LÀNG TÔI

             Khiêm Cung

                                                                                                                                                                                                                                                                                               

Tôi sanh ra tại làng Bắc Nam. Hiện nay mồ mả ông bà tôi vẫn còn tại đó .

Làng này thuộc lãnh thổ Miên, còn gọi là làng Đồng Đức Thượng, giáp ranh với làng Đồng Đức Hạ bấy giờ thuộc Tỉnh Châu Đốc - Việt Nam. Từ chợ Châu Đốc lên Nam Vang qua ngả Bình Di, đi bằng đường thủy được khoảng mười lăm kí lô mét, bạn sẽ gặp một chỗ đất bồi thành cù lao rất lớn ở giữa sông gọi là Cù lao Ba tại làng Vĩnh Trường,  tiếp tục đi khoảng mười lăm kí lô mét nữa lại gặp một cái cồn gọi là Cồn Cát, rồi đến Cồn Bắc Nam.

 

 Một con sông nhỏ hiền hòa chảy qua Bắc Nam, trước khi đổ ra sông cái. Cửa sông nhỏ này ngó ra Cồn Bắc Nam.

 

 Dân trong làng thường phân biệt làng Bắc Nam thành hai xóm: xóm trong gần nguồn sông, người Miên ở; xóm ngoài là khu vực vàm sông, giáp mối giữa sông nhỏ và sông cái, nơi định cư của người Việt và người Hoa. Lúc bấy giờ Việt - Miên - Lào là ba nước Đông Dương thuộc Pháp. Người Việt và người Miên sống với nhau rất hòa thuận.

 

Xóm trong có chùa của các Sư Sãi vấn y vàng hoặc y nâu, có những hàng cây thốt lốt từa tựa như cây dừa. Các Sư Sãi tu theo phái Tiểu thừa, ăn mặn, đi chân đất, ôm bình bát đi khất thực, tức là đi quyên các Phật tử cúng dường thực phẩm. Các Sư Sãi cũng đi luôn ra xóm ngoài để khất thực.  Theo sau Sư Sãi thường có một hai chú tiểu  làm thị giả, phục vụ cho Sư .

 

Theo tục lệ của người Miên, các chú tiểu này vào chùa tu học một thời gian, vừa học giáo lý vừa học chữ, sau đó trở về sống một cuộc sống bình thường với gia đình. Thanh niên nào chưa qua một khóa tu học thì khó cưới vợ, vì chưa đạt tiêu chuẩn đạo đức và học vấn.

 

Lúc nhỏ tôi thường theo cha vào xóm trong đi coi người Miên đua thuyền trong ngày Lễ Rước Nước và Lễ Đưa Nước. Những chiếc thuyền dài mà thon nhỏ, gọi là ghe ngo, đầu có chạm đầu rồng, đuôi có chạm đuôi rồng. Đầu thuyền có người đội trưởng, đầu chít chiếc khăn màu, tay cầm một cây gậy chỉ huy có buộc vải màu tua tủa, đầu ngúc nga ngúc ngắc theo nhịp bơi của các đồng đội. Đuôi thuyền có người cầm lái. Giữa thuyền là hai hàng người cầm dầm để bơi. Các thuyền đua rẽ nước phóng nhanh trong tiếng reo hò cổ võ của đám đông người ủng hộ hai bên bờ.

 

Tôi cũng say sưa xem vũ Là Khol. Trong điệu vũ này có một cặp vũ công, một nam một nữ, tôi không rõ tại sao cha tôi thường gọi họ là con trống, con mái. Y phục của họ rất đặc biệt, đội mũ tròn có chóp nhọn ở trên giống như cái tháp, áo ngắn tay bó sát thân người, mặc váy gọi là xà rong, kéo vạt phía trước vắt ngược lên thắt lưng phía sau, trông rất kín đáo. Con mái có đeo vòng tay và kiềng cẳng bằng bạc. Thân thể của vũ công thật dịu dàng, tay của vũ công thật dẻo theo tiếng nhạc ngũ âm.

 

Trong dàn nhạc ngũ âm có hai nhạc cụ chánh. Nhạc cụ thứ nhứt là những cái dĩa tròn bằng kim loại, nổi u lên ở giữa, đặt nối tiếp nhau trên một khung tròn . Mỗi cái dĩa là một nốt nhạc. Nhạc công ngồi ở giữa khung tròn, dùng hai cái dùi gõ vào chỗ u của những cái dĩa, phát ra những âm thanh “ bòn bon bón bon, bòn bon bón bon ...”. Nhạc cụ thứ hai là những thanh tre kết lại thành một mảng, treo hai đầu mảng thanh tre này lên hai đầu một cái máng bằng sắt dài độ một mét, có hình dáng  một chiếc xuồng, hai đầu cong lên . Nhạc công thứ hai cũng dùng hai cái dùi gõ lên các thanh tre kêu “ tằng tăng tắng tăng, tằng tăng tắng tăng ...”.

