Trang Chính    Hộp Thư    Truyện Thật Ngắn    Truyện Ngắn    Thơ    Bút Ký    Góp Nhặt    Trang Xuân     Sức Khỏe và Gia Đình    Vui Cười    Tin Vui    Phân Ưu   
Tác Giả và Tác Phẩm    Cùng Tác Giả
  


Lương Thư Trung

Thơ Lâm Hảo Dũng, ngọn gió-nồm-nam thổi cuối trời…

lamhaodung1

Thi sĩ Lâm Hảo Dũng
 (Hình trên trang báo Người Việt Boston)


Nhắc tới thơ văn vùng sông nước Hậu Giang, không thể không nhắc đến nhà thơ Lâm Hảo Dũng, có lúc anh còn ký bút hiệu Mây Viễ n Xứ (1). Lâm Hảo Dũng bắt đầu làm thơ từ thời còn đi học tại trường trung học Hoàng Diệu (Sốc Trăng) và sau này khi vào đời, anh tiếp tục làm thơ viết văn cùng thời với các lớp văn nghệ sĩ như Trần Phù Thế, Lưu Vân, Triều Uyên Phương, Trầm Mặc Nghệ Thế và rồi Phù Sa Lộc, Nguyễn Bạch Dương, Ngô Nguyên Nghiễm, Hà Thúc Sinh, Lâm Chương, Tô Đình Sự, Trần Hoài Thư… Tác phẩm đã xuất bản: Ngày Đi Thương Sợi Khói Bên Nhà (thơ), Đi Giữa Thời Tan Nát (thơ), Tóc Em Dài Em Cài Bông Hoa Lý (thơ)

Lâm Hảo Dũng quê làng Bố Thảo, Sốc Trăng. Nói về quê Bố Thảo của anh, tác giả cho biết:”Quê Bố Thảo của tôi cũng bình dị như bao làng quê khác, người dân sống bằng nghề ruộng rẫy, không có nét dặc biệt như ở Kế Sách nổi tiếng về cây trái, Phú Tâm có bánh pía, mè lau … Năm 19 tuổi tôi dã rời xa quê, đi học, đi làm và đi lính. Châu Đốc đối với tôi mới thật sự là có nhiều kỷ niệm, cảnh núi sông, bạn bè văn nghệ như Ngô Nguyên Nghiễm, Lưu Như Thủy, Nguyễn Thanh Xuân, Trấn Biên Thùy, Cao Thoại Châu (di lính, gặp ở Pleiku)”.

Thiệt tình ra, cái nét bình dị của làng Bố Thảo cũng là cái nét tiêu biểu của bao làng mạc miền Tây Nam nước Việt. Cũng năm ba bụi tre làng, cũng hàng bần dưới mé sông; cũng bao mái nhà lá đơn sơ, cũng gốc cà gốc ớt, cũng dưa leo đậu đũa, hàng cau, vườn trầu, đống rơm, bông so đũa, cọng rau om, rau thơm, bông điên điển, mương lạch, đìa bàu… Tất thảy đều nói lên cái nét đơn sơ mà thân thiết với đời sống người dân nơi sông nước miền Tây Nam này . Xin mời bạn cùng tôi ghé lại thăm căn nhà của thi sĩ qua bài thơ “Nhà tôi

“Ơi những ngày xưa dưới mái nhà
Mẹ ngồi lựa thóc ngắm mây xa
Những lo mưa sớm bên đồng nội
Làm mất màu tươi mấy gốc cà

Xanh ngắt một màu bên liếp rẫy
Giàn dưa leo sớm bỏ vòi cong
Còn ghen đậu đũa vừa đơm trái
Hay lũ rau thơm đám cúc tần

Có mấy hàng cau nhỏ thế thôi
Mẹ thường nhắc nhở những khi vui
Một mai đám cưới không lo thiếu
Trầu tốt cau ngon thuốc đượm mùi

Đây đống rơm khô dưới gốc gòn
(Là nơi tôi rải mộng lang thang)
Chờ em từ thuở con trăng tối
Cho đến trăng đầy em mới sang

Thèm quá nồi canh chua cá lóc
Chút bông so đũa cọng rau om
Ai lên phố thị mà không nhớ?
Mùi vị dưa nồng điên điển thơm

Mười mấy năm rồi đi biệt xứ
Nhà tôi còn đó mẹ tôi không?
Nghe thương những cánh chim tu hú
Mãi gọi bên sông điệp khúc buồn.”

