LÚA THẦN NÔNG,

        MỘT DÒNG ĐỜI.

                       Lương Thư Trung     

                             

                                         

            Thời tiết tháng ba oi bức. Những đám mây đen cứ vần vũ. Vạn vật như chìm vào cái khô cằn, nóng bức của khí hậu vùng nhiệt đới vào mùa nắng. Mùa nắng là mùa của chuẩn bị cho mọi vụ mùa. Người nông dân, kẻ cày người bừa, kẻ đốt đất, đốt đồng người săm soi lại những hạt lúa giống để sẵn sàng cho một vụ lúa mùa, lúa nổi vì tháng ba là tháng sạ tỉa, mùa màng như trong ca dao tục ngữ có nhắc: "Tháng tám mạ trà, tháng ba mạ thóc ".

            Trong cái rạo rực giao mùa, những hạt lúa giống cũng chuyện trò, tâm sự về nắng, về mưa, về thân phận, về hành trình, về thăng trầm, về còn mất, về vui buồn trong những đổi dời của dòng đời. Với mỗi loài, mỗi loại có mỗi cảnh đời. Cây lúa cũng không sao vượt thoát được định luật sinh hóa, đào thải của vũ trụ, của thời gian .

           Nghe trời gầm, trời chuyển, hạt lúa giống cũng chuyển , cũng rùng mình, cựa quậy. Hạt lúa giống Thần nông vui cái vui của người trẻ. Hạt lúa mùa, lúa nổi dàu dàu nỗi lòng của người cũ, người xưa. Hai loại giống, hai mùa màng, hai thế hệ, hai thời đại, hai cách sống khác nhau, hai tuổi đời khác nhau nhưng có cùng số phận, có cùng những thăng trầm, có cùng bến đến trong dòng đời với đủ gia vị vui buồn, cơ cực của một mảnh đời, một kiếp sống dù là lúa thần nông hay lúa mùa, lúa nổi.

            Đôi khi, trong góc bồ một mình, trầm tư, suy nghĩ về sự biến hóa, đổi thay, những hạt lúa mùa muốn nói lên tâm sự của mình nhưng có còn ai là tri kỷ, tri âm để gởi gấm đôi điều. Thôi thì đành vậy, chỉ biết tự sự với mình, chỉ biết nói với riêng mình và giữ lại trong lòng cho bây giờ, cho muôn đời về những bí mật của một loài lúa, mà đôi lúc vì cuộc sống cứ chạy về phía trước, người đời cũng dễ lãng quên những hạt lúa mùa với những tên gọi thân thương một thời như Nàng tây, Thâm đưng, Nàng thơm, Ba bụi, Đuôi trâu, Nàng keo, Tàu binh, Móng chim, Nàng quớt , Trắng lùn, Trắng lựa vân vân...

           Các bạn ơi! Đó là dòng đời, đó là sự hẩm hiu của tổ tiên chúng tôi, những giống lúa mùa, lúa nổi. Còn chúng tôi đây là lúa Thần nông, là lúa ngắn ngày, là kẻ hậu sinh, là những loài lai tạo từ nhiều giống lúa, xin có đôi dòng tâm tình về một dòng đời, về một kiếp sống dù là kiếp sống của đời cây lúa.

           Khi những hạt lúa giống được rút sạch, bỏ vào bao, buộc miệng, ngâm nước một đêm, rồi người nông dân vớt lên giặt giũ thật sạch chất bùn, chất chua, đem đi ủ mầm. Những mọng lúa nứt nanh đều rang, trắng hếu. Thường thường theo kinh nghiệm, lúa giống ủ mọng một đêm, cây giống sẽ lên rất mạnh. Nếu ủ hai đêm, mọng ra dài quá, hạt giống sẽ yếu, vì khi mọng ra dài, rễ khó bám vào đất.  Những thửa ruộng được dọn rong sạch sẽ, được bò trâu hoặc máy xới trục đôi ba bận rồi trang bằng mặt. Người nông dân phải mất nhiều công, nhiều sức để đánh những đường nước chánh, vẹt những đường nước phụ, làm thế nào cho các trũng nước rút thật khô ráo, lúa giống mới lên đều được. Vì lúa giống mà nằm dưới những vũng còn nước, mọng sẽ bị con rệp nước cắn, hạt giống sẽ hư, thối, không đâm rễ vào đất, lúa sẽ thưa, không đều vì hao hớt.

            Các bạn ơi! Cuộc đời chúng tôi được bắt đầu từ đấy, từ những hạt lúa giống nẩy mầm, ra mọng. Rồi người nông dân, họ cắm rò, cắm lối vừa với tầm tay của những người thợ chuyên nghiệp để những nắm lúa giống từ tay họ có thể được rải đều trên mặt ruộng theo lối đi của họ. Họ mang trước ngực thúng lúa giống với sợi dây làm quai, choàng ngang vai qua cổ. Tay trái giữ hờ lấy thúng. Tay mặt họ bốc từng nắm lúa giống, đi chầm chậm, bước đều và hất tung những nắm lúa từ phải sang trái một cách nhà nghề, nghĩa là không dày, mà cũng không thưa. Thoát ra khỏi bàn tay  thô kệch của những nhà nông rành nghề, chúng tôi, mỗi đứa được họ dành cho một chỗ nằm trên mặt bùn, mặt đất với diện tích không hơn hạt lúa. Lũ chúng tôi , theo luật sinh tồn, mỗi đứa tự cựa mình bám rễ vào mặt đất. Nếu không tự tìm cho mình một đời sống có nghĩa là tự sát, tự mời mọc con rệp nước cắn mọng, tự đưa thân cho cò dẵm đạp, cho cua, cho ốc nhọn đít ăn tươi nuốt sống.

             Vì lẽ sinh tồn, chúng tôi phải vượt qua những giây phút lạnh lẽo nơi bùn lầy này trong muôn ngàn khó khăn và có lẽ trong vũ trụ này chưa có loại hạt giống nào mạnh bằng hạt lúa. Không biết có phải vì được người đời gọi là" hạt ngọc của TRỜI ", nên hạt lúa có sức mạnh vô địch chăng?

