Trang Chính    Hình Ảnh    Bút Ký    Truyện Ngắn    Truyện Thật Ngắn    TG & Tác Phẩm    Thơ    Di Tích Lịch Sử và Danh Nhân    Đời Sống: Phong Tục & Khoa Học    Sân Khấu/Nghệ Thuật    Hộp Thư    Nhắn Tin    Tin Tức Thân Hữu    Tin Vui    Phân Ưu    SK và Gia Đình    Lá Lành Đùm Lá Rách    Vui Cười    Ẩm Thực/Gia Chánh    Trang Xuân    Cùng Tác Giả   


GẶP NGƯỜI BÁN CÀ REM DẠO GIỮA ĐƯỜNG.

Lương Thư Trung


Lời mở:


Trong Thư Quán Bản Thảo, ấn bản đặc biệt tháng 10-2020, chủ đề Cảm Tạ Văn Chương”, ở chương 19, nhà văn Trần Hoài Thư có in lại truyện khá ngắn “Người Bán Cà Rem Dạo” với lời vào truyện:


“ Đến bây giờ, tôi không hiểu tại sao tôi lại có ý định trở thành tên bán cà rem dạo. Hay nó ít ra cũng làm cho tôi thoát khỏi cái thế giới hiện tại. Cứ đạp xe. Cứ lắc chuông đồng. Cứ đuổi theo đám mây Tần. Cứ lang thang đầu đường xó chợ. Cứ bầu bạn cùng đám trẻ nít. (…) Tôi đạp xe, xe lăn theo vòng nhật nguyệt. Trên tôi là mây, bầu trời cao rộng. Dưới bánh xe là đất, đất mênh mông. Ghé nơi nào cũng được.Đi lúc nào cũng được.Sáng tinh sương cũng được.Chiều về muộn cũng được. Và tiếng gọi mừng vui: Cà rem. Cà rem. Từ đám trẻ. Từ những người gặt lúa.Từ công trường thủy lợi.Từ bãi đá gà. Từ xe đò. Từ phà.Từ bắc. Em nhỏ nhà quê ơi, tha lỗi cho tôi vì tôi không biết, cứ lắc mãi chuông đồng bên em như cám dỗ em, để mẹ em phải đổ quạu: “Cái ông cà rem này đi chỗ khác mà bán, tôi đâu có tiền mà mua cho con tôi”. Tôi sẽ tặng em một cây.Một cây đâu có nghĩa lý gì. Bởi vì người cha của em cũng như tôi, cũng cùng màu áo lính này…”(TQBT, ấn bản đặc biệt, chương 19, trang 181)

  

Bìa trước và bìa sau tạp chí Thư Quán Bản Thảo ấn bản đặc biệt tháng 10-2020, chủ đề Cảm Tạ Văn Chương.


Thưa vâng, “người bán cà rem dạo” đã gặp đủ mọi tầng lớp người; và dĩ nhiên rồi, trong đó có cả người giăng lưới giăng câu năm nào như tôi nữa!


Nhơn dịp này, tôi xin trân trọng kính mời bạn đọc lại “Gặp Người Bán Cà Rem Dạo Giữa Đường” đã viết cách nay hơn hai chục năm như một chút niềm thấu cảm về những phận đời chìm nổi ngày nào của tác giả…


Trân trọng,

Hai Trầu

Houston, ngày 02 tháng 11 năm 2020.

---------


GẶP NGƯỜI BÁN CÀ REM DẠO GIỮA ĐƯỜNG.


