Huyền Thoại Kỳ Bí Ở Thất Sơn (Phần 2)
Một Vòng Quanh Bảy Núi
Vừa qua khỏi cầu Cây me hết thị trấn Tri Tôn đập vào mắt tôi là cả một vùng núi
cây cỏ xanh um mát rượi. Núi cao độ khoảng hơn 500m, gió thổi mát lồng lộng,
đâu đó thơm thoảng thoảng mùi hoa rừng lạ. Những hàng cây Thốt Nốt (Thốt Lốt)
rì rào tán lá. Tiếng chim gì không rõ cứ thỉnh thoảng cất lên từng hồi nghe náo
nức lòng. Trời hôm nay cũng đẹp lạ, nắng không gắt mà trải từng cơn ấm áp. Hai
bên đường nhà cửa thưa thớt dần khoảng vài trăm mét mới có 1 nhà. Thỉnh thoảng
mới có chiếc xe khách chạy băng qua hay 1 chiếc xe bò ì ạch. Tôi bắt gặp tại
đây có giống bò trắng sừng nhọn mà tôi từng thấy ở Ấn Độ. Hầu hết dân
vùng này sống nghề làm ruộng, đời sống nghèo khó cơ cực nhưng họ vẫn vui vẫn an
lạc. Vùng núi địa linh này nó vậy đó, ai cũng có 1 cách tu thân riêng không nhất
thiết phải lệ thuộc vào tôn giáo nào.
Trái Thốt Nốt
Vùng này tiếp giáp với Campuchia nên giao thoa về mọi mặt. Tôi dễ dàng bắt gặp
những ngôi chùa Campuchia (chùa Miên - Phật giáo Nam tông) pha trộn đường nét
Phật giáo và Ấn giáo. Các dân tộc Chăm cũng ở đây khá nhiều đủ mọi ngành
nghề như: ruộng rẫy, dạy học, mua bán, tu sĩ...
(chùa Xà Tôn)
Một
nét đặc trưng của Miên trong vùng này đó là cây Thốt Nốt. Đó là một loại cây
không nhánh kiểu cây Dừa nhưng thân cao to hơn thân dừa, lá thì xòe tán tròn rộng
như lá cây Cọ.
(cây Thốt Nốt)
Thốt Nốt trổ quả thành quày, mỗi trái to như trái dừa, hình tròn trịa chứ không
nhọn, vỏ màu tím sậm như cà tím. Muốn lấy trái ăn thì phải dùng dao mà bổ từng
múi nhỏ cạy lấy phần cơm giống như cơm trái Dừa nước bán dọc theo đường về Cần
Giờ của HCM.
(cơm Thốt Nốt còn nguyên vỏ lụa)
(cơm Thốt Nốt sau khi bóc vỏ lụa, cắt nhỏ)
Khác hẳn với những loại trái khác, cơm Thốt Nốt không thể ăn không vì Thốt Nốt
không có nước như Dừa nước. Người ta lấy nước Thốt Nốt bằng cách dùng ống tre
đã thông ruột thành 1 ống dài. Đầu trên chẻ ra kẹp vào nhiều cuống hoa Thốt Nốt
đã cắt đoạn đầu rồi buộc nylon để cho nước trong cuống hoa chảy rỏ theo ruột ống
tre treo bên dưới.
(thợ lấy nước thốt nốt)
Thốt nốt là loại cây trồng khoảng ba bốn chục năm mới cao chừng 20 thước. Khi
đó cây mới trổ bông vào mùa nắng. Chạng vạng, người ta leo lên thân tre cột sát
thân thốt nốt lên tới ngọn, lấy những ống tre đã hong khói diệt khuẩn đeo sau
lưng đặt vào vòi bông vừa mới cắt một khúc để lấy dịch. Từ ngọn cây này chuyền
sang ngọn cây khác, họ đặt hết những ống tre ấy rồi nhanh nhẹn leo xuống đất. Rạng
sáng hôm sau, họ lại leo lên lấy những ống tre hứng đầy dịch thốt nốt đem về
nhà...
