Trang Chính    Hình Ảnh    Hộp Thư    Truyện Thật Ngắn    Bút Ký    Truyện Ngắn    Thơ    Góp Nhặt    Sức Khỏe và Gia Đình    Gia Chánh    Tin Tức    Cùng Tác Giả

 

CHÂU ĐỐC

 

                                                                                                Nguyễn Thanh Liêm

 

Châu Đốc là tỉnh địa đầu của Miền Tây Nam Việt, nằm bên biên giới Việt Miên. Phía Tây và phía Bắc của Châu Đốc là nước Kampuchia(Cao Miên) . Phía Đông và Đông Nam là hai tỉnh Kiến Phong và An Giang. Rạch Giá, tức tỉnh Kiên Giang là tỉnh giáp giới phía Nam của Châu Đốc. Diện tích của tỉnh Châu Đốc là 2,759 cây số vuông. Tỉnh lỵ ở cách Sài Gòn 245 cây số đường bộ, về hướng Tây. Châu Đốc là vùng đất sau cùng trong quá trình thành hình của Miền Nam nước Việt. Năm 1757 vua Miên là Nặc Tôn dâng đất Tầm Phong Long cho Chúa Nguyễn để trả ơn, trong đó có Châu Đốc. Thời này Châu Đốc chỉ là một địa điểm quân sự, một đồn binh của Việt Nam, một “đạo” theo chữ dùng thời Gia Long – Minh Mạng, chưa có dân chúng định cư sinh sống. Từ năm 1817 trở đi Châu Đốc mới bắt đầu trù phú nhờ chính sách mở rộng cương vực của Chúa Nguyễn. Triều đình đặt chức Quản Đạo, Cai Phủ để mộ dân đến khai khẩn đất đai mở mang nông nghiệp. Kinh Vĩnh Tế đào xong lại đem thêm cho Châu Đốc nguồn nhân lực và tài lực rất đáng kể. Xin mời bạn hãy cùng tôi đi một chuyến về miền biên tái xa xôi này.

 

Yếu tố địa lý núi non sông nước có giá trị văn hoá vô cùng quan trọng ở đây. Hai nhánh lớn của Cửu Long còn rất gần nhau là Tiền Giang và Hậu Giang đều chảy qua tỉnh này. Ở đây người xưa xem sông Cửu Long là con sông quý nên còn có tên Bửu Giang. Qua khỏi Châu Đốc hai nhánh sông này mới bắt đầu dang ra dần. Châu Đốc là con đường giao thông và giao lưu quan trọng giữa hai quốc gia và hai dân tộc Miên Việt. Kinh Vĩnh Tế quan trọng nổi tiếng của Miền Nam dọc theo biên giới Việt Miên, nằm trong tỉnh này. Núi Sam với miểu Bà Chúa Xứ hằng năm có cả trăm ngàn người về dự lễ Vía Bà, và Thất Sơn huyền bí – “Miền Năm Non Bảy Núi” – đều ở nơi đây. Thất Sơn, ngọn núi quý hay Bửu Sơn, là cái nôi của một tôn giáo quan trọng của Miền Tây Nam Phần là Bửu Sơn Kỳ Hương với sự nối tiếp của Phật Giáo Hoà Hảo. Châu Đốc cũng là nơi sinh sống của một bộ phận rất quan trọng của dân tộc Chăm (hay người Chàm) mà người miền Nam thường gọi là Chà Châu Giang. Chúng ta hãy duyệt qua những nét văn hoá đặc thù của tỉnh ven  biên này.

