Lương Thư Trung

Mấy đặc điểm trong những trang bút ký của Lưu Nhơn Nghĩa

(Nguồn: www.talawas.org)

 

http://www.talawas.org/talaDB/pics/vh311007.jpg

Nhà văn Lưu Nhơn Nghĩa

(1941-2007)

Nhà văn Lưu Nhơn Nghĩa, còn có bút hiệu là Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa, sanh năm 1941 tại xóm Tà Păng Flức, sóc Ô Thôm, xã Ô Lâm, thuộc quận Tri Tôn (Xà Tón), tỉnh Châu Đốc. Nội ngoại đều gốc Triều Châu. Mồ mả tổ đường bên phủ Triều Châu, gần Xua Tháo (Sán Đầu) Phong Khê, Lưu cấp thủy, nơi đó có tháp Cấp thủy. Thuở nhỏ học Sơ học tại trường Đình ở Xà Tón tới lớp ba, năm 1952, vì thời cuộc loạn lạc, có khi ra Mỹ Đức học tư ở Miễu Điền, rồi về học lại trường Đình. Sau khi học hết lớp ba ở trường Đình, anh được gia đình cho ra Châu Đốc tiếp tục học lớp nhì, lớp nhứt. Khi lên trung học, anh thi vào lớp đệ thất trường trung học công lập Thủ Khoa Nghĩa, Châu Đốc, và cuối năm 1958, Thủ Khoa Nghĩa không nhận anh vào lớp đệ tam vì thi rớt bằng trung học đệ nhất cấp.

Từ đó, anh phải lao đao lên Sài Gòn tìm trường tư học tiếp và anh theo học lớp đệ tam ban B tại trường Hoàng Việt ở đường Phan Đình Phùng. Sở dĩ anh chọn học ban B vì anh hy vọng khá toán để thi lại bằng trung học đệ nhất cấp. Nhưng cả năm lần vào trường thi các niên khoá 1959, 1960 và 1961, anh đều bị rớt bằng trung học. Khoá hai, năm 1961, tại hội đồng thi Long Xuyên anh cũng dự thi lấy bằng này cho vừa lòng gia đình; năm này, anh theo học lớp đệ nhị ban C trường trung học tư thục Hàn Thuyên. May sao, sau khi nạp đơn xong ở Long Xuyên, để thi lại bằng trung học đệ nhất cấp, anh trở lên Sài Gòn và có kết quả đậu tú tài 1.

Năm 1961, cả Sài Gòn chỉ có bốn trường có lớp đệ nhứt ban C, đó là các trường Gia Long, Pétrus Ký, Chu Văn An và Trưng Vương. Các trường tư không có lớp đệ nhứt C vì không đủ học sinh. Dịp may, năm 1961, trường trung học Hồ Ngọc Cẩn ở Gia Định có mở lớp đệ nhứt C, dành cho dân lục tỉnh lên, anh ghi danh và theo học lớp đệ nhứt C trường Hồ Ngọc Cẩn.

Hết bậc trung học, anh theo học trường Đại học Sư phạm Sài Gòn ban Anh văn niên khóa 1966-1969 (năm 1966, là năm Đại học Sư phạm Sài Gòn bắt đầu mở khóa Dự bị Đại học Văn khoa hay Khoa học + 3 năm, tất cả là 4 năm), ra trường ngạch giáo sư đệ nhị cấp và chọn nhiệm sở Củ Chi. Năm 1970, đang đi dạy bị động viên bất ngờ và theo học khoá 4/70 Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức. Sau lại được biệt phái trở về ngành giáo dục và dạy ở Sóc Trăng. Theo Tạ Xuân Vinh, người thân trong gia đình, “trước năm 1975 anh sang tu nghiệp tại Tân Tây Lan, lưu lạc sang Đức lập gia đình năm 1980, có con rồi thu xếp về lại Úc năm 1988. Theo “Thất Sơn Châu Đốc”, anh còn là giáo sư ở New Zealand và Brisbane (Úc Đại Lợi). Năm 2007, anh còn là Hiệu Trưởng trường Việt Ngữ ở Brisbane trước khi vào bệnh viện Brisbane PA Hospital để trị căn bịnh ung thư máu ở thời kỳ chót.