(chiều tối thợ Thốt Nốt leo đặt ống tre)
(rạng sáng lại trèo lên thu hoạch)
(thân tre dùng để trèo lên)
(ống tre chứa đầy nước Thốt Nốt)
Nếu cắt vào
chiều tối và để suốt đêm, các bạn sẽ có khoảng một lít nước có vị ngọt và thơm.
Lấy xong phải dùng ngay vì đến chiều nước sẽ chua. Do nước tiết ra rất chậm nên
người bán thường ăn gian pha thêm nước. Nước Thốt Nốt này sẽ dùng chung với cơm
trái Thốt Nốt và đá lạnh sẽ cho ra 1 hương vị thơm ngon lạ lùng rất riêng. Nếu
không có thứ nước này thì trái Thốt Nốt xem như không ăn gì được vì nó nhạt thếch.
Ở Thất Sơn, xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên ai lại chẳng biết ông già Khmer Chau
Dong, cho dù nhà ông nằm sâu trong xóm nhưng ai cũng biết đó là ông già khiếm
thị có tài leo thốt nốt. Người sáng mắt cả ngày trèo lấy nước thốt nốt được chừng
20 cây là cùng, còn như ông Dong trèo được tới 25 cây. Ông chí thú làm ăn đến nỗi
đêm xuống vẫn còn ngồi lọ mọ tuốt trên ngọn cây cao. Năm đó, ông Dong đã bước
qua tuổi 54, sức khỏe yếu dần. Trong lúc bà Sanh đi lượm củi thì ông Dong đi lấy
nước thốt nốt. Lên đến ngọn cây cao chừng 20 m, vừa đặt chân lên nấc thang treo
lủng lẳng thì thang gãy, ông ngã xuống đất chết tại chỗ. 40 năm trèo thốt nốt
và cuối cùng tử nạn bên cây thốt nốt.
Tôi nhìn hai bên đường có khá nhiều quán xá bán Thốt Nốt lạnh giải khát. Sau
khi ngắm nghía địa bàn tôi ghé vào 1 quán có vườn nhà trồng toàn là Thốt Nốt để
bảo đảm nước Thốt Nốt là nguyên chất. Mà quả thật trực giác tôi không lầm. Chủ
quán đem lên ly Thốt nốt trộn đá (ko có đường), tô thốt nốt thêm, chai nước suối
1/2 L nước Thốt Nốt. Tôi mở nắp chai nước suối nhỏ chế thứ nước đục đục như nước
cơm vo hay gần giống với nước tỏi nhân điện vào ly Thốt nốt. Quậy sơ sơ rồi để
1 lát cho cơm Thốt nốt ngấm nước đó.
(1 chai thốt nốt được đến 2 ly)
Tôi dùng thử.
Oaw. Thật hết xảy. Tôi ăn liên tục nhiều muỗng mà vẫn chưa thấy đã. Nước Thốt Nốt
đã hòa nhập vào cơm Thốt Nốt biến nó thành 1 thứ mềm dai và ngọt không thể tả.
Nước thơm một hương vị rất riêng chưa từng gặp ở đâu trong thành phố. Nước mát
lạnh tinh khiết có vị ngọt thanh hơn nước dừa lửa, thơm như mùi hoa rừng dại,
cơm dòn mềm dai như cơm dừa nước lại ngon hơn cả thạch.
(thốt nốt đá lạnh)
Để có được thu hoạch trái và nước thì cây Thốt Nốt phải tối thiểu 40 năm, để được
Thốt Nốt chất lượng cao nhất thì cần phải hơn 100 năm. Cây này mọc nhiều ở đất
Miên, mọc lưa thưa quanh vùng Thất Sơn Bảy Núi. Muốn dùng Thốt Nốt bạn phải đợi
mùa vào khoảng sau tết đến hết mùa hè. Vào thu Thốt Nốt sẽ hơi lạt có lẽ do mưa
nhiều. Ngoài ăn với nước đá, Người ta cũng đã chế biến ra sản phẩm Thốt Nốt
đóng hộp bao bì mang về làm quà nhưng tôi không quan tâm vì Thốt Nốt ngon ở chỗ
nó còn tươi. Thốt Nốt còn được dùng để tinh luyện thành đường Thốt Nốt thơm
ngon khác thường. Cứ 4 lít nước thốt nốt sẽ luyện ra 1 kg đường.