Ngôi nhà của Lâm Hảo Dũng chỉ chừng ấy nét bình dị quen thân mà khắn khít biết bao! Dường như ai đã từng sanh ra và lớn lên nơi các làng quê đều nghe như mái nhà của tác giả cũng chính là mái nhà yêu dấu của chính mình. Bức tranh quê  nơi sông nước miền Tây còn được Lâm Hảo Dũng làm đầy thêm bằng những tâm cảm thiết tha qua nỗi lòng của một đứa con xa quê nhớ về mẹ già qua bài thơ “Về với má” trong thi tập “Ngày Đi Thương Sợi Khói Bên Nhà”. Ở đó, chúng ta bắt gặp lại dòng sông Hậu với nắng, mà lại là “nắng lưa thưa” mới tuyệt diệu. Bạn có nhớ ra “nắng lưa thưa” là nắng gì không? Xin thưa cùng bạn “nắng lưa thưa”là nắng vào lúc gió nồm nam thổi qua có mang theo hơi nước từ vùng biển Rạch Giá, Cà Mau làm mây đen như báo hiệu trời muốn chuyển mưa ; và những vạt mây đen ấy kéo qua che khuất ánh sáng mặt trời làm cho bầu trời đang nắng bổng dịu mát lại; khi mây bay qua khỏi, bầu trời lại chan hòa ánh nắng…Chỗ này, chỗ kia lác đác những vạt mây đen như vậy làm cho nắng cũng lưa thưa man mác cả một vùng; tức là khi thì nắng, khi mát, cứ thay nhau liên tiếp đến khi trời quang mây tạnh. Rồi tác giả còn dẫn ta về thăm lại cây dừa lão, thăm lại mùa lúa chín, thăm lại mấy gốc bần, giàn mướp khía, cây bình bát, dây me đất, đám ô rô, đám mái dầm, mùi thơm cúc tần cùng hương thơm loài rau có tên sao nháy, cùng vị chua của mớ lá vang…, hết thảy  những hình ảnh và hương vị đồng quê ấy càng làm nỗi nhớ của người con xa quê chập chùng thêm biết bao…:

“Con cũng muốn về thăm lại má
Thăm dòng sông Hậu nắng lưa thưa
Có cây dừa lão thân gầy qúa
Đứng khóc theo mùa con nước đưa
Thấy nhớ làm sao mùa lúa chín
Má ngồi khâu áo ở đầu sân
Thương thằng hai đã nằm trong đất
Thằng Út mơ màng tính vượt biên
Con gởi buồn theo mấy gốc bần
Mấy giàn mướp khía mới đơm bông
Mấy dây bình bát dây me đất
Và đám ô rô lũ mái dầm
Má biết con yêu thích cúc tần
Cái hương sao nháy rất thanh tân
Từ khi con bỏ quên đời lính
Lòng chết còn thương những lá vang”


Còn nữa, nào là kinh xáng múc, rồi có cả tiếng chim bìm bịp kêu mỗi lần nước lớn, cùng tiếng chim tu hú gọi Tết về nơi những bụi tre sau nhà cứ vang vang bên tai mỗi ngày nhưng nay không còn nghe lại nữa càng làm vấn vương hoài trong tâm tưởng của tác giả qua lời trách móc nhẹ mà đau như cắt ruột:


“Ai cắt lià chi từng núm ruột
Mà kinh xáng múc cạn khô dòng
Mà chim bìm bịp chim tu hú
Cũng trốn bay về chốn biển đông.”
(Về với má)

 