            Các bạn ơi! Bắt đầu cái đêm đầu tiên nằm trên cánh đồng vừa sạ xong còn ướt bùn, còn nghe róc rách đó đây tiếng cá rô, cá lóc mắc cạn  đang rọt rẹt lóc bừa lên mình chúng tôi để xuống đường nước chánh, hầu tìm mọi cách thoát ra ngoài kinh, ngoài rạch, chúng tôi đã cố ghim được cái rễ duy nhất vào bùn, vào thế giới mới của mình. Ngay sáng hôm sau, thân thể hạt lúa giống đã nằm im dưới mặt đất, khuất dạng, chỉ có chi chít những mũi kim nhỏ lú lên khỏi mặt đất bùn khoảng nửa phân. Nằm dưới bùn, chúng tôi nghe tiếng nói chuyện vui cười của những nhà nông đi trên bờ bi ngắm ngắm, nhìn nhìn với gương mặt vui vui, vì vừa trải qua những ngày cực nhọc, lo lắng, mệt mỏi cho mùa sạ lúa. Chúng tôi cũng nghe tiếng nhóc nhen, tiếng nhái, tiếng dế trụi, và cả những tiếng chim đi ăn đêm về ngang buông ra những tiếng kêu như to nhỏ về một cuộc lữ hành nào đó ở vườn tre, đám tràm, đám trâm bầu về hướng biệt ngàn. Nghĩ lại thân phận mình, cuộc sống thời hiện đại, cũng phải cố chạy đua với thời gian vì có lẽ cuộc sống của một đời cây lúa ngắn ngủi hơn bất cứ loài cây cỏ nào. Do đó, không thể chần chừ, chúng tôi cố vượt lên khỏi mặt đất càng nhanh càng tốt. Và quả nhiên, sau ba ngày ba đêm, chúng tôi đã biến màu đất ruộng xạm đen vì bùn trở thành màu xanh của những thân lúa non với một đọt vừa mở ra bẹ lá nhỏ xíu. Chúng tôi ra mọng cùng một lúc, được sạ xuống ruộng cùng một thời điểm và vượt lên khỏi mặt đất cũng cùng một hoàn cảnh. Không đứa nào chậm chân được vì chúng tôi biết chúng tôi phải sinh trưởng theo một trình tự mà tạo hóa đã chọn sẵn, không thể nhanh hơn mà cũng không thể trễ hơn.

            Khi kinh nghiệm đến độ già dặn, người nông dân, bằng mọi cách họ ngăn ngừa cỏ lấn áp chúng tôi. Những luồng nước, mới cách nay mấy hôm được bơm ra không còn một vũng, nay lại trở lại tráng đầy mặt ruộng. Chúng tôi còn quá yếu ớt, quá mong manh nhưng cũng cố ngoi lên, ngoi lên theo mực nước. Đứa nào đứa nấy ốm tong , ốm teo như sợi chỉ, như cọng rong phất phơ theo làn gió thổi là đà trên đầu, trên mặt nước. Dịp này cũng mang tới cho chúng tôi nhiều thảm họa. Nào là cua kẹp, nào là cá lội, cá quẩy làm chúng tôi chưa kịp bắt rễ sâu xuống đất phải nổi lềnh bềnh, vất vưởng theo gió trôi giạt về bờ bi phía dưới gió, dồn đống trông thảm hại. Biết làm sao hơn, khi cuộc sống của chúng tôi là cuộc sống vội, sống vàng, sống mà không kịp lớn là phải bị nhận nước, nhận bùn. Nếu không hụp lặn như vậy, thì thôi đủ loại cỏ rượt đuổi, lấn chiếm, có nước chủ ruộng ngồi đó mà rầu, mà khổ vì mùa màng thất bát.Đặc biệt,  giống cỏ có dáng dấp giống hệt chúng tôi, được gọi là cỏ gạo, tăng trưởng nhanh như chỗ không người. Nông dân chuyên nghiệp phân biệt giữa cỏ gạo và lúa rất dễ dàng. Còn người nào không có dịp sống với đồng ruộng hoặc lâu lâu mới ghé lại đám lúa một lần thì coi như nhìn lúa và cỏ gạo không khác nhau bao nhiêu. Nếu có cơ hội nào đó, hoặc dịp may mắn nào đó, mà được họ bước xuống ruộng và nhờ họ nhổ dùm vài bụi cỏ gạo, chắc chắn một trăm phần trăm là họ sẽ nhổ cả cỏ lẫn lúa là một cái gì tự nhiên như đi dạo, đi chơi, mà họ không thể nghĩ mình sao lại vô tình đến vậy. Thật ra, gốc của cây lúa có màu xanh, hơi dẹp, còn gốc cỏ gạo màu trắng, tròn và lá cỏ gạo lại nhỏ bề ngang, dáng giống giống lá sã.

               Các bạn ơi! Sang tới ngày thứ năm, kể từ ngày được nằm dưới bùn đêm đầu tiên, chúng tôi được nhà nông rải cho một ít phân lạnh, những hạt phân hóa học này bóng lưỡng, tan nhanh trong nước như muối bỏ biển. Thế nhưng, cũng đỡ khổ, dù nguyên diện tích đất ruộng trung bình một công tầm cắt, nghĩa là hơn một ngàn thước vuông của đơn vị đo lường mà loài người tự qui định, chúng tôi được năm ký phân hóa học này. Tính ra mỗi gốc lúa được vài hạt phân là nhiều. Nước thì vẫn lai láng, chúng tôi sặc lên sặc xuống gần chết, nhưng vẫn phải gượng dậy như người đau nặng mới mạnh. Khi thời gian và mực nước đủ sức làm cho cỏ không mọc được, người nông dân từ từ rút bộng để tháo nước ra, cho chúng tôi hít thở, gượng gạo đứng ngồi cho quen những ngày thơ ấu này. Từ những thân lúa như cọng chỉ, có chút phân, mực nước lấp xấp, chúng tôi xanh rì trở lại không mấy hồi. Cả một cánh đồng đến ngày thứ mười, kể từ ngày xuống giống, những vạt lúa mới sạ mấy ngày trước đây trở thành những đám mạ xanh lặt lià, lượt ngọn, vờn vờn theo từng cơn gió lướt qua cánh đồng lúa bao la, bạt ngàn chạy tuốt đến tận chân trời về phiá xa xa.