 

Trước Đại Chiến Thế Giới Thứ Nhất người dân Châu Đốc chưa biết trồng lúa sạ. Họ vẫn theo lối trồng lúa nước cổ truyền của dân Việt. Lối trồng lúa cổ truyền này thất bại hoàn toàn ở vùng này vì vào mùa mưa, “mùa nước nổi”, nước sông Cửu Long dâng cao từ 1.5 thước đến 4.5 thước làm cho lúa chết và mùa màng bị hư hại hết. Người nông dân rất khổ sở, họ phải đi mua lúa gạo từ những nơi khác đem về sinh sống. Phải đến khoảng cuối thập niên 1920 nhờ sự khám phá ra giống “lúa sạ” của ông Phan Văn Vàng người nông dân mới gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp với loại ruộng bị nước ngập mênh mông vào mùa nước nổi ở vùng này. Lúa sạ là loại lúa không cần phải cấy, chỉ cần rải hạt giống (sạ) xuống ruộng rồi tự nó sẽ mọc lên. Đặc biệt là nó cứ lên cao theo mực nước, mực nước sông Củu Long lên cao bao nhiêu thì lúa cũng cao theo bấy nhiêu. Người Pháp gọi nó là lúa nổi (riz flottant), loại lúa hoàn toàn thích hợp với vùng nước nổi ở Long Xuyên Châu Đốc. Giống lúa này đã có từ xưa ở Miên nhưng người Việt mình chưa biết đến. Ông Phan Văn Vàng sống về nghề mua bán cá sấu ở bên Miên. Trong khi qua lại mua bán bên đó ông thấy được cách trồng lúa sạ của người dân Miên. Ông bèn mua lúa giống này đem về phổ biến ở Châu Đốc. Lúa sạ phát triển nhanh từ đó, đem lại nguồn lợi lớn lao cho nông dân vùng Châu Đốc Long Xuyên. Người dân ở đây nhớ ơn ông Vàng, lấy tên ông đặt tên đường trong thành phố như ở Tân Châu chẳng hạn. Trong quận lỵ Tân Châu có con đường mang tên Đường Phan Văn Vàng là vậy.

 

Ngoài lúa sạ Châu Đốc còn nổi tiếng về tơ tằm, nhất là ở quận Tân Châu. Từ xưa Tân Châu đã nổi tiếng là “xứ tằm tang”. Các làng mạc ở đây đều có trồng dâu nuôi tằm, đặc biệt là ở các xã Vĩnh Hoà, Tân An, Vĩnh Xương, Long Phú. Một số xã lân cận, thuộc quận khác cũng trồng dâu nuôi tằm như Thường Phước, Long Khánh, Long Thuận (quận Hồng Ngự). Hàng danh tiếng ở Tân Châu là lãnh “Mỹ A” rất được dân Miền Nam ưa chuộng. Gần đây khi các lò nhuộm bắt đầu nhuộm bằng mặc nưa thì lãnh Mỹ A càng được người ta ưa thích hơn nữa vì hàng đen mướt và không phai màu. Trái mặc nưa xưa kia phải mua từ Kampuchia nhưng sau này người ta cũng bắt đầu trồng ở Việt Nam.

 