(đường thốt nốt)
Ngoài ra còn nhiều sản phẩm đặc trưng của vùng làm từ thốt nốt như: Bánh Thốt Nốt,
bánh bò thốt Nốt, gỏi thốt nốt, chè thốt nốt
(bánh thốt nốt)
(bánh bò thốt nốt)
(gỏi thốt nốt)
(chè thốt nốt)
Về sau, mỗi
lần ghé thăm Bảy Núi tôi cũng cố kiếm cho được Thốt Nốt mát lạnh cùng hương vị
nước nguyên chất đậm nét Thất Sơn mà không nơi nào có được.
Một Vòng Quanh Bảy Núi
Tôi vừa nằm võng nhâm nhi Thốt Nốt lạnh vừa đưa mắt nhìn toàn cảnh vùng Thất
Sơn Bảy Núi. Theo tôi được biết vùng Thất Sơn có rất nhiều núi nhưng chỉ có 7
núi là được tính vào Thất Sơn. Những núi lớn thì không tính và những núi nhỏ
như núi Tượng hay núi Nước chỉ là 1 đồi cao cũng tính là 1 núi quan trọng trong
7 núi.
(Bản đồ toàn vùng Thất Sơn)
Bảy ngọn
núi chính:
1) Thiên Cẩm Sơn (núi Gấm, núi
Cấm, núi ông Cấm)
2) Anh Vũ Sơn (núi Két, núi ông Két)
3) Ngũ Hồ Sơn (núi Dài 5 giếng)
4) Liên Hoa Sơn (núi Tượng)
5) Thủy Đài Sơn (núi Nước)
6) Ngọa Long Sơn (núi Dài)
7) Phụng Hoàng Sơn (núi Cô Tô, núi Xuân Tô, núi Tô, núi ông Tô)
Lẩm nhẩm tính toán lộ trình trên GPS xong tôi quyết định tham quan một vòng
toàn vùng theo diện rộng để nắm sơ lược đường xá, địa hình, đời sống con người
vùng Thất Sơn.
Thiên Cẩm Sơn
(núi Cấm)
Theo bản đồ
số thì chỗ tôi đang đứng là trục đường chính bao quanh núi Cấm. Tôi đi thêm 1
đoạn nữa thì gặp ngã ba rẽ vào Lâm viên núi Cấm nơi mà các nhà thám hiểm sẽ bắt
đầu tìm hiểu núi Cấm bằng xe ôm. Tôi đưa mắt ước lượng và đo đạc bằng bản đồ số.
Cao: hơn 700m, Dài: hơn 7000m, Ngang: 7000m.
(ngã rẽ vào Lâm Viên Núi Cấm)
Tôi tìm hiểu thì biết được, xưa núi Cấm tên là núi Gấm (Thiên Cẩm Sơn) tức Gấm
Trời. Nhìn là biết ngay, mây lành mượt mà như gấm bao phủ trên các chỏm đá trắng
xanh. Về sau đổi thành núi Cấm hay núi ông Cấm do các giả thuyết sau:
a) Hoàng Tử Nguyễn Ánh (sau là vua Gia Long) thua trận bị Tây Sơn truy
nã gắt gao đến ẩn trong núi này. Các quan đã cấm dân chúng vào núi, viện lí do
có nhiều yêu tinh, lắm độc xà, ác thú. Danh từ núi Cấm xuất phát từ đó.
b) Vùng
núi này cỏ cây hoang vu rậm rạp, đá ngang dọc gồ ghề. Nhà chức trách khó
khám xét sẽ là nơi thuận tiện cho những tay "anh chị" tụ tập. Để giữ
yên mọi sự, các quan cấm dân không được ở trong vùng này. Danh từ núi Cấm từ đó
mà ra.
c) Đức Phật
Thầy Tây An tiên tri: ngày sau tại đây sẽ có "đền vàng, điện ngọc"
của Minh Hoàng nên cấm ko xây cất trên núi không gây ô uế cho chốn linh thiêng.
Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng dặn mọi người y vậy. Danh từ núi Cấm từ đó mà ra.
Núi Cấm có 5
cái đỉnh hay chỏm cao (dân địa phương gọi là vồ) còn gọi là 5 non.
Vồ
Thiên Tuế Đông
Vồ Bồ
Hong (Điện Bồ Hong) Tây
Vồ Bà
(Điện Bà) Nam
Vồ Ông
Bướm Bắc
Vồ Đầu
Tây Bắc
Vì thế câu cầu
nguyện của của khách hành hương Bủu Sơn Kỳ Hương thường có câu: "Nam mô
chư vị Sơn Thần năm non, Bảy Núi... "
Núi Cấm ngày
nay đã có đường đèo ô tô lên tận đỉnh núi, người hành hương có thể đi ô tô hay đi
xe ôm lên đỉnh. Nơi đây có chùa Phật Lớn và chùa Vạn Linh.
(Chùa Phật Lớn và Chùa Vạn Linh trên đỉnh núi Cấm)
Rồi từ đây
khách sẽ chọn nhiều điểm hành hương khác ở các vồ. Có nhiều nơi để hành hương
như Điện Cửu Huyền Thất Tổ, Điện Bà, Điện Ngọc Hoàng, Điện Tổ Tiên Nhân Loại,
Điện Quan Thẻ, Điện Chư Thần...
Theo góc
nhìn hiện tại thì tôi ở hướng Đông dưới chân núi, có lẽ tôi chỉ thấy được mỗi Vồ
Thiên Tuế. Được biết Vồ Thiên Tuế là nơi rất đặc biệt có cả 3 vị vua từng đến
đây xóa oan cừu và cũng tại đây Đức Phật Thầy Tây An đã thành đạo. Hôm nay, tôi
chỉ giới thiệu sơ lược về núi Cấm như thế. Tôi sẽ quay trở lại núi Cấm sau khi
dạo một vòng Thất Sơn.
Tiếp tục
xuôi theo con đường bao quanh núi Cấm, tôi chiêm ngưỡng những cánh đồng thốt nốt
bạt ngàn đẹp mắt. Sau đó, tôi đi tiếp đến thị trấn Chi Lăng.
(cánh đồng Thốt Nốt)
Mới nghe qua giống ải Chi Lăng trong lịch sử nơi Trần Hưng Đạo phá Mông Cổ hay
Lê Lợi chém đầu Liễu Thăng nhà Minh. Không đâu đây chỉ là 1 huyện núi trùng tên
với địa danh nổi tiếng mà thôi. Nơi này vẫn lác đác vài chùa Khơme rất đẹp, Tôi
dừng chân bên chùa Thơ Mit một ngôi chùa khá nổi tiếng tại Chi Lăng.
(chùa Thơ mit - Chi Lăng)
Con đường tiếp
tục dẫn tôi đến một hẻm núi tuyệt đẹp. Hai bên là hai dãy núi to lớn hùng vĩ
con đường tôi đi đúng vào khe giữa 2 dãy núi đó. Tôi vẫn chưa hình dung ra
đây là dãy núi nào cho đến khi tôi đến rất gần dãy núi bên phải. Tôi chợt thấy
một mỏm đá trắng cao to ở lưng chừng núi có hình giống đầu con chim. Gần như nhảy
nhỏm trên xe vì sướng, tôi đã gặp điểm tâm linh kế tiếp. Tôi thốt thầm
"núi ông Két đây rồi".
Anh
Vũ Sơn
(núi Két)
Tôi dừng lại
và ước lượng bằng mắt lẫn Google map. Cao: hơn 200m, Dài: hơn 1000m, Ngang khoảng
1000m.