            Mà khổ nỗi, các bạn ạ! Tạo hóa đã sanh ra cây lúa, lại sanh thêm cỏ, sanh thêm muôn loại côn trùng, sâu bọ. Dĩ nhiên, thân phận cây lúa là thân phận của một loài ngũ cốc yếu ớt so với cỏ, với sâu rầy, với mọi thứ côn trùng lân láng. Cây lúa chúng tôi không một chút tị hiềm, nhỏ nhoi, ích kỷ. Vì như các bạn, dù khó tánh đến đâu, cũng phải công nhận rằng cây lúa có mặt trên những cánh đồng là vì loài người, vì đời sống của con người, vì miếng cơm manh áo của các bạn. Chúng tôi hiện hữu trong trần đời này chỉ với mục đích duy nhứt  đó, không hơn không kém , một mục đích mà nghĩ cho cùng chẳng khác nào là một cứu cánh, một sứ mạng của đời tôi: sứ mạng nuôi sống loài người. Thành ra chúng tôi đâu có tị hiềm, bon chen với các loài cỏ, loài sâu rầy để làm gì. Chỉ có các loài cỏ và sâu rầy là tấn công, lấn áp, bắt nạt, đục khoét, cắn ngọn, cắn đọt chúng tôi mà thôi. Chúng tôi bao giờ cũng chỉ là nạn nhân của mọi biến động, từ mưa bão đến nắng hạn, từ ruộng sâu đến ruộng cạn, từ đất cũ khô cằn đến đất phèn đất chua, từ nước kém đến nước rong, từ ốc cua đến chim chóc như cò, như vạc , từ sâu keo, sâu lá, sâu ống, rầy nâu, đến bịnh tiêm, bịnh đạo ôn vân vân... Trăm muôn ngàn thứ như sẵn sàng phủ chụp lên đầu chúng tôi những tai ách nhiều hơn là thân thiện, cùng những dằn vật, những bầm dập.

            Mở đầu một trong những tai nạn là nạn sâu keo, một loại sâu được sinh sôi, nẩy nở nhanh nhất khi cây lúa có chút phân lạnh ở dưới rễ, vào ngày thứ mười. Sâu keo màu xạm đen, con nào con nấy như con nhọng, bóng lưỡng, lớn bằng ngón tay út, trông chúng đeo theo thân lúa hoặc bò lểnh nghểnh đến mà phát lạnh sương sống. Sâu keo ăn chúng tôi không thương tiếc. Nó cắn lúa cụt đọt, sát gốc thành từng chòm, từng lõm, từng vạt, từng vạt như bò ăn, bò gặm. Nhưng coi vậy, mà không đến đỗi nào. Dường như, tạo hóa cũng dành ra một điều lệ là " loài nào bạo phát thì thường cũng bạo tàn ". Điều lệ ấy, rất đúng trong trường hợp này. Người nông dân chỉ cần dùng bất cứ loại thuốc sâu nào với lượng dùng bình thường và xịt qua một lần là đám sâu keo hàng hàng, lớp lớp này ngã lăn ra chết như kiến, chết mà không kịp trối. Và rồi, chúng tôi lại lai tỉnh, bắt đầu lại, chuẩn bị tư thế lại để còn kịp lớn, kịp đón nhận những ngày còn lại với bao khó khăn, bất trắc.

              Rồi cũng kể từ ngày thứ mười ấy, chúng tôi được nhận thêm một đợt phân bón nữa sau khi sâu keo chết hết. Thật lòng, có thêm phân bón hay không, cây lúa vẫn là cây lúa, không ai có thể gọi cây lúa là cây cỏ được. Nhưng nhiều lúc, khi đời mình gắn liền với đời của mùa màng, của đất trời, của nắng mưa, của người làm ruộng, chúng tôi cũng băn khoăn trong lòng khi mình quá èo uột, quá thất bát, quá sập xệ , không bằng ai. Buồn cho thân phận mình thì ít nhưng chia sẻ với người nông dân về nỗi lo lắng thì nhiều. Các bạn không ở trong cảnh đời tay lắm chân bùn của họ, các bạn khó mà cảm thông chia sẻ với họ, khó mà thấy họ bấn loạn khi tới kỳ rải phân cho lúa mà trong nhà không tiền, không một hạt phân. Ngó trước, dòm sau, không còn một thứ gì để bán, ngoài bộ lư đồng trên bà thờ ông bà. Nhiều lúc, họ không có đến bộ lư đồng để một lần vương mang những ý nghĩ tội tình này như có được một lần hy vọng, dù hy vọng đó hết sức tội lỗi với tổ tiên. Thôi thì, họ đành chạy ngược, chạy xuôi vay nợ, bán đổ bán tháo " lúa già lúa non " cho có chút tiền còm, để có vài hạt phân cho chúng tôi.

            Hỡi ơi! Có ai thấu cho nỗi lòng của những nhà nông nghèo túng như vậy bằng chúng tôi, những cây lúa sống giữa đồng, giữa ruộng. Chúng tôi dù không nói nên lời, nhưng chúng tôi biết rằng chúng tôi đang sống một đời đáng sống, vì chúng tôi đang sống cho tha nhân, cho loài người kia mà. Ý thức rõ điều đó, những chùm rễ lúa bám nhẹ nhàng trên mặt đất vui vẻ hít thở dưỡng khí, hút nước lạnh, nước bùn, hút chút phân bón khiêm nhường, nuôi sống chính mình và hy vọng trả chút nợ với đời.

          Thế là, chúng tôi đã đến ngày thứ mười lăm, ngày những cánh đồng lúa bắt đầu lượt ngọn, yên ổn với dáng dấp những thân mạ non đủ sức trang trải cho bạn bè những chòm, những vũng nào bị hao hụt, bị cua kẹp, bị cò dẫm đạp tìm tép tìm cá mà chịu cảnh chết non, chết yểu.

           Đến ngày thứ hai mươi, mạ rất vừa để cấy dặm. Chúng tôi được người nông dân chiết từ những đám lúa dày đem dặm lại các chỗ hư hao. Và chậm nhanh thế nào, đến ngày tròn tháng, chúng tôi không còn nhỏ nữa, không còn được gọi là mạ nữa, mà đã bắt đầu một thời kỳ khác trong đời chúng tôi. Đó là thời kỳ" lúa con gái ". Thật dễ thương các bạn nhỉ! Các bạn có tưởng tượng ra thời kỳ con gái của lúa không?  Ngày tròn tháng, cũng là ngày chúng tôi được người nông dân, sau khi dặm vá đàng hoàng, sạ đợt phân thứ ba gồm có một số lượng phân lạnh và phân tiêu sữa, tổng cộng khoảng mười lăm ký cho một công tầm cắt. Có lẽ, các bạn nghe tên gọi phân tiêu sữa này hơi lạ. Riêng chúng tôi, mùa nào chúng tôi cũng có nhấm nháp chút ít, nên nhiều lúc như ghiền, không có nó lúa không xanh lâu, không tốt lâu, không chắc hột. Đó chẳng qua là một hợp chất của nhiều chất hóa học, có hạt tròn tròn như hạt tiêu với màu cà phê sữa, nên nhà nông gọi loại phân này là phân tiêu sữa. Các bạn thấy không, người nông dân rất giản dị mà thực tế, mộc mạc mà chân tình. Họ không để ý công thức hóa học làm gì thêm rườm rà, thêm khó nhớ. Họ chỉ lấy cái kết quả thực tế là quan trọng, giống hạt tiêu, giống màu sữa là gọi tiêu sữa, rồi cứ thế mà xử dụng, mà dùng. Giản dị như chính cuộc đời của họ. Một cuộc đời nông dân đầu đội trời, chân đi đất mà phóng khoáng, rộng lòng và phảng phất một chút hưởng nhàn trong cái cực, một chút vui trong cái đắng cay, một chút trầm tư trong lúc ngồi nhìn cánh đồng lúa đang vào thời kỳ con gái.

