Trang Chính    Hộp Thư    Truyện Thật Ngắn    Truyện Ngắn    Thơ    Bút Ký    Góp Nhặt    Trang Xuân    Hình Ảnh    SK và Gia Đình    Vui Cười    Tin Vui    Phân Ưu   
Tác Giả và Tác Phẩm    Cùng Tác Giả
  

 

Lương Thư Trung

Thử đọc “Nội Ngoại Đều Thương”(*) của Khiêm-Cung Dương-Văn-Chung

 

Khiêm Cung là bút hiệu của anh Dương Văn Chung, một người viết rất tài tử cho trang nhà Thất Sơn Châu Đốc do anh chị Đoàn Đông & Lộc Tưởng  lập ra và điều hành nhằm mang lại những món ăn tinh thần cho bà con vùng Thất Sơn Châu Đốc, đăc biệt là những bạn học một thời dưới mái trường Trung học Thủ Khoa Nghĩa (Châu Đốc), hiện sống rải rác khắp nơi trên thế giới. Do vậy,  tác giả Dương Văn Chung hay Khiêm Cung đối với nhiều bạn đọc Thất Sơn - Châu Đốc không phải là người xa lạ.

 

Được biết, anh Dương Văn Chung quê quán tại làng Bắc Nam, nằm tận bên đất Miên, trong một gia đình nghèo, nhưng thân phụ anh quyết chí cho anh đi ăn học . Nhưng làng Bắc Nam nằm ở đâu trên bản đồ Châu Đốc nói riêng và miền Tây Nam Phần Việt Nam nói chung,  xin mời bạn nghe tác giả kể :

 

“Tôi sanh ra tại làng Bắc Nam. Hiện nay mồ mả ông bà tôi vẫn còn tại đó. Làng này thuộc lãnh thổ Miên, còn gọi là làng Đồng Đức Thượng, giáp ranh với làng Đồng Đức Hạ bấy giờ thuộc Tỉnh Châu Đốc - Việt Nam. Từ chợ Châu Đốc lên Nam Vang qua ngả Bình Di, đi bằng đường thủy được khoảng mười lăm kí lô mét, bạn sẽ gặp một chỗ đất bồi thành cù lao rất lớn ở giữa sông gọi là Cù lao Ba tại làng Vĩnh Trường, tiếp tục đi khoảng mười lăm kí lô mét nữa lại gặp một cái cồn gọi là Cồn Cát, rồi đến Cồn Bắc Nam. Một con sông nhỏ hiền hòa chảy qua Bắc Nam, trước khi đổ ra sông cái. Cửa sông nhỏ này ngó ra Cồn Bắc Nam. Dân trong làng thường phân biệt làng Bắc Nam thành hai xóm: xóm trong gần nguồn sông, người Miên ở; xóm ngoài là khu vực vàm sông, giáp mối giữa sông nhỏ và sông cái, nơi định cư của người Việt và người Hoa. Lúc bấy giờ Việt -Miên - Lào là ba nước Đông Dương thuộc Pháp. Người Việt và người Miên sống với nhau rất hòa thuận.” (Làng Tôi)

 

Trong các bài viết về mùa giăng câu, mùa nhổ bông súng, tôi thường nhắc đến các địa danh “Bình Di”, “Bắc Nam”, mà cũng là những cánh đồng mà dân quê vùng tôi thường có những chuyến giăng câu dài ngày nơi ấy, chính là những cánh đồng nước mênh mông nơi làng quê của tác giả. Qua nét phác họa vừa kể, “Bình Di- Bắc Nam” trở nên gần gũi, quen thuộc với sinh hoạt những ngày lễ lạt, Tết nhứt giống như bất kỳ một làng quê nào khác của Long Xuyên- Châu Đốc :

 

“Tết đến, trong sân đình có dựng cây tre nêu, trên đọt có treo một lá phướn và một hai món gì nữa mà tôi không nhớ rõ, nghe nói để trừ tà. Mẹ tôi gói bánh tét, nấu trong một cái nồi thật lớn, đặt trên một cái lò dã chiến, kê bằng ba cục gạch ở sau hè, chụm củi nhánh cây khô, cả nhà thường quây quần bên bếp lửa hồng, vừa canh chừng chụm thêmcủi, vừa chuyện trò, cười vui như pháo nổ.” (Làng tôi)

 

Ngay như những chữ dùng để chỉ mùa nước lên vùng này cũng giống như nhiều cánh đồng vùng Long Xuyên-Châu Đốc, dân quê đều gọi nước lên là “mùa nước ngập”, ít ai gọi nước lụt, hay lũ lụt, một điểm đồng nhứt trong cách gọi tên những mùa màng thuần chất dân dã miền Tây Nam Việt Nam:

 

“Miền Tây Nam Việt Nam thuôc hạ lưu sông Cửu Long, từ tháng bảy đến cuối tháng tám âm lịch, nước sông từ từdâng cao hơn mặt đường từ một mét đến hai mét. Dân địaphương gọi là nước ngập để phân biệt với lũ lụt, vì lũ lụtnước dâng lên đột ngột và ào ạt hơn. Sàn nhà thường cấtcao hơn mức nước ngập. Có nhiều nhà bị ngập, phải lấy ván kê thêm.”(Làng tôi)

 

Ngay cả cảnh nước ngập, nhớ có lần về qua Tân Châu vào mùa nước ngập thật lớn năm 1960, dọc theo con đường lộ đá từ Châu Giang chạy về Tân Châu, rải rác, tôi đã thấy những chòi cất cao với quan tài người chết treo lên cao chờ mùa nước giựt mới chôn cất ngay bên dưới chân chòi cũng giống như tác giả kể cảnh nước ngập vùng Bình Di- Bắc Nam với những chòi gác tương tự :

 

“Mùa nước ngập, tôi thường theo chị tôi bơi xuồng ba lá rangoài đồng để bắt ốc bươu. Đồng ngập nước, ốc bươu nổilều bều. Chị em tôi để chiếc xuồng nằm ngang chiều gió,

mỗi người một cái rổ cào ốc vô, chốc lát đầy xuồng. Lúc đótôi hay nhìn quanh nhìn quất, xem ở rặng cây xa xa trênđồng nước bao la, có cái giàn để quan tài người chết haykhông. Mùa nước ngập, nếu không có đất gò để chôn ngườichết, người ta phải làm một cái giàn có cái mui che lại, dùngđể tạm quan tài người chết, chờ khi nước rút hết mới chonxuống đất. Ghê quá !”(Làng tôi)

 

Là một người nhà quê, tôi rất đồng cảm với tác giả  về những nhớ tưởng, những luyến lưu về một thời niên thiếu với biết bao gắn bó, gần gũi với cảnh làng quê mà mình đã được sanh ra và lớn lên nơi chôn nhau cắt rún ấy :