Vào tháng tám âm lịch, nước lên cao.Cánh đồng nước ngập vùng xã Vĩnh Trinh (Thốt Nốt) vậy mà cá quá là cá. Với luồng lưới cá trắng bằng chỉ nylon, loại năm phân, dài có đến gần cả mấy trăm thước chạy dài từ bên này kinh lộ Cái Sắn mút qua tới hàng tre cuối rạch Bồ Ót (Thốt Nốt), tôi phải nằm sấp xuống mũi xuồng có đến cả tiếng đồng hồ mới thăm xong luồng lưới. Lồng ngực cấn vào mũi xuồng nghe hơi nhói nhói đau, vài bắp thịt nhỏ vùng trái tim ê ẩm…


Mấy con cá mè vinh bằng bàn tay xòe vừa mắc lưới lội rồ rồ trong khoang xuồng như tìm đường trở lại cánh đồng nước mênh mông chập chùng rong đuôi chồn, mã đề, bông súng mát rượi. Tôi cặp xuồng rề rề vô sát mé lộ. Lui cui căng cà rèm trên bốn tay vịn làm bằng gỗ từ gốc tre già. Hai tấm cà rèm ghép lại tạo thành cái bóng nghiêng nghiêng, chồng chành trên mặt nước. Hàng điên điển nằm xiên xiên bên bờ kinh in bóng xuống mặt nước cỏ, trong ngần, đang chảy riu riu vô đồng vì con nước ngoài sông vừa mới lớn. Những chùm bông điên điển vàng rực.Bông búp, bông nở phơi mình. Bướm ong đùa giỡn làm rung rinh từng cánh mỏng gây cho hương vị của loài hoa đồng nội này thơm thơm kỳ thú đến ngây hồn. Con lộ đất cặp bờ tre ngọn rạch Vĩnh Trinh trổ ra con đường liên tỉnh chạy từ Long Xuyên vô Rạch Giá nước bò lé đé. Văng vẳng xa xa, tôi nghe tiếng chuông phát ra từ chiếc xe bán cà rem dạo dội xuống mặt nước càng lúc càng rõ dần. Tiếng chuông giòn lanh lảnh. Tự dưng tôi có ý ngồi chờ chiếc xe bán cà rem đi ngang qua đây để mua ăn thử loại cà rem cây đường chảy này, mà dường như lâu lắm rồi tôi chưa được ăn lại cái món cà rem cây, cà rem cục này kể từ lúc trời đất đổi dời!


Trưa nắng gắt.Gió đứng yên.Mặt trời bò qua đỉnh đầu rất chậm. Con đường làng không một bóng người, vắng ngắt. Mấy bầy cá linh lội sát mặt đất, lấp lánh những chiếc vảy cá trắng như màu thủy tinh phản chiếu ánh nắng mặt trời. Chúng đang đùa giỡn với rong rêu. Mấy con cá lòng tong mương bằng ngón chân cái đang rượt mấy con cá lòng tong bay chạy rào rào bên dòng nước mát gần cái cựa gà của con kinh phèn dẫn nước mát vô đồng, làm tôi chợt nhớ ra cảnh đời lúc nào cá lớn cũng muốn nuốt cá nhỏ. Chiếc xe cà rem lừ đừ bò qua từng thước đường làng mỏi mệt. Chiếc chuông bằng đồng cứ liên tục khua reng, reng, reng... như mời gọi người mua, kể cả trẻ con và người lớn.Khi gần đến xuồng lưới của tôi, dường như người bán cà rem càng lắc chuông mạnh hơn. Tiếng chuông reng, reng, reng liên tục... Chiếc xe cà rem vừa trờ tới. Tôi gọi :"Cà rem! Cà rem!".Tôi nghe tiếng gọi "cà rem" của mình dội dội vào cánh đồng nuớc đang dâng cao. Người bán cà rem đang chạy thật chậm, vội thòng bàn chân mặt có mang dép Nhật rà rà vào bánh xe sau, thắng lại. Dáng dấp anh cao lêu nghêu, ốm yếu. Chiếc xe từ từ ngừng lại. Anh cho xe vào sát lề đường rồi dựng cái chưn vịn nằm ngang. Chiếc xe đạp với thùng cà rem nặng nằm phía sau bọc ba ga như người già mệt mỏi nằm xiên xiên theo chiều cái chưn vịn bằng sắt ở thế chống nạnh.


