THẰNG CHUM XỨ CÁ

                                       Ngủ nóp

                                    (Thân tặng những ai chưa từng ngủ nóp)

                                      Khiêm Cung

 

Làng của Chum cây cối sầm uất, đất đai có nhiều ao vũng, là nơi thuận tiện cho muỗi mòng sinh sôi và nương náu. Muỗi như sáo thổi, không khác gì miệt Năm Căn, Cà Mau. Theo cha Chum kể lại, có lần nọ, ông đi vào trong nguồn để làm rẫy. Khi ra về, trời đã chạng vạng, muỗi bu rộp người, từ đầu đến chân. Để tránh muỗi chích, ông phải cho nước vào đầy xuồng ba lá, ngâm mình trong nước, chỉ chừa hai lỗ mũi để thở, thả xuồng trôi theo dòng nước cho đến khi về đến nhà.

 

Nhiều bà-con ở thôn quê ngủ nóp. Những người ngủ mùng nằm sát vách, bị muỗi chích nổi mẩn đỏ. Mùng cũ rách phải lấy vải vá lại. Nếu không có vải để vá, người ta dùng “giấy nhựt trình” phết hồ hoặc cơm nguội để dán. 

                                                                                                                                                                     

Ở thành thị ít ai biết nóp là cái gì. Nhưng những người nghèo ở thôn quê không còn xa lạ gì cái nóp và coi nó là một trong những vật dụng tùy thân. Nóp làm bằng đệm. Người ta lấy một tấm đệm nguyên, xếp một mí chừng ba tấc, rồi gắp đôi phần còn lại, sao cho mí xếp nằm vào bên trong, dùng chỉ gai may hai đầu, chỗ mí xếp là cửa hay miệng nóp. Người ngủ giở miệng nóp ra, nắm một mí, giũ thật mạnh nhiều lần để đuổi muỗi bay đi hết, rồi chui nhanh vào trong nóp, vừa nằm xuống, lưng đè lên trên mí xếp, vừa xoay cho cái nóp dựng lên, hai lằn chỉ may ở hai đầu đứng theo chiều dọc. Nhờ toàn thân đè lên mí nóp, nên muỗi không lọt vào trong nóp được. Muỗi cũng không chích thủng nổi lớp đệm dầy. Đôi khi do trở mình, miệng nóp hở, muỗi chui vào, người ngủ nóp phải ra ngoài, giũ nóp trở lại.

 

Mới chun vào nóp thấy hơi ngộp, nhưng một lát sau cảm thấy hơi thở bình thường. Mùa đông ngủ nóp rất ấm. Mùa hè người ta rẩy nước lên mặt bên ngoài nóp để cho nóp mát.

 

Cái nóp của ta cũng dùng để ngủ như “túi ngủ” (sleeping bag) của phương Tây, cũng có thể xếp gọn mang theo người giống như “túi ngủ”. Nóp rộng rãi hơn và trùm kín người, còn “túi ngủ” chỉ trùm kín thân, đầu mặt của người ngủ ló ra ngoài.

 

Thời Tây có loại thuế gọi là thuế thân, đánh trên những người đàn ông thuộc địa, chỉ miễn cho những người già được cấp giấy lão. Trong làng của Chum có ông Tám Nghĩa, tuổi ngoài bảy mươi, ngán Tây không dám ra mặt xin cấp giấy lão. Ông Tám vô gia cư, không có con cháu, luôn mang sau lưng một cái nóp cuộn tròn để ngủ đình, ngủ chợ. Thiếu niên trong làng hay hù ông:

-Ông Tám ơi ! Ông cò xét giấy lão.

Ông Tám sợ quá, nhanh chân chạy trốn với chiếc nóp trên lưng.

 

Ngủ nóp có khi cũng hồi hộp.

Một lần nọ thằng Chum ngủ nóp ở khoang trước một chiếc ghe lớn. Nó lăn qua lăn lại như thế nào đó mà lọt tủm xuống sông, lúng túng một vài giây mới mở được miệng nóp, thoát ra để lội vào bờ.

Thời kỳ miền Tây có phong trào đạo đâm, đạo lụi, người ta sợ bị đâm xuyên qua nóp.

 

Thử nghĩ xem mình có thể lập một công ty sản xuất nóp đệm để bán cho các nước phương Tây, cạnh tranh với loại “ túi ngủ” hay không, các bạn ?

 


Trở lại trang Văn