Nhà văn Lưu Nhơn Nghĩa mất vào lúc 4 giờ sang ngày 27 tháng 9 năm 2007 (nhằm ngày 17 tháng 8 âm lịch, năm Đinh Hợi), hưởng thọ 67 tuổi và đã để lại cho đời các tác phẩm Như cánh chuồn chuồn, Con đường cũ và 64 bài bút ký [1] .

Tất cả 64 bài bút ký này, anh viết trong khoảng thời gian từ ngày 06 tháng 4 năm 2005 đến những ngày gần cuối đời, 30 tháng 8 năm 2007. Riêng năm 2007, từ ngày 18 tháng 01 năm 2007 đến cuối tháng 8 năm 2007, tức những ngày nằm bịnh viện, dù biết trước là mình không thể sống được lâu thêm, nhưng anh vẫn bình tâm và đã cố gắng nhớ lại và viết được 16 bài. Điều đó cho chúng ta thấy tấm lòng của anh muốn để lại cho đời những trang bút ký mà anh hằng ấp ủ …

Cuốn Như cánh chuồn chuồn dày 415 trang, bao gồm các bài giới thiệu của nhà xuất bản, các bài nhận xét của các tác giả Phạm Thăng, Áo Lục, Phù Vân về cuốn sách; riêng anh Lưu Nhơn Nghĩa có riêng cho mình 369 trang sách kể lại những mảnh đời qua những thời kỳ… Cuốn Con đường cũ là một bút ký ghi lại chuyến về thăm lại Xà Tón của tác giả vào cuối năm 2000 và được cập nhật ngày 10 tháng 10 năm 2006, gồm 19 phần, tác giả đã mang lại cho người đọc một cái nhìn mới về xứ sở của mình sau 25 năm xa xứ. Riêng 64 bài bút ký viết từ tháng 4 năm 2005 cho tới những ngày cuối tháng 8, anh đã phác thảo một bức tranh xã hội, không chỉ riêng cái xứ Xà Tón của anh mà còn bao quát cái nếp sinh hoạt của miền Nam Việt Nam.

Chẳng những tác giả là người trong cuộc với một vốn sống và trải nghiệm vô cùng phong phú, Lưu Nhơn Nghĩa còn là một chứng nhân của thời đại, nên những trang sách của Lưu Nhơn Nghĩa không chỉ là những chuyện kể rất nhiều chi tiết xác thực mà nó còn là bức tranh muôn màu muôn vẻ của thời đại mà anh sống. Với một kiến thức uyên bác, cùng óc quan sát tinh tế và bén nhạy, không việc gì dù nhỏ mà lọt qua khỏi cái nhìn sắc bén của tác giả. Từ cái phù hiệu của trường tới cái mảnh bằng thi hoài không đậu, từ tô bún nước lèo tới xề bánh hỏi, từ cây tầm đo đất tới cái lòng tham của chủ điền, từ cái nét đặc thù của mỗi nền văn hóa của các sắc dân Việt, Miên, Tàu cho đến cách ăn chay của dân chúng tu theo đạo Tứ Ân, từ cách dạy học trò phải đánh bằng roi mây với lối dạy học bằng những lời dịu ngọt. Và còn nhiều lắm những sự kiện mang dáng vẻ đời sống như vậy, qua những trang bút ký, tác giả đã mang đến cho người đọc không chỉ là những “chuyện hàng xóm” mà nó còn phản ảnh cả một thời đại dài gần hai phần ba thế kỷ, qua các giai đoạn thanh bình, rồi giặc giã, loạn lạc, tản cư cùng những ưu và khuyết điểm của mỗi thời kỳ lịch sử mà tác giả đã sống qua và từng trải.

