Trang Chính    Hình Ảnh    Bút Ký    Truyện Ngắn    Truyện Thật Ngắn    TG & Tác Phẩm    Thơ    Di Tích Lịch Sử và Danh Nhân    Đời Sống: Phong Tục & Khoa Học    Sân Khấu/Nghệ Thuật    Hộp Thư    Nhắn Tin    Tin Tức Thân Hữu    Tin Vui    Phân Ưu    SK và Gia Đình    Lá Lành Đùm Lá Rách    Vui Cười    Ẩm Thực/Gia Chánh    Trang Xuân   


100 ngày

Sống trên đảo Hoàng Sa (phần II)

Dư Mỹ


Hình dung trở lại những ngày tháng cũ sống trên đảo Hoàng Sa từ năm 1967 đến nay đã 46 năm trôi qua – 46 năm dài đăng đẳng .Hoàng Sa tuy đã mất vào tay quân cướp đảo Trung Cọng nhưng hình ảnh   Hoàng Sa vẫn còn sống mãi  trong tâm tưởng của tôi .Những kỷ niệm về Hoàng Sa,từ những sinh hoạt hàng ngày,từ những khuôn mặt sạm nắng của những người lính giữ đảo đến những chuyện vui buồn trên đảo vẫn còn in rỏ nét trong ký ức của tôi .Bây giờ tuy đã ngoại tuổi thất thập,đã là người lính già sống đời lưu xứ,nhớ trước quên sau nhưng có một dịp nào đó để tâm hồn lảng đảng trôi đến Hoàng Sa thì mọi việc trên đảo trong ký ức của tôi dễ dàng sống  lại.

Sinh hoạt hàng ngày trên đảo.


Bắt vít và tìm trứng vít.


Con vít

   Vít là tên gọi từ những người đánh cá biển và anh em lính đảo chúng tôi chỉ danh những con rùa biển,hình dáng giống như con đồi mồi,rất lớn,có con có mu dài đến 1,3 mét và ngang hơn 1 mét có bốn chân giống như chân đồi mồi dùng để bơi .Khi bò lên bờ để đẻ thì quạt bốn chân để trườn mình tới nhưng ở dưới nước thì bơi rất nhanh .Tuy là con vật sống dưới nước nhưng lại bò lên bờ cát đào ổ cạnh những bụi cây ráy biển để đẻ .Trứng vít có hinh tròn và nhỏ như quả bóng bàn,vỏ trứng mỏng nhưng dai ,màu trắng Khi luộc trứng vít,lòng đỏ trứng đông cứng  lại như lòng đỏ trứng gà nhưng lòng trắng thì vẫn lỏng .Một con vít đẻ gần cả trăm trứng,có con đẻ nhiều hơn.

Bữa thịt vít đầu tiên trên đảo.

  Sau hơn 20 tiếng đồng hồ lênh đênh trên mặt biển,đêm đầu tiên chúng tôi tìm vào giấc ngủ ngon lành .Thật sự một giấc ngủ bình yên đối với những người lính chiến như chúng tôi . Xa rời cuộc chiến .Sao trời trên đảo thay cho những đóm hỏa châu,tiếng gió biển cùng với tiếng sóng vỗ rì rầm đã thay cho tiếng rít dài của làn đạn pháo .Sống trên đảo không có hơi đất,ngủ nhiều và ít hoạt động dễ sinh ra bệnh phù thủng .cho nên từ chiều tôi đã động viên anh  em lính mỗi sáng hàng ngày phải thức dậy sớm chạy vòng quanh đảo.

   Mặt trời mới bắt đầu hừng sáng nơi chân mây, chưa kịp thức dậy thì chúng tôi đã nghe tiếng réo gọi của Chi –tên một người lính –kêu anh em chúng tôi đi lật bắt vít .Té ra cậu này thức dậy từ sớm đi một mình ra bãi biển và trông thấy một con vít đang đẻ chưa bò xuống nước .Toàn thể chúng tôi thức dậy chạy xuống bãi cát nơi có con vít,ba người lính cùng nhau lật ngữa một con vít lớn .Con vít bị lật ngữa,phần nhô lên của mu vít nằm trũng xuống cát và bốn chân ngọ ngoạy giữa khoảng không .Đầu con vít giống như đầu con rùa và lớn như một bàn tay tôi chụm lại. Tôi thấy hai mắt của nó chảy dài nước mắt, những giọt nước mắt nhỏ xuống ướt cả một vùng cát nhỏ.

   Lần đầu tiên nhìn thấy được một con vít,chúng tôi không biết bằng cách nào để xẻ thịt .Trung sĩ Huynh đề nghị bắn vào đầu vít trước cho chết rồi mới lấy thịt .Hai phát súng cac-bin đoành đoành,đầu con vít nát bấy .Theo chỉ dẫn của trung sĩ Huynh ,tôi dùng lưỡi lê rọc theo đường mềm của cái yếm con vít dưới bụng .Cái yếm vít được nâng lên,cả cái mu vít lật ngữa giống như một cái chảo lớn đựng đầy huyết và ruột gan phèo phổi. Chúng tôi nghiêng  mu vít cho huyết vít chảy ra ngoài xong dùng dao lạng từng miếng thịt vít và đem bộ lòng vít ra ngoài .Con vít lớn nên thịt vít rất nhiều,tôi đề nghị bỏ vào thùng thiếc muối để dành ăn trong những ngày biển động không bắt được cá .(kết quả năm ngày sau đó phải mang ra cầu tàu đổ vì hôi thối)