 

“Nhắc tới làng Bắc Nam, một luồng kỷ niệm dồn dập đếntrong đầu tôi với những tình cảm chân thành, thiết tha đốivới nơi chôn nhau cắt rún, đối với cái chất phác, hiền hòa

của người đồng hương ngày trước.”(Làng tôi)

 

Nhưng đâu phải lúc nào quê hương cũng thái bình và khi loạn ly thì cảnh làng cũ cũng tiêu điều hoang phế biết bao nhiêu. Nhưng với lòng thương quê nhớ làng cùng mồ mả tổ tiên ông bà nơi chốn cũ, tác giả đã gợi cho người đọc một mối cảm hoài tha thiết :

 

“Đã mấy mươi năm xa cách, tôi không còn biết xóm cũ làng xưa thay đổi ra sao, có lẽ đã trở thành nơi hoang vu đầy lau sậy, đình miễu đã bị san bằng, mồ mả ông bà tôi đã phẳng lì, nắm xương tàn đã trở thành cát bụi. Còn hồn phách chư vị thần linh hiển hách ngày nào bây giờ còn phảng phất nơi đầu cây ngọn cỏ hay đã siêu thăng thoát hóa? Nhưng dầu cho vật đổi sao dời, làng Bắc Nam vẫn còn nguyên vẹn trong tim tôi.”(Làng tôi)

 

Nghĩ cũng phải, không nhớ cánh đồng, vườn xoài ông Cố, những bến sông nơi "dòng sông kỷ niệm” sao được khi mà cả một thời thơ ấu anh đã chìm lặn trong dòng nước mát ấy trước lúc tản cư về quê ngoại theo dòng đời ly loạn. Xin mời các bạn nghe tác giả kể tiếp:

 

“Tôi không rõ ông bà Nội của tôi sanh tại đâu, nhưng chavà anh chị em tôi đều sanh ra tại làng Bắc Nam, bên bờmột con sông nhỏ thuộc địa phận Miên, giáp giới với ViệtNam. Nước sông Bắc Nam đã tắm gội cho cha con chúngtôi lúc mới chào đời. Đây là con sông thiên nhiên, nước rấttrong. Gia đình tôi ở gần vàm sông, là khu vực người Việtvà người Hoa sinh sống, đi dần vào hướng ngọn sông ngườiMiên ở. Nói là ngọn sông, tôi chẳng biết con sông khá dàinầy phát nguồn từ đâu, hình như nó là một nhánh thật nhỏcủa Biển Hồ”.  (Dòng sông kỷ niệm)

 

Là con sông gần Biển Hồ và nằm giữa vùng đất trũng lúa mùa; như mùa “cá dại” mà có lần tôi vừa kể trong tập truyện “Chợt nhớ về những mùa màng ngày cũ” trên “Thất Sơn Châu đốc”, bạn sẽ thấy nơi này tác giả cũng có một dòng sông “cá dại” rất dễ thương :

 

“Thích nhứt là lúc nước đổi màu xanh xanh từ trong đồngchảy ra mà người dân địa phương gọi là “nước cỏ”, tôm cábị khờ hay là cá dại, tôi bơi xuồng ra giữa dòng sông, lấyrổ cào tôm cá vào xuồng. Chỉ trong một buổi thôi nước cỏloãng dần, cá tôm từ từ khỏe lại.”(Dòng sông kỷ niệm)

 

Và thương biết mấy trẻ nhỏ ngày xưa cách nay hơn bảy mươi năm, như thế hệ tác giả, thế hệ tôi, tác giả cũng có những cuộc vui với đất, với bùn qua bến sông Bắc Nam một thời hay dấu tích ấu thơ mãi hoài in đậm trong hồn, khó phôi pha :

 

“Lúc nước ròng, tôi hay ra bờ sông móc đất sét nắn đồchơi như cà ràng ông táo, nồi niêu soon chảo, con chim concò, con trâu con bò, chiếc xe hơi để kéo chơi.”

(Dòng sông kỷ niệm)

 

Và bạn có biết vào những  ngày thập niên 1940, vùng quê xa lơ xa lắc đó người ta ăn Tết và thấp đèn bằng gì không? Xin mời bạn nghe tác giả kể cho chúng ta nghe về những ngày Tết nơi dòng sông Bắc Nam ngày xa xưa:

 

“Ở nhà quê thuở đó không có điện, dầu lửa cũng hiếmhoi. Trong những ngày Tết, mỗi nhà đều dựng hai ba cộttre dọc bờ sông, trên mỗi cây cột tre có một thếp đèn dầucá, tim đèn làm bằng vải vụn se thành sợi. Đèn dầu cá sángrực dọc hai bờ sông, từ vàm vào đến hết khu vực người Việtvà người Hoa ở. Tôi nhớ có lần thấy tim đèn dầu cá bị lụn,tôi nhón chân lên để khêu cái tim, làm dầu đổ dính lên cáiáo mới mặc Tết, tôi khóc quá chừng. Dưới ánh đèn dầu cá,người lớn, trẻ con đánh bài cào hoặc chơi bầu tôm cá cọp.Cái Tết kéo dài lê thê, tháng hai, tháng ba vẫn còn vui chơi,bài bạc.”(Dòng sông kỷ niệm)

 

Cái không khí quê nhà yên bình ngày ấy với những thú vui rặt nhà quê quả là cái nôi làm ấm lòng những tâm hồn bé bỏng mà cũng là chất liệu làm lớn dậy những đời người chơn chất quê mùa qua bao bận bể dâu . Để rồi cũng từ nơi bến sông quê mùa ấy, có một buổi tiễn đưa cậu bé nhà quê lên tỉnh học vô cùng cảm động :

 

“Tôi cũng không bao giờ quên một chuyến ra đi từ dòngsông nầy. Sáng sớm hôm đó, mẹ và người chị thứ ba của tôibơi chiếc xuồng ba lá chở xoài ra chợ Châu Đốc bán, nhântiện đưa tôi ra ở nhà bà dì ruột tại chợ để đi học. Cha vàmấy chị, em của tôi ra đứng ở bờ sông tiển tôi. Lần đầu tôixa cha mẹ, chị em, xa nơi chôn nhau cắt rún, tôi buồn vôhạn. Bán xoài xong, mẹ và chị tôi chuẩn bị ra về, tôi cũngđòi về theo, mẹ tôi nói:

            - Mầy đòi đi học, ổng (ba tôi) đồng ý, bây giờ mầy đòi về,ổng đánh mầy chết!” (Dòng sông kỷ niệm)

 

Không được theo mẹ và chị về lại căn nhã cũ với bao kỷ niệm cũ với cánh đồng và dòng sông Bắc Nam thân yêu và để rồi lại ôm vào lòng đứa bé nhà quê nỗi nhớ xót xa biết dường nào :

  

“Tôi đành phải ở lại học. Tôi học ngày học đêm, học đểbớt nhớ nhà. Nhưng mà học thì học mà nhớ vẫn nhớ, nhớcha, nhớ mẹ, nhớ chị, nhớ em, nhớ cả chòm cây trước cửa,bụi chuối sau hè, nhớ dòng sông hiền hòa, nhớ chiếc đòtam bản, nhớ con chim cưởng ở nhà bà hàng xóm mà mỗilần chị Hai tôi và tôi đi ngang nhà nó nhái y giọng bà chủ

nhà hỏi:

            - Hai, đi đâu đó Hai?