Có loài cá đặc biệt có rất nhiều ở vùng Châu Đốc, nhất là ở miệt Tân Châu, Hồng Ngự, nhiều đến độ người ta phải dùng làm phân bón vì ăn không hết, mà làm mắm hay làm nước mắm cũng không hết. Đó là con cá linh, một giống cá trắng có vảy nhỏ, xuất phát từ vựa cá thiên nhiên của biển Hồ bên Miên. Hằng năm cứ đến ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch thì nước sông Cửu Long bắt đầu quay (nổi màu đục ngầu từng cụm từng cụm  quay quay), tức là từ đó nước mưa từ trên nguồn bắt đầu đổ nhiều vào sông Cửu Long khiến nước dâng lên dần thật cao. Khi nước quay thì cá linh bắt đầu nở con li ti bằng cọng chân nhan. Các con cá linh con li ti này bắt đầu rời nơi sinh ra đời, thả lênh đênh theo dòng nước Cửu Long, trôi giạt về miền Châu Đốc Long Xuyên, xuống tận miền Hậu Giang. Nước sông mênh mông tràn lên đầy ruộng đồng vườn tược, cá linh cũng tràn lan theo nước, chổ nào cũng có. Lúc này cá linh đã lớn bằng đầu chiếc đủa. Đợi lúc nước hạ (thượng tuần tháng 10 âm lịch), chúng lần lượt ngược giòng Cửu Long trở về quê hương biển Hồ. Người ta đánh cá linh bằng cách xây đáy, ven đăng, đặt rọ theo mương, theo mấy khúc doi, theo các ngọn rạch, hoặc “vồn” (tức là xúc cá linh bằng dụng cụ đặc biệt giống như cây vợt thật to gọi là vồn). Người ta đi vồn cá linh bằng ghe, gọi là ghe vồn. Những người chỉ đánh cá linh để ăn trong nhà thì dùng một thứ dụng cụ đươn bằng tre gọi là “bò”. Qua mùa cá linh “lên” (ra đầy sông rạch) thì dọc theo bờ sông Tiền Giang từ biên giới Miên xuống đến Vàm Nao (xã Hoà Hảo), bến nào cũng có người ta thả “bò”, đốt đuốc dài dài theo bờ sông, nhộn nhịp kéo “bò”gọi nhau ơi ới làm vang dội cả một góc trời. Trong một đêm, mỗi cái bò có thể được kéo lên đôi ba dác, và mỗi dác như vậy có thể có đôi ba giạ cá linh. Đó chỉ là người thường đánh để ăn trong nhà. Những ghe đáy chuyên môn đánh cá linh để làm mắm và làm nước mắm thì không biết bao nhiêu giạ mà kể. Cá linh có thể nướng, có thể nấu chua, có thể kho hầm. Làm gì ăn cũng béo, cũng bùi cũng rất là ngon miệng. Đầu cá linh ăn cũng rất ngon, nhất là đầu cá linh kho hầm ăn với cơm cháy thì ngon hơn bánh mì cá mòi nhiều lắm.

  

Nói đến Châu Đốc là phải nói đến Núi Sam. Núi Sam ở cách tỉnh lỵ Châu Đốc 5 cây số. Núi Sam nổi tiếng vì ở đây có Miểu Bà Chúa Xứ, có Chùa Tây An và có Lăng Thoại Ngọc Hầu. Trong các đền thờ ở Miền Nam hiện nay có lẽ Miểu Bà Chúa Xứ là nơi quy tụ khách thập phương về nhiếu nhất, hơn cả Miểu Bà Đen ở Tây Ninh. Đây là một ngôi miếu rộng, vách gạch lợp ngói, nơi chánh điện có pho tượng Bà rất to, sơn phết rực rỡ. Tượng này không biết do ai tạc nhưng theo các nhà cổ học thì đây là tượng kiến trúc theo các nhà tạc tượng đạo Bà La Môn có thể vào khoảng trước thời Đế Thiên Đế Thích. Tượng cao 1 thước 25, nặng trên một tấn. Trước kia tượng đặt ở lưng chừng núi. Thoại Ngọc Hầu phu nhơn xây dựng Miếu ở dưới chân núi rồi cho thỉnh tượng về đây. Tương truyền rằng lúc đầu phải dùng nhiều người đàn ông lực lưỡng để di chuyển nhưng đám đàn ông này không cách gì khiêng nổi bức tượng, sau cùng phải nhờ đến sức của hằng trăm trinh nữ mới xê dịch được pho tượng rất linh thiêng này. Hai bên bàn thờ Bà có hai câu đối nói lên sự linh ứng của Bà:

“Cầu tất ứng, thành tất linh, mộng trung chỉ thị,

  Xiêm khả kính, Thanh khả mộ, ý ngoại nan lường.”

Tín ngưởng Bà Chú Xứ là tín ngưởng chịu ảnh hưởng hay đã được vay mượn của người Chàm. Trong quá trình phát triển về phương Nam người Việt đã giao lưu, vay mượn một số nét (traits) văn hoá, nhất là về kỹ thuật và tín ngưởng, của những dân tộc khác như Chăm và Khmer. Ở Châu Đốc, hay nói rộng ra cho cả Miền Tây Nam Phần, chỉ có hai cuộc lễ qui tụ đông đảo quần chúng nhất, đó là ngày “Vía Bà” ở núi Sam và ngày kỷ niệm thành lập giáo hội Phật Giáo Hoà Hảo tại Thánh Địa Hoà Hảo. Ngày Vía Bà là ngày 25 tháng 4 âm lịch, và ngày kỷ niệm thành lập Phật Giáo Hoà Hảo là ngày 18 tháng 5. Vào những ngày này đường lưu thông thường bị tắt nghẻn bởi những đợt người từ các nơi tựu về.