   Chúng tôi mang thịt vít về xắt ướp với gia vị từ đất liền mang theo cùng với sả trồng trên đảo.

nấu hai món xào và cari .(thịt vít có màu đỏ,mềm,giống thịt bò,nhưng có người nói ăn nhiều sẽ bị nổi phong) .Trong bộ lòng vít,phần ngon nhất là bao tử vít (giống như bao tử bò )màu trắng,mặt bên trong bao tử có những lớp gai lớn ngắn và không có mùi hôi vì vít ăn toàn rong biển ,luộc chín ,chấm với mắm ăn giòn như bao tử bò .Thế là ngày hôm đó và hai ba ngày kế tiếp chúng tôi chỉ ăn toàn thịt vịt đến phát ớn.

Tìm đào trứng vít.

  Vít thường bò lên bờ cát đào lỗ để đẻ trứng .Thời điểm chúng bò lên bờ là sau 10 giờ tối và bò trở lại xuống nước khi trời hừng sáng .Sau khi tìm được vị trí thích hợp làm ổ,vít dùng hai chân sau moi một cái lỗ sâu chừng bốn tất và rộng chừng ba tất,kê đít vào để rặn đẻ .Khi đã đẻ hết trứng chúng dùng hai chân sau lấp cát lại và xoay mình cà cái yếm dưới bụng tại lỗ vừa mới đẻ ngang với mặt cát,tiếp tục bò đi và lặp lại như vậy vài chỗ để ngụy trang,vì thế nếu không rình  được chỗ vít đẻ rất khó tìm thấy trứng.

   Xung quanh bãi cát đảo Hoàng Sa,chúng tôi thường thấy  mỗi đêm có chừng năm sáu con vít bò lên bờ để đẻ .Để tìm được trứng vít,chúng tôi dùng cây thông nòng súng garant M1 thọc sâu xuống  cát những chỗ vít xoay mình ngụy trang xong rút cây thông nòng lên,nếu đầu cây thông nòng có dính chất ướt nhầy của trứng thì đích thực là ổ vit đẻ và từ từ moi cát đem trứng vít lên

Thường một ổ vít đẻ chúng tôi đếm được trên 80 trứng Trứng vit đào được không thể ăn hết một lần,chúng tôi đào một lỗ cát bỏ trứng xuống và lấp cát lại,khi cần ăn lại moi cát lấy trứng lên. Hầu như mỗi người trong chúng tôi đều có một lỗ chôn trứng vít để ăn từ từ.

Rình xem vít đẻ.

Để biết được vít đẻ trứng như thế nào,tôi rũ Trung sĩ Huynh,y tá Khôn và tôi mang đèn pin  đi rình xem vít đẻ .Đúng 11 giờ tối (thời điểm vít thường  bò lên bờ )chúng tôi đi vòng quanh đảo,giữ im lặng và không mở đèn sáng .Trời sáng lờ mờ nhờ đêm có nhiều sao .Chúng tôi thấy một con vít lớn từ dưới nước đang bò trườn lên bờ một cách nặng nề .Chúng tôi dừng lại,nấp vào một bụi cây ráy biển để quan sát ,rất im lặng (nếu vít phát hiện có tiếng động hoặc có người thì sẽ bò trở lại xuống nước )con vít bò tới bò lui tìm  một vài chỗ và cuối cùng thì cùng tìm được một vị trí thích hợp là một chỗ cát cao cạnh bụi cây ráy biển để đào lỗ đẻ trứng.

Ba người chúng tôi yên lặng quan sát .Con vít nằm im,dùng hai chân sau đào  một cái lỗ cát sâu và rộng chừng ba tất .Hai chân sau của  con vít hất tung cát ra xa,chúng tôi cũng nghe được tiếng cát bay rào rào khi chạm vào những lá cây ráy biển .Đào được một hồi lâu,con vít đặt đít ngay trên miệng lỗ cát vừa mới đào,hai chân sau khép lại hai bên miệng lỗ cát,hai chân trước khép lại hai bên đầu và bắt đầu rặn đẻ .Ba người chúng tôi rón rén bò lại phía sau nằm dài trên cát và pin đèn ngay xuống  miệng ổ vít để xem .Con vít rặn và thở rất lớn ,nó có vẻ như rất mệt .Mỗi lần vít rặn đẻ,chúng tôi thấy rơi ra  từ hai đến ba trứng và có rất nhiều nước nhờn .Tôi se sẽ đặt một bao cát dưới đít con vít và mỗi lần nó rặn  trứng vít đều rớt vào bao cát .Trứng trong bao đã nhiều,con vít ngưng không rặn nữa,tôi xách bao cát trứng lên và không quên nhặt lấy những quả trứng  còn lại trong lỗ .Con vít bắt đầu  dùng hai chân sau lấp cát lại .Lỗ cát đã đầy và nó xoay mình dùng bụng để khỏa bằng ổ trứng vừa mới đẻ .Vít tiếp tục bò trên cát cách  ổ của nó  chừng  hai đến  ba mét ,lại xoay mình cà bụng trên cát và cứ như vậy đến ba bốn lần lặp lại như để ngụy trang cho ổ trứng.