Tôi bước lên bờ lộ. Người bán cà rem chào tôi:"Anh Hai", theo cách gọi ở nhà quê, gặp người lạ muốn làm quen hỏi đường là cứ “Anh Hai” mà hỏi… Không chờ tôi hỏi mua cà rem, anh vội mở nắp thùng, lấy cây ghim bằng cật tre chẻ mỏng, vót nhọn, ghim một cây cà rem đậu xanh và mời tôi xã giao:


- Anh Hai, ăn cà rem chơi anh Hai.


Tôi đưa tay đỡ lấy cây cà rem đậu xanh lạnh ngắt còn đang bốc hơi nghi ngút. Và làm quen anh:


- Xin lỗi, anh thứ mấy?

- Dạ, tôi thứ ba. Vì tôi bị cận thị nên bạn bè cứ gọi là "Ba Cận Thị".Riết rồi chết danh luôn.


Tôi chợt để ý nhìn cặp kiếng trắng có gọng bằng nhựa buộc dây thun vòng ra phía sau ót của người bán cà rem, nép dưới vành chiếc nón bàng anh đang đội. Tôi tò mò hỏi tiếp:


- Anh Ba bị cận mấy độ mà kiếng dày quá mạng vậy anh Ba?

- Dà, bảy độ anh Hai.


Tôi nhìn kỹ, cặp kiếng cận trên gương mặt người bán cà rem quá là dày.Điều này cho biết chắc anh đã bị cận đâu hồi còn nhỏ.


- Vậy là anh ba bị cận quá nặng.

Rồi anh cười cười, định nói điều gì, nhưng lại thôi . Và anh lại hỏi tôi:


- Anh giăng lưới cá rô hay cá trắng anh Hai?


Tôi trả lời anh, lưới cá trắng.Anh lại muốn hỏi tôi điều gì đó nhưng có lẽ vì mới gặp nhau lần đầu nên anh ngại, lại thôi. Tôi vừa ăn cây cà rem anh Ba đưa, vừa hỏi thăm:


- Bán cà rem đủ sống hông anh Ba?


Anh nhìn thùng cà rem rồi trả lời:


- Cũng sống qua ngày anh Hai. Còn anh Hai giăng lưới đỡ hông?

- Cũng đấp đổi qua ngày, tôi lại tiếp, thời buổi này làm nghề gì mà đủ ăn là may lắm anh Ba, nói gì đến cái nghề câu lưới là nghề hạ bạc mà, một trong hai nghề ông bà mình thường khuyên con cháu chớ va vào: "nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá "đó anh Ba!


Tôi mở gói thuốc lá với cuộn giấy quyến mời anh quấn bậy một điếu, rồi tôi nói như than thở với anh:

- Lưới ướt là ăn cơm với cá, lưới khô là ăn cơm với muối cục, nước mắm trong nhe anh Ba!


Người bán cà rem nhìn hai bàn tay tôi bị nước ăn nơi các khoé ngón tay, anh nhăn mặt:


- Hai bàn tay anh hai bị lở quá mạng. Chắc anh ngâm tay trong nước suốt ngày?


Tôi cười cười, rồi nói như việc quan trọng nhưng thật ra chẳng có gì quan trọng, vì cực riết nên quen vậy thôi:


- Dà, hổng có sao anh Ba. Xong một ngày giăng lưới là tôi dìa đăm lá gáo thêm chút phèm chua và xức mấy chỗ nước ăn là nó khô mặt lại liền hà. Hổng có sao! Ngày nào hai bàn tay tôi mà không nhúng xuống nước là ở nhà vợ con tôi phải ăn cháo.


Thấy anh "Ba Cận Thị" dáng người nho nhã, tôi lại hỏi tới:


- Nhà anh ở đâu mà đi bán cà rem tới chỗ khỉ ho cò gáy này anh Ba?

- Xa lắm anh Hai, tuốt dưới Cần Thơ lận!


Tôi rùng mình khi nghĩ tới đường từ đây xuống Cần Thơ quá xa xôi, rồi nói như cảm thấu cái mệt nhọc với con đường dài thậm thượt ấy:

- Trời ơi, xa quá vậy, làm sao anh Ba đạp xelên đây nổi?