 

Cách Miểu Bà Chúa Xứ chừng vài trăm thước là Chùa Tây An. Chùa được xây cất vào năm Thiệu Trị thứ bảy (1847) lúc đầu còn nhỏ, lợp tranh với một ít tượng Phật do Tổng đốc Doản Uẩn thiết lập. Dần dần khách thập phương đến chùa dâng cúng nhiều tượng Phật khiến sau này chùa phải mở rộng ra và chứa trên 140 cốt Phật. Ngoài tượng Phật chùa có thờ cả tượng Thần Nông, Huỳnh Đế, Ngọc Hoàng. Ở phía hậu đường, ngay căn giữa có đặt một bàn thờ lớn trên đó có một pho tượng có mang mắt kiếng, cằm có râu, mặc áo nâu sồng, vẻ mặt từ ái. Đó là tượng Đức Phật Thầy Tây An, người đã làm cho ngôi chùa này phát triển không ngừng từ mấy chục năm qua. Phật Thầy Tây An tên thật là Đoàn Minh Huyên, sinh ngày rằm tháng mười năm Đinh Mão (1807) tại làng Tòng Sơn, tổng An Thạnh Thượng, tỉnh Sa Déc. Đức Phật Thầy bỏ nhà ra đi từ lúc nhỏ, không biết đi đâu làm gì? Mãi đến năm Kỷ Dậu (1848) Ngài mới trở về quê cũ. Ngay lúc đó bệnh dịch tả đang hoành hành ở vùng này. Ngài ra tay cứu chửa làm cho bao nhiêu người thoát chết. Tên tuổi Ngài vang dội khắp nơi, bổn đạo theo Ngài càng lúc càng nhiều khiến chánh quyền đâm ra lo ngại, phải tìm cách quản thúc Ngài ở Châu Đốc. Để tiện việc kiểm soát, chánh quyền chỉ định cho Ngài đến ở tại Chùa Tây An. Tại đây Ngài đã cảm hoá được vị hoà thượng ở chùa này và thu hút hằng vạn tín đồ về với Ngài. Từ đó người ta xem Ngài như một vị Phật, và tôn xưng Ngài là Phật Thầy Tây An. Đạo của Ngài cũng là đạo Phật nhưng cách lập giáo của Ngài khác hơn cách lập giáo của các nhà sư đương thời. Ngài giản dị hoá thủ tục thờ cúng, không gỏ mõ tụng kinh, không cạo đầu mặc áo cà sa, không cần phải cất chùa xây tượng Phật. Tu ở đâu cũng được, miễn tránh điều ác, làm điều lành, rửa lòng trong sạch, thực hành bốn ơn lớn (Tứ Ân) là ơn tổ tiên cha mẹ, ơn đất nước, ơn tam bảo, ơn đồng bào nhân loại. Giáo lý của Ngài có phần mâu thuẫn với khung cảnh của chùa Tây An với hằng trăm tượng Phật bên trong. Thật ra thì chùa đã được xây dựng từ lâu trước khi Ngài bị chánh quyền đưa tới. Việc dâng cúng tượng Phật đã có từ trước và Ngài không muốn chen vào, thay đổi chính sách sẵn có của chùa. Đạo của Ngài cũng được gọi là Bửu Sơn Kỳ Hương là nguồn gốc của Phật Giáo Hoà Hảo sau này.

