HOÀI ZIANG DUY, TỪ RỪNG AN LỘC ĐẾN NÚI ĐỒI VIRGINIA
NGUYỄN MINH NỮU
Nhà văn/nhà thơ Hoài Ziang Duy
Hoài Ziang Duy định cư ở Mỹ năm 1991 sau bảy năm đi lính, bốn lần bị thương và sáu
năm tù cải tạo. Khi tinh thần ổn định anh cầm bút trở lại và cộng tác bài vở với
các tạp chí Văn Học, Hợp Lưu… và tham gia một tuyển tập của Văn Bút Miền Đông năm
1996. Tới năm 1999 mới xuất bản tập truyện đầu tay Ông Tướng Sang Sông.
Tôi quen anh trong giai đoạn này,
giai đoạn anh chuẩn bị phát hành tập truyện đầu tay. Anh hay ngồi với một người
bạn trong Văn Bút tại quán cà phê Nguyễn Gia Định trong khu thương mại Eden. Dường
như đó là lúc Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại đang phân hóa cùng cực giữa hai phe Viên
Linh ở miền tây và Sơn Tùng ở miền đông thành hai ban chấp hành Văn Bút Việt Nam.
Sau đó, Văn Bút Quốc Tế đã dàn xếp để cả hai cùng rút lui, một ban chấp hành khác
thành lập với chủ tịch là nhà văn Minh Đức Hoài Trinh. Có lẽ chính cuộc đấu đá giữa
hai bên trong Văn Bút, khiến một người mới định cư ở Mỹ như tôi có cái nhìn e ngại
với những người trong cuộc.
Giang Hữu Tuyên đưa tôi tập truyện
và thư mời buổi ra mắt sách. Hoài Ziang Duy đã khéo léo bước ra khỏi cuộc tranh
chấp của Văn Bút khi buổi ra mắt sách được giao cho Hội Đồng Hương Châu Đốc tổ chức.
Tập truyện có cái tên rất gợi hình
“Ông Tướng Sang Sông”. Chưa kịp đọc tập truyện, chúng ta đã lập tức bị cuốn hút
bởi cái tâm trạng xót xa, buồn nản, bi thảm và tuyệt vọng của một thế đứng chông
chênh, một con đường đi mà không có đích đến mà cũng không có lối quay về. Tập truyện
do Xuân Vũ viết lời giới thiệu. Xuân Vũ là tác giả tập hồi ký “Đường Đi Không Đến”
càng khiến tôi đinh ninh đây sẽ là tập truyện về những người lính chiến đấu đơn
lẻ và vô vọng từ một cuộc chiến bị phản bội hồi năm năm về trước.
Nhưng không phải vậy, “Ông Tướng Sang
Sông” nói về một một cuộc chiến khác, khốc liệt và bi thảm, thầm lặng nhưng không
kém xót xa là chính trong nội tâm của con người. Sẽ đề cập tới tập truyện này trong
phần sau.
Hoài Ziang Duy tên thật là Thái Sanh
Lợi, sinh năm 1948 tại Châu Đốc, nhập ngũ năm 1968 học tại Trường Bộ Binh Thủ Đức,
ra trường, là một sĩ quan tác chiến thuộc Sư Đoàn 9 Bộ Binh. Khi mang cấp bậc Trung
Úy, và nắm chức vụ đại đội trưởng, Hoài Ziang Duy đã là một mũi tiền phương dẫn
quân vào giải tỏa thị xã An Lộc, thuộc tỉnh Bình Long. Trận đánh khốc liệt và bi
tráng đó in dấu rất sâu trong ký ức của anh, những khu rừng xanh đất đỏ của miền
đông, những mẫu người dân hiền hòa chịu đựng bom đan chiến tranh và cả những đồng
đội bên nhau mà đa phần đã đến nơi đây nhưng không thể trở về. Bút ký Chia Nửa
Vầng Trăng của Hoài Ziang Duy là một bút ký chiến tranh viết về mặt trận An Lộc
vào mùa hè đỏ lửa 1972 rất chân thật, xúc động và xuất sắc.
Cầm bút và kiếm sống bằng ngòi bút
từ thời rất trẻ. Trong lần trả lời phỏng vấn của Lương Thư Trung, Hoài Ziang Duy
tâm sự:
“Những người viết văn làm thơ sớm,
là mang khổ lụy vào thân. Kể ra khoảng thời niên thiếu học trung học, tôi đã viết
truyện để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống của bản thân mình, nhiều hơn là lo
học. Cũng may là đường khoa cử cũng trơn tru. Hồi đó mỗi lần một truyện đăng báo,
được trả 300 đồng (Thời giá may một cái quần tây vải Dacron là 300, một cái đồng
hồ hiệu Telda, hay Luran là 350 đồng). Đăng ở nhật báo Tia Sáng, Ngày Mới, Dân Ta,
Dân Tiến, Tiểu Thuyết Thứ Năm, Sống, Sóng Thần, Đời, và các tạp chí văn học… Năm
học lớp Đệ Nhị, tôi được giới thiệu thơ và tác giả trên đài phát thanh Sài Gòn (Chương
trình Tuần báo Nghệ thuật Truyền Thanh). Sau này đi lính thì chỉ còn có thì giờ
viết cho các tạp chí. Tôi thường xuyên viết cho tạp chí Trình Bầy của Thế Nguyên.