Người bán cà rem kể cho tôi nghe về một ngày bắt đầu của anh. Cứ sáng sớm độ bốn giờ là từ nhà anh, bên đường Phan Thanh Giản, gần hẻm Hai Địa, vợ anh dỡ cho anh một lon guizgo cơm với vài miếng cá chiên hoặc năm ba con tép ram mặn để độ nhựt. Anh đạp chiếc xe cọc cạch qua hãng cà rem bên bến xe mới, đứng xếp hàng để nhận cà rem bỏ đầy hai cái thùng bằng mốp treo tòng teng phía sau bọc-ba-ga, rồi bắt đầu rà rà theo mấy quầy bán vé xe đò để mua một cái vé xe và đợi xe khởi hành. Có hôm anh đi xa lên tận trên Thốt Nốt, Long Xuyên như bữa nay. Nhưng có khi anh lại đổi hướng xuống Cái Răng, Cầu Trắng, Ngã Bảy, Phụng Hiệp hoặc vô Hoà An, Vị Thanh, Hoả Lựu. Và thường anh lại xuống bắc Cần Thơ đi qua Bình Minh, Cái Vồn, Ba Càng bán dọc theo mấy trường học hoặc mấy trường đá gà bên Cái Vồn. Có hôm anh lại chạy đổ ngược lên Bình Thủy, Ô Môn. Bữa nào dự định đi xa như bữa nay, anh phải thức sớm hơn mọi khi, để khi đến vùng Vĩnh Trinh (Thốt Nốt) này trời còn rờ rờ, chưa sáng hẳn, mà kịp bán cho học trò các trường làng. Theo anh Ba, con nít ở nhà quê nghèo khổ, suốt ngày không có hàng bánh gì ráo nên mấy đứa nhỏ thích ăn cà rem cây đường chảy này lắm.


Đứng một hồi coi mòi mỏi chân, tôi mời người bán cà rem xuống xuồng tôi nghỉ mát một hồi.Tôi nhúm bếp lửa bắt lên ấm nước. Mấy lá dừa cháy bùng bắt lửa qua mấy nhánh củi tre cháy sáng rực. Trong chốc lác, ấm nước kêu ro ro, bốc hơi nghi ngút.Tôi bò lại đằng mũi xuồng lấy gói trà hiệu Chánh Hương mua ở Long Xuyên, hai cái chén đá. Tôi vói tay ra ngoài xuồng đổ bỏ những xác trà cũ và rửa sạch bình trà bằng nước nóng. Tôi bỏ vài nhúm trà vừa đủ một nồi và châm nước sôi vào khoảng một phần ba bình, cốt cho nước trà vừa kẹo lại, vừa ngon để mời anh "Ba Cận Thị" một thể. Vì lâu quá là lâu, từ những ngày về ruộng giăng lưới giăng câu tới bây giờ tôi mới có dịp gặp một người gần giống anh bạn tôi hồi còn ở Nha Trang, cũng mang kiếng cận như anh “Ba Cận Thị" này. Chờ cho trà ra nước một hồi, tôi rót ra hai cái chén đá. Nước trà màu xanh, nóng hổi, thơm ngát. Tôi nhẹ tay cầm chén trà đưa lên và mời anh ba dùng nước. Người bán cà rem đỡ chén trà từ tay tôi:

- Anh cứ để tôi tự nhiên.


Rồi anh nhấp một chút trà nóng như để thưởng thức hương vị của trà ngon. Anh Ba khen trà thơm quá. Tôi định hỏi anh nãy giờ là hồi trước anh Ba có đi dạy học hay làm việc ở đâu hông, mà sao tôi thấy anh có vẻ thông thái quá?  Nhưng tôi lại ngại, không dám mở miệng, mở lời.Vì thời buổi này, không ai tin ai, nên việc hỏi như vậy không tiện, nhất là hỏi về công việc cũ lại càng mất lịch sự.Nhưng anh Ba có lẽ cũng nhận ra điều này, nên anh cũng không hỏi tôi làm nghề gì trước 75.Cả hai cùng nhìn nhau với chén trà nóng và chỉ nói những chuyện bâng quơ về việc bán buôn cũng như câu lưới, cá tôm. Và rồi dòm quanh quất không thấy có xuồng câu nào lại gần và cũng không thấy ai lai vãng, tôi bạo dạn hỏi người bán cà rem:

- Anh ở Cần Thơ mà sao giọng nói anh giống Nha Trang quá anh Ba?