             Những lá lúa thời kỳ con gái mượt mà, nở lớn như chưa một lần được nở lớn như vậy. Sáng sáng, khi sương mù tắm ướt chúng tôi trong đêm, chúng tôi im lìm bất động như ngủ vùi, ngủ dập, không một chút thẹn thùng, phơi lộ hết hình hài. Trên bờ bi, một con đê nhỏ chạy quanh vạt lúa chúng tôi, tiếng chân bước chậm đến độ êm êm, không nghe động nhẹ trên đất của người nông dân, chúng tôi hãnh diện đã mang lại cho họ niềm vui khi họ nhìn chúng tôi trong cái rạng rỡ của buổi sớm mai . Hạnh phúc thay được mang hạnh phúc đến cho người nông dân dù ít ỏi, khiêm nhường của giai đoạn này trong đời của cây lúa!

             Thời kỳ con gái của lúa còn là thời kỳ của phát triển đẫy đà, thời kỳ của tuổi rong chơi với gió, với trăng. Những đêm trăng sáng vằng vặc, những chiều gió mát rì rào, những trưa trời im, mây xanh thẳm, những cây lúa chúng tôi cũng biến dạng theo từng chập, từng chập với gió, với trăng, với mây, với nắng. Vì là con gái mà, chỉ có một thời con gái trong đời, nên xin đất trời cũng cho phép chúng tôi được khoe sắc thắm, khoe nét đẹp, khoe cái vẻ diễm kiều với tạo vật, với thiên nhiên, với cây cỏ.

                        Chúng tôi vượt cao lên thấy rõ. Mới cách nay mấy hôm, chúng tôi còn là đà dưới thấp. Bây giờ, chúng tôi đã nhổ giò, có ống chân, cây lúa mập ra, lá lúa dài thêm, thân lúa cao ngang bụng, ngang thắt lưng của bất cứ người nông dân nào khi họ bước vào đám ruộng.

           Các bạn ơi! Trong muôn loài sinh vật, chim muông, cây cối, hoa lá, dường như loài nào đẹp thường thường dễ bị dập vùi, dễ bị khổ sở với chính nét đẹp của mình. Chẳng hạn, hoa đẹp dễ bị người đời hái trước, dễ bị ong bướm chờn vờn hút nhụy. Chim muông, con nào có bộ lông đẹp, có tiếng hót thánh thót dễ bị săn bắt đem về nhốt trong lồng, trong giỏ, mất cả một trời thênh thang lộng cánh chim ngàn. Đời cây lúa thời kỳ con gái cũng không vượt ra khỏi cái số phận của cỏ cây, chim muông, hoa lá đẹp. Cái mượt mà của những lá lúa xòe rộng, rào rào theo từng cơn gió một cách ngây thơ, vô tình, có biết đâu rằng, trong từng nách lá là những ổ sâu lá đang âm thầm đẻ trứng, sanh sôi. Vì lúa đang tốt tươi cũng có nghiã là mồi ngon của loài sâu lá ác hiểm này, một loài sâu chỉ sống với nhựa lúa, với lá lúa thời kỳ con gái này.

             Những ổ sâu lá cuốn những đọt lá lúa lại, rồi sanh trứng, hút nhựa, làm lá lúa bạc lạt, trắng dã. Mới đầu lác đác vài ổ , sau đó lan rộng ra một chòm, một vùng, một vạt. Lan nhanh đến độ, nếu người nông dân không kịp xịt thuốc loại chuyên trị sâu lá, thì y như rằng, cả đám lúa chúng tôi mùa này sẽ thất mùa, sẽ bạc lạt. Giống sâu nào cũng có cái độc hại riêng, có cái tàn phá riêng nhưng có lẽ sâu lá là một trong những giống sâu độc hại nhất và chúng xuất hiện ngay vào thời kỳ lúa còn con gái. Vì loài sâu này nằm trong ổ kín, nên việc xịt thuốc rất khó khăn. Chẳng hạn, phải có người đi phía trước dùng nhánh tre quơ quơ cho những ổ sâu mở ra, rồi người khác theo sau xịt thuốc. Có như vậy, cách trị sâu lá mới hiệu quả. Trong trận giặc này, chúng tôi bị thất điên bát đảo, nào là sâu hút nhựa sống của đời chúng tôi, nào là bị người nông dân quơ đập tơi tả trên ngọn, trên lá, nào là những lối mà người nông dân phải lội vào, phải dẫm đạp vào, chúng tôi bị đạp nhầu dưới bàn chân nhiều khi rướm máu của họ. Nhưng chúng tôi không buồn phiền, không than trách, mà còn cảm thông, chia sẻ với họ về những tai vạ này, những tai vạ dường như lúc nào cùng thường trực trong cái nghề làm ruộng nhiều cực nhọc, dạn dày.

              Tất cả rồi cũng qua đi, cho dù mọi đe dọa vẫn như thường trực. Thường trực đến đỗi cái thời con gái của chúng tôi mới đó mà biến mất từ lúc nào, không một ai có thể ngờ được. Trong môi trường sinh sống với dưới gốc lúa là nước tù hãm vì có biết bao sinh vật chết do thuốc sâu, thuốc rầy, những thân lúa chúng tôi phải sống trong đó như lửa thử vàng, như thách thức với bệnh tật. Thành ra, vừa qua trận sâu lá tàn phá, chúng tôi, lác đác một vài bụi đọt lúa bị đỏ rồi ngã sang màu vàng, và héo. Chồ này bị, chỗ kia bị, rồi dịch bịnh này lan nhanh không thể tưởng tượng nổi.