Đời sống tôi rất cô độc (con út trong một gia đình, mất mẹ lúc lên 5, 6 tuổi). Sống
ở đơn vị mà chỉ viết báo ngoài để lãnh tiền, khi về Sài Gòn thì ghé qua lấy.”
Sống được bằng nhuận bút từ khi còn
đang là học sinh trung học là một điều hiếm hoi và kỳ lạ vào cái thời mà chúng tôi
lớn lên. Cầm bút từ năm 1965, khi vừa 17 tuổi, Tính tới thời điểm hiện tại, Hoài
Ziang Duy xuất bản được 5 tác phẩm gồm:
- - Ông Tướng Sang Sông. Truyện, 1999
- - Lối Đi Dưới Lá Đời Thà Như Mưa. Thơ, 2007
- - Bốn Ngàn Năm Chen Lấn. Truyện, 2010
- - Những Bài Thơ Tháng Tư. CD ngâm thơ, 2014.
- - Còn Không Chốn Quay Về. Tự Truyện, 2017
- - Đứng Tựa Bên Đời, Thơ. 2019.
Giữa thơ và văn, Hoài Ziang Duy tự
nhận định mình thích làm thơ hơn, anh đã tâm sự:
“ Còn thơ tôi, những lãng mạn,
nồng nàn thiết tha như anh thấy trong nhận xét. Quả tình tôi cũng yếu đuối sống
thật với chính mình qua những bài thơ. Khác với thực tế sống bên ngoài, đời sống
tôi chừng mực, trật tự, không có lối buông thả, rượu chè (có lẽ vì vậy mà tôi ít
có bạn bè, ít hình tượng làm dáng của một văn nghệ sĩ). Tôi vẫn thích làm thơ hơn,
bởi nó trang trải những cảm nghĩ rung động kịp thời, hơn là một bài văn đòi hỏi
sự chuẩn bị sống cho nhân vật, không phải sống thật với mình.”
Có một số bài của Hoài Ziang Duy lênh
đênh nỗi nhớ, mang mang tiếng vọng một quê nhà:
“Đường hẹp quê nhà ta bắt nhớ
Cuộc đời ai hát nhịp cầu tre
Hôm nay đường rộng quan san bước
Then cài ai khép đứng ngoài khe”
(Đã lỡ cơn đau ngày bóng xế, LDDL trang 15)
Hay nói về những chuyến khởi hành mà không cần đích đến:
“Đi di tản là đi tản mạn
Hành trang mang chỉ một chữ đi
Ngó thấy không gian ngồi phía trước
Sao trời chung mệnh chiếu Thiên di
Đi bỏ nước ca câu mất nước
Lễ nghĩa xưa quân tử gánh gồng
Trứng trăm con nở tràn bọt nước
Mới hay sĩ khí thổi ngoài sông”
(Đi, LDDL trang 25).
Thơ hay, nhiều chất trữ tình, thiết tha nhưng có lẽ tâm huyết của Hoài Ziang Duy
lại là phần Văn. Ở đó, Ông tạo hình nhân vật, xây dựng tình huống và thể hiện văn
phong biệt dị tạo ra những tác phẩm có bản sắc rất riêng.
Thí dụ như tập truyện “Ông Tướng Sang
Sông”, nhà văn Xuân Vũ viết trong lời giới thiệu đầu cuốn sách: “ Lối viết của
Hoài Ziang Duy là một lối viết lạ kỳ, không giống ai, hoặc tôi chưa từng thấy giống
ai trong nghệ thuật viết truyện ngắn. Cái lạ kỳ nầy có hai nhánh. Lạ kỳ quái gở
và lạ kỳ nghệ thuật. Truyện cùa Hoài Ziang Duy nằm ở nhánh thứ hai .”
Ông Tướng Sang Sông là tập gồm 11
truyện ngắn, với tựa của Xuân Vũ, bạt của Phạm Thăng. Cảm giác đầu tiên khi đọc
tập truyện này là không có địa danh xẩy ra, không có thời điểm xẩy ra, không có
nhân vật chủ chốt, không có những biến chuyển kịch tính và cũng không phải là một
đoạn văn êm êm nhẹ nhàng. Thực ra những biến động trong chuyện đều khởi từ tâm tư
suy nghĩ của các nhận vật trong truyện kết nối với nhau bằng những câu trao đổi
ngắn để mô tả diễn tiến câu chuyện.