 

Lăng Thoại Ngọc Hầu nằm ở chân núi Sam, bên trái con đường Châu Đốc – Tịnh Biên. Qua nhiều bậc đá người ta sẽ lên đến một sân rộng ở trên cao có bốn trụ đá khổng lồ đứng sừng sửng ở phía trước, và nhiều ngôi mộ cái cao cái thấp ở bên trong. Sau hàng chục ngôi mộ là một đền thờ xây dựng dưới những tàn cây u nhả. Đền xây bằng tường vôi, nền đá tựa lưng vào núi Sam. Thoại Ngọc Hầu có nhiều công đối với triều đình nhà Nguyễn và nhất là có nhiều công ơn đối với người dân Miền Nam. Gốc người Quảng Nam, tên thật là Nguyễn Văn Thoại, theo Gia Long đánh Tây Sơn, đi công cán bên Xiêm, bên Miên và Lào, giử nhiều chức vụ quan trọng như Chưởng Cơ Bắc Thành, Trấn Thủ Lạng Sơn, Trấn Thủ Định Tường, Bảo Hộ Cao Miên, Trấn Thủ Vĩnh Thanh, Khâm Sai Thống Chế án thủ Châu Đốc, v v. . . Nhưng công tác được người đời nhớ nhiều nhất là công việc khẩn hoang và đào kinh. Ông bảo : “Thần thụ mệnh vua, siêng năng kính cẩn, nhóm dân lập ấp, tuỳ xem địa thế: một đường ngang song song ra đến trường giang, một đường thẳng lên Sốc Vinh, một đường ngay đến Lò Gò. Vổ về dân sự, mở mang thôn ấp, khai khẩn ruộng vườn, tuy trong muôn phần chưa thoả mãn được một, nhưng đem nay mà sánh xưa, thì đã khác lạ lắm.”  Ngoài những công việc quan trọng trên, ông còn đào hai con kinh rất có giá trị quân sự, kinh tế, chính trị và xã hội đối với Miền Nam. Con kinh thứ nhất ăn thông từ Long Xuyên qua Rạch Giá được triều đình nhà Nguyễn đặt tên là Thoại Hà và núi bên cạnh kinh là núi Thoại Sơn (lấy tên của Nguyễn Văn Thoại). Con kinh thứ nhì quan trọng hơn nữa, đó là con kinh chạy dài từ Châu Đốc đến Hà Tiên, dọc theo biên giới Miên Việt. Kinh này được vua Minh Mạng đặt tên là Vĩnh Tế Hà, và phần núi Sam bên cạnh kinh này được đặt tên là Vĩnh Tế Sơn (Vĩnh Tế là danh xưng của Nhất Phẩm phu nhân của Bảo Hộ Thoại).

 

Ngoài núi Sam, Châu Đốc còn có phần núi Thất Sơn, vùng núi đầy mầu nhiệm huyền bí của rất nhiều người dân Miền Nam cũng như dân Khmer trước đó. Danh xưng linh thiêng của vùng này của người Miền Nam là vùng “Năm Non Bảy Núi”. Bảy núi tức là Thất Sơn (thất là bảy, sơn là núi). Bảy núi này là : (1) Núi Két (Anh Vũ sơn), (2) núi Giày 5 giếng, gần núi Két (Ngũ Hồ sơn), (3) núi Gấm hay núi Cấm (Thiên Cẩm sơn), (4) núi Tượng (Liên Hoa sơn), (5) núi Nước gần núi Tượng (Thuỷ Đài sơn), (6) núi Dài (Ngoạ Long sơn). và (7) núi Tô (Phụng Hoàng sơn). Còn Năm Non là năm cái chỏm cao (còn gọi là “Vồ”) của Núi Cấm. Năm cái vồ đó là : Vồ Bò Hong, Vồ Đầu, Vồ Bà, Vồ Ông Bướm, và Vồ Thiên Tuế. Thất Sơn nằm trong khu tam giác Tịnh Biên – Nhà Bàng – Tri Tôn, choán một khu vực dài 30 km, bề ngang độ 17 km (khoảng 1/7 diện tích tỉnh Châu Đốc). là một pháo đài thiên nhiên vô cùng kiên cố bên cạnh Kampuchia và Thái Lan, án ngữ cả vùng biển Hà Tiên, Rạch Giá. Thất Sơn là nơi trú ẩn, và là mật khu của những anh hùng chống Pháp hồi cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX. Thất Sơn cũng là vùng linh địa là cái nôi của Phật giáo Miền Nam hay Bủu Sơn Kỳ Hương. Phật Thầy Tây An, Phật Trùm, Ông Đạo Khoai đều đã từng tu luyện nơi đây. Đức Huỳnh Phú Sổ của Phật Giáo Hoà Hảo cũng đã từng vào đây học đạo. Đối với các nhà tu hành, các nhà tôn giáo, cũng như một số người hiểu biết thuở xưa thì Thất Sơn chứa nhiều huyền bí nhiều nhiệm mầu mà người thường không biết được. Người ta thường nói đến Thất Sơn hay vùng “Năm Non Bảy Núi” với lòng tôn kính sợ sệt từ xưa đến giờ. 