              Các bạn có biết chúng tôi bị nạn sâu gì nữa không? Sâu ống đó các bạn ạ!  Loại sâu này còn được người nông dân gọi một tên nữa là sâu đục thân. Vì sâu ống ở trong thân lúa, hút nhựa, rồi làm cho đọt lúa bị đỏ, bị úa, rồi đọt lúa bị bịnh này khô và chết.

             Các bạn thử tưởng tượng, mỗi cây lúa chỉ có mỗi cái đọt để tăng trưởng, để trổ bông và kết hạt, rồi tự dưng bị sâu ăn, sâu cắn, thì còn gì để mà hy vọng. Giống như đời bất cứ loại thảo mộc nào, cái ngọn, cái ngành là chánh, mà tự dưng bị héo úa đi, bị đứt đọt, đứt ngọn đi thì cho dù có đâm ra nhiều chồi khác, nhiều nhánh khác, không làm sao có thể trở thành một thân cây toàn vẹn được, một thân cây vững chắc được, thịt của cây sẽ bộp, sẽ xốp, không dùng vào đâu được. Cây lúa chúng tôi cũng cùng thân phận như vậy, cũng cùng có sự tệ hại như vậy sau khi bị loại sâu ống này hoành hành, cắn phá. Ngay chỗ đọt lúa bị sâu cắn, thay vào đó là vài ba cái tược nhỏ, nhỏ đến độ về sau này chỉ có thể cho được năm, mười hạt lúa chét là cùng. Cả cuộc đời cây lúa, với bao nhiêu công sức người nông dân đổ vào miếng ruộng cho một mùa màng cùng những ước ao, hy vọng, mà chúng tôi chỉ trả lại cho họ năm, ba bông lúa chét, thì làm sao mà khỏi thẹn thùng, xấu hổ, làm sao mà khỏi băn khoăn, cắn rứt trong lòng.

            Các bạn ơi! Các bạn có biết chúng tôi vượt thoát nạn sâu ống, sâu đục thân bằng cách nào không? Vì loại sâu này ở trong thân, trong ruột cây lúa, nên không thể chỉ xịt thuốc như sâu keo, sâu lá được. Người nông dân, dù họ ít học, nhưng họ cũng thừa kinh nghiệm để đề phòng và trị loại sâu này bằng cách trộn thuốc trị sâu ống vào phân bón, một loại thuốc hột, và bón phân vào lúc lúa được dặm vá xong xuôi. Rễ lúa hút phân bón có trộn thuốc sâu, nếu có sâu ống trong ruột, sâu sẽ ngấm thuốc và bị hủy diệt từ trong trứng, từ trong mầm. Và sau này, nếu có sâu ống xuất hiện, người nông dân sẽ rải thuốc thêm một lần, trộn với cát hoặc tro trấu. Công dụng của cát và tro trấu chỉ dùng để giúp cho việc rải lượng thuốc ít ỏi này được trang trải đều trên diện tích lúa nào đó, chứ không có tác dụng diệt sâu. Nhưng chúng tôi cũng xin cảm ơn cát, cảm ơn tro. Cho dù là cát, là tro nhưng nhiều lúc cũng mang lại lợi ích cho đời , chẳng hạn như đời của cây lúa, cũng giúp cho người nông dân trong những trường hợp cấp thiết này. Vì rằng cứu lúa khỏi nạn sâu rầy chẳng khác nào cứu hoả đó các bạn ạ, là việc cấp thiết nhất đối với nhà nông.

            Thế rồi, " cái gì đến sẽ đến ". Không biết ai nói điều đó, quả quá đúng với đời sống cây lúa chúng tôi đến như tuyệt đối.  Chúng tôi trở nên già dặn hơn, cứng cỏi hơn, vững vàng hơn, chững chạc hơn vì rằng cây lúa đang ở vào thời kỳ đẹp nhất mà cũng rạo rực nhất, hấp dẫn nhất, đầy đặn nhất với những thân lúa to tròn, với những bắp lúa nhọn vót như ngòi viết lông , loại viết mà người xưa dùng để viết chữ Nho, chữ Hán.

           Đó là thời kỳ cây lúa có chửa đấy các bạn ạ! Những lá lúa già đi với màu vàng lá tranh. Từ trong những thân lúa to tròn ấy là cả một bầu hoa, một bầu gạo sắp nở rộ đúng hạn kỳ, là niềm vui, là hạnh phúc của chúng tôi mà cũng là niềm vui và hạnh phúc của nhà nông, của những người bạn thân thiết nhất của chúng tôi trong cánh đồng lúa bạt ngàn này.

              Một sáng đẹp trời của những ngày mùa, khi cây lúa tròn hai tháng và năm ngày, như đồng loạt, không ai bảo ai, chúng tôi mở toạc những bẹ lúa tròn đầy để khoe với đất trời, với tạo vật, với gió, vơi nắng và nhất là với người bạn nông dân của chúng tôi, những bông lúa đầu mùa. Cả một bầu trời đầy màu sắc trắng trinh tuyền, ngập hương thơm thoang thoảng toả nhẹ. Những nhụy hoa của cánh đồng lúa vờn vờn, bay bay theo gió, lượn lờ...

              Thế nhưng, các bạn ơi! Cây luá là một trong những loài cây hiển hoa khỏa tử như xoài, bắp vân vân... Nên việc thụ phấn phải nhờ tới ong, tới bướm, tới gió. Chúng tôi nghe một thi sĩ, hơn một lần tả cảnh phấn thông vàng , đã cho rằng: " Thông reo không cần tới gió, mà gió thổi là nhờ thông reo. "  Không biết đúng sai thế nào. Riêng đời sống chúng tôi thì ngược lại, chẳng những cần mà còn rất cần những luồng gió nhẹ nhàng giao tình, những luồng gió mang những nhụy đực của phấn hoa đến gần những nhụy cái để giao hoà, để thụ  phấn. Không có gió, đời chúng tôi sẽ là những mảnh đời bất hạnh, thừa thãi, buồn chán đến độ bịnh hoạn, vì nghĩ cho cùng, không có gió chúng tôi chỉ có cái đẹp đến độ tình tứ, lãng mạn, có sắc, có hương mà không thiết thực, không làm tròn sứ mạng với đời, không làm no lòng người, thật là vô dụng. Xin được cảm ơn gió, cảm ơn những ngọn gió giao hoà, tình tự, những ngọn gió không phải " mang thương nhớ trở về", mà là mang hạnh phúc đến cho đời cây luá chúng tôi, cho nhà nông, cho loài người!