Đời sống người dân quê nơi các làng mạc miền Nam chỉ mơ xã hội yên bình để làm một người dân bình thường hầu lo cày bừa cắt gặt kiếm sống qua ngày; nhưng ước mơ bình dị ấy nhiều lúc thời cuộc biến đổi, xã hội loạn lạc, đâu phải ai cũng sống an cư lạc nghiệp được với ruộng vườn của mình. Chính vì thế, trong dân gian có thêm hạng “phó thường dân”, tức là hạng người thấp kém, chưa được là người dân bình thường như mọi người, nên họ là hạng người không bằng ai ngay tong làng quê của mình, nói gì đến các nơi chợ búa phố phường! Tuy vậy, Lâm Hảo Dũng lại “chỉ muốn làm phó thường dân” thôi, mà lại là “phó thường dân Nam bộ”mới là đúng mực Nam Kỳ, tức cũng là một phó thường dân như mọi phó thường dân nhưng rất chịu chơi, không ngán ngại điều gì. Mời bạn nghe tác giả tả nỗi lòng của mình qua niềm mơ ước làm một  người dân quê quèn ấy:


“Phó thường dân tà tà đi bát phố
Ngắm quần loa ống túm áo chim cò
Ngắm tóc dài của tiểu muội tiểu thơ
Đâu cần biết ngày mai mưa hay nắng
 ( Phó thường dân dường như lười biếng tắm)
Đi giữa đồng thèm hát khúc hoài lang
Áo bà ba ai xanh tím đen vàng
Chàng yêu hết nên đem về nhốt kín
Phó thường dân thích giăng câu đặt trúm
Thích lai rai nghe gío mới se buồn
Ngủ dật dờ bên xáng múc chiều hôm
Đời trôi chậm hay nhanh chàng bỏ mặc”

(Tôi Chỉ Muốn Làm Phó Thường Dân Nam Bộ)

Nhưng rồi Lâm Hảo Dũng cũng đành trách than cùng số phận của kẻ xa quê biền biệt mấy mươi năm:


“Phó thường dân mấy mươi năm biệt xác
Bỏ đồng không hiu quạnh gái quê hiền
Bỏ mất hồn thương mãi tiếng chim quyên
Là vĩnh biệt đất nồng thơm sửa mẹ

(Tôi Chỉ Muốn Làm Phó Thường Dân Nam Bộ)


Nỗi thất vọng về một mơ ước đơn giản ấy không thành lại chính là nỗi thất vọng lớn vô cùng, nếu không muốn nói là nhiều lúc nhà thơ của chúng ta tuyệt vọng đến kinh hoàng… Nỗi tuyệt vọng không làm được “phó thường dân Nam Bộ” đó cứ mãi làm cho tác giả càng thấy nhớ mây, nhớ trăng, nhớ con đường làng quê đến não nùng:


“Tôi có cuồng chưa có hóa điên
Khi nhìn mây trắng nóc trời xanh
Con trăng đất khách mà như ngỡ
Đi giữa làng quê của Việt Nam”
(Tên Lữ Hành Phương Đông”


Để rồi thi nhân thả hồn mình hồ nhập cùng hồn quê qua những ngày thân ái cũ:


“Tôi vẫn thèm nghe mắt để trông
Cái hồn cây cỏ thở mênh mông
Những hàng ổi dại bầy chim sẻ
Xô nát rừng phong rực sắc hồng

Những chiếc đầm bay kênh kiệu quá!
Đâu vải quê nghèo áo của tôi
Ai trong buổi tiệc mà không nhớ
Màu cá đồng xanh lục tỉnh ơi!”
(Tên Lữ Hành Phương Đông)


Có thể nói Lâm Hảo Dũng dù ở bất cứ nơi đâu hồn anh cứ mênh mang về một nỗi nhớ quê nhà. Như lời kể của tác giả, một trong những địa danh làm nên nỗi nhớ của nhà thơ là Châu Đốc, một tỉnh lỵ vùng biên giới Việt-Miên một thời lúc tuổi thanh xuân dạt dào nhựa sống anh đã dừng chân và để lại hồn mình miên man trôi theo dòng nước mát với những mùa trăng trên bến nước Cửu Long và nay vẫn còn đọng lại trong trái tim người thì sĩ đầy lãng mạn qua những dòng thơ vừa tình tứ mà ngọt ngào, vừa êm đềm mà tha thiết biết bao với dòng sông, ngọn núi, ánh trăng cùng người yêu bé nhỏ một thời dù nay đã lâu quá rồi và cũng xa quá rồi một thời nhiều nhựa sống ấy … :


