Trang Chính      Hình Ảnh      Hộp Thư      Truyện Thật Ngắn      Bút Ký      Thơ     Truyện Ngắn     Góp Nhặt     Sức khỏe và Gia Đình     Gia Chánh     Phân Ưu     Tin Vui     Tin Tức     Trở lại trang trước     

DANH NHÂN TÂN CHÂU:
Ông NGUYỄN CHÁNH SẮT
(1809 - 1947)

(Theo bài báo “Một nhà văn tiền phong của miền Nam” của Việt Long Giang, Phổ thông tạp chí (Sài Gòn), số 142 (15-1-1965)

I - THÂN THẾ

Cụ sanh năm 1869 tại Vĩnh An Hà, xã Long Phú (Tân Châu) con ông Nguyễn Văn Tài và bà (không rõ tên) xuất thân trong một gia đình bần nông, vì đó, song thân cụ mới ký thác cụ cho ông Nguyễn Văn Bửu và bà Đặng Thị Nghiêm, người cùng xã, nuôi làm dưỡng tử. Thuở nhỏ cụ học với cụ Tú tài Trần Hữu Thường. Bấy giờ, nhằm thời kỳ Pháp thuộc dưỡng phụ cụ nhận thấy đeo đuổi theo Hán học không hạp thời, nên cho cụ học sang qua Việt ngữ và Pháp văn tại trường Tiểu học Châu Đốc. Sau khi đỗ văn bằng sơ học Pháp Việt (Certificat d'Etudes primaires français indigènes) thì cụ cũng vừa đúng tuổi trưởng thành (thuở đó có nhiều anh trên 20 tuổi, hoặc có vợ con mà vẫn còn học lớp nhất). Dưỡng phụ cụ, vì muốn có cháu bồng bế cho vui nhà vui cửa, nên bắt buộc cụ thôi học để lo đôi bạn cho cụ là bà Văn Thị Yên, người đồng thôn với cụ. Khi lập gia thất xong, thì lần lượt dưỡng phụ và dưỡng mẫu cụ đều qua đời. Sau hai kỳ ma chay, cặp vợ chồng son trẻ này lâm vào cảnh túng bấn. Đã vậy ông bà lại có một mụn con. Bà phải đi mua bưng bán bộ nuôi chồng, còn cụ trông nom nhà cửa và chăn con. Tuy nhiên rất hiếu học, lúc nào cụ cũng ôn nhuần lại Hán văn, nhất là Pháp văn và Việt ngữ.

II - SỰ GẶP GỠ GIỮA ĐÔI BẠN PHÁP VIỆT

Đồng thời có ông quan tư De Combert nhận thấy Tân Châu là một trung tâm tằm tơ, do đó ông bỏ vốn lập cơ sở sấy kén, tục gọi “lò sấy”, chính là phần đất của sở tằm tang Tân Châu hiện nay.
Thỉnh thoảng ông đi dạo vào con kinh lịch sử Vĩnh An Hà, nhiều lần qua lại, ông để ý thấy một vị thơ sinh vừa đưa con vừa đọc sách. Ông tò mò dừng chơn làm quen với cụ Nguyễn. Khi được biết người bạn mới đương rèn luyện Pháp văn, nên ông rất hài lòng và khen ngợi vô cùng. Từ đó những lúc nhàn rỗi ông thường lai vãng nơi đây để giao thiệp với kẻ bần sĩ đáng mến này; cùng lúc ông biếu sách, khuyến khích và chỉ bảo thêm. Tình đôi bạn Pháp Việt càng ngày càng khắn khít.

Chẳng bao lâu công việc làm ăn của ông thất bại, lại cũng đúng lúc nhà cầm quyền Pháp gọi ông đảm nhiệm một chức vụ quan trọng ở ngoài Côn Nôn. Nhằm cơ hội này, ông mời cụ cộng sự với chức thông ngôn.

Đã có học chữ Tàu, lại vốn thông minh, nay ra hoang đảo này, cụ được sự chỉ bảo tận tâm về Hán học của nhà nho làm cách mạng chống Pháp bị đày ra đây để trả món nợ thù Tây. Ai dè chính Côn Nôn, dưới trời nước bao la, là cái lò đào tạo cụ thành một thâm nho, rất có ích cho nền cổ học nước ta sau này.