Tôi nhớ đủ người, đủ vật. Nỗi nhớ nhung làm tôi chếtđiếng trong lòng. Khi học đến lớp Sơ Đẳng, tức là lớp Ba,đọc bài “Kẻ ở người đi” trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư, tôi

hết sức cảm phục tác giả đã bộc bạch được tâm trạng củamột đứa trẻ đi xa nhà lần đầu.”(Dòng sông kỷ niệm)

 

Tác giả cảm phục các bậc tiền bối viết Quôc Văn Giáo Khoa Thư, nhưng chuyện anh kể mới là những nỗi niềm chân thật của một người trong cuộc tiễn đưa, nó vừa cảm động vừa mang đậm cái tình cha con, tình gia đình thật nồng nàn đâu thua kém gì những bài giáo huấn ngày xa xưa ấy chỉ thuần luân lý . Và rồi,  dòng sông Bắc Nam của làng quê ngày ấy, dĩ nhiên rồi,  đối với tác giả nó sẽ là “dòng sông kỷ niệm” mãi hoài, bất tận:

 

“Tôi có trở về thăm Bắc Nam mấy lần nhân dịp nghỉ hè.Sau đó chiến tranh bùng nổ, gia đình tôi cùng cả làng tảncư, phần đất nầy trở về với người Miên, dòng sông Bắc Nam

đối với tôi đã trở thành Dòng Sông Kỷ Niệm khó quên.(Dòng sông kỷ niệm)

 

Đối với quê nội là vậy. Theo chân tác giả, người đọc sẽ bắt gặp một quê ngoại cũng ngập đầy thương mến không kém. Và nhất là mỗi bận được mẹ dắt về quê thăm ngoại là bao háo hức tràn dâng làm cho tâm hồn trẻ thơ vốn hồn nhiên đẹp tựa như tơ , như nhung càng thấy cái tình cháu con thương ông bà  vừa chân tình vừa tha thiết :

 

“Gia đình tôi ở Bắc Nam ngay biên giới Miên và tỉnh Châu Đốc, còn Bà Ngoại tôi ở làng Vĩnh Lộc, cách nhau khoảngbốn năm mươi cây số. Mỗi năm có mấy lần, vào dịp giỗ quảy hay Tết nguyên đán, mẹ tôi dắt hai ba đứa con về thăm Bà Ngoại. Trời tờ mờ sáng, mẹ đánh thức các con còn đang ngáy ngủ:

            - Thức dậy ! Về Ngoại.

Chị em tôi tỉnh ngủ ngay, hăm hở ngồi dậy để sẵn sangvề thăm Ngoại.Cha tiễn mẹ con chúng tôi đi bộ trên con đường làng bằng phẳng dọc theo bờ sông nhỏ ra đến vàm sông cái gần đó đợi tàu đò…

 

Qua khỏi Cồn Bắc Nam đến Cồn Cát, nhìn bên phải làlàng Đồng Cô Ki, Phưóc Hưng, bên trái là làng Phú Hữu,Vĩnh Lộc. Thỉnh thoảng tàu ghé vào bờ để đón kháchdọc đường.

 

Gặp mùa nước đổ, nước cuốn theo đất phù sa đục ngầu,chảy rất xiết. Thuận theo chiều nước, tàu chạy rất nhanh,chưa đầy hai tiếng đồng hồ đã thấy đình làng Vĩnh Lộc, rồi

đến nhà Bà Ngoại.

 

Ở mé sông ngay nhà Bà Ngoại có một cái cầu tàu, dưới độn thùng phuy cho cầu nổi trên mặt nước, trên mặt cầutàu có lót ván. Cầu tàu dùng để tàu của Cậu Tư tôi đậu khitrở về bến sau một chuyến đưa đò dọc hai ngày.

 

Chiếc “ca-nô” đưa mẹ con chúng tôi vừa cặp cầu tàu thìnghe trên bờ, con của Cậu Tư tôi reo hò:

            -Bà Nội ơi! Cô Năm với mấy đứa nó về!

Bà Ngoại tôi mừng lắm, rờ đầu, nựng nịu từng đứa cháu ngoại.

 

Nhà Bà Ngoại có sàn cao, lót ván, rộng rãi. Phía trước để hai bộ ván ngựa chân quỳ đánh vẹc-ni vàng bóng ở haibên. Chính giữa là một bộ ghế trường kỹ, vào bên trong một chút là tủ cẩn ốc sa cừ để thờ ông bà, có lư hương, chân đèn bằng đồng. Phía sau tủ thờ là vách ngăn nhà trước với nhà sau. Bên trái và bên phải vách ngăn là hai cái cửa buồng,có màn bằng vải phủ xuống.”(Quê ngoại)

 

Cuộc sum họp nào rồi cũng có lúc chia tay, bà tiễn cháu cũng trên bến sông xưa ngày ấy, tác giả kể sao mà như có tôi, có anh trong ấy những lần thăm ngoại của chính mình với tất cả tình máu mủ ruột thịt của bà của cháu quấn quit không rời :

 

“Thăm Ngoại được ba ngày, Bà và gia đình Cậu mợ ra tận cầu tàu tiển mẹ con chúng tôi về. Không có hàng đi, mà hàng về nhiều quá, mẹ con chúng tôi tay xách, nách mangnhững giỏ quà của Bà. Hình như Bà sớt chia phần lớn tình thương của Bà cho mẹ tôi, đứa con gái út, mỗi giỏ quà là mấy mươi giỏ tình thương.”