Người bán cà rem như chợt giật mình, thay vì trả lời, nhưng anh thư thả hỏi lại tôi:

- Sao anh hai biết giọng nói của tôi giống Nha Trang?

- Dà, vì tôi hồi trước, khoảng mấy năm 1970-1973, tôi có ở Nha Trang nên tôi quen giọng Nha Trang dữ lắm và có người bạn người Nha Trang, cũng mang kiếng cận và giọng nói giống y như anh vậy đó!


Đắn đo một hồi, người bán cà rem mới tâm sự:


- Nói thiệt với anh Hai, tôi sanh quán ở Đà Lạt, rồi chạy giặc xuống Nha Trang. Thuở nhỏ lại vào sống trong cô nhi viện Tin Lành. Lớn ra Huế học.Cưới vợ người Cần Thơ và thành dân Cần Thơ luôn. Hiện tại sống bằng nghề bán cà rem dạo .

Tôi tò mò thêm:


- Anh ba có vợ Cần Thơ, anh thấy miệt trong này vui hông?


Không do dự, anh đáp liền:


- Làm rễ người Nam, yêu miền Nam mà!


Để cho công bằng, tôi cũng nói với anh một chút về cái tiền thân giăng lưới của mình:


- Còn tôi hồi còn nhỏ học chút chút trường làng. Lớn lên lại lính tráng.Hết lính tráng lại trở về quê sống nghề ông bà để lại.Mùa khô làm rẫy, làm ruộng.Mùa nước giăng lưới, giăng câu. Và có lẽ, tôi sẽ làm cái nghề ruộng, nghề câu, nghề lưới suốt đời!


Người bán cà rem nghe tôi nói hai tiếng "suốt đời", anh có vẻ cảm động và thương cho tôi đành cam phận như vậy. Anh Ba nghe tôi nói có đi học anh hỏi tiếp:


- Anh có lên tỉnh hay trên Sài Gòn học tiếp hông?


Tôi trả lời anh cũng có học thêm chút chút.Người bán cà rem nghe tôi nói hồi còn trẻ tôi có lên tỉnh, lên Sài Gòn học, anh như mừng ra mặt.Anh dư biết rằng, vào thời ấy, bất cứ sinh viên học sinh nào mà không đọc sách báo, nhất là các báo chí văn học, nhưng anh không hỏi tôi về điều này.Dường như cả anh và tôi đều tránh nói về những ngày xơ xác trong trại tập trung vì thật sự chẳng có gì vui vào những ngày khổ hạn này. Nhìn anh đạp cọc cạch chiếc xe cà rem với chiếc áo trận bạc màu, chiếc nón bàng cũ rích; nhìn tôi lang thang trên đồng với nghề câu lưới cùng đôi tay ghẻ lở vì nước ăn, người tinh mắt ai cũng nhận ra thời thế đổi thay nhiều lắm rồi, đâu cần gì phải nói trắng ra như mưa, như nắng... Chợt tôi muốn hỏi anh một câu cho không khí loãng đi:


- Anh Ba chắc thích lắc chuông reng, reng, reng... vì hồi nãy tôi nghe anh rung chuông quá mạng?


Người bán cà rem cười:


- Nghe tiếng chuông trẻ con vui mà mình cũng vui nữa anh Hai.


