Trang Chính    Hộp Thư    Truyện Thật Ngắn    Truyện Ngắn    Thơ    Bút Ký    TG & Tác Phẩm    Góp Nhặt    Trang Xuân    Hình Ảnh    SK và Gia Đình    Vui Cười
Tin Vui    Cùng Tác Giả   

 

Lương thư Trung

Hạc, sếu và cò

          

Trong các loài chim lớn, có lẽ loài hạc được nhắc đến nhiều trong cac áng văn từ xưa đến nay. Cac tac giả thường gọi “crane” la` hạc như thầy  Huyền Diệu trong cuốn “Khi hồng hạc bay về” (1) ; nhà văn Duy Lam viết  một bài về “Tuổi hạc” cũng gọi “crane” là hạc và  “flamingo” là hồng hạc; rồi người ta cũng dịch cuốn “Thousand cranes” của Kawabata Yasunari, giải Nobel văn chương năm 1968, là “Ngàn cánh hạc”

 

Trong khi đó, theo tự điển Anh Việt của Viện Ngôn Ngữ Hà Nội (2) thì “crane” là sếu, “flamingo” là chim hồng hạc, “stork” là cò. Dĩ nhiên ba giống chim này không thể cùng giống với nhau. Do vậy, chúng có những đặc điểm gì để khi nhìn nó là người ta có thể nhận ra đâu là hạc, đâu là sếu và đâu là cò?

 

An American Flamingo (Phoenicopterus ruber), with Chilean Flamingos (P. chilensis) in the background

Chim Hồng Hạc

nguồn:  wikipedia.org

Được biết hạc còn gọi là Flamingo (3) thuộc họ Phoenicopteridae, tên latin là Phoenicopterus. Trước đây, chúng được tìm thấy cả hai vùng Tây và Đông bán cầu, nhưng một số khác được tìm thấy sau này gồm chung 6 loại mà hai loại trong số này  là Greater Flamingo và Lesser Flamingo có mặt ở các vùng cựu lục địa và bốn loại còn lại thuộc về vùng tân thế giới, được phân chia như sau:

- Greater Flamingo (Phoenicopterus roseus) một phần tập trung ở Châu Phi, miền nam Âu Châu, Nam Á và Tây Nam Á Châu.

- Lesser Flamingo (Phoenicopterus minor) có mặt tại Phi Châu và chạy dài tới miền Tây Bắc Ấn Độ.

- Chilean Flamingo (Phoenicopterus chilensis) ở về phía Nam của Nam Mỹ.

- James’s Flamingo (Phoenicopterus jamesi) thường trú ngụ vùng cao của Andes ở Peru, Chile, Bolivia và Argentina.

- Andean Flamingo (Phoenicopterus andinus) cũng ở những vùng giống James’s Flamingo thường ở.

- Caribean Flamingo (Phoenicopterus ruber) chiếm lĩnh vùng biển Caribbean và hải đảo Galapagos

 

Trước nhất về thân hình, hạc mới nở trong vòng một tháng tuổi thì mỏ nó thẳng và cẳng nó ngắn, lông có màu nâu. Khi hạc lớn dần thì hình dạng lần lần thay đổi và khác hẳn lúc còn nhỏ. Sự tăng trưởng của hạc làm cổ nó dài ra, cẳng nó cao, thay lông tơ và dần dần đối màu nhờ ăn các chất rong tảo vùng nước mặn và những sinh vật nhỏ có vỏ cứng thịt mềm có trong các vũng nước cạn có bùn như tôm tép sò cua. Lúc bấy giờ mỏ nó không còn thẳng nữa. Ngay chóp mỏ co quặp lại như  hình lưỡi câu và in đậm một  màu đen. Lông hạc ngả màu hồng lợt. Ở bên trong chót cánh có lớp lông màu đen.

 

Một vài đặc tính khác của hạc là chiều cao của nó. Hồng hạc hay còn gọi hạc Mỹ châu có tên American flamingo (Phoenicopterus ruber) nó cao 145 cm, trong khi đó hạc Chilean flamingo (Phoenicopterus chilensis) cao 105 cm. Dĩ nhiên những con hạc mái thì nhỏ con và thấp hơn.