              Lúa trổ. Người làm ruộng họ giản dị như vậy, khi cánh đồng lúa nở rộ, họ gọi nôm na là lúa trổ. Trong tự cội nguồn của chữ " Hoà " , có cây lúa đứng bên cái miệng. Nghĩa là con người có ăn được " cây lúa ", mới " hoà " được. Bởi vì rằng, cây lúa đứng trong đất, trong nước, trong bùn nên thuộc về âm.  Do đó, mùa lúa trổ vào những ngày nắng là lý tưởng nhất. Mà nắng thuộc về dương, về sức mạnh. Có như vậy, âm dương mới giao hoà, mới hợp với lẽ Trời. Và dĩ nhiên, chúng tôi sẽ mang đến cho người làm ruộng một mùa lúa quằn bông, trĩu hạt. Tự thân chúng tôi là một sự hợp nhất của âm dương kia mà!

               Các bạn có lẽ không bao giờ ngờ, trong lúc đêm đêm các bạn ngủ say, ngủ vùi cùng với vạn vật chìm vào cõi đêm bao la, im lìm, u tịch, chúng tôi lại lui cui mở rộng vỏ lúa còn non nớt để hứng những giọt sương tinh anh nhất của đất trời cùng với những nhụy đực của phấn hoa làm thành sữa, thành gạo cho chính mình, cho nhà nông, cho nhân loại. Chúng tôi âm thầm kết tinh như vậy giữa đêm trường, giữa những giấc ngủ êm đềm, giữa những mệt mỏi của người làm ruộng dãn dần, dãn dần trong hơi thở đều đều sau những ngày vất vả trên cánh đồng với bao dạn dày, phong sương. Thành ra, chúng tôi rất sợ mưa vào ban đêm khi lúa trổ rộ, khi lúa mở cánh xòe ra, khi lúa cần cái ấm áp của đất trời để " âm dương chi giao ", kết hợp. Quả tình, trong những ngày này trong đời cây lúa, giống như câu Kiều:

                 " Nỗi đêm khép mở, nỗi ngày riêng chung ".

              Thế là, dưới ánh nắng mặt trời ấm áp, những bông lúa rực rỡ phơi hạt, phơi màu, khoe hương, khoe phấn. Chúng tôi rượt đuổi nhau trên cánh đồng, nghe cả tiếng cười khúc khích trong gió, trong nắng. Chúng tôi thăm hỏi, tâm sự về những vui buồn, sâu bịnh, nước nôi, phân phướng. Nhưng, đặc biệt trong bất cứ cuộc chuyện trò nào, chúng tôi không quên nhắc đến những người bạn nông dân thân thiết của mình, với lòng cảm thông, chia sẻ về những vui buồn, những lo lắng, những lúc thiếu trước hụt sau, mà dường như vì dòng đời trôi nhanh, nên ít ai còn nhớ một hạng người nơi thôn dã quê mùa.

             Các bạn ạ! Ở đời, thường có những nghịch cảnh éo le, không như mình nghĩ. Chẳng hạn, khi lúa ở thời kỳ còn non, tốt tươi quá  và mãi tới thời kỳ nở nhụy khai hoa mà vẫn còn tham lam nhận thêm nhiều phân bón quá, chẳng khác nào đứa con được cưng chiều quá độ, đứa con sẽ dễ hư hỏng. Những đám lúa um tùm, xanh liệt lá, liệt đọt, khi trổ bông thường bị bạc lạt, mà người nông dân gọi là lúa trổ cờ bắp, hạt lúa lép gần hết, không có sữa, không có gạo.  Hoặc một vài trận gió hơi nặng ngọn, những thân luá mềm mại này chưa kịp nhìn rõ những bông lúa lép của mình thì đã nằm dài trên bùn, trên nước trông rất thảm hại.  Những đám lúa bị ngã như vậy sẽ không bao giờ gượng dậy nổi. Những hạt lúa vừa ngậm gạo sẽ mọc mọng và lâu ngày thúi rữa, hư hại. Điều này, lỗi một phần cũng vì một vài bạn nông dân thiếu kinh nghiệm trong việc rải phân, chăm sóc mùa màng. Hoặc vì háo danh, ham được tiếng khen đám ruộng này tốt nhất vùng, đám ruộng kia xanh tốt không ai sánh kịp, nên một vài bạn nông dân cứ chìm đắm trong lời khen, tiếp tục bón phân thật nhiều mà không cần đúng hạn kỳ, đúng liều lượng, nên mới có những cảnh lỡ khóc, lỡ cười ở cuối cuộc chạy đua này.

              Thế là, chúng tôi đã sống được trên cánh đồng này tròn tám mươi ngày hoặc trồi sụt đôi chút. Với trên dưới tám mươi ngày vừa đi vừa chạy đó, chúng tôi nhìn lại chính mình, trong lòng biết bao vui mừng dù nhiều gian truân, trắc trở. Nhìn những hạt lúa ngậm gạo hơn hai phần ba, chúng tôi rất hài lòng về cuộc hành trình đã đi qua, dù chưa trọn vẹn. Ngày nào cũng như ngày nào, những bạn nông dân của chúng tôi, mỗi sáng tinh sương, mỗi chiều mát dịu, họ rảo bước trên bờ bi nhỏ nhìn ngắm chúng tôi say đắm. Một vài người gặp nhau bên đám ruộng, mời nhau điếu thuốc vấn, mồi cho nhau chút lửa, rít một hơi dài rồi nhả ra  từng sợi khói, trong cái mát dịu của đất trời, trong cái hay hay của những bông lúa vàng mơ, thơm thơm mùi lúa mới, những sợi khói cứ quyện vào nhau như những thân tình giữa người và người, giữa người và đất trời, giữa người và những bông lúa ngập trời. Những lúc như vậy, cũng là những lúc chúng tôi trầm tư nhất, chúng tôi cũng chia sẻ niềm thân ái với họ nhất vì lúc bấy giờ chúng tôi đang lắng lòng nhất trước khi chào một ngày mới rạo rực hay đón một đêm dài êm ả, mát lạnh,thì thầm.

               Hôm nay, dường như có điều gì bất thường. Dưới gốc lúa chúng tôi, có những sinh vật lạ li ti bám vào thân, vào gốc làm chúng tôi hơi nóng, lạnh bất thường. Rồi hôm sau, một vài chiếc lá hơi rực đỏ.  Dần dần, những nhánh bông của chúng tôi chưa chín mà như rực chín. Thế là, chúng tôi lại bị sâu rầy nữa rồi, cho dù chúng tôi đã đi gần trọn cuộc hành trình của đời mình.