“em khóc dòng sông khóc nước sông
ta đi sầu ngát tận trong lòng
nhớ trăng đầu núi trăng đông nội
và những mùa trăng sông Cửu Long

em ở bên kia trời cách biệt
mắt buồn vây kín núi Sam xa
ta như lữ khách không nhà cửa
ngủ đậu trên chùa mỗi tháng ba

em khóc dòng sông đó phải không
ngàn năm vẫn nhớ má em hồng
vẫn yêu đường đá miền Châu Phú
những chuyến đò đêm nước ngược dòng

bởi ta lười biếng làm sao thấy
em đẹp như là hoa hướng dương
vu vơ em hát hay ta hát
mà tóc tung bay rất ngập ngừng

em khóc dòng sông đó phải không
đêm mơ về thấy chín con rồng
vẫy đuôi trên nóc Tây An Tự
đón hội Long Hoa một tối rằm”
 
 (Bài thơ gợi nhớ về Châu Đốc)

Dĩ nhiên rồi, Lâm Hảo Dũng làm sao quên được những bạn bè ngày cũ của anh nữa qua bốn câu kết bài thơ với nỗi lòng chân thành cùng bằng hữu thật tha thiết:

“ta nhớ một đời riêng để nhớ
những mùa trăng cũ bạn hiền xưa
Cồn Tiên bên quán ngồi châm thuôc
rượu ngất ngây hồn vị tiễn đưa”

(Bài gợi nhớ về Châu Đốc)

Nhớ về Châu Đốc là thế, ở đó có nét đẹp riêng của một tỉnh lẻ miền Tây Nam Nam phần mà ai đã có ghé qua và ở lại đó rồi mới thấy được cái nơi tưởng chừng như quạnh quẽ đìu hiu ấy vậy mà rồi khi rời xa hồn vẫn bâng khuâng lưu luyến mãi hoài …

Lâm Hảo Dũng là một chàng trai lớn lên giữa thời chiến, cũng như anh, những chàng trai thời ấy không chọn cho mình cái nghề đánh giặc thế mà rồi cũng phải lên đường ra trận. Có bận anh về qua Năm Căn, Cà Mau với dòng sông Trẹm như một kỷ niệm khó quên dù nay không còn chiến tranh như bao mùa binh biến cũ với lời thơ vừa như tâm tình vừa như trách móc:

sontrem


 “Ấy dòng sông Trẹm tôi quen
Nắng cao để lắng vị phèn đỏ hoe
Người đi đâu biết sang hè
Chỉ nghe quanh quẩn tiếng ve gọi sầu
Em khăn tắm quấn ngang đầu
Nhìn tôi con mắt bạn thù ai hay?

Ấy dòng sông Trẹm xưa nay
Còn thương cây mắm rễ cài trên không
Lênh đênh em một chiếc xuồng
Ðời tôi lính trận cỏ bồng chân mây
Xa nhà mượn chén rượu cay
Khóc khi mai biết tuổi đầy buồn lên

Ấy dòng sông Trẹm tôi quen
Nhà ai đã vội đốt đèn đêm nay
Dầu mù u ngọn lắt lay
Em nơi âm phủ khói bay tìm về
Hận người con muỗi vo ve
Nằm trong cuộc chiến bạn bè giết nhau

Ấy dòng sông Trẹm trôi mau
Nước đi nhắc lại cái màu thời gian
Nhớ hồi ở miệt Năm Căn
Rải quân mấy cụm đóng đồn giữ dân
Mùa khô con cá thưa dần
Tôi xui xẻo biết em làm giao liên
Ấy dòng sông Trẹm tôi điên
Thề không trở lại đi thuyền năm xưa.”

 (Ấy dòng sông Trẹm tôi quen)

Là một người lính, Lâm Hảo Dũng nay đóng quân ở nơi này mai nơi khác như một kẻ giang hồ phiêu bạt. Rời Nam Căn miệt U Minh, nhà thơ và người lính Lâm Hảo Dũng lại ra trấn thủ vùng cao nguyên Pleiku, Kontum như một thách đố với con người vốn sanh ra và lớn lên từ miền châu thổ đồng bằng. Nhưng cũng chính nhờ vào những chuyến đi mang nhiều thay đổi ấy, tác giả đã cho người đọc có những câu thơ viết về vùng cao nguyên xa mù ấy thật dạt dào:


“Con đường ấy vẫn hoen màu bụi đỏ,
Gió lơ thơ nghe nắng mới ngập hồn.
Anh sống thở trong tâm hồn trai trẻ,
Nghe nỗi buồn đâu đó đến phân vân.