 

At the Slimbridge Wildfowl and Wetlands Centre

Hạc Chilean

nguồn:  wikipedia.org

 

Với Chilean flamingo thì tầm bay xa của nó rất là xa; nó có thể bay xa tới 4.000 cây số trên vùng Andes  và luôn bay ở độ cao từ 3.000 m đến 4.500m. Nhưng người ta bắt gặp ở một phần lãnh thổ của Argentina và vùng phía đông của vùng Andes thì loài hạc này bay thấp hơn. Ở hồ Poopo thuộc Bolivian người ta ước lượng có 100.000 con hạc loại này. Trong khi đó ở hồ Titicaca cũng thuộc Bolivian giáp với biên giới Péru có cả một vùng trời đầy giống chim hạc này mà người ta gọi là quê hương của chúng.

 

Tiếng kêu của hạc Chilean cũng như  vài giống hạc khác giống  như tiếng kêu của loài ngổng. Kêu to và khàn khàn như xé không gian nhất là vào những lúc đêm khuya thanh vắng. Cả hai giống hạc Chilean flamingo và American flamingo đều thuộc vào loại hạc lớn nhứt.

 

Ngoài ra có hai giống hạc nhỏ hơn cũng thường sống trong vùng Andean thuộc Nam Mỹ có tên gọi là Andean flamingo (Phoenicoparrus andinus) và James’s flamingo (Phoenicoparrus jamesi), một trong hai giống này ngày nay đã gần như bị tuyệt chủng.

 

Thêm vào đó, còn có giống hạc khác có tên gọi là Lesser flamingo (Phoeniconaias minor). Chúng sống ở vùng Nam Phi, Madagascar, Ấn Độ. Chúng tụ họp thành đàn rất đông lên đến cả triệu con. Loại hạc này chiều cao của nó khoảng 1 mét

 

Một đặc điểm khác của các loài hạc, đặc biệt hạc Chilean flamingo không có màu vàng rõ rệt trên thân hình của nó, chỉ có màu đỏ nơi đầu gối và lớp da chân của nó. Người ta còn tìm thấy chúng thích làm ổ ngay trên  bãi bùn. Chúng lấy chân và mỏ gom bùn lại cho cao cỡ vài tấc khỏi mặt bùn và đẻ ngay trên đó và chỉ đẻ một trứng duy nhất với vỏ trứng màu trắng. Sau khi đẻ trứng, như mọi giống chim khác, cả hai con hạc trống và mái thay phiên nhau ấp trứng cho tới lúc trứng nở con. Thời gian từ khi trứng bắt đầu được ấp cho đến lúc nở vào khoảng từ 27 đến 31 ngày tùy theo mùa mưa hay nắng. Mùa mưa trứng lâu nở hơn mùa nắng.

 

Tóm lại, cho dù là giống hạc nào đi chăng nữa, chúng có mấy nét chung giống nhau như  hai cánh của chúng  người ta đo được từ 1 mét tới 1, 60 mét và mỗi chót cánh có 12 lông màu đen. Chúng cân nặng trung bình từ 1, 5kg tới 4,1 kg với chiều cao trung bình  từ 1 mét tới 1,4 mét. Chúng thường chỉ đẻ có một trứng duy nhất. Chiều dài trung bình của mỗi trứng khoảng 78 mm tới 90mm và trọng lượng của mỗi trứng khoảng từ 115 gram tới 140 gram. Hạc con vừa mới nở cân nặng từ 73 gram tới 90 gram.

 

Đặc biệt về tuổi thọ của hạc, theo David Alderton, giống hạc American Flamingo sống hơn 30 năm tại các vùng hoang dã. Ngoài ra, theo vườn bách thú San Diego thì tuổi của hạc ở khoảng từ 20 tới 30 năm là thường; đôi khi tuổi thọ này kéo dài tới 50 năm nhưng không phải lúc nào cũng dễ gặp những con hạc sống lâu như vậy.

 

Sếu  tên gọi là Crane thuộc họ Gruidae, tên khoa học là Grus. Sếu là loài chim cũng cao lớn như hạc nhưng hình dáng và màu sắc rất khác xa với hạc. Một trong những đặc tính khác nhau ấy mà người ta sẽ nhận ra ngay đó là cái mỏ của sếu dài, màu vàng và nhọn trong khi đó mỏ hạc thì ngắn, chót mỏ màu đen và quặm xuống như lưỡi câu. Lông sếu màu xám pha chút màu trắng ở hai bên má. Trên đầu sếu phía trên hai bên mắt thì màu đỏ.