 

 

Xóm ngoài có sinh hoạt theo tập tục của người Việt và người Hoa, có công xi rượu của Chú Bánh Lớn,  có khu chợ nhỏ ở vàm sông. Đi vào phía trong một đổi có khu đình làng với cây đa tàng rất to mà bọng ruột, có những hàng cây sao cao vút, với nhà việc, nơi làm việc và hội họp của Ban Hương chức Hội tề, có miễu thờ Quan Thánh Đế Quân, ông Quan Bình và ông Châu Sương và miễu thờ ông Oanh. Ông Oanh còn được gọi là Ông Thần Súng, nghe nói là một quan đàng cựu trông coi đội đại bác, lập được nhiều chiến công hiển hách, khi chết được vua sắc phong thần .

 

Theo truyện Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung, Quan Thánh Đế Quân  còn gọi là Quan Công, tên thật là Quan Vân Trường , đã cùng với Lưu Bị và Trương Phi kết nghĩa anh em tại Vườn Đào. Quan Vân Trường là một người trung dũng,  một kiện tướng, hết lòng phò tá Lưu Bị. Khi sa cơ, không chịu đầu hàng Tôn Quyền, nên bị chém đầu. Hồn phách không tan, về hiển thánh tại núi Ngọc Toàn, có một người mặt trắng là Quan Bình và một người mặt đen râu rậm là Châu Sương đứng hầu hai bên. Quan Bình là con nuôi và Châu Sương là tùy tướng của Quan Công .

 

 

Tôi có nhiều kỷ niệm với khu đình làng. Người ta đồn rằng ở khu đình làng có ma. Chính hai người cô ruột của tôi cũng nói khi trời nhá nhem tối đi ngang qua đó hai cô nhắm mắt lại mà chạy, nghe có tiếng chân rượt theo, chạy càng nhanh tiếng chân rượt theo càng gấp, hai cô chạy về đến nhà mặt mày tái mét .

 

Một hôm nọ, Ông Bảy Can rủ thanh niên vô khu đình làng bắt ma. Cha tôi hăng hái, tình nguyện đi đầu. Trời tối đen. Từ bọng cây đa hiện ra một bóng ma gầy gò, tóc xỏa khỏi lưng quần, tay chân quờ quạng. Cha tôi nhanh như chớp phóng đến bóp cổ con ma. Ông nghe tay mình âm ấm và nghe con ma kêu rên khe khẻ: Buông tay ra!  Tao là Bảy Can đây!

Hóa ra Ông Bảy Can  lén trốn vào bọng cây đa trước để giả ma hù đám thanh niên.

 

Những lúc trăng thanh, có lễ hội hoặc có đám cúng đình, tôi cùng với bạn bè chơi cút bắt hoặc chơi chuyền cột bắt cột ở các hàng cây sao, vui thật là vui ! Trong trò chơi này, bốn đứa trẻ đứng dựa lưng vào bốn cây sao ở bốn góc; hai đứa đứng tréo góc là một phe. Hai đứa của phe này rời cây sao - gọi là cây cột - của mình để chạy qua cây cột của bạn. Phải chạy cho nhanh, bằng không thì phe kia sẽ chạy đến chiếm  cột đang bỏ trống,  phe mình thua.

 

Dân làng rất tin tưởng thần quyền , nên thường cúng kiếng để cầu nguyện người khuất mặt khuất mày phò hộ cho gia đình tai qua nạn khỏi, mua may bán đắt, nhứt bổn vạn lợi.

 

Ngày rằm tháng Giêng làm bè bằng nhiều thân cây chuối kết lại để tống ôn, tức là đưa tà ma, bịnh tật ra khỏi làng mình. Trên bè có con heo quay, có giấy tiền vàng bạc, có khói hương nghi ngút. Chung quanh bè có treo đủ loại cờ giấy, lớn có, nhỏ có, đủ màu sắc. Ban Hội tề cúng vái xong thì thả bè trôi theo dòng nước chảy ra sông cái. Nghe nói khi chiếc bè vừa ra khỏi vàm sông, con heo quay biến mất trong tay của một số người chờ chực sẵn.