   Xong công việc ngụy trang ,con vít trườn mình bò trở lại xuống nước một cách mệt mõi .Tôi không hiểu bao lâu thì trứng vít sẽ nở ra vít con và vít mẹ có nhận ra được đàn con của nó hay không. Thời gian sau,tình cờ một lần dạo quanh đảo tôi đã chứng kiến được một đàn vít con nhỏ hơn quả trứng gà đang ngoai lên từ mặt cát và từ từ bò  trườn xuống nước. Nhừng con vít con trông thật dễ thương. Thỉnh thoảng trong những lần dạo biển tôi cũng nhìn thấy những xác vít con chết bị sóng đánh tấp vào bờ.

Ăn bao tử vít.

   Có một việc làm mà bây giờ hồi tưởng lại tôi vẫn cảm thấy ân hận ,một việc mà đáng lý ra tôi phải ngăn cản và không nên tham dự vào,một việc rất ư tàn nhẩn đối với một sinh vật biển .Đó là  lật bắt vít mổ bụng lấy bao tử luộc ăn.

   Tán thành với đề nghị của mọi người ,chúng tôi lật ngữa một con vít,dùng lưỡi lê rọc theo một nửa bụng vít xong nâng yếm vít lên .Thò tay sâu vào trong bụng con vít ,móc bộ lòng vít ra ngoài và chỉ cắt lấy phần bao tử vít .Tôi thấy bốn chân nó ngọ ngoạy liên tục,nước mắt chảy dài xuống cát .Sau khi cắt lấy bao tử,chúng tôi lật úp con vít trở lại .Nó cố gắng trườn mình bò xuống nước .Máu vít đỏ loang đầy trên cát .Đến được nước,nó quạt mạnh bốn chân và bơi thật nhanh ra chỗ nước sâu .Con vít thật ra rất mạnh .Đôi lúc nghịch ngợm,hai người lính leo lên đứng trên mu vít ,nó vẫn trườn mình bò đi được.

   Ngày hôm sau,cách chỗ chúng tôi mổ bụng vít  khoảng 50 mét,tôi thấy cả một đàn cá mập lớn nhỏ có đến 10 con quần tụ giành mồi .Thì ra con vít đã chết nổi lềnh bềnh và lũ cá mập có được một bữa thịt vít ngon lành .Có phải vì tôi đã quen nhìn nhừng cái chết bi thương ,những đau đớn tột cùng khi đạp phải mìn của anh em lính chúng tôi trong những cuộc hành quân mà tôi lại dửng dưng trước sự quằn quại đau đớn của một con vật !

   Trong suốt thờì gian trấn đóng trên đảo ,chúng tôi chỉ bắt ăn thịt tổng cọng 3 con vít kể cả con vít chỉ ăn độc nhất cái bao tử .Những người bên đài khí tượng họ không ăn thịt vít nên đã từ chối khi chúng tôi mang thịt vít cho họ .Lấy thịt một con vít thì quá nhiều,chúng tôi ít người nên cũng biếng nhác không muốn làm thịt vít dù hàng đêm vít bò lên đảo rất nhiều .

Câu cá và bắt cá.

Nói đến Hoàng Sa,ngoài những tài nguyên phong phú về khoáng sản,khí đốt và dầu lửa chúng ta phải kể đến trử lượng cá .Biển quanh đảo Hoàng Sa là nơi qui tụ hầu hết các loại cá ngon có giá trị cao trong ngành đánh bắt thủy sản .Cũng chính vì vậy , nên dù quân cướp đảo Trung Cọng đã chiếm đảo Hoàng Sa từ năm 1974,kiểm soát các đảo và những vùng biển xung quanh,ngư dân Việt Nam chúng ta từ các tỉnh lân cận cùng với ngư dân Quảng Nam Đà Nẵng vẫn kiên cường bám biển đánh bắt thủy sản .Một phần vì cuộc sống ,một phần để xác định chủ quyền của vùng biển quê hương .

   Cá ở Hoàng Sa thì nhiều vô kể,nhưng những loại cá đánh bắt được nhiều thì hầu hết nằm ở ngoài khơi .Riêng quanh đảo chúng tôi trấn đóng ,kể từ mí sóng trở vào bờ cát,xen kẽ với những bãi san hô chúng tôi thấy có rất nhiều loại cá .Nhiều nhất là cá mó xanh(loại cá này lớn bằng hai ngón tay có màu xanh lá cây)và cá rô biển có màu đen .Hai loại cá này thì rất nhiều ,chúng lội quanh những nhánh san hô và bông đá biển để rỉa mồi ,chúng tôi lội xuống nước chúng thường bu lại rỉa cắn xung quanh chân .Ngoài hai loại cá này ra là những con cá đủ màu(cá cảnh) bơi lội chen vào giữa những nhánh san hô đầy màu sắc trông rất đẹp mắt .Những con cá mú bông lớn bằng cổ tay,miệng rộng với những đốm vàng ,đen trên lưng cũng không ít ,chúng thường ẩn nấp trong những hang nhỏ dưới tảng bông đá .Thỉnh thoảng chúng tôi cũng thấy được nhiều đàn cá lạ di chuyển vào gần đảo,cá đối,cá cơm, mực và đôi khi là những con cá mập lội sát bờ bắt mồi .Khi thủy triều xuống ,chúng tôi lội trên những bãi san hô nước  khoảng trên đầu gối thấy được những con hải sâm ( đĩa biển )và rất nhiều nhím biển ( sinh vật biển có hình tròn,dẹp,có rất nhiều gai nhọn dài gần 1 tất mọc tua tủa quanh mình,có màu nâu hoặc đen )Lội biển đụng phải chúng  thì chân bị ngứa ngáy khó chịu .