 

Trong toàn tỉnh Châu Đốc có bảy thôn ấp có người Chăm ở. Đó là các thôn ấp Koh Ta-boong (mà người Pháp âm là Kotampong), Hà Bao, Vĩnh Trường, Phum Soài, Khánh An, Khánh Bình và Châu Giang. Người Việt ở Miền Nam gọi họ là Chà Và hay Chà Châu Giang. Thật ra họ là người Chàm gốc ở Miền Trung. Vì trốn tránh chiến tranh một số đã sang sinh sống ở Kampuchia. Năm 1755 khi Nguyễn Cư Trinh bình định Cao Miên có chiêu dụ một số người Chăm về vùng Tây Ninh, Hồng Ngự và Châu Giang Châu Đốc khai khẩn ruộng vườn, góp phần ngăn chặn giặc Miên vùng biên tái xa xôi này. Hồi năm 1932 một số người Chăm ở vùng Phan Rang Phan Rí theo Lê Văn Khôi chóng lại triều đình Huế. Thất bại nhóm người này bị tàn sát rất nhiều. Một số phải bỏ xứ trốn đi qua Kampuchia, một số rút lên Miền Thượng, và một số đến nương ngụ với những đồng bào Chàm ở Châu Đốc. Người Việt ở đây thấy họ giao thiệp với Mả Lai, sang học đạo ở Pattani mới lầm tưởng họ là người Mả Lai và mới gọi họ là Chà Và hay Chà Châu Giang. Tiếng Chà Và do tiếng Java (ở Nam Dương) mà ra. Đối với người Chăm, danh xưng Chà Và là một danh xưng có tính cách khinh miệt cũng giống như danh xưng An Nam mà người Hán đã gán cho người Việt mình vậy. Người Chăm ở Châu Đốc theo Hồi giáo. Họ cử thịt heo, khi có người chết thì chôn chớ không thiêu như đạo Bà La Môn. Con trai khi lớn lên khoảng 13, 14 tuổi thì phải chịu lễ cắt quy đầu (circoncision), còn con gái thì khuê môn bất xuất. Theo tục lệ của người Hồi giáo, khi có khách đàn ông đến nhà thì đàn bà rút vào trong không được tiếp khách. Thỉnh thoảng cũng có người Chăm lấy vợ Việt Nam nhưng ngược lại người ta không thấy có người đàn ông Việt Nam nào lấy được vợ Chăm có lẽ vì những tập tục khắt khe đối với phụ nữ của người Hồi giáo. Mỗi ngày người Chăm phải hành lễ 5 lần, tiếng Mả Lai gọi là Sambahyăng, và mỗi năm phải chịu một tháng Ramadan (khoảng tháng 4 – 5 dương lịch) là tháng họ phải nhịn đói, không được hút thuốc và phải kiêng cử cả việc chung chạ với đàn bà. Nhịn đói, chịu khổ nhục là để thông cảm nổi khổ đau củng người nghèo khổ và nhân đó con người sẽ cảm thấy biết ơn Thượng Đế Allah. Người Chăm cử hành đại lễ Roya, đọc kinh Coran và đi chúc mừng nhau giống như ngày Tết của người Việt Nam vậy. Xin mượn lời Dohamide & Dorohiêm nói về Koh Ta-booong, một thôn ấp khép kín của người Chăm ở bên kia bờ Hậu Giang ngang tỉnh lỵ Châu Đốc, trong quyển “Bangsa Champa” của hai ông để kết thúc bài viết về tỉnh này:

 