Núi có mỏm
đá như đầu con chim Két ở độ cao hơm 100m lưng chừng núi nên có tên núi Két hay
núi ông Két. Hán Văn gọi Két là chim Anh Vũ nên mới có tên là Anh Vũ Sơn.
Núi Két có hơn 20 điểm du lịch
tâm linh cũng khá là linh thiêng. Người ta đã xây dựng hẳn một khu du lịch để
tham quan bằng cách leo núi. Có nhà nghỉ, bãi đậu xe, quán xá...
(cổng vào khu du lịch núi Két)
Khi quay lại
nơi này tôi nhất định phải trèo núi 1 chuyến cho thỏa. Nghe nói nếu mệt mình có
thể thuê dịch vụ người cõng hay khiêng lên núi. Núi Két là một danh thắng, là
điểm du lịch thiên nhiên, tâm linh. Trong dịp du khách hành hương về vùng Bảy
Núi, nhớ ghé qua tham quan khu du lịch Núi Két, tiêu biểu nhất là “ mỏ ông Két”
cùng với nhiều truyền thuyết dân gian gắn liền với thời lưu dân mở đất.
Ngũ Hồ Sơn
Một thoáng tò mò, tôi thử nhìn theo hướng mỏ chim Két của
núi Két xem ông Két kia ngắm cái gì mà kỹ thế. À thì ra đó là dãy núi bên trái
đường đi lúc nãy, có thể ví như một hòn non bộ khổng lồ tuyệt đẹp. Nó sừng
sững uy nghi trông thật hấp dẫn bởi màu xanh của cây ăn trái chen với cây rừng
chập chùng từ chân đồi lên tới đỉnh xen kẽ có những vồ đá lộ thiên, thưa thớt,
chất chồng quanh sườn núi, khiến du khách phải tò mò, leo thử làm một chuyến để
thưởng ngoạn và khám phá những điều kỳ thú về ngọn núi này. Đó chính là dãy Ngũ
Hồ Sơn.
(núi Dài 5 giếng nhìn từ xa)
Ngũ Hồ Sơn dân trong vùng gọi là Núi Dài năm
Giếng hay còn được gọi là Núi Dài Nhỏ . Với độ cao trên 250m, là ngọn núi cao đứng
hàng thứ tư trong Bảy Núi.
Sở dĩ có tên Núi Dài Năm Giếng vì trên núi có năm nơi mặt đất
trũng sâu như giếng nước. Tôi kiểm tra trên Google Map thì quả đúng như vậy, có
5 thung lũng sâu xen kẽ sườn núi chập chùng bao quanh Ngũ Hồ Sơn tạo nên
địa hình lồi lõm phức tạp đẹp mắt vô cùng. Tuy nhiên, tên Núi Dài 5 Giếng còn
có ý nghĩa khác . Trên núi có vô giếng Tiên nhưng có 5 cái lớn nhất, linh
thiêng nhất, là trọng tâm của du khách khi quyết chí leo núi này để tìm thăm.
Giếng Tiên là loại giếng lộ thiên quanh năm có nước, giếng có thể có dạng sâu
miệng nhỏ hay dạng cạn miệng to như cái ao (loại này giống giếng làng ở miền Bắc)
. Giếng xuất hiện trong núi đá và có đường ăn lòn ra mạch nước ngầm trên núi
nên không bao giờ cạn nước.
Núi tuy hiểm trở nhưng có nhiều cảnh đẹp, nhiều vườn cây
trĩu trái quanh năm, như: ổi, xoài, bưởi, mận, sầu riêng, thanh long v.v... Vừa
có trái cây ngon lại vừa có nước Tiên. Thảo nào mà khiến cho ông Két đứng bên
kia cứ chăm chăm nhìn sang. Anh Vũ Sơn và Ngũ Hồ Sơn đã tạo thành 1 cặp núi có
tính liên hệ được dệt thành vô số truyền thuyết nổi tiếng tại vùng này.
