đây hành hương, cầu nguyện Phật Thầy . Nhưng có lẽ bạn sẽ qua rạch Xẽo Môn, nơi ngày xưa trồng khoai môn nổi tiếng vùng này, nơi mà Phật Thầy trị bịnh, cứu nhơn độ thế làm cho nhiều người khỏi chết vì bịnh dịch vào những năm đồ khổ, dịch bệnh. Dọc theo con hương lộ đá từ Mương Kinh về Cái Tàu Thượng những vườn trầu vàng, lá trầu non mượt, rải rác khắp một vùng làng quê lao xao theo cơn gió hiu hiu. Bạn sẽ gặp những cô thôn nữ hái trầu đem bán những phiên chợ quận mà đôi má hây hây, tình tứ mà trầm trồ và buộc lòng bạn nhớ lại câu ca dao quen miệng mà giật mình:

          "Trồng trầu thì phải khai mương,

             Làm trai hai vợ, phải thương cho đồng."

An Giang quá rộng, nhiều nét đặc thù, nhiều con đường còn xa khuất mà chúng tôi không phải là người sanh quán ở đó, nên với bài viết ngắn này không làm sao đầy đủ, trọn vẹn được. Với cái nhìn khách quan của một người không có trong hội đồng hương Long Xuyên, Châu Đốc, chúng tôi muốn chia sẻ cùng các bạn những gì chúng tôi đã cảm nhận được trong những ngày trôi nổi, lưu lạc về chốn này. Suốt ba mươi năm chiến tranh, An Giang so với nhiều vùng khác là một vùng yên bình; có người còn gọi An Giang là đất Phật, là Thánh địa. Nhưng chúng tôi muốn gọi  "An Giang như một vùng cổ tích ở phương Nam", mà trong dòng đời lưu lạc, phong trần chúng tôi đã có cơ may nhận được. Có lẽ An Giang là xứ sở của cổ tích, của huyền thoại thật sự của vùng đồng bằng sông Cửu Long này, mà bạn khó bắt gặp bất cứ nơi nào khác có những nét đặc thù tương tự. Dĩ nhiên, sự hài hòa trong đời sống tâm linh của cư dân cùng những nét chơn chất, cởi mở của họ với nhiều di tích, thắng cảnh, huyền thoại, lịch sử, An Giang đã cho bạn nhận ra cái nhẹ nhàng về những nét đẹp văn hóa Việt Nam bên bờ dòng An Giang "xanh xanh nước biếc" quanh năm chăng ?!!

 

Ngày 16- 8-1998

(Trích trong Tạp Văn "Bến Bờ Còn Lại" Phát hành năm 2000).

----------------------------

Phụ chú :

(1) Nửa Đời Còn Lại của Cụ Vương Hồng Sển.

(2) Hồi Ký (tập 2) của nhà văn Nguyễn Hiến Lê .

(3) Việt Sử Tân Biên (tập 5) của Phạm Văn Sơn.

(4) và (4b) Bảy Ngày trong Đồng Tháp Mười của nhà văn Nguyễn Hiến Lê

 

Trang 1 Trang 1