Được một thời gian, bất ngờ ông Combert lâm bạo bịnh, vì vậy cụ đưa chủ về Sài Gòn điều trị nhưng không may ông này từ trần và an táng tại đất Thánh Tây ở Thủ Đô Việt Nam.

Sau đó cụ trở lại chốn ngàn năm lưu danh là mồ chôn những nhà ái quốc VN, thu xếp việc nhà rồi vào đất liền. Bấy giờ ông bà đã có 4 mặt con, vì thế sự sanh sống trong gia đình cụ thật là chật vật. Để bảo vệ vợ yếu con thơ, khi cụ giúp việc cho sở Canh Nông, lại làm cho Sở Công Chánh. Rồi lần lần nhờ sự hoạt động sau này mà cụ trở thành một nhà văn tiền phong của miền Nam.

III - HOẠT ĐỘNG VỀ VĂN HÓA

Đoạn Pháp văn dưới đây trích trong quyển Souverains et Notabilités d'Indochine. Ed. du gouvernement général de l'indochine. Ideo Hanoi 1943:

“M. Nguyễn Chánh Sắt, né en 1869 à Long Phú (Châu Đốc, cochinchine s'est signalé surtout par sa grande activité dans la diffusion de la littérature chinoise traditionelle (traduction en quốc ngữ) de nombreuse livres de théâtre classique, auteur d'un cours de morale “Huấn từ cách ngôn” à l'usage des écoles élémentaires indigènes. Professeur de caractères chinois, dans l'enseignement libre, puis dès 1906 consacra entièrement au journalisme de langue locale (diplôme de) mérite avec mention honorable - Exposition coloniale de Marseille 1906.

Lors du 4en emprunt national en 1918 Nguyễn Chánh Sắt alors directeur du journal Nông cổ mín đàm apporta sa collaboration au gouvernent. Il fut des hommes les plus actifs de la troupe théâtrâles sur la suggestion de M. Albert Sarraut alors gouvernement général de l'Indochine, organisa des tournées de propagande dans toute cochinchine en faveur de l'emprunt national.

En 1920, délégué à la Foire de Hanoi, il fit une conférence économique à l'Hôtel des colonies. En 1921, assenseur à la cour criminelle le Saigon. En 1933 un incendie ayant détruit plus de 20 paillotes près de l'ambulance de Tân Châu, il a pu recuellir presque 500 piastres en faveur des sinistrés, nommé Huyện honoraire en 1936”.

Tạm dịch: “Nguyễn Chánh Sắt, sinh năm 1869 tại Long Phú (Châu Đốc - Nam Kỳ) cụ nổi danh nhất là sự hoạt động lớn lao của cụ trong việc truyền bá văn chương Hán học cổ truyền (dịch ra quốc ngữ nhiều sách - hát bội), tác giả cuốn luân lý cách ngôn dùng trong các trường tư thục. Rồi đến năm 1906, cụ hoàn toàn là nhà viết báo bằng tiếng bản xứ, cụ được trường thưởng bằng Danh dự Bao tưởng trong cuộc triển lãm thuộc địa ở Marseille năm 1906. Ngoài vụ sổ quốc trái lần thứ 4 năm 1918 lúc bấy giờ cụ hiệp tác với Chánh phủ Pháp đứng ra lãnh Chủ Nhiệm nhật báo Nông cổ mín đàm (lúc làm chủ bút cụ thường mang bí danh - Bá Nghiêm - Du Nhiên Tử - Vĩnh An Hà), cụ là một tay hoạt động rất đắc lực trong Ban hát bội là ban hát do sự khuyến dụ của A. Sarraut, lúc bấy giờ Toàn quyền Đông Dương, tổ chức những cuộc kinh lý tuyên truyền ủng hộ về vé số quốc trái trong toàn xứ Nam Kỳ.