Hoa cúc dại thắm trên đường xa tắp,
Và quê hương tha thướt lá xanh trà.
Em có thả những chòm mây nhung nhớ,
Cho rừng hoang im vắng tiếng chim ca.

Đời viễn khách mơ hồ không biết được,
Bước chân vang rộn rã buổi quay về.
Em mắt biếc hồn nhiên bên cánh cửa,
Gửi hư ơng nồng quay quắt bóng người đi .”
 (Chiều hàm Rồng)


Ngày nay dù qua đi hơn 35 năm, nhưng đọc lại những câu thơ Lâm Hảo Dũng viết về vùng ba biên giới với những địa danh một thời ngập tràn khói lửa, lòng tôi sao thấy nao nao về một nỗi hiểm nguy ghê rợn của ngày nào … Những địa danh như núi Phượng Hoàng, Pleiku, KonTum, Tân Cảnh, Daksut, Dakpet, Ngok Long, Poko, Konko, Dakbla, Đường 14, và nhiều địa danh khác là những dấu binh lửa một thời khó phôi pha trong lòng người lính và nhà thơ Lâm Hảo Dũng. Xin mời bạn đi vào một vài chứng tích ấy qua một vài câu thơ của tác giả:

“Một mai về lại tam biên đó
Hãy ngắm Poko núi Phương Hoàng
Thấy tao như một vầng trăng nhỏ
Ngủ dưới chân rừng đêm tối đen”

 (Một mai về lại tam biên đó)

Và trong “Tân Cảnh hồn tôi”, Lâm Hảo Dũng cho người đọc thấy được khói lửa chiến tranh đang ngùn ngụt cháy ở nơi vùng núi đồi cao nguyên với núi rừng bao la ấy và lúc nào cũng ngan ngát cái dũng khí của một người lính trận nhớ núi nhớ rừng:

“Từ dạo tôi rời thị trấn núi
Bỏ con đường dốc nắng lưa thưa
Bỏ chùa hiu quạnh hàng thông đứng
Bỏ giáo đường im bóng xác xơ
Những trưa quán cốc nhìn mưa xám
Còn thấy mây mù đỉnh Ngok Long
Giặc cắt đường về trên Daksut
Hỏi đồn Dakpet lạnh lùng không?
Ai lên Trí lễ mùa cam chín?
Ngắm hộ dùm tôi cảnh Phượng Hoàng
Địch chở đạn bom về gởi bán
Nên trong mùa gặt ngút điêu tàn
Quê hương buồn gởi theo biên giới
Những lá rừng xanh mới của tôi
Hãy ngang tàng lớn đừng kinh khiếp
Cho đất miền cao đẹp núi đồi”


Mặc dù trên những mặt trận mà người lính thi sĩ ấy đi qua đầy những vết tích chiến tranh với biết bao gian nguy, thế nhưng khi biết mình sắp đổi về đồng bằng, Lâm Hảo Dũng thấy nhớ lại những ngày lãng mạn một thời qua bốn câu kết trong bài “Pleiku Sầu Gởi Lại”


“Đời lính trận trên cây cầu sống chết
May còn em làm ấm chút vui lây
Rời bỏ núi tôi sắp về châu thổ
Lửa buồn ơi đem hỏa táng tôi đây”


Nhưng có lẽ hình ảnh chiến tranh rõ nét nhất nơi con đường 14 với mùa Hè Đỏ Lửa năm nào :


“Ai biết con đường loang máu đổ
Những hồn lưu lạc dưới Poncho
Những hồn vất vưởng bên bờ suối
Đi hái hoa xuân mọc dưới mồ
Ta bỗng cười khan đùa chiến trận
Bình Tây chưa chết vẫn còn đây
Hạ Lào đi suốt vùng biên giới
Nhìn Ngok Tu Ba xác ngập đầy
Hè nay ta lại trên đầu súng
Chợt xót xa cho khách chiến bào
Đang đốt đời trong cao điểm đó

(Bao giờ thấy lại ngọn Chư Pao?)


