Trang Chính    Hộp Thư    Truyện Thật Ngắn    Truyện Ngắn    Thơ    Bút Ký    Góp Nhặt    Trang Xuân    Hình Ảnh    SK và Gia Đình    Vui Cười    Tin Vui    Phân Ưu
Ẩm Thực/Gia Chánh    TG & Tác Phẩm    Cùng Tác Giả   


ỐC GẠO TÂN PHONG

Nguyễn Kim


   Xã Tân Phong (huyện Cai Lậy- Tiền Giang) là một cù lao do phù sa bồi đắp, thuộc hạ lưu sông Cửu Long. Ngoài thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ, cây trái bốn mùa tươi tốt, Tân Phong còn nổi tiếng với đặc sản ốc gạo. Theo truyền khẩu, từ hơn 200 năm trước đã có cảnh ghe thuyền xuôi ngược trao đổi gạo lấy ốc nên thành tên gọi chăng?. Trong sách “Gia Định thành thông chí:, Trịnh Hoài Đức mô tả: “Sông Kiến Đăng (thuộc huyện Cai Lậy ngày nay) có thứ ốc gạo vỏ trắng, to tròn bằng ngón tay. Khi nấu chín thì dưới cái yếm lòi ra đùm mỡ trắng như hột gạo, vị rất ngon, vỏ dùng làm vôi…”. Ngày xưa, vỏ ốc gạo nung làm vôi ăn trầu ngon hơn vôi Càng Long làm từ mỏ đá vôi. Ốc gạo sinh sản nhiều ở lưu vực Cồn Bầu, Cồn Tre, Ba Rài, Cồn Tròn. Đặc biệt, ốc Cồn Tre ngon nhất nhờ sống vùng cát sần nên ốc to, vỏ xanh, ruột đầy. Có câu nói vui “Ốc Cồn Tre, hai người đè, một người lể”. Ốc sống nơi khác vì cát lẫn bùn nên vỏ ốc hơi đen, nhỏ, ruột lỏng.


   Ốc gạo đẻ khoảng tháng 7 âm lịch, đến tháng 4, tháng 5 năm sau là đến kỳ thu hoạch. Lúc này ốc to cỡ hột mít, mập, thịt dai, độ béo cao. Trước đây, vùng giáp nước giữa đầu cù lao Ngũ Hiệp với đuôi cù lao Tân Phong được gọi là “rọ ốc” vì mật độ ốc dày, nằm chồng lên nhau cả tấc. Cho ốc sống vào rổ đặt trong thau nước cách đáy vài đốt ngón tay, lâu lâu xốc cho ốc nhả cát. Luộc ít nước, ăn ốc lúc còn nóng và chấm với nước mắm chanh ớt. Người ta còn lể ốc làm gỏi ăn với bún hoặc cuốn bánh tráng cùng dừa rám nạo, rau sống chấm nước mắm chua ngọt cũng rất hợp khẩu vị. Ruột ốc vàng ươm, săn chắc, thơm; nhai vừa giòn, vừa ngọt, béo. Thịt ốc gạo không nhớt hoặc nhạt như các loại ốc khác, ăn no không hại bụng.

   Ngày trước, vào mùa ốc gạo rộ, lưu vực Tân Phong xuống ghe giặng mắc hàng trăm chiếc giống như chợ nổi. Khi nước ròng, tiếng tù và của người chỉ huy trầm vang mặt nước, lan tỏa cồn bãi mênh mông và đó cũng là hiệu lệnh cào ốc. Bắt ốc gạo có những cách phổ biến:


  - Lặn cồng cộc: Một người một xuồng tìm chỗ giữa hai vồng đất cát nổi, cắm sào. Lấy hơi lặn sát đáy sông, bám sát sào, một tay dùng “lợi cào” hình cánh cung, xốc cát cho ốc rơi vào lưới phía sau. Lặn chừng mươi hơi xem chừng hết ốc quanh sào thì chống xuồng nơi khác. Bắt ốc gạo cách này rất cực, mỗi buổi lặn hàng trăm hơi, da thịt mềm nhão bị ốc hở môi trên cắt tay ngọt như dao lam. Có lẽ vì lặn dài hơi và nhiều lần dưới nước giống con “cồng cộc” bắt cá nên gọi là lặn cồng cộc chăng?


  - Lặn điên điển: Thường là những người đàn bà đơn chiếc cắm sào, neo xuồng rồi buộc dây ngang lưng, cổ đeo giỏ tre, mặt quay hướng ngược nước, hai tay đập lấy hơi rồi lặn sát đáy sông; giống con điên điển. Trong khoảng thời gian chừng hai mươi giây ở dưới nước, tranh thủ dùng tay hốt ốc bỏ vào giỏ. Trồi nhanh lên, trút ốc vô xuồng rồi lặn tiếp. Có câu hò nói lên nỗi gian nan, vất vả của người phụ nữ thời ấy: “Đêm khuya sông rộng cồn dài/ Suốt đêm lặn hụp nghèo hoài em ơi!”.


   Đó là những cách bắt ốc thời xưa. Bây giờ người ta bắt ốc với quy mô lớn bằng ghe gắn máy mạnh. Họ dùng cào lớn, răng đinh, rọ dài rà sát đáy sông. Sử dụng “tời” kéo cào lên, đổ ốc vào khoang, quay ghe cào luồng khác. Đây là nguyên nhân chính làm cạn kiệt dần nguồn ốc gạo thiên nhiên: cào răng đinh vét cả ốc nái, đâm nát vỏ ốc non, bất chấp thời kỳ ốc sinh sản…

   Hiện nay, chính quyền địa phương đã có biện pháp quản lý chặt chẽ nguồn ốc gạo, chỉ cho phép thu hoạch vào thời gian thích hợp với phương tiện quy định, hợp lý. Nhờ vậy, mọi người còn có được món đặc sản ăn một lần khó quên: ốc gạo Tân Phong.

 

 NGUYỄN KIM