 

Ngày rằm tháng Bảy, đạo Phật có lễ Vu Lan , dân làng Bắc Nam cúng Thí Rế hay Thí thực Cô hồn. Sân trước miễu Quan Thánh Đế Quân được trải đệm. Trên đệm sắp có hàng ngũ các giỏ bánh kẹo, mía, trái cây; các cỗ bồi bằng giấy màu, hình nón cao hơn một mét, cỗ này đơm bánh qui, cỗ kia đơm tiền cắc hoặc tiền giấy. Sau khi Ban Hội tề cúng cô hồn xong, một hồi trống vang lên. Hồi trống vừa dứt là dân làng được quyền giựt đồ cúng, kể cả các cỗ tiền. Một cảnh náo loạn diễn ra, có kẻ trầy tay, có người sứt trán. Nhưng ai cũng thấy vui mỗi năm có dịp làm cô hồn sống! Một lần nọ, có một thanh niên nhảy vào giựt cỗ trước khi hồi trống chấm dứt, bị phạt cúng một con heo quay.

 

Hằng năm có Lễ Nghinh Ông, tức là cung nghinh các vị thần linh đang thờ tại các miễu trong khu đình làng. Cứ bốn thanh niên khiêng một cái kiệu để cung nghinh chư vị Châu Sương, Quan Bình, Ông Oanh, đang lên đồng, miệng thở xì xịt, tay cầm kiếm sắt cắt lưỡi lấy máu vẽ bùa , hoặc chém vào lưng, hoặc dùng cây sắt nhọn xuyên thủng hai bên má, máu chảy dầm dề. Một dịp để dân làng cầu xin chư vị giúp cái nọ cái kia.

 

Cũng theo lệ hằng năm, làng cúng đình hay là cúng thần. Làng mời một gánh hát bộ về hát  chầu để thần xem. Ông Cố của tôi , một bậc uyên thâm nho học và lão thông tuồng tích, là Ông Hương Cả, cầm chầu, tức là cầm cái dùi trống chầu. Một câu hát hay của đào kép, được khen bằng một tiếng thùng, hay hơn một chút là hai tiếng thùng, thùng, thật hay là ba tiếng thùng, thùng, thùng . Hát sai tuồng tích hoặc hát cương bị phạt heo quay để cúng tạ lỗi với thần.

 

Tết đến, trong sân đình có dựng cây tre niêu, trên đọt có treo một lá phướng và một hai món gì nữa mà tôi không nhớ rõ, nghe nói để trừ tà. Mẹ tôi gói bánh tét, nấu trong một cái nồi thật lớn, đặt trên một cái lò dã chiến, kê bằng ba cục gạch ở sau hè, chụm củi nhánh cây khô, cả nhà thường quây quần bên bếp lửa hồng, vừa canh chừng chụm thêm củi, vừa chuyện trò, cười vui như pháo nổ.  Mỗi nhà cắm mấy cây cọc tre cao khoảng một mét rưỡi dọc theo hai bên bờ sông, trên mỗi cọc có một thếp đèn dầu cá, ban đêm thắp đỏ rực hai bên bờ và phản chiếu lung linh xuống nước sông. Ai ai cũng  mặc áo mới , đi lễ đình, chùa, cúng tổ tiên, chúc nhau những điều tốt đẹp nhứt trong năm mới. Trẻ em vui vẻ nhận lì xì của người lớn. Pháo tiểu, pháo đại nổ đì đùng. Trẻ con như tôi đốt pháo kim, loại pháo nhỏ, chỉ lớn hơn chân nhang một chút, tiếng nổ nghe tí tách. Đặc biệt là đâu đâu cũng thấy cờ bạc, chỗ này một sòng bài cào, nơi kia một sòng bầu tôm cá cọp.

 

Hầu hết dân làng làm nghề cá mấm. Tôm cá đầy sông . Đời sống dễ dàng . Mỗi nhà thường bó thật chặt một bó nhánh cây khô gọi là bó chà. Ngâm bó chà dưới bờ sông cho cá chui vào. Sau khi bắt nồi cơm lên bếp, người ta ra bờ sông kéo nhanh bó chà lên bờ, dộng mạnh xuống đất, cá rớt ra rất nhiều, thừa thãi cho một bữa cơm.

 

Miền Tây Nam Việt Nam thuôc hạ lưu sông Cửu Long, từ tháng bảy đến cuối tháng tám âm lịch, nước sông từ từ dâng cao hơn mặt đường từ một mét đến hai mét. Dân địa phương gọi là nước ngập để phân biệt với lũ lụt, vì lũ lụt nước dâng lên đột ngột và ào ạt hơn. Sàn nhà thường cất cao hơn mức nước ngập. Có nhiều nhà bị ngập, phải lấy ván kê thêm.