 

Những con sếu lúc còn nhỏ khoảng 2 tuổi rưởi bộ lông của nó bắt đầu hiện rõ sắc màu của một con sếu lớn rồi nhưng lông cổ và đầu cùng màu với lông trên mình nó: màu nâu chứ không có một chút màu đỏ nào. Tuy nhiên, khi sếu lớn vì ăn những sinh vật có nhiều chất sắt nên màu lông của chúng pha lẫn hai màu nâu và đỏ.

 

Florida Sandhill Crane,Grus (canadensis) pratensis.Adult (behind) and immature

Florida Sandhill Crane

nguồn:  wikipedia.org

 Sếu  Sandhill Crane với tên khoa học Grus canadensis  thuộc loại chim thiên di. Chúng có chiều cao đo được 122 cm. Chúng thường sinh sôi ven bờ biển Bắc Băng Dương  và nhiều nhứt vùng Đại hồ. Mùa đông chúng bay về miền nam Hoa Kỳ và Mễ Tây Cơ . Người ta bắt gặp chúng cũng có mặt ở Florida và vùng biển Caribbean nữa. Như vậy chúng bay rất xa từ Canada tới vùng biển Caribean để kiếm ăn.

 

Còn một loại sếu khác rất to lớn có tên là Whooping crane mà tên khoa học là Grus americana. Chiều cao của chúng cao tới 2, 29 m (7feet 1/2). Loại sếu này người ta đã tìm thấy chúng ở vùng bắc Mỹ Châu. Nhiều nhứt là vùng Wood Buffalo Park nối liền với hồ Great Slave bên Canada. Khác với loài sếu Sandhill crane, Whooping crane có mặt màu đỏ, bộ lông màu trắng, bên dưới chót cánh lông màu đen. Khi nó đứng, cánh xếp lại người ta khó phân biệt được hai màu đen trắng này vì nó bị che khuất dưới lớp lông màu trắng của bộ cánh.  Khi gặp sếu mái, những chàng sếu trống xà đáp xuống và cuối đầu như một lời chào với  hai cánh buông thòng xuống làm thành một vũ điệu tuyệt đẹp.

 

Thường chúng làm ổ vào đầu tháng năm. Ổ được lót những gò đất bằng phẳng và chỉ đẻ có hai trứng màu sậm bùn. Trái lại sếu Sandhill crane cũng chỉ đẻ có hai trứng nhưng trứng của chúng có vỏ màu nâu và loài sếu này lại làm ổ trên cây cao hoặc trên những đụn cỏ dày. Loài sếu  Whooping crane này có tên gọi như thế vì tiếng gọi đàn rất lớn  của chúng.

 

Ngoài ra, còn có loài sếu Úc châu  có tên khoa học Grus rubicunda, chúng sống ở Úc Đại Lợi và vùng Tân Guinea. Riêng loài sếu chóp Grey Crowned Crane có tên khoa học là Balearica pavonina hầu như chúng có mặt khắp châu Phi. Loài này đặc biệt có bộ lông màu xám. Hai cánh phủ một lớp lông trắng pha màu vàng cam rất đẹp. Cổ nó cao vừa phải và trên đầu có chóp màu đỏ lợt giống như bông mồng gà. Đầu nó có lông màu đen. Sau đuôi mắt là hai má màu trắng với cái mỏ màu xám đậm dài chừng 4 cm tới 5 cm.

 

Loài sếu Sarus Crane (Grus Antigone) mà thầy Huyền Diệu vừa nhắc, thường có mặt ở về phía bắc Ấn Độ, Népal, Đông Nam Á và Queensland, Úc Đại Lợi. Đây là loài sếu có chiều cao tới 1,80 mét và cánh dài 2,50 mét. Loài sếu này sống thành từng nhóm nhỏ từ 2 đến 5 con và đẻ trứng từ 2 đến 3 trứng là nhiều.

 

http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/a/a4/Crane_japan2.JPG/250px-Crane_japan2.JPG

Red-crowned Crane

nguồn:  wikipedia.org

Sếu Red-Crowned Crane (Grus Jalonensis) cũng còn gọi Japanese Crane hoặc Manchurian Crane là một giống sếu lớn con và nó được xếp vào hàng thứ nhì trong thế giới các loài sếu. Nó cao 1,40 mét (55 inches), có con sếu trống cân nặng tới 15 kg (33lbs), nó được xếp hạng cân nặng nhất so với  loài sếu. Sếu Sarus Crane được xếp làloài sếu lớn và cao nhưng cũng chỉ cân nặng có 9 kg (3).

