Trang Chính    Hình Ảnh    Bút Ký    Truyện Ngắn    Truyện Thật Ngắn    TG & Tác Phẩm    Thơ    Di Tích Lịch Sử và Danh Nhân    Đời Sống: Phong Tục & Khoa Học    Sân Khấu/Nghệ Thuật    Hộp Thư    Nhắn Tin    Tin Tức Thân Hữu    Tin Vui    Phân Ưu    SK và Gia Đình    Lá Lành Đùm Lá Rách    Vui Cười    Ẩm Thực/Gia Chánh    Trang Xuân   


VỀ HAI NGƯỜI BẠN CHÀM CỦA TÔI

Lê Nguyễn


(Xin được sử dụng từ “Chàm” thân thuộc của thập niên 1960, như một hoài niệm, bất kể đúng hay sai)


    Họ là hai anh em ruột, là những trí thức người Chàm hiếm hoi trong cộng đồng người Việt nói chung. Người anh là Dohamide (tên Việt Đỗ Hải Minh), học khóa 7 Học viện Quốc gia Hành chánh (1959-1962), tác giả một loạt bài về dân tộc và văn hóa Chàm trên tạp chí Bách Khoa những năm 1962-1963; người em tên Dorohiem (không có tên Việt), học khóa 11 HVQGHC (1963-1966). Trước 1975, người anh được sang Hoa kỳ lấy bằng M.A. về nước được bổ nhiệm Giám đốc Nha Tiếp Vận Cơ quan Mãi Vụ và Tiếp liệu, sau đó, Phụ Tá Tổng Giám Đốc Cơ quan Tiếp Vận Trung Ương, còn người em làm Giám đốc Nha Dân sinh Bộ Phát triển Sắc tộc.



Ra mắt sách Bangsa Champa 2005


   Duyên trời xui khiến, tháng 6.1975, ngoài tình bạn đồng môn, tôi còn được làm …bạn tù của hai anh em tại Trại cải tạo Long Thành. Tôi ở chung một nhà (chứa khoảng 300 người), khác đội với anh Dohamide, song lại cùng chung đội, chung tổ (10 người) với Dorohiem. Nhờ vậy mà anh Dorohiem và tôi có dịp đóng chung với nhau một vở kịch thơ được chấm giải nhất trong đêm văn nghệ Tết đầu tiên của đời tù, trước một số khán giả … tù khoảng 3.000 người.


   Riêng với anh Dohamide, tôi còn có một kỷ niệm thật nhiều cảm xúc. Vào trại Long Thành chưa đầy ba tháng, tôi bị một trận kiết lỵ thừa chết thiếu sống, sau 7 ngày chịu trận ở nhà, cuối cùng phải lết vào bệnh xá. Một tháng ròng rã tại bệnh xá biến tôi thành một con người khác: nặng còn không đến 40 ký, nhưng ngần ấy trọng lượng cũng quá nặng khi đè lên cặp giò lỏng khỏng, xương xẩu của tôi. Sau hơn 30 ngày chỉ ăn ròng cháo và muối, tôi khó khăn lắm mới bước đi được trên cặp chân của mình; 30 ngày không một giọt nước rưới lên người, biến tôi thành một sinh vật rất xứng đáng sống trong các chuồng bò, mùi hôi hám tỏa ra đến  mình cũng còn cảm giác được. Ngày đầu tiên tôi từ bệnh xá trở về chỗ giam giữ bình thường, anh Dohamide  đã mủi lòng, tự xách khệ nệ cho tôi một xô nước để tắm. Đó là cái xô nước tình nghĩa trong đời tù đầy thiếu thốn, khó khăn mà tôi chẳng bao giờ quên.


     Khoảng một năm sau (1976), cả hai anh Dohamide và Dorohiem chuyển trại từ Long Thành ra Bắc. Chúng tôi bặt tin nhau từ đó. Về sau mới biết rằng hai anh em “ăn đồng chia đủ”, cùng nhận 20 cuốn lịch, mỗi người chia nhau 10 cuốn! Có sao đâu, còn sống là may rồi!


   Sau năm 1985, trở về “đời|”, để khỏi  phải đi vùng kinh tế mới,anh Dohamide được tuyển vào làm ở Công ty xuất nhập khẩu Quận 5 (CHOLIMEX) mà Giám đốc là Ông ba  Hoà  tức Hồng Hiu trước 1975 nguyên là nhà thầu chuyển vận hàng của Nha Tiếp Vận do anh Dohamide làm Giám Đốc. Tại Cholimex, anh Dohamide đã được gặp lại một số anh em ngành ngân hàng như Trần bá Tước, Huỳnh bửu Sơn, Lê đình Khanh, Lâm Võ Hoàng,..Phan tường Vân, Hô Xích Tú.v.v... Không lâu sau, có hai anh được ông Thủ tướng Võ Văn Kiệt mời làm tổ tư vấn kinh tế, mỗi thứ sáu sinh hoạt với nhau một lần và từ đó lấy tên là “Nhóm thứ sáu” Được biết anh Dohamide và những người bạn trong nhóm đã góp nhiều công sức trong việc hình thành cơ quan IMC (Investment Management Inc.), xây dựng dự án liên doanh đầu tư, hình thành Khu chế xuất Tân Thuận và một số công trình ở vành đai Sài Gòn và An Giang.