Tôi hiểu ý anh muốn nói gì. Vào thời buổi mà người ta tìm cho mình niềm vui khó quá, tiếng chuông của người bán cà rem, tiếng trẻ con gọi cà rem ơi ới, một mình đạp chiếc xe cọc cạch trên những con đường làng hay những lúc im vắng giữa cánh đồng nước ngập với những con cá dính vào lưới, tất cả đều là niềm vui nhen nhúm nhỏ nhoi nhưng cần thiết cho những người như anh "Ba Cận Thị", như tôi nhiều lắm. Vào những lúc ấy, mỗi người tự ban cho mình những giây phút tự do thật sự giữa đất trời và cứ thế mà hít thở cái không khí trong lành đó một cách thoải mái. 


Sau khi châm bình trà thứ tư, người bán cà rem uống thêm chén trà tôi vừa bỏ thêm vào mấy bông trà mới, và anh định kiếu từ. Tôi thò tay xuống khoang xuồng bắt cho anh mấy con cá mè vinh dính lưới hồi nãy, và tôi nói, anh lấy mấy con cá này về dưới Cần Thơ để anh chị ăn lấy thảo. Tôi vói lấy sợi lạt tre trên mái cà rèm, rồi xỏ xâu cho anh một chùm. Anh Ba Cận Thị ngại và nói với tôi:

-      
Anh giăng lưới cực quá mà cho tôi, anh lấy gì mang về cho chị.

Tôi cười cười và nói để anh yên bụng:


- Nhằm nhò gì anh Ba. Gặp anh bữa nay là tôi vui lắm rồi! Bây giờ cuốn lưới về nghỉ một bữa cũng còn được, đâu có sao!


Người bán cà rem cảm động.Anh xách xâu cá. Tôi đưa anh lên lộ và nói với anh:


- Thời mạt pháp thường thường quỉ ma hoành hành dữ lắm, nên Đức Phật không ngồi yên vị trong chùa. Ngài đi vào đời như đạo Phật của Ngài đã đi vào đời.Ngài có mặt khắp mọi nơi để tế độ chúng sanh. Cho nên mình cũng phải tự tế độ mình trước và rán niệm Phật. Phải vậy hông anh Ba?


Người bán cà rem có vẻ suy nghĩ và anh dắt chiếc xe cà rem một đỗi rồi mới lên xe mà còn nhìn chiếc xuồng lưới của tôi hoài. Tôi cũng quên hẹn gặp lại anh.Mà thật tình, nếu có hẹn cũng khó mà gặp lại được. Đồng thì bao la, nước lại mênh mông, cá lội chỗ nào cũng cá, nhiều lúc tôi cũng không nghĩ mình sẽ trở lại cánh đồng Vĩnh Trinh (Thốt Nốt)  này giăng lưới vì nơi đây cách nhà tôi xa quá đỗi!Người bán cà rem cũng vậy. Nơi nào cũng là trẻ con, cũng là khách hàng của món cà rem đường chảy của anh, nên đặng đâu anh cứ bán đó, đâu dám hẹn lúc nào trở lại con đường lộ đất này!


Thế rồi cả hai chúng tôi vẫy tay ra hiệu chia tay nhau từ dạo ấy. Và dường như lâu lắm tôi không gặp anh về bán cà rem miệt nhà quê của tôi nữa, có đến mười mấy năm.

Sau này, tôi được thơ thằng em út của tôi từ bên Mỹ gửi về.Trong thơ nó có cho biết đã đọc trên báo truyện ngắn "Người Bán Cà Rem Dạo".Nó có nhờ người mang về cho tôi một bản. Tôi té ngữa! Thì ra, tác giả truyện ngắn "Người Bán Cà Rem Dạo" là người mà tôi đã gặp hồi năm nẳm, nhưng lúc bấy giờ tôi đâu có biết, mặc dù tôi hơi nghi nghi anh Ba Cận Thị là thầy giáo hay nhà văn gì đây, vì anh ăn nói lưu loát, lại thông thái nữa. Bây giờ ảnh ở bên Mỹ rồi! Không biết ảnh còn nhớ cùng tôi uống những chén trà giữa cánh đồng bên con lộ đất vắng vẻ với hàng bông điên điển vàng rực vào mùa nước lên tháng chín, tháng mười âm lịch hông?Phần tôi, tôi không thể quên anh Ba Cận Thị được. Như cụ Tế Xương, tôi xin mượn câu thơ của Cụ để gởi đến anh Ba Cận Thị như một chút tình sơ ngộ năm xưa:


"Ta nhớ người xa cách núi sông,

Người xa, xa có nhớ ta không?"