Thử lấy một trang bút ký “Lải nhải đời tôi 1959-1969”, tác giả viết ngày 15 tháng 01 năm 2007, là một toàn cảnh của Sài Gòn với 10 năm tiêu biểu ấy. Mười năm kể từ ngày anh phải xa trường Thủ Khoa Nghĩa vì Thủ Khoa Nghĩa khước từ anh, là những năm tháng anh long đong trên mảnh đất Sài Gòn. Tác giả viết: “Năm 1958, dân Sài Gòn đã quen tên đường bằng tiếng Việt” mà trước đó vài năm người ta vẫn quen gọi tên đường bằng tiếng Tây. Rồi nào là các loại xe ở Sài Gòn vào mấy năm đầu thập niên 60 này như xe gắn máy mobylette, Sach, vélo Solex, Globel, Puch và cả loại xe taxi hiệu Renault nhỏ với lời tự sự mà học trò lúc bấy giờ học thuộc lòng “ai bốn máy bon bon đường nhựa, ai năm tôn chất chứa bao người”. Các thay đổi trong sinh hoạt hằng ngày càng về sau càng gấp gáp với nhịp độ văn minh vật chất du nhập vào miền Nam lúc bấy giờ. Rồi tác giả cho chúng ta thấy thời thanh bình của Sài Gòn kéo dài từ 1954, ngưng chiến, cho đến tháng 01 năm 1961 nghe tin có đảo chánh. Những sự kiện như “bắt đầu kiểm tra trưng binh, ngoài thẻ căn cước, thanh niên phải có thêm giấy “Tình trạng hợp lệ quân dịch và thẻ cử tri đi bầu”. Trước cuộc đảo chánh 11/63, Sài Gòn ngột ngạt với các phong trào đấu tranh Phật Giáo, biểu tình, tự thiêu là những hình thức khá phổ quát thời kỳ này. Sau cuộc đảo chánh 11/63, không khí nhẹ thở hơn. Sinh viên hoạt động rầm rộ với các cuộc bầu bán sôi nổi đôi lúc dẫn đến việc ám sát chết người như trường hợp Lê Khắc Sinh Nhựt. Năm 1965, đợt xe Honda 50cc đầu tiên nhập cảng vào Việt Nam cũng được tác giả nhắc đến như một dấu tích xe Nhựt tràn vào Sài Gòn lúc bấy giờ. Văn học nghệ thuật trong giai đoạn này cũng được tác giả nhận xét là nó còn trong vòng ảnh hưởng các nhà văn ngoài Bắc di cư năm 1954. Rồi xe “Honda ôm” xuất hiện năm nào, tác giả không bỏ sót… Theo làn sóng binh lính Mỹ đổ vào miền Nam, các bar giải trí cho lính Mỹ mọc lên đầy khắp. Ngoài ra, phong trào nuôi chim cút vào khoảng năm 1968, 1969 với cái đau của dân mình bị gạt cũng là cái nét tác giả khó quên trên trang bút ký của mình… Đặc biệt, “cùng lúc với Việt Nam hóa chiến tranh, sau trận Tết Mậu Thân, nhạc Trịnh Công Sơn đáp ứng nhu cầu chán chiến tranh, quán cà phê mọc lên” cũng là một nét ghi khác của SàiGòn nói riêng và miền Nam nói chung, đã làm cho những trang bút ký của tác giả thật đầy đặn.

Qua những trang bút ký “Lải nhải đời tôi”, theo tôi, không còn đơn thuần là “chuyện hàng xóm” nữa rồi, mà chính đây là dấu tích của một thời kỳ lịch sử được tác giả cô đọng lại thật đầy đủ chỉ trong vòng ba trang giấy, quả là một nghệ thuật viết bút ký tuyệt diệu mà không phải ai ngồi xuống cầm cây viết là viết ngay được!

Thêm vào đó, bút ký của Lưu Nhơn Nghĩa còn mang lại cho người đọc một kho từ vựng vô cùng phong phú. Từ những phương ngữ thường dùng hằng ngày giữa ba sắc dân Việt, Miên, Hoa ở cái chợ nhỏ từ hồi mới lập năm 1906 rồi qua các biến đổi của thời cuộc, xã hội ấy cũng phải thay đổi theo thời cuộc, nhưng nhiều chữ cũ vẫn còn đọng lại trên những trang bút ký của tác giả. Chính cái kho ngữ vựng ấy nó làm nên cái nét đặc thù trong văn của Lưu Nhơn Nghĩa và nó đã làm cho người đọc mỗi khi đọc anh người đọc không thể nào lầm lẫn với văn của các tác giả khác được…