 (Đường số 14)


Và viết về mùa hè năm 1972 đã qua rồi ấy, Lâm Hảo Dũng có một bài thơ khó làm cho người đọc bỏ qua được với mấy câu thơ mà mỗi lần đọc lại tôi vẫn nghe lòng mình buồn vô hạn…:


“Khi em bỏ Pleiku về với biển
Một ngày vui tôi kiếm cũng không ra
Nắng tháng năm nóng theo màu cuộc chiến
Tôi lên rừng săn đuổi đám mây xa
Đồi Lam Sơn để ngóng về Tân Cảnh
Dakto ơi !tôi tạm biệt bao giờ
Rồi soát điểm rồi nằm quanh Trung Tín
Rồi hoa đời chưa nở đã tuơi khô
Cho tôi thấy một mùa hè đỏ sắc
Đẹp não nùng trong từng gốc gai thơm
Và trên những chỗ ngồi ươn ướt đất
Bằng hữu tôi vừa trút thở linh hồn”
(Đã qua rồi một mùa hè) (1972)


Theo nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh, “Lâm Hảo Dũng có hai câu thơ đọc nghe nhức nhối, như luồng điện dí vào da thịt. “Chư Pao ai oán hờn trong gió.

Mỗi một khăn tang một tấc đường. ”

Câu thơ của những ngày hè đỏ lửa 1972, khi chốt Chư Pao của Bắc quân cắt ngang đường tiếp tế cho Kontum đã biết bao nhiêu chiến sĩ hai bên hy sinh và biết bao nhiêu tấn bom đạn đã đổ trên mỏm núi.”(2)


Lâm Hảo Dũng còn nhiều lắm những bài thơ viết về chiến tranh như vậy, nên làm người đọc có cảm tưởng anh đang viết bút ký chiến tranh bằng thơ. Nhưng có lẽ cũng ghi nhận thêm một điều này nữa là ngoài những nỗi nhớ mang mang về chốn cũ kể cả nơi làng quê vùng đồng bằng và các vùng chiến địa cao nguyên một thời mà anh đã xông pha nơi các trận mạc ấy, Lâm Hảo Dũng khi chợt nhận ra mặt trận nào rồi có ngày sẽ êm tiếng súng, chiến tranh nào rồi cũng kết thúc một thời kỳ và người lính trẻ năm nào rồi cũng phải giã từ vũ khí với màu thời gian phảng phất trên mái tóc điểm sương khi tuổi đời thấp thoáng ở ngưỡng cửa năm mươi, cái tuổi mà người xưa gọi là “Ngủ thập tri thiên mệnh”, và rồi tác giả có bài thơ “Cho tôi hoài ở tuổi năm mươi”. Chắc có lẽ bài thơ này tác giả làm khi anh vào độ tuổi năm mươi ấy, nay thì đã qua rồi cái thủa “năm mươi” rồi mà sao nghe như vẫn tha thiết lắm về một ước vọng xa xăm …


Cho tôi hoài ở tuổi năm mươi
Để tôi thấy tôi còn xuân sắc
Mây vẫn chở khoảng trời xanh ngan ngát
Tôi sợ rồi ai gọi tiếng buồn ôi

Tôi cô đơn ôm bóng tối cuộc đời
Tôi kinh khiếp đếm thời gian lặng lẽ
Tôi còn trẻ nghìn năm tôi vẫn trẻ
Đừng mang tôi rời bỏ tuổi năm mươi
Đêm quạnh quẽ tưởng chừng như lắng đọng
Tiếng tôi rên từng nhịp thở rung đều
Tôi cứ chờ triệu ngàn năm ánh sáng
Một bóng hình tôi ghét gọi người yêu

Cho tôi hoài ở tuổi năm mươi
Tôi thấy có thiên đường và địa ngục
Tôi bật cười đâu hay tôi sắp khóc
Tình yêu ơi tôi chối bỏ lâu rồi”

Dĩ nhiên rồi, làm sao ở mãi tuổi năm mươi, làm sao níu lại được thời gian, phải không thưa anh? :