(Quê ngoại)

 

Đọc những tình cảm của bà ngoại dành cho tác giả, tôi chợt nhớ học giả Nguyễn Hiến Lê cũng có lần tâm tình về nỗi niềm của ông với bà ngoại mình trong “Cháu bà nội, tôi bà ngoại”, chan chứa một tám chân tình. Thêm vào đó, chúng ta còn bắt gặp một nhận xét về những sự vât vô cùng tinh tế của anh Dương Văn Chung, mà ít khi chúng ta để ý đến chi tiết rất gần gũi với mình mà mình vô tình quên đi trong dòng đời nhiều biến đổi :

 

“Người ta thường chia thời gian ra thành nhiều thời kỳ,trong đó có thời kỳ đồ đá, đồ đồng…v.v. Tôi muốn phác mộtsố nét về quê ngoại tôi ở vào thời kỳ mà tôi tự đặt là thời kỳđất sét, vì lý do hết sức đơn giản là thời đó tôi còn nhỏ, thấy cái gì cũng làm bằng đất sét, cái lu cái khạp, cà ràng ôngtáo, nồi ơ, soong chảo đều làm bằng đất sét nắn rồi đem nung. Thậm chí đồ chơi trẻ em như những viên đạn tròn mà người miền Bắc gọi là hòn bi để bắn “cu-li”, con chim,con gà, con heo, con bò, con trâu, chiếc xe hơi …v.v. cũnglàm bằng đất sét.”

(Quê ngoại)

 

Dòng sông quê nào của vùng Long Xuyên Châu Đốc  mà không có mang theo mình những cụm lục bình lá xanh mượt, lác đác những cánh hoa màu tím nhạt làm dòng nước thêm chất lãng mạn trữ tình. Lục bình theo con nước trôi bềnh bồng khắp những bến bờ và rồi lục bình vẫn không trôi ra khỏi ký ức của tuổi thơ một lần và nhớ mãi :

 

“Rải rác có những cụm lục bình trôi lững lờ theo dòng nước. Lá lục bình màu xanh, hình dáng từa tựa như lá trầu bà, bầu tròn về phía cuống, rồi nhỏ dần thành chót nhọn ở

cuối lá. Bông lục bình phơn phớt màu hoa cà, vượt lên trên nền lá màu xanh thành những tràng hoa thiên nhiên tươi thắm.”

(Quê ngoại))

 

Cái chất lãng mạn của một loài bông hoa mang hương đồng cỏ nội ấy càng làm cho “dòng sông kỷ niệm” thêm đậm sác màu và rồi “tiếng sóng vỗ tí tách vào be xuồng, hòa lẫn với những âm thanh trên bờ” cùng nhiều tiếng động vang lại trong tâm tư làm thành nỗi nhớ vô vàn :

 

“Nhớ lúc gần Tết về thăm Ngọai, tiết trời lành lạnh, sươngmù dày đặc, tôi lắng nghe tiếng sóng nhỏ vỗ tí tách vào bexuồng, hòa lẫn với âm thanh trên bờ, tiếng chim cu gáythảnh thót, tiếng chày ình inh giã gạo, giã bánh phồng, mộtloại bánh phồng khi nướng nổi dầy , thật thơm và dòn.”

(Quê ngoại)

 

Nhưng con sông quê ngoại và làng quê Vĩnh Lộc ngày ấy đâu chỉ có tiếng chim cu, tiếng chài quết bánh phồng ngày Tết, mà nó còn có cả tấm lòng của dân quê qua những lu nước bên vệ đường chờ khách lữ hành dừng chân ghé lại lúc lỡ đường. Và vượt lên trên hết mọi giá trị của đời sống là tấm lòng từ tâm, độ lượng của những người nhà quê nơi “quê ngoại” của tác giả là người ta cư xử với nhau trong tình người với người, một thứ tình cảm vừa thiêng liêng, vừa cao quí biết dường nào :

 

“Dọc đường, đi một đổi thì có một cái chòi lá đơn sơ với một cái chõng tre. Phía trước chòi có một cái lu nhỏ đựng nước sông lóng phèn trong trẻo. Bên cạnh lu nước có máng

một cái gáo dừa cán dài. Khách qua đường cứ tự nhiên vào ngồi trên cái chõng tre để nghỉ mệt và giải khát. Nước song đựng trong lu, múc bằng cái gáo dừa vừa thơm mùi dừa, vừangọt lại vừa mát.

 

Người trong làng phần lớn sống bằng nghề nông, tiền bạc không dư dả, nhưng lúa thóc đủ dùng, dưới sông có cá, trênbờ có rau.

 

Nhờ đời sống dễ dàng nên lòng người cũng quảng đại.Người đi lỡ đường xin ngủ qua đêm dễ dàng, tiếp đãi niềm nỡ, chu đáo, không mảy may nghi ngờ.Ngày kỵ giỗ, bà-con, hàng xóm, mỗi người tự động đến tiếp tay nấu nướng và mang đến một chai rượu hoặc một gói trà, gói mứt, một dĩa trái cây, một dĩa xôi…đến cúng.Cúng xong, chủ nhà mời mọi người dùng bữa.

 

 Khi khách ra về, bao giờ chủ nhà cũng trả lễ bằng mộtít quà bánh để đem về cho gia đình.”

(Quê ngoại)

 

Để rồi, hơn bảy mươi năm sau, tác giả vẫn mãi hoài nhớ về với một mơ ước rất đơn sơ bình dị mà thiết tha, yêu dấu :

 

“Bây giờ tôi rất thèm được uống nước sông trong lu bằngcái gáo dừa ở căn chòi lá bên đường làng quê ngoại, tôi thèmcó được một cuộc sống bình dị, vừa đủ, một cung cách đốixử đầy tình cảm chân thành của bà-con quê ngoại. Biết đếnbao giờ nếp sống quê ngoại trở lại như xưa ?

(Quê ngoại)

 

Không chỉ có thế, không chỉ “rất thèm được uống nước sông trong lu bằng cái gáo dừa ở căn chòi lá bên đường làng quê ngoại”, mà tác giả muốn kéo lại thời gian để ôm cả vào con tim cùng khối óc của mình với cả một trời thơ ấu xa rồi hơn bảy mươi năm !!!

 

Trong bài “Làng tôi”, anh có nhắc ông Cố của anh là một nhà Nho uyên thâm, và có lần được dân trong làng tiến cử lên làm tới chức Hương Cả. Điều đó cho thấy, dù sống nơi làng quê xa xôi tận vùng biên giới Miên Việt, anh luôn có một tâm hồn hiếu đạo theo truyền thống Nho Giáo . Điển hình khi anh ghi lại những kỷ niệm về thân phụ mình anh ghi cái tựa là “Nghiêm Đường”. Và anh giải thích về hai chữ “nghiêm đường “ cùng nỗi băn khoăn là trong dòng sống này không biết do đâu mà người ta không dành cho cha một đoá hoa nào; và nếu có một loài hoa như thế, tác giả đề nghị gọi tên loài hoa ấy là “hoa nghiêm đường” :

 

“Nghiêm là có uy thế làm cho kẻ khác sợ, đường là nhà,là cung thất. Xưa kia từ “nghiêm đường” dùng để chỉngười cha. Cha còn được gọi là nghiêm phụ. Nói đến cha,người ta thường liên tưởng đến uy quyền của một bậc giatrưởng đối với con cái, trong khi mẹ đầy lòng từ ái, đùm bọcchở che các con. Trong mùa Vu Lan nhiều người nhắc đến mẹ, còn chathường bị bỏ quên. Lễ cài hoa hồng căn cứ vào người mẹcòn hay mất, mẹ còn thì gắn hoa hồng đỏ, mẹ mất thì gắnhoa hồng trắng. Có màu hoa hồng nào hay có loại hoa đặcbiệt nào dành cho cha? Phải chi trên thế gian nầy có loại“hoa nghiêm đường” tôi đề nghị dùng làm biểu tượng chongười cha, hoa chỉ có một màu dù cha còn hay mất.”