11 truyện đó, qua đối thoại nhân vật,
chúng ta hiểu được những chuyện viết giữa chiến tranh như: Cành Lá Ưu Phiền, Bên
Trường Giác Đấu, Mù Sương Cũng Biết Mơ. Có những truyện viết về thời điểm sau khi
chiến tranh chấm dứt, ghi những hậu chấn cuộc đời người chiến bại khi còn ở Việt
Nam như Trời Như Nhỏ Lại, Ông Tướng Sang Sông, Mỗi Ngày Mỗi Xa, và những truyện
viết khi thời gian là ở Mỹ, không gian là ở Mỹ nhưng tâm tư vẫn là những vệt đen
ám ảnh mang theo đất nước xa vời như: Người Chôn Ký Ức, Đâu Cõi Đi Về, Đám Tang
Chữ Nghĩa… Là 11 truyện với các góc thấy khác nhau, nhưng sẽ nhận thấy rất rõ ba
điều:
1/ Có một xuyên suốt chung với nhau
là cái ám ảnh bi thảm của chiến tranh mà tác giả đã trải qua theo tôi nghĩ là những
cánh rừng đẫm máu của thị trấn An Lộc năm 1972, trận chiến mà tác giả đích thân
tham dự. ám ảnh đó, tâm trạng đó kéo dài từ truyện đầu đến truyện cuối, kéo từ An
Lộc máu đổ thịt rơi đạn bom gầm rú cho tới cảnh sống nhẹ nhàng, đon giản giữa núi
đồi Virginia ở những truyện cuối cùng.
2/ Những đối thoại mông lung, hời
hợt, hờ hững và có vẻ như vô tình với nhau trong truyện lại là những điển hình rất
sát với thái độ buồn thảm và chán nản tới độ chẳng muốn nói ra của các nhân vật
như những cái bóng xuất hiện trong chớp mắt rồi mất tích giữa màn đêm.
3/ Tất cả các truyện hầu như không
thể tóm lược cốt truyện, Tôi nghĩ đây là một cố ý của tác giả, Ông đã đưa vào truyện
cái nghĩ của nhân vật, của nhiều nhân vật. Những tình tiết xẩy ra như những con
rối trong Đèn Kéo Quân, chập chờn hiện ra và bắt độc giả phải hóa thân vào truyện
, nhập vai bất kỳ nhân vật nào để tự tìm cái kết luận riêng mình.
Truyện chính được lấy làm tên cho
toàn tập là truyện “Ông Tướng Sang Sông”. Trong truyện không có ông Tướng nào, cũng
chẳng có sông nào, truyện kể về một người đàn ông (chắc vừa được tha từ tù cải tạo)
về bốc mộ cha dưới quê đem về thành phố (Có lẽ để an vị đâu đó trước khi đi xa).
Trên chuyến xe khách về lại thành phố, anh ta ngồi cạnh một cô gái xinh đẹp buôn
thuốc lá lậu, khi gặp trạm kiểm soát, cô ta tạm mượn anh làm chồng để tránh khám
xét. Khi cô gái xuống xe tại khu vực qua phà, cô ta mời anh vào nhà cũng là quán
của cô ta tạm nghỉ ngoài sân chờ tới sáng qua phà. Ở đó anh ta gặp anh ruột cô gái,
cũng là lính chế độ cũ, là thương phế binh, đang hành nghề bán thuốc nam trị bệnh
thận (cũng là thuốc lậu và lại là thuốc giả luôn). Vài câu chuyện vô thưởng vô phạt
và chia tay. (Những dòng chữ trong ngoặc là những cái tôi đoán)
Vậy thì cái ý của câu truyện này là
gì? Chắc mỗi người sẽ có một nhận định riêng. Còn riêng tôi, chính cái tựa câu chuyện
là ý chính, cảm giác rã rời, vô định, và buông thả bỏ mặc cuộc đời trôi nổi bởi
vì con chốt qua sống là con chốt thí, huống hồ Ông Tướng vốn không thể ra khỏi bốn
ô vuông của một bàn cờ, mà nay phải đẩy ra thế sang sông thì chỉ là cái xác không
hồn.
Nhưng tôi lại tìm thấy câu trả lời
cho truyện đó, hay khác hơn cả tập tuyện đó, trong đoạn kết của câu truyện cuối
cùng: Đám Tang Chữ Nghĩa. Đoạn kết truyện đó như sau:
“Ông nói tôi mang dùm ông tất cả
sách báo ra trước hiên nhà. Cầm lấy diêm quẹt trong tay. Bàn tay ông run run, cúi
xuống châm lấy mồi lửa. Lúc này đây, tôi thấy đau lòng quá, không thể một phút hủy
đi cả một đời sống riêng tư dằn vặt. Tôi muốn ngăn lại, muốn duy trì sự tồn tại
đã có từ trước. Nhưng ông bảo:
_ Không cần thiết nữa con ạ.