“Thế là tôi lừa dối chính tôi thôi
Thế là tôi chôn sống trái tim người”
(Cho tơi hồi ở tuổi năm mươi)


Vốn thi sĩ là những nghệ sĩ với một tâm hồn lãng mạn vơ bờ và tâm hồn Lâm Hảo Dũng cũng bềnh bồng trong sơng nước giĩ trăng lãng mạn ấy . Với bài thơ “Tôi Vẫn Biết Em Buồn Bên Mái Lá”, là  một trong những vần thơ chan chứa cái chất lãng mạn ấy:


“Tôi vẫn biết em buồn bên mái lá
Hàng bụp thưa đôi búp nhú ơ hờ
Đất xa trời bao năm mà đất nhớ
Những ngày giông đêm tối hẹn hò mưa”


Nhưng điều tôi muốn ghi nhận nơi đây là cái chất quê nhà ở trong thơ Lâm Hảo Dũng nó bền bỉ biết dường nào ! Khi bạn nghe ra những chữ như “thương hàng cau ngan ngát”, “em hãy cắn giùm tôi vài quả ổi”, “chùm mận tươi khi gió chuyển mùa sang”, “Nhớ đầu doi cuối vịnh”, “mái chèo”… là bạn sẽ cảm nhận nơi thơ Lâm Hảo Dũng dù có trải qua bao năm tháng dài bao lâu đi chăng nữa và tuổi đời dù có không được “ở hoài tuổi năm mươi” đi nữa, thơ anh vẫn thênh thang một trời quê nhà yêu dấu ấy :


“Em có mắt của một đời xa xứ
Thương hàng cau ngan ngát mấy chân vườn
Thương chết được nhưng bao giờ thấy lại
Bóng hình tôi về ngủ giữa hồn em
Tiếng chim hót sao nghe buồn qúa đổi
Bởi ngày qua nắng tắt sợi thu vàng
Em hãy cắn giùm tôi vài qủa ổi
Chùm mận tươi khi gío chuyển mùa sang
Tôi vẫn biết em buồn bên mái lá
Hỏi giòng sông đưa nước đến bao giờ?
Sông xa nguồn chắc sông sầu muốn khóc
Nhớ đầu doi cuối vịnh mái chèo khua
Đâu chỗ vá trên áo người cô phụ
Một thời xưa duyên dáng cuốn qua rồi
Nghe đứt ruột tưởng chừng trong đáy cốc”
 (Tôi vẫn biết em buồn bên mái lá)


Tóm lại, theo thiển ý của tôi, cho dù có phải trải qua những mùa chinh chiến cũ, cho dù có phải lang bạt kỳ hồ ở bất cứ gốc biển chân trời nào, hồn thơ của Lâm Hảo Dũng chính là ngọn gió nồm nam vùng Bố Thảo (Sốc Trăng) mãi hoài mang hương đồng cỏ nội vùng sông nước Hậu Giang thổi mãi tận cuối trời … Chính vì thơ anh là ngọn gió nồm nam vùng Bố Thảo ấy nên cái nét đặc sắc của nó là mát và ngọt. Cái mát của gió và cái ngọt của sông nước Hậu Giang, của những mảnh vườn ngào ngạt hương hoa, của những cánh đồng lúa vàng bông trĩu ngọn làm thành những câu thơ chuyên chở được cái hương nội cỏ đồng dù quê mùa đó nhưng êm đềm; dù nghèo khó đó mà thơm tho, thanh bạch; dù giản dị đó mà thâm thuý vô cùng. Cái nét đặc thù ở thơ Lâm Hảo Dũng là do cái tinh chất của gió, của nước, của ruộng rẫy, của vườn quê làm nên những câu thơ mang phong cách rất riêng và rất trữ tình của vùng châu thổ miền Tây Nam nước Việt vậy !

 


Houston ngày 19-11-2010

 

Phụ chú:

(1) “Trần Phong Giao và những người viết trẻ” của Trần Hoài Thư, trên mục “Nguyễn Xuân Hoàng và Bạn Hữu” trang VOA, ngày 03-11-2010

(2)Bài “Giới thiệu thơ Lâm Hảo Dũng” của Nguyễn Mạnh Trinh, trang báo Người Việt Boston, ngày 28-2-2009