(Nghiêm đường)

 

Vì là một người viết tài tữ, nên đề nghị của anh rất ít người để ý, nhưng đây là một ý kiến vừa nghiêm chỉnh vừa thiêng liêng của một người con lấy đạo hiếu đối với các đấng sinh thành làm trọng . Tiếc thay, “hoa nghiêm đường”, tiếng kêu thảng thốt lẻ loi rồi cũng chìm đi vào không gian mênh mông và thời gian vô cùng để rồi mãi hoài trên cõi đời này chưa có một loài hoa nào cho những bậc “nghiêm đường”.

 

Nhưng thôi, lòng mình, mình biết, tim mình mình đập, những nhịp đập của trái tim hòa quyện vào dòng máu của cha mẹ tạo ra mình để rồi tác giả viết về thân phụ của anh như một kỷ niệm đẹp nhất đời một người ngoài bảy mươi năm nhìn lại bóng dáng thân phụ ngày nào:

 

“Mùa Vu Lan sắp tới, tôi chạnh nhớ đến cha tôi. Người thật là thương con, nhưng lại rất nghiêm. Cha mẹ tôi một cột một kèo, nhà nghèo, con đông. Xin lỗi, tôi lại “khoe”

cái nghèo. Nhưng nghĩ lại nghèo thì nói nghèo có gì đáng xấu hổ, phải không quý bạn? Cha tôi thường dạy Nghèo cho sạch, rách cho thơm, có gì đâu phải giấu giếm?

Người ta thường nói: Nhà nghèo mới hay con thảo,…Con nhà nghèo ăn một món ngon, nó nhớ đến cha mẹ không có tiền mua món đó để ăn, nó sẽ nhín lại để phần ăn ngon cho cha mẹ.”

 

“ Một câu chuyện nhỏ mà người cha nghèo đã lo cho anh chị em chúng tôi. Dưới sông trước nhà tôi dạo đó có trải đáy bắt cá.Cha tôi dặn mấy người bạn ghe đáy khi nào bắt được một\con cá chạch lấu lớn thì để cho cha mua. Lúc giữa khuya, cha mua được con cá chạch, đem nướng trui, làm nước mắm me chín, đánh thức các con dậy ăn, cá còn nóng ăn tươi cho con ăn cho đã thèm.”

(Nghiêm đường)

 

Câu chuyện tác giả vừa kể cho chúng ta nghe rất đơn giản mà cảm động về cái tình phụ tử trong một gia đình nghèo. Thương con, lo miếng ăn cho con như thế nhưng dạy con có lẽ còn khó hơn nhiều, Dạy ăn, dạy nói, dạy thưa, dạy trình, nhứt nhứt lấy cái nghiêm mà dạy, lấy cái tình mà cảm, lấy cái gương làm lối chỉ đường; cùng cực lắm phải dùng tới roi vọt thì lại lựa cái roi thiệt nhỏ :

 

“Cha tôi ít đánh đòn con cái. Khi cần đánh đòn, ông lựa cái roi mỏng, có bề bản lớn để đánh vào đít trẻ con nghe rát thôi chớ không gây thương tật. Ông nói trời sanh ra cái đít con nít để dành đánh đòn, không nên đánh vào chỗ khác có thể gây nguy hiểm.

 

Khi con cái phạm lỗi lầm, ông bắt cúi xuống để nghe ông hài tội. Đặc biệt là ông cho con giải bày và tự biện hộ. Khi nào con cái đuối lý, ông mới kết tội lần cuối rồi cảnh cáo

hay đánh một roi thôi để nhớ đời.”

(Nghiêm đường)

 

Xin mời bạn thử nghe tác giả kể về một lần mình bị cha bắt cúi xuống và đánh cho một roi rồi nhớ đời :

 

“Thuở nhỏ tôi có tánh hay lập công. Mỗi khi hai chị tôi gây gổ với nhau hay phạm lỗi lầm gì, tôi thèo lẻo, méc cha tôi. Thấy hai chị tôi bị rầy, tôi khoái chí lắm. Một làn nọ, cha tôi bảo hai chị tôi cúi xuống và kêu tôi đi kiếm roi.Tôi xông xáo đi tìm và trong phút chốc đem cây roi đến dâng cho cha tôi. Cha tôi không khen tôi tiếng nào mà còn lớn tiếng ra lệnh cho tôi:

            -Còn mầy nữa, cúi xuống!

Tôi ngơ ngác nhìn cha tôi. Ông giục:

            -Cúi xuống!

Tôi lẹ làng cúi xuống bên cạnh hai chị tôi. Xử hai chị tôi xong, cha tôi hỏi tôi:

            -Mày có biết tội gì chưa?

Tôi trả lời:

            -Dạ chưa.

Ông nói:

            -Cái tội xăng xái lập công mà không thương tưởng tình chị em, không biết đến nỗi đau đớn của hai chị.

 

Tôi nhận một roi sau khi nghe giảng bài học luân lý khá dài.”

(Nghiêm đường)

 

Mấy mươi năm sau, ngồi nhớ lại lần bị đòn lâu lắm rồi và tác giả kết toán những bài học từ đấng sinh thành ra mình rất chân thành và cảm động :

 

“Các mẫu chuyện trên đây tuy nhỏ, nhưng đối với tôi là những bài học làm người có giá trị rất lớn lao, đó là hành trang mà cha tôi đã chuẩn bị cho con cái mang vào đời.

Con xin cúi đầu mặc niệm đấng nghiêm đường đã một đời làm lụng vất vả để nuôi con, một mực yêu thương và chăm lo giáo dục con cái.”