Bủa lưới bắt cá.

Sau ba ngày ăn thịt vít ớn đến tận cổ,chúng tôi bắt đầu đi bủa lưới bắt cá .Trời về chiều,chúng tôi đem hai tay lưới mua từ Đà Nẳng ra thả xuống bãi nước gần cầu tàu và dự trù sáng hôm sau sẽ rủ nhau ra gở cá .Chúng tôi trở vào nhà và yên trí nhờ hai tay lưới này chúng tôi sẽ có cá ăn đều đặn mỗi ngày.

   Sáng hôm sau thức dậy sớm mọi người gọi nhau đi gở cá mắc lưới .Đến nơi lội xuống bãi nước nơi thả hai tay lưới,chúng tôi thấy cá  mắc vào lưới dày đặc,nhiều nhất là cá rô biển và cá mó xanh ,ngoài ra cũng có  một vài con cá lạ mà chúng tôi không biết tên .Lưới quện vào nhau như một đống bùi nhùi,có đoạn rách toạc vì những con cá lớn vùng vẩy khi bị mắc lưới .Kết quả không như chúng tôi mong muốn,hai tay lưới chỉ dùng được một đêm ,loại cá mó xanh và cá rô biển thì không cần thả lưới bắt lúc nào cũng được .Hy vọng dùng hai tay lưới để có cá ăn hàng ngày đã tiêu tan và chúng tôi lên phương kế khác .

Câu cá mú bông.

Trong các loại cá quanh đảo,chúng tôi thấy cá mú bông là loại cá có thịt ăn ngon hơn cả .Dưới hang của những tảng bông đá biển thường có từ ba đến bốn con cá mú bông trú ngụ .Câu loại cá này thì cũng dễ dàng vì miệng cá lớn và lại tạp ăn .Để câu được cá mú bông ,chúng tôi phải lội ra chỗ có nước sâu đến ngực .Đầu tiên ,chúng tôi bắt ốc câu vài con cá mó xanh bằng lưỡi câu nhỏ xong cắt cá ra từng khúc móc vào lưỡi câu làm mồi câu cá mú, ném miếng mồi gần cạnh tảng bông đá,chìm đưới nước và nhìn thấy được miếng mồi .Vì nước biển trong và sóng nhỏ nên chúng tôi có thể nhìn thấy được những con cá mó xanh và cá rô biển bu quanh rỉa mồi .Từ trong hang bông đá ,cá mú sẽ chạy ra đớp mạnh miếng mồi và chạy ngược vào hang ,chúng tôi giật mạnh cần câu ,con cá chưa kịp vào hang đã bị dính lưỡi câu .Nếu chẳng may cá rúc vào hang rồi,bắt lấy cá rất khó .Đôi lúc chúng tôi phải dùng  một cây gậy dài để nạy tảng bông đá lên bắt lấy cá .Gặp phải tảng bông đá lớn thì phải đành cắt cước bỏ lười câu.

   Đi câu cá mú ,thường chúng tôi đi chung hai đến ba người ,đem theo mỗi người một cây gậy dùng để đi dạo biển .Cây gậy thường dài độ hai mét chắc và cứng  .Một đầu gậy  chúng tôi cột vào ba chỉa nhọn bằng sắt ,mục đích để cắm xuống cát giữ xâu cá mú câu được và dùng làm vũ khí để đề phòng chống đỡ những con cá mập lội gần bờ bắt mồi .Khi cá mập bơi đến gẫn  ,chúng tôi rút cây gậy và thọc lia lịa để xua cá mập đi nơi khác .Thường những con cá mập vào  kiếm mồi gần bờ không lớn lắm,chúng lội đưa cả vây trên lưng lên khỏi mặt nước .Trong khoảng thời gian hai đến ba tiếng  đồng hồ ,chúng tôi có thể câu được 50 đến 60 con cá mú (nếu mặt nước biển yên không có sóng )Phần nhiều sóng lớn đánh ngoài mí sóng và lan dần vào bờ đảo chỉ còn lại những gợn sóng nhỏ lăn tăn .Có nhiều hôm biển lặng mặt nước biển như một mặt gương  nằm ngang phẳng lặng .Gặp những hôm như vậy chúng tôi câu được rất nhiều cá mú bông .

   Cá mú câu được,chúng tôi dùng một phần nấu canh ,xào đôi lúc nướng ăn rất ngon,số lớn còn lại chúng tôi xẻ làm hai và phơi khô mang về đất liền .Cái thú của chúng tôi khi đi câu cá mú bông là đốt một đống lửa trên bãi cát nướng những con cá mú lớn vừa câu được,ngồi gở thịt ăn và tán gẫu chuyện đời .

Câu cá mập.