 

Vào mùa xuân và mùa hè, Red-crowned Crane sống ở vùng Siberia với mùa đẻ trứng của nó. Thường chúng chỉ đẻ 2 trứng mà thôi. Sang đến mùa thu, chúng bay về hướng Đại Hàn, Trung Hoa và các xứ khác thuộc vùng Đông Á và ở mãi cho hết mùa đông. Hầu như các loài sếu này trú ngụ ở Hokkaido (Japan) lâu hơn cả. Ngày nay người ta ước tính loài sếu này còn khoảng 1,700 con đến 2,000 con sống trong các vùng hoang dã.

 

Theo truyền thuyết của Nhựt, loài sếu này còn gọi là “tancho” và họ cho rằng “Red- crowned Crane” sống tới 1,000 năm. Trong khi đó, người Trung Hoa thì cho rằng loài “Red- crowned Crane” này là thần tiên, là các bậc hiền triết và biểu hiệu cho sự trường sinh. Ở Trung Hoa, người ta gọi “Red- crowned Crane” là “xian he” hay “Fairy Crane”.

 

Theo các nhà nghiên cứu về chim muông, người ta phân loại sếu làm thành 15 loại có tên như sau:

- Common Crane, Grus grus, còn được biết là giống Eurasian Crane

- Sandhill Crane, Grus canadensis

- Whooping Crane, Grus americana

- Sarus Crane, Grus antigone

- Brolga, Grua rubicunda

- Siberian Crane, Grus leucogeranus

- White-naped Crane, Grus vipio

- Hooded Crane, Grus monacha

- Black-necked Crane, Grus nigricollis

- Red-crowned Crane, Grus japonensis

- Blue Crane, Anthropoides paradisea

- Demoiselle Crane, Anthropoides virgo

- Black Crowned Crane, Balearica pavonina

- Grey Crowned Crane, Balearica regulorum

- Wattled Crane, Bugeranus carunculatus.

 

Còn “stork” lại là một giống cò. Chân của chúng rất cao, cánh rộng, mỏ dài và thẳng. Đây là loài chim thuộc họ Ciconiidae và nó giống như loài diệc. Loài stork này có tất cả 19 loại và được phân chia thành 6 giống như sau:

Genus Mycteria

- Milky Stork (Mycteria cinerea)

- Yellow-billed Stork (Mycteria ibis)

- Painted Stork (Mycteria leucocephala)

- Wood Stork (Mycteria americana)

Genus Anastomus

- Asian Openbill Stork (Anastomus oscitans)

- African Openbill Stork (Anastomus lamelligerus)

Genus Ciconia

- Abdim’s Stork (Ciconia abdimii)

- Woolly-necked Stork (Ciconia episcopus)

- Storm’s Stork (Ciconia stormi)

- Maguari Stork (Ciconia maguari)

- Oriental White Stork (Ciconia boyciana)

- White Stork (Ciconia ciconia)

- Black Stork (Ciconia nigra)

Genus Ephippiorhynchus

- Black- necked Stork (Ephippiorhynchus asiaticus)

- Saddle-billed Stork (Ephippiorhynchus senegalensis)

Genus Jabiru

- Jabiru (Jabiru mycteria)

Gerus Leptoptilos

- Lesser Adjustant (Leptoptilos javanicus)

- Greater Adjustant (Leptoptilos dubius)

- Marabou Stork (Leptoptilos crumeniferus)

 

Các nhà nghiên cứu đã đo được chiều cao của chúng trung bình từ 60 cm (2feet) tới 150 cm (5 feet). Loài stork này thường sống bên Phi Châu, Á Châu, và Âu Châu.

 

Female with yellow and male with dark iris

Black-necked stork

nguồn:  wikipedia.org

Một trong các giống Stork này có Cò cổ đen (Black-necked stork) với tên khoa học Ephippiorhynchus  asiaticus là giống cò được biết đến nhiều ở các vùng Nam Á và Úc Đại Lợi, bao gồm từ miên đông Ấn Độ tới Tân Giunea và phân nửa vùng đất phía bắc Úc Đại Lợi. Ở Úc người ta còn gọi tên giống cò này là Jabiru nhưng không thông dụng bằng tên Black-necked Stork từ bên Mỹ Châu.