(đầu chim Két nhìn về Ngũ Hồ Sơn)
Tôi tiếp tục đi thẳng theo đường lộ khoảng hơn
1km là đến thị trấn Nhà Bàn. Cái tên đã khá quen thuộc với tôi trong các sấm giảng
về Bảy Núi. Trong lời tiên tri, thì Nhà Bàng nằm trong địa danh sẽ tổ chức lễ Hội
Long Hoa cụ thể sẽ là nơi lập đài phán xét tội ác của Thập Bát Chư Hầu. Chuyện
thiên cơ sẽ bàn trong những tập kế tiếp.
(ngã 3 Nhà Bàng)
Nhà Bàng là thị trấn nhỏ miền núi biên giới.
Dân cư thưa thớt chủ yếu tập trung vào các đường quốc lộ. Trung tâm thị trấn
chính là ngã 3 nhà Bàng nơi hội tụ của 3 con đường trọng yếu: một đường đi núi
Sam - Châu Đốc, một đường đi cửa khẩu Tịnh Biên, một đường đi Tri Tôn (là con
đường tôi vừa mới đi). Núi Sam - Châu Đốc cũng là 1 phần của hành trình, nhưng
không phải là hôm nay. Tôi rẽ trái để về Tịnh Biên, cũng chính là đi theo đường
bao quanh Ngũ Hồ Sơn. Đoạn này đi qua vài điểm rất hoang sơ, mát rượi và đẹp lạ.
Bên trái là Ngũ Hồ Sơn cao ngất, bên phải là những đồi nhỏ, cây cối xanh um,
khí hậu ôn hòa, khiến tôi cảm tưởng mình đang đi trên một đèo nào đó ở Bảo
Lộc.
Đây là con đường từ Châu Đốc về cửa khẩu nên lượng người
thương buôn đi lại khá, xe cộ cũng nhiều. Nơi này còn sử dụng loại phương tiện
vận chuyển khá thô sơ là xe đạp lôi. Xe có thể dùng chở người và chở hàng. Một
người thanh niên khỏe mạnh mỗi ngày chạy có thể kiếm đủ cơm nuôi vợ con.
(xe lôi chở người hay chở
hàng tại Thất Sơn)
Ở chợ biên giới còn có hệ thống siêu thị miễn
thuế, giống như ở cửa khẩu Mộc Bài Tây Ninh, hấp dẫn du khách đến thăm vì giá
khá rẻ. Tôi thấy vô số, vâng vô số hàng quán Thốt Nốt đá lạnh dọc 2 bên đường
(hì, các bảng hiệu lại ghi là Thốt Lốt chả biết có sai chính tả hay không). Tìm
hoài không thấy cây Thốt Nốt, tôi đoán người bán chỉ là mua đi bán lại chứ
không phải là cây nhà lá vườn. Vào đây ăn Thốt Nốt lạnh thì 90% sẽ không có nước
Thốt Nốt nguyên chất dù bảng ghi là Thốt Lốt lạnh nguyên chất.
(một quán "Thốt Lốt"
giải khát)
Dù vậy tôi cũng ghé 1 quán bên đường mà các xe du lịch và gắn
máy dừng khá đông. Bà chủ quán huyên thuyên kể đủ thứ về cây Thốt nốt, nước thốt
Nốt phải mua ở Miên chứ ở xứ mình ko ngon bằng. Tôi chăm chú lắng nghe để học
thêm nhiều thứ, vài khách bàn bên cạnh cũng bị hấp dẫn bởi câu chuyện quay đầu
sang lắng nghe. Họ vừa nghe vừa nhâm nhi Thốt Nốt để tận hưởng hương vị thực của
câu chuyện. Ai nấy tấm tắc khen là Thốt Nốt ở vùng này ngon và hay ghé quán này
mua vài chai về làm quà.
Nghe xong, tôi pha nước Thốt Nốt vào ly như lần trước vài hớp
thử 1 hớp. Sak, ak ak, nhạt như nước dừa non và không còn thơm lừng như ở Núi Cấm.