Một đêm trăng ,năm người chúng tôi rủ nhau ra cầu tàu câu cá mập .Để có đủ đồ nghề câu cá mập ngoài chiếc lưỡi câu lớn (có đường kính bằng đầu chiếc đủa )chúng tôi dùng ba sợi dây kéo điện thoại bện con tít lại với nhau dài độ 20 mét ,một cục chì lớn nấu từ 10 mũi đạn  Garant M1 cột vào gần lưỡi câu .Mồi là một con cá mú lớn .Nơi cầu tàu có một luồng nước sâu từ mí sóng chạy vào và có một khoảng cát rộng không có san hô .Những con cá mập lớn nhỏ từ mí sóng thường hay lộivào đây săn mồi khi thủy triều  lên .

   Sau khi móc mồi vào lưỡi câu,tôi cuốn vòng sợi dây điện thoại lại theo nhiều vòng và ném thật mạnh ra xa giống như những chàng cao-bồi miền viễn tây vung vòng dây bắt ngựa .Mồi chìm sâu xuống nước ,tôi cột sợi dây điện thoại vào cây cọc sắt trên cầu tàu vòng qua một thùng thiếc trống để khi cá mập ăn mồi kéo dây,thùng thiếc sẽ rơi xuống báo hiệu cho chúng tôi biết .Chúng tôi ngồi đợi cá ăn mồi và kể cho nhau nghe những chuyện ở quê nhà.

   Đúng như mong đợi của tôi,chiếc thùng thiếc rơi xuống ,tôi cầm dây điện thoại giật mạnh,con cá mập bị mắc  lưỡi câu .Với sức một mình tôi không thể nào kéo nổi ,bốn anh em lính xúm vào kéo hộ .Có lúc chúng tôi nới dây điện thoại ,có lúc chúng tôi kéo mạnh để quần thảo với con cá mập .Đang trên đà ráng sức kéo lui ,dây điện thoại đứt,chúng tôi ngã lăn trên cầu tàu .Kết quả mất một lưỡi câu cá mập và chúng tôi lồm cồm đứng dậy vào nhà .Tôi kể chuyện câu cá mập với bác Phong ,bác cười và cho tôi 20 sải cước câu cá mập .Cước có màu xanh nhạt và lớn hơn sợi dây điện thoại ,bác Phong nói chỉ có loại cước này mới đủ sức câu được cá mập lớn .

   Đêm hôm sau ,sửa soạn đầy đủ mọi thứ câu cá mập ,chúng tôi lại trở ra cầu tàu và lặp lại những động tác cũ .Ngồi đợi và tán gẫu với nhau độ 30 phút ,chiếc thùng thiếc rơi xuống báo hiệu cá đã ăn mồi ,tôi cầm sợi cước giật mạnh và cá mập mắc câu .Chúng tôi  chung sức lại  kéo  sợi cước,con cá mập trì mình lại ,chúng tôi nới cước  xong lại tiếp tục kéo và cứ như vậy đến hơn 30 phút,con cá mập mắc câu hình như đã đuối sức theo chiều cước vào đến gần chân cầu tàu Tôi rọi đèn xuống nước và thấy cá rất lớn .Con cá vẫn vùng vẫy lăn lộn còn chúng tôi xúm nhau giữ chặc sợi cước Tôi bảo Hóa –tên một người lính –chạy vào nhà lấy khẩu Garant M1 ,tôi nhắm bắn  nguyên một gắp đạn Garant tám viên vào đầu con cá mập ..Con cá bị đạn bớt vùng vẫy và đã yếu sức .Lúc bấy giờ tất cả chúng tôi đều có mặt trên cầu tàu .Mười người lính lội xuống nước khiên con cá lên để nằm dài trên sàn xi-măng , nó vẫn còn sống ,chiều dài gần 2,5 mét và thân cá rất lớn có màu xam xám .Chi –tên một người lính –tưởng cá đã chết,thò tay vào miệng rờ mấy cái răng,con cá táp mạnh bị thương một lóng tay .

   Chúng tôi khiên con cá mập bỏ lên xe gòong đẩy về nơi giếng nước trước tòa nhà chúng tôi ở .Đốt đèn sáng lên ,chúng tôi cắt đầu con cá mập và mổ bụng đem bộ lòng ra ngoài,bộ lòng cá đựng đầy một thúng lớn .Đầu con cá vẫn còn nguyên 8 mũi đạn Garant ghim vào mà không xuyên thấu qua được,lý do những mũi đạn khi tôi bắn xuống đã bị nước cản .Con cá tôi câu được có cái đuôi và bộ vây thật lớn .Trung sĩ Huynh xin toàn bộ .Tôi hỏi anh ta và được trả lời xin về làm thuốc .Sau này tôi mới biết được anh ta mang về đất liền và bán được rất nhiều tiền ,người ta mua để chế biến vi cá nấu súp .Chúng tôi lấy một ít lòng cá nấu cháo còn toàn bộ thịt cá tôi chia cho tất cả anh em  lính phơi khô làm khô cá mập .Trong suốt thời gian đóng trên đảo ,tôi và trung sĩ Huynh đã câu được  bốn con cá mập nhưng chỉ có con cá mập tôi câu được đầu tiên là lớn hơn cả .

Bắt cá chúc đầu.