Ánh lửa bốc lên, càng lúc càng
lên cao, ông vẫn ngồi đó. Trên chiếc xe lăn, giọt nước mắt chảy đi trên đôi má già
nua. Ông vẫn sống, sống sừng sững bằng thân phận chính mình.
Nhưng với tôi. Lúc này ông đã chết.
Một cái chết thật dịu dàng.”
Để kết luận bài viết lan man về Hoài
Ziang Duy này, xin trích lại một đoạn bài trả lời phỏng vấn của anh với Lương Thư
Trung (Tạp Chí Da Màu) trong đó khi nhắc đến một truyện ngắn đắc ý của anh, sau
đó được dùng để làm tựa đề chung một tập truyện: “Bốn Ngàn Năm Chen Lấn”. Câu trả
lời của anh ghi một kỷ niệm với người viết bài này:
“Thưa anh, thường thì trong một
tập truyện, sẽ lấy một câu chuyện cho là ưng ý nhất để làm tựa sách. Với tôi không
hẳn là vậy, dù truyện BNNCL đầy đủ hình ảnh cuộc sống mới lạ của người dân hai miền,
sau ngày mất miền Nam, và nối tiếp thực tế một đời sống thực của người trẻ, người
già trên xứ người. Truyện hợp với tâm tư tình cảm tôi lại là truyện Nhân gian một
chỗ, một thời ấu thơ của tôi, và hình ảnh ba tôi ngồi trên cái bục xi măng trước
nhà đợi chờ con đi tù về, là một ám ảnh khôn nguôi.
Nhân nhắc đến cái tựa truyện Bốn
Ngàn Năm Chen Lấn, tôi kể anh nghe chuyện nầy. Cách đây mấy năm trước, (khoảng năm
1998) tuần báo Văn Nghệ (số 2, số 3 gì đó), ở tiểu bang Virginia có xin bài truyện
nầy đăng báo. Cũng tuần đó, một tờ báo trong vùng này cho đăng một thư nói là thư
độc giả (viết tay, nhưng nặc danh không ghi tên, địa chỉ), kêu gọi tẩy chay tờ báo
Văn Nghệ (của Nguyễn Minh Nữu) vì đăng bài truyện tựạ này (nhưng không nói tên tác
giả HZD) cho là bôi bác cộng đồng vì có đoạn đề cập đến chuyện ca sĩ VN sang hát,
con thì đi coi ở trong, cha thì ở ngoài biểu tình, và đưa tên ca sĩ (trong truyện
tên Thu) là trùng hợp với tên ca sĩ thứ thiệt.
Tuần sau đó tờ báo Văn Nghệ lên
tiếng cho biết là truyện ngắn này đã đăng trên tạp chí Văn Học ở Cali cách đây một
năm (bây giờ báo Văn Nghệ đăng lại). Như vậy rõ ràng là nội dung hư cấu viết trước
đây một năm lại trùng hợp với sự kiện nầy, một năm sau. Như anh thấy đó, chỉ một
cái tựa tức cười và nội dung gây ra chuyện, thì thôi chi bằng lấy nó làm tên bìa
sách cũng đáng phải không?
Những ngày này Hoài Ziang Duy đang
nằm bệnh, đang dược chăm sóc trong vòng tay yêu thương của người bạn đời Đỗ Bình
(bút hiệu Phương Thảo Huyền) và 2 người con gái của anh, Thái Thảo Uyên và Thái
Đông Phương.
Hoài Ziang Duy và người bạn đời
Đỗ Bình
(Ảnh chụp năm 1972 lúc mới thành
hôn)
Tôi và Phạm Cao Hoàng vừa đến thăm anh. Về nhà, tìm trong kệ sách đọc lại một số
tác phẩm tiêu biểu của anh. Yêu thương văn tài và trân quý những điều anh ấp ủ.
Vừa đúng 50 năm trôi qua từ khi Trung Úy Thái Sanh Lợi , dẫn đại đội anh dũng vượt
bom đạn đi vào vùng đất Bình Long giải tỏa cho thị trấn An Lộc, cho tới ngày nay,
dù sống an vui với sự chăm sóc tận tình của vợ con giữa núi đồi Virginia, lòng anh
vẫn còn cánh cánh như câu thơ anh viết xuống:
-“Biết về đâu gọi hồn người năm
cũ
Máu xương hề đàn dạo khúc bi thương
Mấy mươi năm một kiếp đoạn trường
Sao vơi được nỗi buồn đau ấp ủ.
(Hình Như Có Điều Không Thể - Thơ
HZD).
Xin gửi tới anh một lời chúc an lành.
NGUYỄN MINH NỮU