Xin đơn cử vài từ ngữ tiêu biểu như: “mè ơi” là tiếng tán thán của dân Miên, có nghĩa là “Má ơi” (theo tác giả, dân Miên không có kêu “Trời ơi”); “Col Sóc” tiếng gọi chú tiểu theo hầu sư sãi Miên; “chết đốt”: người Miên chết thiêu xác chứ ít khi chôn, nên bị gọi đùa là “dân chết đốt”; “thằng cốt đột”: thằng khỉ; “thơ bun”: làm phước. Người giàu tổ chức “thơ bun” vài ngày, phát tiền gạo cho người nghèo, hồi hướng công đức cho cha mẹ than nhân quá vãng; “He cà thưng”: lễ rước Phật, từ chùa này sang chùa khác, đám rước có nhạc ngũ âm, có khi kiệu được người khiêng, có khi đặt trên mình voi. Phật tử mỗi người cầm một bó hoa đi sau; “Đồn ta”: Lễ vào rằm tháng bảy âm lịch; “Đánh kun”: đánh võ, hễ ai bị ra máu thì bị thua; “Nen xậy”: con gái; “Sáng duyên ở mặt”: buổi sáng, người ta rửa mặt sạch sẽ; “Trưa duyên ở mình”: trưa nắng nóng, người ta tắm mát, kỳ cọ thân mình; “Chiều duyên ở chưn”: buổi chiều người ta rửa chưn đi ngủ, vì suốt ngày đi chưn đất . “Cái hui ná” là một từ khác có nghĩa là cái giỏ hoa. Hui ná làm bằng tre bên Tàu; hình tròn, có đường kính 30 cm, cao chừng 30 cm, có quai xách, nắp tròn đậy kín khít khao, thành hui ná vẽ hoa, dùng để đựng quà cáp. Có loại lớn đường kính 60 cm, cao cũng cỡ đó, gánh nhiều bánh trái đám cưới… “Lốt”: tiếng Miên gọi các vị sư sãi. “Lốt Ta”: Sư cụ, người tu lâu, cao tăng, Sãi Cả. “Cái cà om” là cái nồi bằng đất nung miệng nhỏ, đáy cà om có đường kính chừng 30 cm, thường dùng để đựng đường chảy, nhưng đôi lúc dân Miên còn dùng cà om để hấp bánh ống vì loại nồi này có cái cổ cao khoảng 60 cm, nên dựng những ống bánh không bị ngã đổ .

Ngoài ra, trong những năm 1950, ở trường học có nhiều hình thức kỷ luật hay khen thưởng học sinh, tác giả cũng không quên nhắc lại các từ vựng mà các trường trung học thời ấy hay dùng do tiếng Pháp còn sót lại như “consigne”: phạt cấm túc vào buổi sáng chủ nhựt, “zéro conduite”: không điểm hạnh kiểm, “tableau d’honneur”: bảng danh dự... Những chữ “consigne”, “zéro conduite” là những từ ngữ chỉ hai hình phạt nặng nhất đối với học trò mà ai đã từng đi học tại các trường trung học công lập vào những năm của thập niên 1950-1960 không thể nào không nhớ tới những hình thức kỷ luật này…

Trong bút ký của Lưu Nhơn Nghĩa, ngoài cái nét thời đại, nó còn là nguồn tài liệu cung cấp cho các nhà viết địa dư chí những niên đại khá chính xác về các công cuộc khai hoang, đắp đường, đào kinh, xây chợ và trường học. Chẳng hạn như con đường Châu Đốc đi vô Tri Tôn do ai đắp và đắp năm nào? Chợ Xà Tón cất năm nào và cháy năm nào? Con kinh Mặc Cần Dưng - Tri Tôn đào năm nào v.v…

Nhưng có lẽ địa danh Xà Tón, cái tên nghe quen quen nhưng chắc ít ai để ý tại sao cái chợ nhỏ vùng này có cái tên như vậy. Đọc bút ký của Lưu Nhơn Nghĩa, tác giả giải thích rành mạch: “Hồi xưa, theo thầy Xét, giáo viên trường Việt Miên Tri Tôn, nói chữ Swaton, nghĩa là “khỉ đu”, có người nói “khỉ kéo”, ngày xưa, chừng 100 năm trước, khỉ nhiều, dám ra kéo người. Chữ Swaton phải có trước, vì xứ này thuộc Miên lâu đời. Dân Miên ở dọc theo chân núi. Từ chữ Swaton, dân Triều Châu đọc thành âm Tzaitón, âm Hán Việt của Tzaitón là Tri Tôn”.