Và mới đây, thật tình cờ, thằng em Út của tôi lại gặp "Người Bán Cà Rem Dạo" về vùng nó ở để dự buổi ra mắt tập truyện của anh ấy vừa mới in, vào một đêm mùa hè. Em tôi có nhắc với anh Ba Cận Thị về tôi, về người làm ruộng đã gặp ảnh hồi năm nẳm bên bờ kinh lộ tẽ Vĩnh Trinh, Thốt Nốt. Người Bán Cà Rem Dạo viết vội cho tôi mấy chữ nguệch ngoạc nhưng đầy chân tình, mà em tôi mới vừa gởi về cho tôi hôm kia, qua đường thơ bưu điện:


"Anh Hai làm ruộng,


Tôi nhớ, nhớ lắm chứ anh Hai. Nhớ đến những tiếng kêu giòn giã của đám trẻ con "Ông già cà rem! Ông già cà rem!" Nhớ đến anh Hai khi từ ruộng lên, tay chân lem luốc, lại không quên mời tôi điếu thuốc rê. Nhớ đến lần tôi qua phà, thấy chiếc xe du lịch sang trọng, mà bên trong tôi đoán là một người quyền thế, tôi đã lắc chuông đồng như gọi âm binh... Tôi nhớ lắm anh Hai. Dù khổ cực, dù vất vả, dù nguy tai, nhưng cái cảm giác lâng lâng của hạnh phúc khi mình qua mặt được những trạm kiểm soát tại Phụng Hiệp, Cái Răng, Bình Minh, Vàm Cống, để mang về vài ký gạo, hay ký thịt heo ... Vui lắm anh Hai.


Mình đi đâu thì đi, đến đâu thì đến, niềm tự hào của mình theo vòng xe đạp lăn, nỗi hạnh phúc của mình theo từng giọt lệ thầm của người dân quê, trong ấy có anh Hai là một, cùng những cốc rượu đế mà người nào đã kêu tôi, và mời tôi . Tôi không dám ví mình là "Ông Già NOEL", nhưng mỗi lần tôi đạp xe qua làng, là mỗi lần lòng tôi nẩy nở thêm niềm vui. Tôi không cô đơn đâu anh Hai. Chính những ngày này đã giúp tôi hiểu hơn thế nào là giá trị của hạnh phúc.Càng trong hoạn nạn, đau khổ, giá trị nó càng lớn.Như lúc anh Hai mời những chén nước trà giữa đường.Tôi đã nhấp vào từng hớp, từng hớp, mà mắt tôi phải cay nồng.Cảm ơn anh Hai nhà nông. Tôi đang mang theo bên đời những hớp trà vĩnh cửu ấy, trong những ngày lưu xứ..."


(Ký tên : Ba Cận Thị)


Đọc xong mấy dòng chữ chan chứa tình cảm của anh Ba Cận Thị, tôi thật sự xúc động. Tôi mường tượng đâu đây có hàng bông điên điển vàng lung linh bên be xuồng lưới, và có tiếng chuông người bán cà rem dạo đang lắc reng, reng, reng... chừng như gần lắm! Ngoài bụi tre gai, con chim gõ kiến đang gõ vào thân tre mấy tiếng kêu rời rạc kiếm mồi... Những cụm mây đen ngòm chuyển cơn mưa chướng vào mùa mưa tháng tám, tháng chín đang bay là là trên đầu như bức tranh vân cẩu muôn hình. Trời đất, cảnh vật vào mùa nước ngập đang lêu bêu theo từng cơn mưa chướng vô tận... Tôi ngồi uống nước trà một mình mà nghe trong lòng nỗi nhớ xa xăm...


Lương Thư Trung

Tháng 10 năm 1999

(Trích trong cuốn Bến Bờ Còn Lại, 2000)