               Các bạn ơi! Những sinh vật nhỏ li ti bám dưới gốc chúng tôi, là rầy nâu đấy các bạn ạ! Giống rầy nâu này rất độc hại. Chúng chỉ đeo theo gốc lúa như vậy mà mùa màng coi như gặp đại hoa . Dường như, trong bất cứ mùa luá nào cũng đều bị rầy nâu phá hại, không nhiều thì ít. Mà cơ khổ nhất cho nhà nông là việc chạy tiền mua thuốc rầy, vì những ngày tháng luá vàng mơ này cũng là những ngày tháng trong nhà đã chắt mót không còn một đồng, một cắc. Rồi lại phải chạy ngược, chạy xuôi, vay hỏi với những món lời " chảy máu con mắt ". Trên cánh đồng luá bao la, chỗ nào cũng có rầy nâu, hằng triệu hằng triệu con trắng dã ở gốc, ở thân lúa, chỗ nào cũng xịt thuốc, chỗ nào cũng lúa sắp chín với những bước chân của người nông dân chuyên nghiệp lách từng bước, từng bước rướm máu, cẩn thận đưa vòi xịt xuống từng gốc lúa. Những giọt thuốc nhỏ li ti rớt trên gốc lúa rào rào, thấm ướt, chảy tuồn tuột lên mình những chị rầy nâu bụng thè lè trứng là trứng.  Những chị rầy độc ác này sặc sụa, ói ra máu liền tức khắc, buông chân, nổi trên mặt nước lềnh bềnh như bèo cám. Các bạn thử tưởng người làm ruộng họ cực khổ biết dường nào! Nếu họ không xịt thuốc kỹ như vậy, rầy không chết, coi như bao nhiêu hy vọng mà nhà nông trông đợi vào chúng tôi, đều hoài công, uổng của.

                Chúng tôi vừa bị rầy với những cơn nóng lạnh như làm cữ rét, cùng với mùi hôi nồng nặc của thuốc rầy làm chúng tôi muốn ngạt thở.  Với những gốc lúa bị đạp, bị rầy bầm dập, chúng tôi nhiều lúc quên cả đời mình, quên cả những bông lúa sắp chín vàng. Những cây lúa chúng tôi làm sao vui được khi chúng tôi lâm nạn, khi những người bạn nông dân buồn lo, rầu rĩ. Nhiều người vì không chạy được tiền, thuốc không có, đành gạt nước mắt nhìn chúng tôi bị rầy nâu phá hại lụn dần, lụn dần như người hấp hối đang thở những hơi thở dài trước phút lâm chung. Nhiều người mua phải thuốc sâu giả, tốn tiền, tốn công xịt thuốc mà rầy không chết,  chúng tôi càng ngày càng khô rụi , vì thế mà có biết bao nông dân " tàn gia bại sản " với nạn thuốc giả này. Thật là thảm thương, thảm thương cho chính mình, mà cũng thảm thương cho những người nông dân, lúc nào họ cũng nhận về cho mình những thiệt thòi , những mất mát, những chịu đựng đến rơi nước mắt!

                Phong ba nào rồi cũng qua! Tai ương nào rồi cũng phải tan biến! Và sau những bầm dập với nạn rầy, những ngột ngạt với mùi thuốc sâu lan rộng nguyên một cánh đồng cò bay mỏi cánh , chúng tôi đã gượng dậy đi cho suốt cuộc hành trình. Mực nước dưới gốc chúng tôi còn lấp sấp mấy hôm trước, váng một lớp dầu nhớt pha thuốc rầy, phụ lực với thuốc xịt trên gốc lúa, làm cho rầy mau chết cùng với hằng triệu, hằng triệu xác rầy bị chôn vùi, giờ được những nhà nông rút bộng tháo ra ngoài kinh, ngoài rạch, đánh dấu một chặng đường. 

              Chúng tôi đang ở ngày thứ chín mươi rồi, những ngày tháng xế chiều của một cuộc sống ngắn ngủi này, nhưng cũng là những ngày tháng đẹp nhất, ích lợi nhất với kết quả là cả cánh đồng lúa chín vàng. Những bông lúa đầy hạt, cong mình nhìn lại những thân lúa của mình, được che khuất dưới những lá gai còn tươi với màu vàng sậm, đang nghĩ về những vui buồn trong dòng đời.

               Hôm nay trời nắng ấm. Mặt đất dưới chân chúng tôi ráo lại. Những cơn gió làm đong đưa từng chùm bông lúa chạm vào nhau xào xạc, rì rào không ngớt. Những lượn sóng lúa lan dần, lan dần từ vạt lúa này đến vạt lúa khác làm thành những con trăn, con rắn rượt đuổi, lượn lờ vui vui con mắt. Những người bạn nông dân, mỗi ngày họ ra đồng thăm nom chúng tôi không biết bao nhiêu lần. Kẻ qua, người lại, người nào cũng chắc lưỡi trầm trồ, khen ngợi. Vạt lúa này trúng, vạt lúa kia dấu bông.  Giống lúa này giống bông dừa khít nách, giống lúa kia phơi bông, phơi hạt . Nào là, công đất này với giàn lúa như vầy, chắc mẻm sẽ bốn mươi giạ một công tầm cắt. Nào là, công đất kia là đất lung, lúa trúng hơn, có lẽ ăn đứt cánh đồng này vân vân. Chúng tôi nghe họ cười vui, hút thuốc liên miên, khói thuốc bay bay theo tiếng nói nói, cười cười, chúng tôi cũng vui lây, hòa nhịp với tiếng cười, tiếng nói bằng những điệp khúc lao xao của những ngọn gió ngày mùa.

               Các bạn ơi! Chúng tôi đã ở vào những ngày cuối cùng của đời mình, tròn một trăm ngày hoặc trội thêm vài bữa, khi những hạt lúa cuối cùng ở cậy bông đã đầy gạo.

               Đây rồi, mùa lúa chín!  Mùa lúa chín là mùa của chim chóc líu lo, của tiếng hát hò trên đồng, của tiếng gọi nhau ơi ới, của tiếng lưỡi hái xào xạc cắt vào gốc rạ, của những mớ lúa đặt ngay hàng thẳng lối như những người lính đứng trong hàng quân, của tiếng máy suốt lúa ầm ầm trên đồng, của tiếng thúc giục trâu, bò kéo những cộ lúa hột về nhà, của những đàn vịt hãng, vịt tàu rượt đuổi những con mồi, những hạt lúa rụng, của những làn khói nấu cơm chiều bên bờ kinh, của cười vui, của hạnh phúc. Hạnh phúc của con người, của thiên nhiên, của vạn vật và của cả những cây lúa Thần nông trên cánh đồng này.