“Từ bên này bờ sông nhìn sang bên kia, không xa lắm, chỉ vào khoảng 50 thước là cùng, tiếng trẻ em vui đùa vẫn vọng mồn một sang bên này bờ, nhưng thực tế là hai thế giới khác biệt. Thật vậy, nhà cửa bên kia sông, thường đắp nền cao rồi dựng cột và vách lên, bên trong nhà có bàn thờ tổ tiên, bày biện bàn ghế, giường ngủ có chân cao. Hầu như trước nhà nào cũng đều có một bàn thờ nhỏ gọi là “bàn ông Thiên” buổi chiều khói hương nghi ngút. Bên này sông, trái lại, nhà nhà đều có sàn; cột thường bằng cây nguyên bào nhẵn, cao khỏi đầu người, mặt tiền nhà nào cũng có một cái thang rắn chắc bằng gỗ, và bên trong nhà hầu như không có bàn ghế, nên khi khách đến nhà thì chủ nhà trải chiếc chiếu hoặc tấm thảm, để chủ khách cùng ngồi xếp bằng trên sàn gỗ. Nhà cửa cất phần lớn sát vào nhau, cả làng hầu như không có nhà nào trồng rau quả, vườn tược, nhứt là vườn trầu xanh tươi như bên kia bờ.

Người dân bên này bờ thường vận chăn sà-rong vấn quanh mình, dài đến gót chân, bình thường gọi người dân bên đất liền là yuôn, và ngược lại, những người yuôn này lại gọi người dân bên cù lao là Chàm, có khi là Chà, và khi có chút gì không bằng lòng nhau thì gọi là . . . Chà và. Người dân bên cù lao sống bao quanh chúng tôi tự gọi mình là người Chăm, trong sanh hoạt hằng ngày, sử dụng một ngôn ngữ riêng không phải tiếng Việt mà là tiếng Chăm.

Vào thập niên 1940, thời Pháp thuộc, xã hội người Chăm ở Koh Taboong sống còn rất khép kín, nên chỉ một số ít người có giao dịch với bên ngoài mới nói và hiểu được chút ít tiếng Việt. Do thiếu giao lưu về văn hoá và xã hội, giữa người Chăm bên này bờ và người Yuôn bên kia bờ rạch, đều có một số thành kiến với nhau về một số mặt thực tế trong sanh hoạt hằng ngày. Cụ thể, người Yuôn dùng đủa ăn cơm thì bị người Chăm chê là Đáng Tạo Hoá (Allah) đã tạo ra bàn tay cho con người sử dụng, thì tại sao lại đi dùng hai chiếc đủa để gắp đồ ăn được xem là rizki, tức ăn phước của Đáng Tạo Hoá ban cho như vậy? Ngược lại người Yuôn lại tỏ ra gớm tục ăn bốc của người Chăm, có vẽ như không mấy hợp vệ sinh. Mãi về sau này, tôi mới được rõ, người Yuôn và người Chăm thuộc hai nền văn minh khác biệt, một bên là nền văn minh đôi đủa, và một bên là nền văn minh ăn bốc, mỗi nền văn minh bao trùm một số dân tộc sanh sống trên một vùng bao rộng của trái đất. Có đi sâu tìm hiểu thì mới biết tập tục ăn bốc là tập tục chung của người A Rap, người Thổ, người Ấn Độ, người Mả Lai, người Nam Dương, v v . . . đòi hỏi cả một kỷ thuật, tạo thành thói quen từ hồi còn bé thơ, trước và sau khi ăn, phải rửa tay, chỉ sử dụng ba ngón giữa và ngón cái của bàn tay mặt để đưa cơm vào miệng, trong khi bàn tay trái chỉ để cầm những gì dơ bẩn.” ( Dohamide & Dorohiêm, Bangsa Champa, tr. 26-28).    

             

     Trang Chính      Hình Ảnh      Hộp Thư      Truyện Thật Ngắn      Bút Ký    Truyện Ngắn    Thơ    Góp Nhặt    Sức Khỏe và Gia Đình    Gia Chánh    Tin Tức    SK Nghệ Thuật