Đến năm 1920, cụ được cử làm đại diện Hội chợ Hà Nội. Cụ diễn thuyết về kinh tế ở nhà hàng thuộc địa. Năm 1921, cụ làm hội thẩm tại tòa đại hình Sài Gòn. Đến năm 1933, một trận hỏa hoạn thiêu huỷ những tác phẩm của cụ đã xuất bản trước kia…”

Các tác phẩm của cụ được nói đế nở trên gồm có:

A/ - LOẠI TIỂU THUYẾT:
1 - Gái trả thù cha (trinh thám tiểu thuyết - 4 quyển)
2 - Tài mạng tương đố (Tâm lý tiểu thuyết - 2 quyển)
3 - Nghĩa hiệp kỳ duyên (1 quyển - Tuần báo Nhân loại có tái đăng)
4 - Lòng người nham hiểm (xã hội tiểu thuyết)
5 - Trinh hiệp lưỡng mỹ (nghĩa hiệp tiểu thuyết)

B - LOẠI SÁCH DỊCH:
1 - Tam tự kinh
2 - Huấn tự cách ngôn
3 - Tam quốc chí
4 - Tống Nhạc Phi

IV - TRỞ VỀ CỐ HƯƠNG

Vào lối năm 1920, để hưởng thú điền viên, cụ trở về nguyên quán cất một ngôi nhà ngói, vách gạch, gần đình Long Phú, thuộc đất công thổ (chính là nền trường trung học bán công Tân Châu hiện nay). Tuy về cố hương, nhưng cụ vẫn vừa viết báo, vừa hoạt động về nông nghiệp và thuỷ lợi. Chẳng may trong vụ kinh doanh này xảy cho cụ một vụ án mạng do bạn bè của cụ gây ra tại kinh Thần Nông (Tân Châu). Nhờ cụ khéo dàn xếp nên vụ án đó được ổn thỏa, mặc dù sống dưới thế hệ của văn minh Pháp, song cụ vẫn giữ vững nề nếp nho phong, vì đó cụ rất đứng đắn trong lối phục sức, khi ra đường lúc nào cụ cũng mang quốc phục. Về Tân Châu với tài lẫn đức, cụ được quan dân kính mến. Vì thế, quí vị trong Ban Quản Tự đình Long Phú đồng công cử cụ làm chức Hương Quản. Bài vị cụ hiện còn tại đình trung Long Phú. Ông bà sinh tất cả 9 người con:
1 - Bà Nguyễn Thị Truyện [1]
2 - Cố Nguyễn Văn Đực
3 - Bà Nguyễn Thị Sứ
4 - Cố Nguyễn Thị Kinh
5 - Cố Nguyễn Thị Điển
6 - Cố Nguyễn Thị Nga
7 - Cố Nguyễn Thị Mão
8 - Cố Nguyễn Thị Nguyệt, tự cô giáo Minh [2]
9 - Cố Nguyễn Chánh Nhân
10 - Bà Nguyễn Thị Tỵ (dưỡng nữ) hiền thê ông Phạm Văn Gỉ.

Cụ từ trần vào ngày 18 tháng 4 âm lịch năm Đinh Hợi (6-6-1947) thọ được 78 tuổi.

Bà mất ngày 24 tháng 8 âm lịch năm Ất Dậu (29-9-1945). Phần mộ ông bà hiện nay an táng tại Sở đất của ông tọa lạc giữa Long Đức Tự và ấp Tân Sinh Long An A, xã Long Phú, tục gọi đường Chùa, và cũng là nơi mà cách nay 25 năm (1939-1984) đã xảy ra vụ dậy giặc của ông Đạo Tưởng ở Tân Châu.

Cụ Nguyễn khóc con (“Thập thủ liên hoàn”):

1
Xốn xang bứt rứt mấy canh gà
Thương nhớ vong nhi lụy nhỏ sa
Một giấc nghỉ ngơi an phận trẻ
Ngàn năm đau đớn tủi thân già
Bơ vơ hai cháu đành không mẹ
Hủ hể mình con nỡ bỏ cha
Tạo hóa bất nhân theo khuấy mãi
Khiến người cắt ruột tệ chi mà.

2
Chi mà đau đớn lắm trời ôi!
Cái nghĩa cha con đã phủi rồi
Tủi nỗi trẻ thơ sao vắn vỏi
Thương bầy cháu ngoại chịu mồ côi
Chim đà mất mẹ buồn ngơ ngác
Tre phải khóc măng thảm dập dời
Thắt thẻo ruột tằm vò chín khúc
Chi mà đau đớn lắm trời ơi!