 

Mùa nước ngập, tôi thường theo chị tôi bơi xuồng ba lá ra ngoài đồng để bắt ốc bươu. Đồng ngập nước, ốc bươu nổi lều bều. Chị em tôi để chiếc xuồng nằm ngang chiều gió, mỗi người một cái rổ cào ốc vô, chốc lát đầy xuồng. Lúc đó tôi hay nhìn quanh nhìn quất, xem ở rặng cây xa xa trên đồng nước bao la, có cái giàn để quan tài người chết hay không. Mùa nước ngập, nếu không có đất gò để chôn người chết, người ta phải làm một cái giàn có cái mui che lại, dùng để tạm quan tài người chết, chờ khi nước rút hết mới chôn xuống đất. Ghê quá !

 

Tôi thích nhứt là vào khoảng tháng bảy ta, nước vừa lên cao hơn mặt đường độ năm tấc, cá rô đồng, cá trê, cá lóc nhởn nhơ lội trong nước trong dưới sàn nhà . Tôi bỏ sợi dây câu có móc mồi trùng qua kẻ ván lót sàn nhà, chờ con cá tới đớp mồi, xốc xốc vào bụng rồi kéo ghì ghì sợi nhợ câu, tôi giựt lên, một con cá rô đồng no tròn, đả tay làm sao!

 

Cũng trong mùa nước ngập, cha tôi thường bắt một cái cầu bằng một tấm ván dài độ bốn mét cho tiện giặt giũ và múc nước sạch để xài. Đêm đêm mấy con vịt của lối xóm đến ngủ ở đầu cầu, rồi đẻ trứng ở đó. Sáng ra, nhìn xuống đáy nước ở đầu cầu, thấy mấy cái trứng trắng phau, tôi thích thú nhảy ùm xuống nước vớt trứng lên để dành luộc dằm nước mấm trong với ớt, một món ăn thanh đạm nhưng rất phổ biến ở đồng quê.

 

Còn nữa, làm sao tôi quên được vườn xoài của Ông Cố phía sau nhà. Vỏ xoài chín cây có màu ửng hồng nơi phần cuống, từ giữa trái xoài trở xuống vỏ còn xanh. Xoài chín cây rất thơm, thơm hơn xoài còn sống hái xuống đem giú.  Đêm đêm mấy con dơi quạ nghe mùi thơm tìm xoài chín cây để ăn. Chúng vừa chạm đến trái xoài thì xoài rụng. Tôi thường cùng các bạn thắp đuốc đi lượm xoài. Đứa nọ thổi tắt đuốc của đứa kia, rồi tranh nhau quờ quạng trong đêm tối để tìm trái xoài rụng.

 

Nhắc tới làng Bắc Nam, một luồng kỷ niệm dồn dập đến trong đầu tôi với những tình cảm chân thành, thiết tha đối với nơi chôn nhau cắt rún, đối với cái chất phác, hiền hòa của người đồng hương ngày trước.

 

Mọi việc đã đổi thay theo thời gian. Xóm ngoài làng Bắc Nam gặp tai biến. Thằng Tây trưởng đồn Bắc Nam bắt đầu lo sợ dân bản xứ âm mưu lật đổ chánh quyền thực dân, nó nói:

“ Bới tóc Phật Giáo ( Phật Giáo Hòa Hảo )

Mặc áo Việt Minh,

Ở trần du kích ”

Nó bắt và tra khảo nhiều người dân trong làng, một số người bị nó bắn chết . Dân xóm ngoài dần dần bỏ làng ra đi. Gia đình tôi tảng cư về quê ngoại ở An Phú, ngang Cù Lao Ba. Đến năm 1954, Liên Bang Đông Dương tan rả, Việt Miên không còn thuận thảo như xưa. Người Việt không còn dám trở về Bắc Nam vì sợ Miên cáp Duồn, tức là chặt đầu người Việt.

 

Đã mấy mươi năm xa cách, tôi không còn biết xóm cũ làng xưa thay đổi ra sao, có lẻ đã trở thành nơi hoang vu đầy lau sậy, đình miễu đã bị san bằng, mồ mả ông bà tôi đã phẳng lì, nắm xương tàn đã trở thành cát bụi. Còn hồn phách chư vị thần linh hiển hách ngày nào bây giờ còn phảng phất nơi đầu cây ngọn cỏ hay đã siêu thăng thoát hóa ?

Nhưng dầu cho vật đổi sao dời, làng Bắc Nam vẫn còn nguyên vẹn trong tim tôi.

 


 

                Khiêm Cung

                                                        (Sydney 05/2003)

 

 

 

 


Trở lại trang Văn