Bút ký Lưu Nhơn Nghĩa, như đã nói, không chỉ là chuyện hàng xóm ở cái chợ nhỏ Xà Tón, mà nó còn bao quát cả những mảnh đời lưu lạc nơi xứ người. Từ Mã Lai, Singapore qua Tân Tây Lan, Đức, Úc Đại Lợi và cả Mỹ, Gia Nã Đại… Những mẩu chuyện “Ăn mày”, ở Đức, chuyện “Bánh mì” ở Monaco và chuyện “Tương lai” ở Amsterdam (Hoà Lan), mỗi mẩu chuyện tác giả ghi lại trong vòng năm ba dòng nhưng với giọng văn, vừa thật, vừa dí dỏm, diễn tả được cái đời sống thật của người tị nạn buổi ban đầu nơi đất khách quê người với biết bao khó khăn, chua xót . Cùng với ba mẩu chuyện “cực ngắn” vừa nêu, hầu như trong các trang sách của Lưu Nhơn Nghĩa, lúc nào người đọc cũng bắt gặp cái giọng văn dí dỏm pha chút chua cay ấy, ngay cả khi anh ngồi “kết toán sổ sách cuối đời” khi biết mình không còn sống được mấy ngày và đó lại là cái nét độc đáo khác trong văn của tác giả.

Đọc lại những trang bút ký của Lưu Nhơn Nghĩa, tôi biết anh muốn lồng vào những dòng chữ miên man bất tận ấy là bóng dáng của xã hội mà anh đã sanh ra và lớn lên ở đó với cái nhìn trung thực của một chứng nhân. Trong bài báo “Thi văn với thời đại” trên tờ Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, số 778, ngày 06 tháng 10 năm 1928, Phan Khôi có viết: Một bài thi, một bài văn, hay một tập thi, một tập văn mà làm cho người ta quý trọng và lưu truyền được là nhờ có đặc sắc về hai đường: một là về đường mỹ thuật, hai là về đường lịch sử. Đặc sắc về mỹ thuật, nghĩa là thơ văn ấy hoặc tả cảnh hay, hoặc tả tình hay, đủ làm cho kẻ đọc đến mà sanh cảm, cũng như trong khi xem bức vẽ hoặc xem một tấn tuồng mà giục nỗi vui buồn. Đặc sắc về lịch sử nghĩa là trong thi văn có lưu lại những cái dấu vết của xã hội đồng thời với tác giả; đời sau đọc đến có thể nhờ đó mà nhận ra cuộc đời hồi ấy hoặc ít hoặc nhiều, có thể đem thi văn ấy mà đối chứng với những điều nghi ngờ trong lịch sử. Từ xưa đến nay, những tay văn hào bất tử, thường là gồm cả hai mặt đó… Được một người văn nhơn có quan hệ với thời đại là quý lắm; cùng không nữa thì được một bài thơ hoặc một bài văn có quan hệ với thời đại cũng là quý vì những thơ văn ấy có bổ ích cho nhà sử học về sau, giá trị của nó không biết là bao. [2]

Những trang sách và bút ký của nhà văn Lưu Nhơn Nghĩa đã để lại cho người đọc hôm nay và đời sau, theo thiển ý của tôi, nó vô cùng quý báu và rất xứng hợp với lời nhận định của Phan tiên sinh, cách nay tròn 79 năm! Do vậy, những anh em thân hữu còn thương tưởng anh Lưu Nhơn Nghĩa, cũng như bạn đọc còn mê văn chương miệt vườn, đặc biệt những mẩu chuyện về vùng Tri Tôn-Xà Tón, tôi nghĩ, không gì bằng chúng ta bình tâm ngồi đọc lại văn anh để không phụ lòng tác giả về những gì anh muốn gởi lại cho đời …

Houston ngày 19 tháng 10 năm 2007

© 2007 talawas


[1]Như cánh chuồn chuồn của Lưu Nhơn Nghĩa, chùa Viên Giác xuất bản, Cộng hòa Liên bang Đức, năm 2001; Con đường cũ của Lưu Nhơn Nghĩa, Thất Sơn Châu Đốc (Hoa Kỳ) thực hiện bản điện tử, ngày 10 tháng 10 năm 2006; Bút ký của Lưu Nhơn Nghĩa, Thất Sơn Châu Đốc (Hoa Kỳ), từ 06 tháng 4 na9m 2005 đến ngày 30 tháng 8 năm 2007.
[2]Phan Khôi, tác phẩm đăng báo 1928 do Lại Nguyên Ân sưu tầm & biên soạn, nhà xuất bản Đà Nẵng, Việt Nam, năm 2003, trang 132.