 

Cò cổ đen là giống chim lớn. Chúng cao từ 1m30 tới 1m50 và hai cánh sải dài đo được 2m30. Nó có bộ lông rất đẹp. Đầu, cổ, cánh và đuôi màu đen. Phần còn lại với bộ lông màu trắng. Riêng cái mỏ lớn và dài của nó màu đen và đôi chân màu đỏ. Khi bay, như các giống cò khác, chúng vươn dài cổ thẳng ra phía trước, chứ không rụt cổ lại như loài diệc. Loại cò này thích vùng đất ẩm thấp vùng nhiệt đới và chúng thích ăn cá, each, nhái. Nó lót ổ trên cây và đẻ từ 3 cho tới 5 trứng là nhiều. Ở Úc, nơi nào giống cò này sinh sản nhiều là mối lo cho môi trường bị ô nhiễm và nhất là nguồn nước ngọt để uống mỗi ngày.

 

 

Ngoài ra còn có một loài cò cổ đen khác có tên Saddle - billed stork (Ephippiorhynchus senegalensis), chúng cũng cùng dòng họ với cò có tên Ciconiidae, thường sống các vùng nhiệt đới Phi Châu như  Sudan, Ethiopia, Keynia, Nam Phi, Senegal, Côte d’Ivoire và Chad thuộc miền tây Châu Phi. Giống cò này có những điểm gần giống với loại cò cổ đen ở Á Châu. Nó cao khoảng 120 cm (4 feet) tới 150cm (5feet). Cánh sải dài 270 cm (9feet). Đầu, cổ, cánh, đuôi và phía lưng lông màu đen. Ức và phần vai lông màu trắng. Đặc biệt mình nó dài. Chân và cổ ốm thon nhỏ. Ở đầu gối và bàn chân màu đỏ. Chúng lót ổ trên cây cao và chỉ đẻ từ 1 tới hai trứng là nhiều. Trứng màu trắng và mỗi trứng cân nặng 146 grams. Chúng ấp trong vòng 30 tới 35 ngày mới nở.

 

http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/c/c6/Stork_%28Palic%2C_Serbia%29.jpg/240px-Stork_%28Palic%2C_Serbia%29.jpg

Cò trắng ( White stork)

nguồn:  wikipedia.org

Loài cò trắng có tên White stork (Ciconia ciconia) mỏ nó nhọn, thẳng và màu vàng. Lông từ trên đầu xuống đến cổ và bả vai màu trắng. Từ bả vai xuống hai cánh lông màu đen. Lông đuôi cụt. Chưn cao và màu đỏ. Chúng sống bên Âu Châu và Á Châu. Loài này cao  100 cm. Ở rải rác các hồ vùng Houston, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ, người ta thấy giống cò này rất nhiều. Phần lớn các cánh đồng lúa bao la của miền Nam Việt Nam, dường như đi đâu người ta cũng gặp những cánh cò trắng này. Các rừng tràm, vườn tre cò trắng chiếm đa số trong các giống chim qui tụ về đây làm thành những sân chim làm vang danh một thời các sân chim miền Nam.

 

Nhắc tới cò người ta luôn nghĩ cò chỉ có màu trắng, nhưng các nhà nghiên cứu về cò còn cho biết có một giống cò đen với cái tên Black Stork (Ciconia nigra) với đôi cánh rộng trong nhóm Ciconiidae. Giống cò này cao gần 1m với đôi cánh sải dài 1m80. Cò đen có bộ lông toàn màu đen và chỉ có cái ức và bên dưới hai cánh là lông màu trắng. Cái mỏ và chân của nó màu đỏ. Loại cò này đi chẩm rải trên các lung vũng tìm mồi với cái cổ thòng dài về phía trước. Chúng thích làm ổ trên các cây cao.

 

Cò đen là giống chim thiên di nên có thể bay rất xa và mỗi ngày bay trung bình từ 100 km đến 250 km; Có ngày bay xa nhất, chúng bay tới 500 km một ngày. Chúng thường sống bên Phi Châu, Tây Ban Nha, Sicily-Cap Bon, Tunisia, Shahara, Nigeria, Mali. Về phía đông, con đường chúng hay lui tới là Bosphonrus – Sinai - Nil. Giống chim này từ vùng Viễn Đông bay đến miền Nam Trung Hoa. Chúng thiên di vào giữa tháng 8 cho đến hết tháng 9 và chúng trở về vào trung tuần tháng ba hằng năm.