Khi thũy triều rút xuống ,xung quanh đảo chỉ còn trơ lại những bãi san hô chạy ra xa tận mí sóng .Bình thường khi san hô ở dưới mặt nước ,chúng cho những màu sắc rất đẹp nhưng khi nước cạn ,san hô nhô lên khỏi mặt nước trông chúng xấu xí chỉ toàn là một màu trắng đục vì chưa bị khô chết .Vào thời điểm này ,chúng tôi rủ nhau đi tìm bắt cá chúc đầu .

   Sỡ dĩ chúng tôi gọi là cá chúc đầu vì chúng tôi không biết tên loại cá này .Mình cá hơi dẹp,lớn bằng bắp chân,vảy cá nhỏ màu trắng .Đặc biệt miệng cá rất nhỏ nên chúng thường chúc đầu xuống rỉa những sinh vật biển li ti bám dưới những gốc san hô hoặc trên mặt bông đá biển.Chúng say sưa rỉa mồi không hề để ý đến thời gian thủy triều xuống .Khi phát hiện nước đã rút ,chúng lui ra vùng nước sâu thì bị những rặng san hô như hàng rào  cản đường .Để thoát thân ,chúng tìm  những trũng nước rộng  để qui tụ vào đó .Chúng tôi cầm trên tay mỗi người một khúc cây ngắn rượt đánh và ném chúng lên  bãi san hô .Thường một trũng nước có khoảng 20 đến 25 con cá chúc đầu .Thịt chúng mềm,không có độ dai nên chúng tôi ít phơi khô .

Ném lựu đạn bắt cá.

Ngày rời đất liền,chúng tôi mang theo nhiều lựu đạn M 26 xin từ các bạn đồng đội để ra đảo ném cá , nhờ những quả lựu đạn này mà chúng tôi bắt được nhiều mẻ cá lớn .Khi thủy triều lên ,chúng tôi thường đi dạo quanh đảo để tìm những đàn  cá vào sát bờ , khi đã phát hiện ra ,chúng tôi xử dụng lựu đạn để bắt cá .Đã hai lần bắt cá bằng lựu đạn thất bại ,rút chốt lựu đạn , chúng tôi ném xuống ngay đàn cá , lựu đạn chìm xuống nước và chờ một vài giây sau mới nổ .Kết quả đàn cá  vụt chạy tứ tung chỉ chết có vài con chạy sau cùng .Một người lính tên Thanh đã “gồng mình” nghĩ ra một cách ném lựu đạn bắt cá  .Anh ta cho lựu đạn bật chốt trên tay,đếm 1,2,3 rồi mới ném xuống nước .(có hai loại lựu đạn :lựu đạn ném tay và lựu đạn gài,lựu đạn gài có một dấu chấm đỏ trên mỏ vịt ,bật mỏ vịt lựu đạn sẽ nổ ngay )Kết quả nhờ lối ném này,chúng tôi đã bắt được nhiều đàn cá bơi vào gần bờ .Có nhiều đàn cá anh em chúng tôi bắt được đến hai ,ba bao tải,loại bao tải gạo 46 kg  đem phơi khô .Hầu hết cá bắt bằng cách ném lựu đạn đều nhỏ như cá liệc hoặc cá đối .Chúng tôi cũng thử  ném lựu đạn để bắt cá mập nơi cầu tàu nhưng chẳng ăn thua gì đối với chúng .Lựu đạn nổ , chúng quay đuôi chạy ra mí sóng xong lại trở vào để ăn những con cá bị chết vì lựu đạn .

   Tôi còn nhớ,có một lần tôi cùng cậu vợ tôi Trần Huỳnh Mính,anh Phùng Rân và Phạm Phú Lợi đi ra Cù Lao Chàm đóng trại hè với học sinh Trần Quí Cáp .Tôi mang theo lựu đạn và dùng lối ném này bắt được một bao tải cá đủ loại về giao cho đầu bếp .Bây giờ đã là người lính già,nghĩ lại nếu phải ném lựu đạn theo kiểu này thì tôi sẽ xin đưa tay chào thua.

Ốc ở Hoàng Sa.

Ngoài những tài nguyên phong phú về hải sản như cá ,rong biển ,rùa biển quanh đảo ,Hoàng Sa còn có nhiễu loại ốc ngon như ốc gân,ốc vú nàng ,ốc nhảy ,ốc tai tượng v..v..và nhiều loại ốc hoa dùng trong lĩnh vực mỹ nghệ rất đẹp mắt .

Bắt ốc gân.

   Mọi người từ những đợt trước cũng như chúng tôi đều gọi loại ốc này là ốc gân ,nhưng thật ra hình dáng của chúng giống như một con sò rất lớn .Bình thường chúng lớn bằng chiếc nón sắt quân đội nhưng đôi khi chúng tôi cũng thấy được có con lớn gấp đôi .Chúng có hai chiếc vỏ,nơi miệng vỏ có những đường cong lên cong xuống rất bén ,khi chúng khép hai vỏ lại thì những đường cong này ăn khớp với nhau .Chúng mở và ngậm hai vỏ lại nhờ một sợi gân lớn màu trắng trong và có tính đàn hồi .