Biết ngay là bị pha, mọi câu chuyện của bà chủ quán cũng theo đó nhạt dần mất sức
hấp dẫn. Vậy ra những người khách mối lâu năm của quán này cũng không biết họ
chưa được uống nước nguyên chất bao giờ.
Tôi đi qua một công trường khai thác đá nhỏ ở núi Dài Năm
Giếng. Đây là loại đá đẹp là đá xây dựng thuộc nhóm sáng màu mịn hạt và đá ốp
lát dùng để trang trí...
Qua hết hơn 4km đồi núi là bước vào một khu vực dân cư sầm
uất hơn, đó là thị trấn Tịnh Biên. Tôi thấy có Trung tâm thương mại, chợ Tịnh
Biên Sầm uất, khu siêu thị miễn Thuế Mỹ Nhựt cùng hàng tá siêu thị miễn thuế
nhan nhản ở đây. Tôi dạo chợ, siêu thị để xem tình hình mua bán tại đây. Cũng
như bao siêu thị miễn thuế khác, số tiền tối đa được mua là 500.000 đồng. Vì thế,
tự bao giờ đã hình thành một đội ngũ mua thuê tại địa phương để hỗ trợ khách
mua hàng. Tôi từng thấy một người mua hàng tổng số tiền vượt quá 5 triệu tức là
phải nhờ đội ngũ khoảng 10 người mua hộ.
(chợ biên giới Tịnh Biên)
(Khu thương mại Tịnh Biên)
(siêu thị miễn thuế)
(lúa Campuchia tập kết tại
đây)
Hầu như chợ biên giới nào cũng vậy, mặt hàng rất
phong phú, không sợ giả, giá lại rẻ, chủ yếu là hàng Thái. Tại Chợ Tịnh Biên
tôi còn thấy họ bán đủ loại côn trùng bọ, bò cạp, nhện,rết, bửa củi, rắn, thú rừng...
Nhiều người ở nơi khác đến chợ này săn côn trùng độc về làm "thuốc bổ bà
khen".
(hàng bán bò cạp sống)
(mối chúa ngâm rượu)
(Rết núi chiên giòn)
(bò cạp núi chiên giòn)
(thức ăn nhanh fast food côn trùng)
(món khoái khẩu của giới
trẻ)
(Bọ rầy ngon hết xảy)
Ai dám thì cứ ăn đi, chứ tôi thì chỉ đứng xa
xa mà dòm. Người bán thấy tôi ở xa đến lân la hỏi chuyện cũng vui, nhưng tôi sợ
lắm chỉ đứng cách 3m nói chuyện. Bà chủ bò cạp thấy tôi nhát quá bả liền lấy vài
con chọi vào tôi rồi cười ha hả. Báo hại tôi vừa chạy vừa phủi mấy con đang bám
chặt vào ống quần. Bây giờ kể lại mà thấy vẫn còn khiếp cái chợ côn trùng. Mấy
bà này ai dám vào nhà đó làm rể nhỉ, nửa đêm không ưng bụng là giả vở đổ nguyên
thau bò cạp từ trần nhà xuống mùng. Ớn.
Tôi ghé qua thăm nhà anh bạn lâu năm cũng ở gần đó. Anh học
nhân điện thầy Lương Minh Đáng và năm nào 2 vợ chồng cũng đi Melbourne học lớp
mới. Nhân tiện tôi viếng cây Đại Angten Thất Sơn đặt tại chợ Tịnh Biên do anh
ta quản lý.
(Đại Angten Thất Sơn tại Tịnh
Biên)
Anh bạn
mời tôi dùng cơm và 2 vợ chồng kể tôi nghe vô số chuyện hay về Thầy Đáng và những
chuyện kỳ lạ tại vùng đất linh thiêng này.
Zero Không Vô (còn tiếp...)
Nguồn: Nhân Điện Tâm Linh
ZeroKhongVo.Tk 0-0-0.Tk