 

Có một giống cò tên là Wood stork với tên khoa học là Wood ibis Mycteria americana. Chúng cao tới 119 cm (47 inch), mỏ dài, đuôi ngắn. Trên đỉnh đầu lông màu trắng. Một phần cổ từ đầu xuống lông màu xám. Lông mình và cánh màu trắng và che khuất lớp lông đen ở phần chót cánh. Thường thường loài cò này sống rất dai và chúng đẻ từ 2 tới 5 trứng là nhiều.

 

Ngoài ra còn có cò quắm mặt trắng tên White-faced Ibis với tên  tên khoa học Plegadis chihi. Có cái mỏ dài và quắm xuống như lưỡi hái cắt lúa. Lông chúng màu xanh lá cây pha chút xám. Cánh màu đồng đỏ; cẳng và chân màu đỏ lợt. Ở hai bên má có da màu đỏ và một viền trắng bao quanh hình chữ U chạy từ mũi vòng qua mắt tới khóe miệng của chúng. Loại cò này cao khoảng 58 cm (23inch). Chúng đẻ khoảng từ 3 đến 5 trứng và trứng màu xanh lá cây.

 

Riêng cò có tên  Great white egret, tên khoa học Egretta alba. Chúng có mỏ nhọn, dài và màu vàng. Lông màu trắng, trên lưng và dưới ức có nhiều sợi lông cước màu trắng. Chân chúng màu xám. Loại cò này rất lớn con. Người ta đo được chiều cao các giống cò này 99 cm (39inch).

 

Adult standing by a pond in Western Floridahttp://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/b/b6/White-faced_Ibis.jpg/240px-White-faced_Ibis.jpg

Wood stork                                          White-faced Ibis

nguồn:  wikipedia.org

 

Ở Việt Nam, cùng với giống cò trắng mà dân ruộng gọi là cò ma, giống cò Great white egret này cũng chiếm đa số trên các cánh đồng và vườn tre, rừng tràm ở Nam phần. Người ta cũng bắt gặp loại cò này trên các ao hồ và sông rạch ở Hoa Kỳ; đặc biệt các ao hồ vùng Boston thuộc tiểu bang Massachusette và vùng Houston thuộc tiểu bang Texas, chúng nhiều vô số kể. Chúng lót ổ trên cây hoặc ngay trên các cánh đồng lúa dày bịt và chỉ đẻ khoảng từ 3 đến 5 trứng là nhiều. Thức ăn chính của cò là cá và cua, ốc.

 

Cò sao còn gọi Limpki tên khoa học Aramus guarauna với mỏ dài và cong như cò quắm nhưng lông chúng màu xám pha chút màu nâu lợt với những chấm trắng rải đều trên thân làm thành những hàng lông như sao trời rất đẹp. Tiếng kêu của chúng nghe như tiếng khóc và người ta còn gọi cò này là chim khóc. Chúng làm ổ trên cây và đẻ từ 5 tới 8 trứng màu ngăm ngăm bùn.

 

Ngoài ra, còn có cò xanh có lông màu xanh; cò ráng có lông màu ráng vàng buổi chiều. Loại cò ráng và cò xanh cẳng không cao cho lắm. Cò xanh cao 58 cm (23 inch), cò ráng cao 54 cm (21 inch) . Giống như cò ma, chúng thích sống trên những cánh đồng Nam phần Việt Nam, nhất là trên những cánh đồng lúa mùa và các vườn tre gai, hoặc những chòm điên điển.

 

 Có một giống cò tên  Glossy ibis cao 65cm(26 inch). Chúng thường sống vùng gần bờ biển miền Đông Hoa Kỳ.

 

Nhưng có lẽ giống cò có cái mỏ dài và chè bè ra như cái muỗng có tên Roseate spoobill (Ajaia ajaja), chúng cao 81 cm (32 inch) là một giống cò lạ.. Lông cổ trắng. Lông cánh  màu đỏ pha màu nâu lợt. Chưn màu vàng. Ngay lỗ tai có một viền màu xanh đậm. Chúng đẻ rất ít. Chỉ 3 trứng là nhiều. Trứng màu trắng pha màu nâu lợt. Trong chùm ảnh “cái cò cái hạc” của nhiếp ảnh gia Hoàng huy Mạnh trên trang nhà gio-O, có hai loại cò ma và cò muỗng này.