3
Trời ôi sao nỡ hại người lành
Cái nghĩa cha con hạ đứt đành
Băm tám tuổi xanh sao vắn số
Bảy mươi đầu bạc ngẩn ngơ hình
Gia đình vẫn tưởng già nương cậy
Thơ xả hết mong trẻ giúp mình
Sách vở mấy trương còn để đó
Từ đây khuê các phải buồn tanh

4
Buồn tanh thao thức trót năm canh
Vắng dạng tai nghe giọng trống thành
Trước cửa vật vờ hồn núi giã
Bên tường thỏ thẻ tiếng chim oanh
Ém mình ngâm vịnh làm khuây dạ
Thấy cháu ngây thơ phút động tình
Bé tí chắt chiu đau đớn trẻ
Bao đành độc địa hỡi cao xanh.

5
Ông xanh bao nở chẳng thương tình
Hiếu nghĩa sao mà lại ghét ganh
Phải biết ẩn xuân phần vắn số
Đã tầm Hậu Nghệ thuốc trường sinh
Bồi hồi sáu khắc sầu không xiết
Thổn thức năm canh nhắc chẳng đành
Nhắc trẻ biết đâu tầm được thấy
Chỉ mình quanh quẩn mấy khuôn hình.

6
Mấy khuôn hình trẻ vẽ trong nhà
Nhìn tới di dung giọt đượm sa
Nét đứng dáng ngồi còn phưởng phất
Lời ăn tiếng nói đã phui pha
Trông vào trẻ sắt lòng chua xót
Đoái lại phòng văn dạ thiết tha
Ai thương nhớ ai buồn khó tả
Sụt sùi chan chứa tấm lòng ta

7
Lòng ta khắc khoải trót đêm tròn
Thổn thức năm canh mải nhớ con
Thắm thiết lòng già nằm chẳng trọn
Mơ màng dáng trẻ ngủ sao ngon
Xưa còn tin tức trông lóm lóm
Nay vắng dạng hình khóc nỉ non
Ước gặp Nam Tào ta hỏi thử
Cớ sao mạng số lại thon don.

8
Thon don phận trẻ dễ an nào
Cực nỗi cha già thảm xiết bao
Mẹ yếu một thân sầu ủ rủ
Con thơ hai đứa khóc nghêu ngao
Cửa nhà thiếu kẻ lo săn sóc
Vườn tược không người giữ trước sau
Uất ức bên lòng nằm chẳng tiến
Một mình trằn trọc trót canh thâu

9
Trót canh thâu chẳng thấy con mình
Một giấc ngàn năm đã bặt hình
Sao nỡ chia phui tình cốt nhục
Bao đành phân rẽ mối thâm tình
Ngẩn ngơ tuổi cháu còn suy ấu
Ngan ngán thân già nỗi tử sanh
Cợt cả một may mà xế bóng
Bớt thờ hai mục nỗi linh đinh

10
Linh đinh phận trẻ biết đâu mà
Nơi trước sau đây dạ xót xa
Ngày tháng bơ vơ không bỏ mẹ
Sớm khuya bận bịu có ông bà
Não nùng tiếng dế lòng ngao ngán
Dắng dỏi hơi ve dạ thiết tha
Đoái lại cảnh tình thêm bát ngát
Xốn xang bứt rứt mấy canh gà.


[1] Bà là hiền thê của ông Trần Thái Nguyên, đốc phủ hồi hưu ở 40 đại lộ Bạch Đằng (Gia Định). Chính bà thuật lại tiểu sử của cụ cho tôi viết trong dịp bà về Tân Châu làm mộ cho song thân bà vào năm 1963.
[2] Chính bà giáo này giúp ông rất nhiều trong việc viết văn và làm báo, vì đó khi bà qua đời, quá xúc động, cụ cảm tác ra bài “Thập thủ liên hoàn” mà lúc sanh tiền cụ thường ngâm đi ngâm lại để giải khuây.

 

(Bài DANH NHÂN TÂN CHÂU này được trích từ tập Hồ Sơ LỤC CHÂU HỌC của Giáo sư NGUYỄN VĂN TRUNG, đăng trên Thongluan.org)