   Theo chỉ dẫn của bác Phong ,bắt ốc gân phải thật cẩn thận nếu chẳng may bị ốc kẹp ,gặp con ốc lớn có thể bị đứt lóng tay .Muốn bắt ốc gân phải dùng một cây gậy và một con dao bén có lưỡi giống như chiếc đục hoăc có thể dùng lưỡi lê mài bén để nhủi đứt gân ốc .

   Ở dưới nước ,ốc gân mở rộng hai vỏ ra để bắt mồi .Mồi là những sinh vật li ti bị hút và miệng .Khi phát hiện ra ốc gân ,chúng tôi lấy cây gậy thọc vào miêng ,ốc gân khép hai vỏ lại rất nhanh ,bị cấn cây gậy hai vỏ ốc không thể liền kín vào nhau được và để hở một đường trống dài  theo miệng ốc .Chúng tôi dùng dao nhủi sát bên trong vỏ ốc nơi có chiếc gân .Bị đứt gân , hai vỏ ốc tự động mở rộng và chúng tôi tiếp tục nhủi phần vỏ còn lại ,moi toàn bộ thịt ốc ra và gở lấy gân .

Thường sợi gân ốc khi thun lại có đường kính từ hai đến ba phân .Chúng tôi chỉ bắt những con ốc gân có độ lớn  hơn cái tô lớn ,thịt và ruột ốc rất nhiều nhưng chúng tôi không ăn mà chỉ bằm nhỏ làm thức ăn cho vịt .Gân ốc ,chúng tôi dùng dao lạng theo vòng tròn hoặc xẻ mỏng dài theo đường zic-zac đem phơi khô .Gân ốc gân khô nướng ăn ngon hơn mực khô nhưng gân còn tươi đem xào ăn rất dỡ .

Bắt ốc nhảy.

OcNhay.jpg

Ốc nhảy

   Ốc nhảy có độ lớn bằng ba ngón tay chụm lại ,nơi vảy đậy miệng ốc có một cái càng dài độ 5 phân đưa ra ngoài,khi di chuyển ốc nhảy dùng chiếc càng này búng mạnh xuống cát và đưa mình tới .Ốc nhảy sống rất nhiều ở bãi cát trước Miếu Bà,khi nước cạn chúng tôi rủ nhau đi bắt ốc tại bãi này .Ốc bắt được ,luộc chín cầm chiếc càng và rút thịt ốc ra khỏi vỏ dễ dàng .Thịt ốc nhảy xào ăn rất ngon , chúng tôi cũng phơi khô và mang về đất liền .Loại ốc này có đít ốc rất dày  dùng để mài nhẩn nhiều màu sắc rất đẹp nên chúng còn có tên là ốc nhẩn .Thường mài được một chiếc nhẩn ốc ,chúng tôi cũng mất nửa ngày công  tùy theo kiểu cách .

Bắt ốc tai tượng.


OcTaiTuong quê hưong ngày nay.jpg

Ốc tai tượng

   Loại ốc này thường sống ở những bãi cát sạch nước sâu trên hai mét .Chúng thường úp miệng xuống cát và đưa vỏ ốc lên trên .Miệng vỏ ốc có màu vàng ánh rất đẹp ,lớn và loa ra giống như cái tai voi vì vậy nên được gọi là ốc tai tượng .Thịt ốc có màu vàng nhạt ,luộc hoặc xào ăn giống như  lưỡi bò .Vỏ ốc thường để trang trí làm cảnh  nơi phòng khách cho nên muốn giữ được màu vàng ánh nơi miệng ốc chúng tôi không thể luộc chín ốc mà phải lấy thịt ốc khi còn tươi .Nếu không muốn lấy thịt ốc để ăn thì có thể đem ốc chôn xuống cát độ một tuần sau đó đào lên  đem súc sạch để lấy vỏ .Còn muốn lấy cả vỏ ốc lẫn thịt (con lớn thịt có thể gần 1 kg)thì phải biết phương pháp .

   Theo chỉ dẫn của bác Phong ,đầu tiên chúng tôi cột một sợi dây trên vỏ ốc và treo chúc ngược miệng ốc xuống phía mặt đất .Đợi chừng 30 phút ốc khát nước và ló miệng ra ngoài (nếu đụng vào ốc sẽ thụt miệng vào ngay),chúng tôi dùng một sợi dây điện thoại thắt  chiếc vòng,chờ ốc ló miệng ra,thật nhanh tay đưa vòng thắt chặt miệng ốc lại,lúc này ốc đã thụt miệng vào .Chúng tôi dùng một cục đá nặng độ 2 đến 3 kg cột vào sợi dây vừa thắt miệng ốc và treo tòn ten như vậy . Ốc khát nước,lại thò miệng ra ,cục đá nặng cứ trì xuống và cứ như thế từ từ ốc sẽ mõi và tụt toàn bộ thịt ốc ra ngoài .Đem vỏ ốc súc sạch với nước biển và vẫn giữ được màu vàng ánh rất đẹp

   Trong một lần về Việt Nam ,du lịch xuống Vũng Tàu tôi thấy tại đây người ta bán rất nhiều ốc tai tượng ,họ xử dụng ốc tai tượng trong mỹ nghệ chạm khắc nhiều hình rất đẹp .

Ốc gạo Hòang Sa.