              Thời hiện đại là thời của khoa học tiến bộ. Cây lúa thần nông cũng bị cuốn hút vào thời hiện đại. Nghĩa là mỗi năm có tới hai mùa lúa chín: Mùa lúa chín tháng hai và mùa lúa chín vào trung tuần tháng bảy. Mùa trước thì nắng ráo. Mùa sau mưa dầm sùi sụt vì thời tiết tháng bảy là mùa mưa Ngâu mà. Nhưng mùa lúa chín nào cũng có những đặc tính gần giống nhau, có những vui buồn gần giống nhau, có những rạo rực gần giống nhau, có những sinh hoạt gần giống nhau.Có khác chăng là khác tháng, khác ngày, khác mưa, khác nắng mà từ đó cái cực của người nông dân cho mỗi vụ mùa có khác nhau đôi chút.

              Mới hôm qua, những bông lúa vàng ngập đồng, ngàn trùng, cười vui với gió đồng nội trong lành như đi chơi, đi dạo. Thế mà hôm nay, chúng tôi đã thành rơm, thành rạ với những tua quay vòng, ầm ầm, sành sạch, cuộn vào trục máy suốt, bay bổng lên không trung về phiá dưới gió như những cánh chim ngàn. Những hạt lúa tách khỏi mình mẹ tuôn ra ào ào vào bao, vào thúng như đang mang niềm vui đến thật sự cho những nhà nông lam lũ, nhọc nhằn. Chúng tôi được nhiều hạt chừng nào là mừng chừng nấy. Có như vậy, những người bạn nông dân của chúng tôi mới mong trả được những nợ nần, tiền vay, bạc hỏi, lúa già, lúa non, lúa heo, lúa thịt, lúa thuế, lúa vụ, lúa làng, lúa xã vân vân. . . Những món nợ triền miên, hết đời, hết kiếp mà nhiều khi không trả nổi. Mà cơ khổ, họ có dám xài hoang phí gì cho đáng tội. Đàng này, là những nợ mua phân bón, nợ thuốc sâu rầy, nợ mướn cày bừa, nợ cắt hái, nợ xăng nhớt, nợ máy móc, nợ trâu bò, nợ lúa ruộng, những món nợ đời, nhiều khi đong lúa trả rồi, người nào cũng chảy máu con mắt. Các bạn có bao giờ tưởng tượng những gánh nặng nợ nần triền miên phủ đầy trên vai, trên cổ của những người làm ra hạt cơm, hạt gạo cho đời không? Riêng chúng tôi, những hạt lúa rời khỏi mình mẹ, được đong đi, đong đi mãi cho những chủ nợ vội vàng, chúng tôi thấy xót xa cho những nhà nông nghèo biết dường nào. Những thùng lúa nợ, ăn trước trả sau, thật hết sức tội tình! ! !

                 Mỗi một mùa lúa thần nông ngắn ngủi như những kiếp sống ngắn ngủi của từng bụi lúa! Vỏn vẹn ba tháng mười ngày với một kiếp sống trong bùn, trong nước tù hãm, trong mùi thuốc sâu phủ lấp triền miên, những bụi lúa chúng tôi luôn luôn gắn liền đời mình với từng giọt mồ hôi của những nhà nông tưới xuống cánh đồng. Chúng tôi chia sẻ cái lo với họ. Chúng tôi bị sâu, bị rầy, họ bấn loạn, chúng tôi cũng tan nát từ những chiếc lá, tới những gốc lúa dập bầm. Chúng tôi trúng mùa, họ vui, chúng tôi cùng vui với họ. Chúng tôi thất mùa, bông con, bông chét, người làm ruộng rầu, chúng tôi rầu với cái rầu của họ. Lớn lên từng ngày, từng ngày trong suốt một trăm ngày, lúc nào chúng tôi cũng vươn lên như kiếm tìm cái thiết thực của đời cây lúa, cái thiết thực cho loài người, cho muôn loài đồng thời với mình mà phải sống bằng lúa, bằng gạo.

               Nghĩ cho cùng, bất cứ sinh vật, cỏ cây, vạn vật kể cả loài người, mỗi mỗi đều hơn một lần đóng góp công sức của mình cho sự tươi đẹp, diễm kiều, hài hòa cùng sự sinh tồn của vũ trụ, của vạn vật. Chẳng hạn những loài hoa đẹp làm đẹp đất trời, làm tươi mát cuộc sống, dù cuộc sống con người hay cuộc sống cỏ cây.  Hoặc những loài thú, loài cá, loài tôm, chim muông cũng đóng góp phần mình cho đời sống loài người, đời sống của vũ trụ. Riêng đời của cây lúa là một đời cỏ cây gần gũi, thân thiết với loài người nhất, không thể thiếu vắng được; gần gũi, thân thiết đến độ người làm ruộng và cây lúa hòa nhập làm một. Nhưng có lẽ không có nhà nông gieo trồng, chăm bón, săn sóc, chúng tôi cũng chỉ là những bụi lúa rụng, lúa ma hoang dã, không đơm bông kết hạt đúng hạn kỳ và không cho nhiều lúa, nhiều gạo được.  Xin các bạn đừng bận lòng về thân phận, về dòng đời những giống lúa Thần nông chúng tôi, một thân phận, một dòng đời dù nhiều vui buồn trong từng vụ mùa, hết mùa này đến mùa khác, hết kiếp này đến kiếp khác, mà nên nghĩ đến những nhà nông tay lấm chân bùn, trước nhất như những ân nhân của loài người, của muôn loài. Vì rằng, hạt lúa, hạt gạo, hạt cơm rất kề cận với đời thường nhưng những giọt mồ hôi của người nông dân rớt rơi ở những miếng ruộng xa mù, trên luống cày, trong những vũng nước bùn sình , đôi lúc hòa cùng những giọt nước mắt cay cay, với số phận hẩm hiu của họ dường như ít được người đời nhớ nghĩ, đoái hoài! Và chúng tôi, những đời cây lúa, cũng muốn nói lời biết ơn họ, những kiếp đời gần gũi với bùn lầy mưa nắng quanh năm...

 

 

 Hoa Kỳ, Tháng Tư- 1997


Trở lại trang Văn