(Nghiêm đường)

 

Một đứa bé được sanh ra và sống trong một gia đình nơi miền quê xa xôi giữa trời nước như vậy, nên khi bắt đầu bước chân vào lớp học để các thầy mở cửa tâm hồn cho mình, thì làm sao mà không giữ tròn cái đạo nghĩa thầy trò cho được . Chính vì cái tâm vồn thuần phát, cái lòng vốn trong sáng nên việc kính trọng thầy là một nghĩa cữ mà các học trò nhà quê nào của vùng Long Xuyên Châu Đốc thời xa xưa ấy cũng có điểm gần giống nhau như vậy. Những nỗi niềm mà anh Dương Văn Chung kể, chúng ta ai có qua cửa lớp một lần có lẽ dễ thấy có bóng dáng mình trong những dòng tâm sự của anh, mà tôi nghĩ đó chính là cái đạo trong muôn ngàn cái đạo ở đời , tức “Đạo làm học trò”:

 

“Xin mọi người thông cảm, bài hồi ký nầy không nhằm mục đích khoe chuyện học hành ngày xưa, mà chỉ muốn ghi lại một vài kỷ niệm khó phai về những ân tình mà quý thầy

cô giáo đã dành cho học trò, không khác nào cha mẹ đùm bọc, chở che cho con cái.

 

Con xin thắp nén tâm hương với lòng biết ơn chân thành kính dâng lên tất cả quý Thầy, Cô mà con đã học và nguyện cầu cho quý Thầy, Cô được siêu thoát.

(Thầy tôi)

 

Theo tôi, có lẽ đoạn văn sau đây ghi lại một thời kỳ giáo dục từ thời Pháp để lại và sẽ làm cho các anh chị cựu học sinh trường Trung học Thủ Khoa Nghĩa (Châu Đốc) cùng thời với tác giả hoặc các thế hệ sau này nhớ lại những ngày đầu của ngôi trường cũ của các bạn, nó có mặt như một khai mở cho Châu Đốc một cánh cửa tâm hồn mới vào những năm tháng ấy và nó mang lại cho các anh chị, các bạn  niềm hảnh diện là mình cò một thời trúng tuyển vào trường với năm học đầu tiên với biết bao mừng vui, háo hức trong những buổi cắp sách đến trường : 

 

“Gọi là “đầu tiên”, vì trước đó nền giáo dục tại Việt Nam đều dạy theo chương trinh Pháp, xem nặng Pháp văn, bảng tên lớp cũng ghi bằng chữ Pháp, như ở bậc tiểu học có Cours Enfantin (lớp Đồng Ấu hay lớp Năm), Cours Preparatoire (lớp Dự Bị hay là lớp Tư), Cours Elémentaire (lớp Sơ Đẳng hay lớp Ba), Cours Moyen (lớp Trung Đẳng hay lớp Nhì), Cours Supérieur (lớp Cao Đẳng hay lớp Nhứt), Cours Certifié (lớp Tiếp Liên). Ở bậc trung học có lớp Première Année (Năm thứ Nhứt), Deuxième Année (Năm thứ Hai)… Về chứng chỉ và văn bằng, học hết lớp Ba tiểu học phải thi để lấy chứng chỉ Sơ Đẳng Tiểu Học. Trong kỳ thi đó, nếu ai đậu thêm bài thi Pháp văn thì trên chứng chỉ ghi

có “mention” (avec mention). Cuối lớp Nhứt tiểu học thi lấy chứng chỉ Tiểu Học Bổ Túc Đông Dương (Certificat D’Etude Primaire Complémentaire Indochinois, viết tắt là C.E.P.C.I.), có viết chánh tả và trả lời câu hỏi bằng Pháp văn. Ở bậc trung học, cuối năm thứ Tư thi lấy bằng Brevet du Premier Cycle ( Trung Học Đệ Nhứt Cấp) hoặc Diplôme

(Bằng Thành Chung). Cuối bậc trung học, thi lấy bằng Tú Tài I và II (Baccalauréat). Ai đậu chứng chỉ C.E.P.C.I. có thể ra làm giáo viên hoặc thư ký rồi. Rất ít người đậu bằng

Brevet hoặc Diplôme, đừng nói chi đến Baccalauréat, càng hiếm hoi hơn.

(Lớp Đệ Thất đầu tiên)

 

Và cùng với các anh chị, tác giả đã tỏ bày một nỗi niềm thỉ chung nhớ mãi ngôi trường Thủ Khoa Nghĩa cũ ngày nào, cách nay hơn nửa thế kỷ với biết bao phen bễ dâu, dời đổi:

 

“Hơn nửa thế kỷ nhìn lại, những hình ảnh thân thương hiện về, khi tỏ khi mờ, vì đầu óc của một người “thất thập cổ lai hi” khi nhớ khi quên. Ngày nay trường Thủ Khoa Nghĩa đã xây cất lại ở một địa điểm mới, to lớn đẹp đẽ hơn, nhưng tôi vẫn luyến nhớ ngôi trường cũ như Bà Huyện Thanh Quan nhớ Thăng Long Thành: Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo Nền cũ lâu đài bóng tịch dương Và tình thầy trò, tình đồng môn không hề lạt phai, giống như “Thủ Khoa Nghĩa , Thủ Khoa Nghĩa muôn năm”.

(Lớp Đệ Thất đầu tiên)

 

 

Nhắc tới tuổi học trò, ai trong chúng ta mà không nhớ mùa hoa phượng. Trong “Nội Ngoại Đều Thương”, tác giả gợi chúng ta nhớ về màu hoa thân ái một thời tuổi nhỏ . Đó là mùa phượng vĩ :

 

“Người Hoa gọi cây phượng là phượng vĩ tùng, phượng là con chim phượng, vĩ là cái đuôi, vì lá của nó nhỏ như lá me, mọc đối xứng nhau trên một cọng nhỏ, rồi những cọng này lại mọc đối xứng trên một nhánh lớn, tạo thành một mảng lá xoè ra, thu nhỏ dần ở cuối nhánh, giống như đuôi con chim phượng. Hoa phượng nở vào mùa hè, báo hiệu cho học trò hai cuộc vui: lễ phát phần thưởng và bãi trường.

(Hoa phượng vĩ)

 

Và rồi cái thú nghỉ hè trào dâng với nhiều cảm xúc :

 

Sau chín tháng “xôi kinh nấu sử”, học sinh ai cũng cảm thấy thấm mệt. Bãi trường là một dịp nghỉ ngơi để giải tỏa bớt những dồn nén, căng thẳng trong đầu, như Xuân Tâm đã mô tả niềm vui lúc Nghỉ hè trong Lời Tim Non (1941): “Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã hết, Đoàn trai non hớn hở rủ nhau về. Chín mươi ngày nhảy nhót ở miền quê, Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ !”