      Năm 2004, sau khi đã xuất cảnh sang Mỹ, anh Dohamide trở về thăm lại Việt Nam, tham dự một buổi họp mặt chúc mừng anh của Nhóm thứ sáu. Tôi hay tin trễ quá, đến khi bắt được liên lạc với anh thì còn không đầy một ngày nữa anh phải trở về Mỹ. Nhưng anh cũng cố thu xếp một cuộc gặp tại nhà người cháu của anh. Sau gần 40 năm, câu chuyện cơ hồ không có điểm dừng, khi tôi giật mình từ biệt anh, thì chỉ còn hai tiếng nữa, anh phải có mặt ở phi trường!


     Buổi gặp lại ấy mang đến cho tôi nhiều cảm xúc, nhìn anh, lòng bâng khuâng tự hỏi: trong cảnh tha hương, có bao đêm dài, anh nằm nhớ đến đất nước (Chàm) của anh, dân tộc (Chàm) của anh không? Ngày hôm đó, tôi đã viết những dòng cảm xúc lên tường Facebook của mình:


“Anh ngồi kể lại những vất vả, hiểm nguy của 10 năm tù cải tạo, từ Nam ra Bắc, rồi từ biên giới Việt-Trung chạy giặc năm 1979, trở về các tỉnh trung du, khi được cho về nhà thì tóc đã ngã bạc nhiều rồi. Tôi ngồi cao hứng đọc anh nghe 4 câu thơ của nhà thơ Tô Thùy Yên, cũng thâm niên 10 năm tù cải tạo như anh, khi trở về ngậm ngùi nhìn thấy mẹ cha như ngọn đèn sắp cạn dầu:


Ta về như đứa con phung phá
Khánh kiệt đời trong cuộc biển dâu
Mười năm, con đã già trông thấy
Huống mẹ cha đèn sắp cạn dầu.


Anh ngồi lặng im, nhìn vào khoảng không lấp lánh những tia nắng. Còn tôi, lặng nhìn anh, như nhìn thấy quá khứ của cả một dân tộc. Lòng chùng xuống trong một nỗi bùi ngùi…” (FB 21.3.2014)


  *Tháng 10 năm đó (2014), tôi qua Mỹ, có dịp ghé Nam California, vội chạy lại thăm anh Dohamide. Anh đã yếu hơn trước (anh trên 80 tuổi), nhưng vẫn ráng lái xe đưa tôi đến thăm người em, anh Dorohiem, ở không xa chỗ anh. Gặp lại người bạn đồng môn, bạn tù cũ, chung tổ, chung đội, chung nhà, mừng mừng tủi tủi sau 38 năm ròng xa cách! Tôi bày tỏ nỗi vui mừng khi nhìn thấy anh Dorohiem vẫn còn rất tráng kiện, dù đã ở tuổi 77- 78 (năm 2014). Chiều hôm ấy, hai anh đã tôi ăn một bữa thịt cừu ngon nhất trong đời!


  * Tháng 2.2018, anh Dorohiem có dịp về Sài Gòn, anh gọi tôi, và chúng tôi hai lần gặp nhau, cà phê và bàn bạc chuyện tái bản các tác phẩm viết về dân tộc Chàm của hai anh. Gần một năm trôi qua, mọi chuyện còn dậm chân tại chỗ, thì tôi đột ngột được tin anh Dorohiem vĩnh viễn ra đi sau một cú stroke, ngay vào những ngày đầu năm mới! Thật nghiệt ngã cái lẽ vô thường!


    Tôi vội vàng gõ một email chia buồn cùng anh Dohamide. Anh cũng hồi âm sớm sủa cho tôi, những dòng chân tình đến rơi nước mắt: “Thật là buồn, Cẩn ơi!...”


Anh Dohamide bệnh nhiều lắm, hóa trị, xạ trị lung tung, anh tưởng mình ra đi sớm hơn, nhưng không ngờ lại là người em mà anh hết lòng thương mến!


    Anh Dorohiem! xin xem đây là chút lòng tưởng nhớ của một người bạn nghĩ về anh, nghĩ về một kiếp người vừa đã ra đi, bỏ lại cuộc đời bao điều dang dở


Lê Nguyễn

8.1.2019

(Lê Văn Cẩn – ĐS 10 QGHC)