ĂN TRÊN NGỒI TRƯỚC

                                      Khiêm Cung

 

 

Tôi có một người bạn, quen nhau từ trong quân ngũ. Anh có cơ hội vượt biên, sống ở nước ngoài trước tôi gần mười năm, làm thư ký bưu điện. Tha hương mà gặp lại, vui lắm.

Có lần anh đến nhà tôi ăn thịt nướng (barbecue) ở sân sau và trò chuyện với bạn bè. Anh cho biết:

-Khi nghỉ hưu tôi sẽ về Việt Nam sống. Gởi tiền hưu trí vào ngân hàng ở đây để lấy lời, đủ sống thoải mái ở quê nhà.

Kế hoạch của anh nghe cũng hấp dẫn lắm.

Anh lại nói tiếp:

-Tôi cũng cho mấy đứa nhỏ của tôi về sống ở Việt Nam luôn. Với sức học của chúng nó bên nầy, về bển cũng “ăn trên, ngồi trước”.

Để tránh làm mích lòng bạn bè, tôi không bày tỏ quan điểm của mình về câu nói trên, nhưng tôi liền nhớ đến truyện “Lều chõng đi thi” của Ngô Tất Tố, mô tả cái vất vả của lối học từ chương, nỗi nhọc nhằn, may rủi của người cử tử đi thi, sự vinh hiển của người đậu trạng nguyên cũng như gia đình và địa phương của người đó.

Mục đích tối hậu của người đi học là để thi đậu làm quan, vinh hiển, bái tổ vinh qui, võng anh đi trước, võng nàng theo sau và rồi làm phụ mẫu chi dân, tức là làm cha mẹ của dân.

Tệ nạn tham ô ở nước nào cũng có, không riêng gì Việt Nam. Nhưng có lẽ trong chế độ cũ cũng như trong chế độ hiện giờ, Việt Nam là một trong những nước có mức độ tham ô đứng đầu thế giới. Tệ nạn nầy có thể phần lớn do quan niệm học để làm quan chức, ngồi trên đầu trên cổ dân, lợi dụng chỗ dân trí kém cỏi, không rành luật lệ để bắt chẹt, đòi hối lộ.

Bậc ông bà cha mẹ cũng mong cho con cháu được phước, làm quan, có bổng lộc, có quyền uy để ăn của đút lót, quan niệm đó vẫn còn trong đầu mọi người thì biết bao giờ nước mình mới hết tham ô ?

Đừng oán trách ai không bài trừ tham ô, nó là một chứng bịnh nan y, không thể trị dứt ở cái ngọn. Quan niệm cổ lỗ ăn trên ngồi trước đã thâm căn cố đế ở trong đầu mọi người mới là nguyên nhân cần phải gột rửa để giảm dần tệ nạn tham ô.

 


Trở lại trang Văn