   Sở dĩ chúng tôi gọi là ốc gạo Hòang Sa vì hình dáng của loại ốc này giống như ốc gạo nhỏ bán ở Hội An .Ốc gạo Hoàng Sa có độ lớn bằng đầu ngón tay cái ,ban ngày không thấy được chúng  nhưng chạng vạng tối chúng từ dưới cát bò lên rất nhiều .Những bãi cát cạnh cầu tàu là nơichúng sinh sản và trú ngụ nhiều nhất .Chúng tôi đốt đèn sáng và rủ nhau đi bắt ốc khi trời tối ,thường mỗi đêm chúng tôi có thể bắt  được hơn một thùng thiếc .Ốc bắt được đem về ngâm nước biển  độ một ngày cho sạch cát rồi đem luộc chín lể (nhể) ăn rất ngon ,đôi lúc chúng tôi lể dồn lại  rồi đem xào với bí đỏ từ đất liền mang ra .

Ốc vú nàng.

OcVuNang anh Khanh Hoa.jpg

Ốc vú nàng

   Ốc có hình xoắn nhiều vòng và có chóp nhọn như hình kim tự tháp lớn bằng nắm tay ,vì vậy nên mọi người đều gọi là ốc vú nàng .Ốc không có nhiều và thịt loại ốc này rất ngon .Thường khi thủy triều xuống,chúng tôi đi dạo trên những bãi san hô thì bắt được chúng .

Ốc hoa.

   Xung quanh những bãi san hô ,dưới những tảng bông đá có rất nhiều loại ốc hoa đủ màu sắc đủ kích cỡ hình dáng .Con lớn nhất cũng bằng quả trứng gà và nhỏ cũng bằng hạt đậu phụng .Có nhiều con ốc trên vỏ ốc sần sù và có nhiều càng đưa ra dính liền với vỏ ốc .Khi nước cạn,chúng tôi lội gần đến mí sóng lật những tảng bông đá nhỏ và bắt được rất nhiều ốc hoa .Đứng sát mí sóng ,nhìn xuống những hang đá nước sâu xanh thẳm chúng tôi thấy rất nhiều đàn cá mú lớn bằng bắp chân lội qua lội lại .Chúng tôi phải bắt nhanh ốc hoa để quay vào bờ vì thủy triều sẽ lên trở lại .Riêng tôi đã bắt được nhiều con ốc hoa rất đẹp,có con trên lưng vỏ ốc đen nhánh điểm những chấm vàng ánh như những hoa mai vàng năm cánh .Có con có màu đỏ huyết dụ trên vỏ điểm những chấm trắng, vàng. Với những con ốc hoa này khi mang chúng về đất liền, tôi đã tặng cho người tôi yêu làm quà từ hải đảo.

   Đi dạo biển bắt ốc hoa,chúng tôi cũng thường bắt được những con hải sâm,hình dáng chúng giống như con đĩa nên còn có tên là đĩa biển,lớn bằng ổ bánh mì thịt Lee Sandwiche có màu nâu hoặc màu vàng sậm .Chúng tôi dùng dao bén rọc từ đầu đến đít,mở rộng thân ra,trong bụng hải sâm chỉ thấy toàn tơ giống như mủ mít màu trắng .Hải sâm được cạo rửa sạch và phơi khô,khi dùng đem ngâm nước nở ra cắt từng miếng nhỏ nấu cháo hoặc súp rất bổ cho sức khỏe .

Chim ở Hoàng Sa.

   Khoáng sản chính của Hoàng Sa là phốt-phát do sự tác dụng của phân chim lên chất vôi của san hô tạo nên vì vậy chim ở Hoàng Sa nhiều vô số kể .Những loại chim mà chúng tôi thường thấy là hải âu,nhạn biển,yến, bồ nông .Chúng thường qui tụ về những đảo không có người để làm tổ đẻ con .Thịt của chúng rất tanh dù ướp nhiều gia vị khi nấu ,chúng tôi đã bắn thử vài con nhưng không thể ăn được .Đứng trên đảo Hoàng Sa nhìn ra hướng biển chúng tôi thường thấy những bầy chim chúi đầu sà xuống mặt nước bắt mồi .Nếu thấy cả bầy chim là nơi vùng biển đó có cả một đàn cá  nhỏ bơi gần mặt nước ,thường là những đàn cá cơm .

   Chiếc tàu chở phân bị chìm cách bờ cát 200 mét là nơi các loại chim biển thường tụ tập lại phơi nắng .Một lần đi câu cá mú bông với Trung sĩ Huynh,tôi đến gần chiếc tàu đã bị chúng tấn công,bay sà xuống mổ lên đầu tôi giống như những chiếc phản lực chúi xuống ném bom ,may là tôi có đội chiếc mũ đi rừng .Tôi dùng cây gậy đi biển quơ lia lịa trên đầu để đuổi chúng,Trung sĩ Huynh câu gần đó chạy đến vừa la vừa quơ gậy đuổi dùm chúng mới chịu bay đi .

   Còn chim yến,chúng làm tổ ở nơi đâu chúng tôi không tìm thấy .Chỉ khi nào ở Hoàng Sa bị gió bão,chúng không bay về kịp tổ nên phải bay đến trú tạm nơi tòa nhà chúng tôi ở,qua cơn gió bão chúng lại bay đi

(còn tiếp)