 

Adult in nonbreeding plumage

Great white egret (Cò Ma)

http://upload.wikimedia.org/wikipedia/en/thumb/b/ba/Roseate_Spoonbill_-_Myakka_River_State_Park.jpg/240px-Roseate_Spoonbill_-_Myakka_River_State_Park.jpg

Roseate spoobill

Immature in  Kolkata, West Bengal, India.

Asian Openbill Stork

nguồn:  wikipedia.org

 

Nhưng ở Á Châu, nhất là các vùng nam Á, từ Ấn Độ tới Tích Lan không thể không nhắc giống cò có tên là Asian Openbill Stork. Chúng có bộ lông màu trắng, chót cánh màu đen, chưn màu đỏ, mỏ màu vàng. Chúng làm ổ trên cây và đẻ từ 2 tới 6 trứng.

 

Về truyền thuyết, từ thời cổ đại, cò trắng cũng được nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới công nhận cò là biểu tượng của may mắn với hình ảnh của đứa bé vừa chào đời; đặc biệt là các nước tây phương, với Bulgarian, cò là biểu tượng của mùa Xuân trở lại; với Trung Hoa, cò là hình ảnh của người đàn ông xứng đáng và hạnh phúc; với Việt Nam, trong ca dao, cò là hình ảnh người đàn bà “gánh gạo nuôi chồng”…

 

Qua một vài chi tiết tóm lược bên trên cho thấy giữa các loài chim rất quen thuộc như cò tới các giống chim lớn khó tìm như hạc và sếu, mặc dù cùng là giống chim lớn, cao cẳng, cổ dài, cánh rộng, bay xa và cao nhưng là các loài chim khác nhau hoàn toàn về nhiều phương diện, từ màu sắc tới hình dáng, từ cách làm ổ tới đẻ trứng, từ vùng sinh sống tới đặc điểm khác nhau trong cách tìm mồi… Dù là hạc, là sếu hay là cò, cả ba giống này đều có những bộ lông rất đẹp, có những tài nghệ khi vỗ cánh bay cao hoặc cái dáng uyển chuyển khoan thai khi quạt cánh để chuẩn bị cho một bãi đáp êm đềm trên ngọn cây hay bãi cỏ, mỗi loài đều có những vũ điệu tuyệt đẹp khi gặp lại tình nhân, khó mà phân biệt được loài nào hay hơn, đẹp hơn loài nào.

 

Nhưng theo nghĩa trong từ điển và qua thực tế ngoài thiên nhiên, chúng tôi nghĩ các nhà viết sách khi có dịp đề cập đến các loài chim này, thiết nghĩ qúy vị nên gọi tên  của chúng càng chính xac chừng nào càng tốt ch ừng ấy. Dù các giống chim này không biết “chính danh” là gì, nhưng khi gọi tên không

trúng tên của chúng, phản ứng trước tiên là chúng sẽ ngơ ngác vì không nhận ra ai gọi tên mình và có lẽ chúng cũng mất vui vì chúng không muốn biến mình thành một loài chim nào đó không phải là chúng !!!

 

Lương thư Trung

Ngày 29-10-2007

 

Ghi chú:

1/ Khi Hồng Hạc Bay Về của Huyền Diệu, nhà xuất bản tổng hợp tp HCM, tái bản lần thứ nhứt, năm 2005, trang 62.

2/ Từ Điển Anh Việt của Viện Ngôn Ngữ do nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội ấn hành, Hà Nội, năm 1991.

3/ Ngoài ra, các tài liệu tham khảo trong bài viết này bao gồm :

• Cuốn “The New Encyclopedia of American Birds của David Alderton, nhà xuất bản Hermes House, London, 2004.

• Bộ Wikipedia, the free encyclopedia trên liên mạng.

• Bộ The New Encyclopaedia Britannica (30 quyển), phần Micropaedia (Ready Reference and Index), cuốn III, IV, IX, bản in tại Hoa    Kỳ, tái bản lần thứ 15, năm 1976.

• Cuốn Birds of the World của Bryan Richard do nhà xuất bản Barnes & Noble, New York, Hoa Kỳ, năm 2006.