 

Thật vậy, trong lòng của mỗi học sinh lúc đó đều thoải mái, tươi mát như cảnh vật mùa xuân. Ai cũng vui vẻ, cởi mở:

 

“Một nét mặt, trăm tiếng cười rộn rã,

Lời trên môi chen chúc nối nghìn câu

Niềm vui ấy tràn đầy, không dấu diếm được nữa:

Kiểm soát kỹ, có khi còn thiếu sót,

Rương chật rồi, khó nhốt cả niềm vui.”

 

Tâm lý chung là không còn muốn ngó ngàng gì đến bài vở nữa, mà chỉ nghĩ đến lúc sum họp gia đình và cảnh đẹp đẽ của mùa hè:

 

“Trong khoảnh khắc sách bài là giấy cũ,

Nhớ làm chi, thầy mẹ đợi em trông.

Trên đường làng huyết phượng nở thành bông,

Và vườn rộng nhiều trái cây ngon ngọt.”

 

Nôn nóng ngày về quê, không ăn ngủ được:

“Chờ đêm nay, sáng sớm bước lên tàu,

Ăn chẳng được, lòng nôn nao khó ngủ”

(Hoa phượng vĩ)

 

Qua bao xúc cảm về một loài hoa học trò với những câu thơ của Xuân Tâm mà tác giả còn nhớ được từ những ngày thơ mộng ấy, để rồi người học trò cũ ngày nào hôm nay bồi hồi mỗi lúc thấy màu hoa phượng vĩ khoe sắc dưới nắng hồng :

 

“Bây giờ khi nào có dịp nhìn thấy hoa phượng đỏ, tôi nhớ lại thuở còn đi học, cuối năm rộn rịp với ngày lễ Phát phần thường, nhớ bài thơ Nghỉ hè của Xuân Tâm tôi đã học thuộc lòng hồi năm Lớp Nhì, đã diễn tả đúng tâm trạng chung của học trò, thật sung sướng và thư giãn nghỉ hè ba tháng”

(Hoa Phượng vĩ)

 

Tuổi học trò với nhiều hoa mộng là thế nhưng khi trưởng thành, vào đời và lăn lóc giữa dòng đời, anh Dương Văn Chung vẫn không quên mình đang có gia đình và trách nhiệm của một người trụ cột gia đình. Và rồi, anh thì thầm với các con qua bài viết “Anh emchung sống một nhà” như một lời gia huấn rất nghiêm mà hiền, rất giản dị mà tha thiết tình cảm cha con trong một mái ấm gia đình :

 

“Lúc còn bé, các con chung sống một nhà, dưới sự chăm lo đùm bọc của Ba Mẹ. Bây giờ các con đã lớn khôn, lập gia đình, có nhà riêng. Nhưng các con vẫn ở chung trong đại gia đình của Ba Mẹ. Tình thương của Ba Mẹ đối với các con không hề suy suyển.

 

Trái lại, về đạo hiếu, các con là những đứa con thảo, bao giờ cũng tưởng nghĩ và chăm sóc cho Ba Mẹ. Nếu so với những nhân vật trong Nhị Thập Tứ Hiếu thì các con còn thua xa, nhưng các con đối với Ba Mẹ đến mức nầy đã quá đầy đủ rồi.

 

Ba Mẹ đâu đòi hỏi các con phải báo hiếu theo cách của Vương Tường đời Tấn, đặt ván lên trên tuyết để nằm chờ cá lý ngư từ dưới tuyết nhảy lên để bắt đem về làm cho kế mẫu ăn. Hoặc như Ngô Mạnh Tông, cha mất sớm, ở với mẹ. Mùa đông đâu có măng, mẹ thèm canh măng, Mạnh Tông buồn vì không tìm được măng để nấu canh cho mẹ ăn nên ôm gốc tre khóc, động lòng trời đất cho măng mọc ra, đem về nấu canh cho mẹ dùng.

 

Đạo làm con đối với cha mẹ là sớm thăm tối viếng, quạt nồng ấp lạnh, cung phụng của ngon vật lạ…v.v. Ngày nay vật chất quá đầy đủ, tiện nghi hiện đại. Dù ở xa vạn dặm, các con cũng có thể vấn an Ba Mẹ bằng điện thoại, điện thư, mua sắm cho Ba Mẹ quạt máy, máy điều hòa nhiệt độ,máy sưởi, mền điện, quần áo mùa đông, y phục mùa hè, tủ lạnh để dự trữ thức ăn. Đứa mua thứ nầy, đứa sắm thứ kia cho Ba Mẹ. Rồi thỉnh thoảng các con về thăm. Còn đòi hỏi gì nữa? Ba Mẹ là những người tri túc, an phận và thông cảm với hoàn cảnh sinh hoạt tất bật của con cái.

 

Theo Đạo Nho, chữ hiếu đã vẹn tròn, nhưng các con đối với nhau có hòa thuận hay không ? Các con không hòa thuận thì Ba Mẹ không vui trọn vẹn. Các con biết chăng có những đêm Ba Mẹ trằn trọc, không ngủ được, vì thấy các con có chuyện hục hặc với nhau, đứa này than phiền với Ba Mẹ về đứa kia. Hồi còn nhỏ, các con cũng thường hay

méc thót như vậy, Ba Mẹ coi đó là chuyện trẻ con, nay cáccon đã lớn rồi, mỗi người thực sự là một thành viên của xã hội, dù là anh chị em cùng một huyết thống, nhưng có cuộc sống riêng tư, mỗi người là một bản ngã, một cái ta riêng lẻ, tự ái dễ bị đụng chạm, Ba Mẹ cưng các con như các chén sứ, chén kiểu, sợ những sự va chạm như vậy sẽ sứt mẻ đi, không hàn gắn lại được, Ba Mẹ sẽ đau lòng xót dạ biết chừng nào.”

(Anh chị em chung sống một nhà)

 

Vì mạch văn tha thiết quá của một người cha thương con tràn trề lai láng, nên tôi không cách nào ngắt cho câu văn ngắn lại được. Mong các bạn đọc thông cảm. Nhưng mà cắt ngắn làm gì khi có những lời gia huấn quá thiết tha mà đầy ý nghĩa, chí tình chí cốt của một người cha già lăn lóc giữa dòng đời hơn bảy mươi năm dài có mặt trên cõi đời này muốn chia sẻ cùng con cái về cái đạo hiếu hòa trong gia đình của mình. Biết đâu chừng đó cũng chính là nỗi niềm của chình chúng ta, của tôi và của bạn, muốn nói cùng con cái mình mà mình chưa có dịp tỏ bày cùng với chúng. Phải thế không bạn?

 

Và rồi cái tấm lòng tha thiết dạy khuyên, căn dặn ấy chẳng những lúc cha mẹ còn hiện tiền mà anh còn nhắc con cái cả khi mình không còn trên dương thế này. Quả là một lời gia huấn vô cùng trân quí chẳng những cho riêng con cái anh mà còn cho nhiều bạn trẻ khác có dịp đọc tập sách này và nhớ rằng đạo làm con là đạo trọng vô cùng khi biết rằng cha mẹ nào cũng thương yêu con mình mãi hoài bất tận :

 

“Ba cũng muốn nói thêm để các con hiểu được tấm lòng của Ba Mẹ. Theo đạo Phật, qua thời kỳ trung ấm 49 ngày hay là bảy thất tính từ ngày chết, vong linh thường đã đi vào  một cõi khác. Nhưng nếu theo tín ngưỡng Thờ Cúng Ông Bà thì vong hồn vẫn còn tồn tại vĩnh viễn với gia đình, với con cháu. Nếu các con vẫn theo tín ngưỡng nầy, coi như

Ba Mẹ sau khi chết, hồn vẫn còn phảng phất đâu đây, về chung vui với con cháu trong ngày kỵ giỗ thì nghe Ba căn dặn điều này: ngày đó không cần bày cúng thức ăn trên bàn thờ, mà chỉ cần thắp nhang mời Ba Mẹ về chứng kiến cáccon, các cháu cùng ăn uống, chuyện trò vui vẻ với nhau một cách thật lòng. Ba Mẹ không cần ăn vì thấy con cháu

vui vẻ, thương yêu nhau là đã mãn nguyện, đã no rồi. Đó là lời căn dặn khẩn thiết và chí tình của Ba Mẹ, các con nên ghi nhớ. Ba Mẹ mong các con đã hiếu thảo, lại thuận hòa với nhau để cho Ba Mẹ có được một niềm vui trọn vẹn ngay lúc Ba Mẹ còn sống, cũng như sau khi Ba Mẹ đã khuất. Hôn các con và các cháu. Ba Mẹ”

(Anh em chung sống một nhà)

 

Trên đây là những ý chính trong tác phẩm đầu tay của anh Dương Văn Chung, bút hiệu Khiêm Cung. Thêm vào đó tác giả còn kể cho bạn đọc nghe về những mảnh đời mà tác giả đã bắt gặp qua hơn bảy mươi năm tác giả đã từng trải giữa dòng đời như “Thằng Chum Xứ Cá”, “Một chuyến vượt biên”, “Cỏ nhà mình vẫn xanh”, “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, “Hiếu hạnh trong Nho Giáo và trong Phật Giáo”, “Nụ hôn lộ thiên” và nhiều truyện rất ngắn khác như “Đạo đâm, đạo lụi”, “Nhập vai”, “Đôi giày xăng –đan”, “Ngộ”,Yên nhà” vân… vân… Và còn nhiều lắm, mà truyện nào cũng mang nhiều ý nghĩa thâm trầm, ý nhị, đôi lúc chua chát pha chút nụ cười hóm hỉnh mà hữu ích cho ai có dịp đọc qua ,  . Nhưng trong một bài viết ngắn này, nên chúng tôi đành phải thưa cùng bạn là khó mà lược kể ra đây hết được.

 

Tết này, theo phần tiểu sử, tác giả tròn 75 tuổi, cái tuổi không ai muốn viết văn để thành nhà văn, không ai muốn in sách để thành tác tác phẩm kiếm chút danh, chút lợi lôc gì. Thành ra, mang những chất liệu với đời sống thật trong dòng đời qua 75 năm sống nơi làng quê bên bờ con sông Bắc Nam thắm tình quê Nội, cùng bao kỷ niệm về làng Vĩnh Lộc nơi quê Ngoại những ngày thơ ấu thuở nào làm thành tập sách “Nội Ngoại Đều Thương” như một tấm chân tình của một người nhà quê già nhớ về chốn cũ . Chính vì thế mà trong văn anh Dương Văn Chung không có ý trau chuốt cầu kỳ, chữ anh dùng không có gì cao lương mỹ vị. Mà ở đó toàn là những chữ dùng  giản dị mà ý nghĩa; câu văn gọn mà thâm trầm; sự việc có thật nên dễ cảm hóa người đọc và nhứt là cái tấm lòng của tác giả thỉ chung như nhứt đối với nơi quê cha đất tổ làm cho văn anh có thần sắc làm rung cảm người đọc.

 

Nói như hoc giả Nguyễn Hiến Lê :”Cái đẹp không phân tích được. Là vì cái đẹp trong văn thơ không phải chỉ ở những chỗ tôi đã trình bày với bạn trong bộ Luyện văn và bộ này, nghĩa là ở chỗ sáng sủa, tinh xác, gọn gàng, bóng bẩy, hàm súc, du dương…, tóm lại không phải chỉ ở cái hình thức có thể thấy được, phân tích được; mà còn ở một cái gì tế nhị hơn nhiều, nó ẩn sau hình thức đó hoặc thoát ra khỏi hình thức đó, chỉ có thể cảm được chứ không giảng được, cái mà tôi gọi là cái thần của văn…..  Cho nên khi thưởng thức cái Đẹp trong văn cũng như khi ngắm vẻ đẹp của phụ nữ, cảm tưởng đầu tiên là quan trọng nhất, mà muốn cho cảm tưởng đó đúng thì phải để lòng mình cảm thông với nghệ sĩ, đừng cho những  quy tắc nặng nề của lý trí đè nên con tim mà làm nó khó rung động.” (**)

 

Và tôi đọc “Nội Ngoại Đều Thương” của Khiêm Cung Dương Văn Chung với tấm lòng như học giả Nguyễn Hiến Lê nhận định như vậy. Tức là tôi đọc bằng con tim nhà quê như anh, có những ngày ấu thơ mê dòng sông bãi bùn như anh và rồi cũng có những thời loạn ly cùng tản cư chạy giặc về quê ngoại như anh và khi vào đời cũng nhiều phen dâu bể như anh nên tôi thấy những gì anh viết bằng chất liệu thật nuôi tâm hồn anh lớn dậy và những trang sách của anh làm con tim tôi rung cảm, bồi hồi. Đơn giản chỉ có vậy và trong tinh thần đó, tôi ghi lại những dòng này chúc mừng đứa con tinh thần dầu tay của anh sắp chào đời, và cũng là lời cảm ơn anh cho phép tôi đọc trước qua những trang bản thảo này vậy ! 

 

Lương Thư Trung

Houston ngày 30-12-2008

 

Phụ chú:

(*)Bản thảo tập truyện “ Nội Ngoại Đều Thương” của Khiêm Cung do nhà xuất bản Quán Âm Sơn, New Zealand, sắp ấn hành vào năm 2009.

(**) Trích trong ”Hương Sắc Trong Vườn Văn” của Nguyễn Hiến Lê, nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin, Việt Nam, năm 2001, trang 397.