THẰNG CHUM XỨ CÁ

Sinh hoạt ở lưu vực Biển Hồ

 

                                                                   Khiêm Cung

 

Ở Việt Nam lam quanh năm suốt tháng mà vẫn không dư dả, có khi còn thiếu trước hụt sau. Cha mẹ Chum quyết định đưa gia đình đi lên Miên, vào tận lưu vực Biển Hồ để làm nghề cá mắm. Cả nhà thay phiên nhau chèo chống một chiếc ghe dài độ mười hai mét, ngang độ hai mét rưỡi, phía sau có mui, ở giữa có nhà đùm lợp lá. Đi ngày đi đêm cả nửa tháng trời mới đến được một nơi mà cha mẹ Chum muốn đến gọi là Hà Rùm, thuộc lưu vực Biển Hồ. Ghe vừa cặp bến, có tiếng người quen từ trên bờ vọng xuống:

          - Ủa! Anh Chị Ba cũng vô đây nữa hả?

Cha mẹ Chum niềm nỡ trò chuyện với người mới hỏi. Đó là chú Năm Nguyên, người xứ sở với cha Chum. Chú Năm nói để đưa cha Chum lên giới thiệu với ông chủ rạch, còn gọi là ông Xa Viên. Xa Viên là người trúng thầu độc quyền khai thác cá ở sông rạch một vùng. Ai muốn đến đó làm nghề cá mắm nên nói qua với ông Xa Viên một tiếng.

 

Đã xế chiều, gió đồng hiu hiu thổi làm dịu bớt sức nóng oi ả ngoài trời. Nhưng thoang thoảng đâu đây mùi hăng hăng của cá phơi khô, của mắm, mùi tanh của máu cá. Xa kia là đống cá linh phơi khô, cao như ngọn đồi, để chở đi bán làm phân bón. Rất đông người, ai cũng vừa làm không nghỉ tay, vừa chuyện trò rất vui vẻ, ồn náo, hòa lẫn với tiếng ruồi xanh bu vào cá mắm nghe vo ve không dứt. Từng đàn, từng đàn chim bay về tổ.

 

Màn đêm từ từ buông xuống. Tiếng nhạc ruồi xanh giảm dần thì tiếng sáo muỗi bắt đầu vi vu, vi vu, càng lúc càng tăng. Nơi bãi đất trống gần căn trại của Xa Viên, dưới ánh sáng đèn khí đá, bà-con vẫn tiếp tục làm cá lóc cho đến khuya. Để bù lại công làm cá, bà-con được lấy đầu cá để ăn hoặc làm khô, làm mắm. Mẹ và hai chị của Chum mới đến cũng nhập vào nhóm người làm cá nầy. Ngoài ra, cha mẹ Chum cũng mua rẻ mớ cá thứ phẩm của chủ rạch để làm khô, làm mắm bán lại cho nhà mua sỉ.

 

Mấy hôm sau thằng Sửu, con chú Năm Nguyên đến rủ Chum bơi xuồng qua bên kia con rạch. Chum ngồi trước mũi xuồng, lấy cây dầm vẹt lục bình ra, xuồng mới tiến tới được. Lục bình dầy đặc. Bông lục bình màu hoa cà lợt xinh xắn. Bờ rạch thấp. Nước rất trong. Có nhiều nơi, nước ngập mặt đất ba bốn phân, cá ròng ròng lội tung tăng quanh mấy cụm rêu xanh trông rất dễ thương như đám trẻ thơ đang hồn nhiên nô đùa.

 

Dọc theo bờ rạch, Sửu thấy một con tôm càng đang ăn rong, lát sau lại thấy một con cá trê nằm gác đầu lên bờ để thở, Sửu dùng chĩa ba để xom bắt.

 

Nhiều con cò trắng, con vịt nước, con chim học trò giống như chim cút, con trích lông xanh, chân cao màu đỏ, mỏ đỏ, từng chặp, từng chặp bay lên khi nghe tiếng chân của Chum và Sửu đi tới. Rất nhiều chim chóc tụ tập về vùng nầy để ăn cá.

 

Sửu chỉ cho Chum cách làm mũi chĩa ba bằng tre vót nhọn, đem hơ lửa cho mũi nhọn thật bén, chỉ Chum làm bẫy để bắt chim cò.

 

Hai đứa đang đi, bất ngờ thằng Sửu phát hiện có một con đỉa mén đang đeo ở cườm chưn của Chum. Sửu chỉ cho Chum. Chum thét lên một tiếng, xanh mặt, nhắm mắt lại. Sửu bảo:

-         Đứng yên, đừng sợ. Để tao bắt cho.

Sửu bẻ một nhánh cây cào con đỉa, rồi lấy vôi trong cái hũ nhỏ mà nó đem theo sẵn, bôi vào con đỉa, con đỉa co rúm lại.

 

Hai đứa tiếp tục xom thêm được một ít tôm cá nữa thì bơi xuồng trở về.

 

Mấy ngày sau Sửu rủ Chum bắt chước người Miên xấy, tức là hun khói cá. Hai đứa đào đất thành một cái lò, trong đó để nhiều vỉ tre đặt từ thấp đến cao. Bên ngoài lò đắp đất kín để giữ khói, chỉ còn chừa hai lổ thông hơi. Cá trèn được xỏ xâu ở trên đầu, còn phần đuôi xếp lên nhau, tạo thành từng gắp tròn như nải chuối. Mỗi gắp nướng ở vĩ dưới cho chín bằng nhánh cây khô, sau đó được đưa dần lên vỉ trên, rồi chụm củi tre cho có nhiều khóí để hun. Cá của hai đứa xấy ăn cũng dòn, ngon, mùi vị không khác gì của người Miên bán ngoài chợ.

 

Người Miên rất thật thà, chất phác và tin tưởng thần quyền, rất tôn kính một vị thần linh là Ông Tà. Phương cách bắt được nhiều cá của chủ rạch là trải đáy. Có lần nọ, người ta bắt được một con cá lóc bông rất to, khoảng vài mươi kí lô. Người Miên nói đó là con cá của Ông Tà, nên không dám xẻ thịt. Ông Xa Viên phải quay một con heo cúng tạ lỗi với Ông Bà Tà và thả con cá đó đi. Một hai ngày sau trải đáy được rất nhiều cá bông, mỗi con nặng hai ba kí lô, nhiều đến nỗi có khi bị “ bứa đục ” hay là rách lưới. Lúc đó người ta tin là Ông Bà Tà linh thiêng, ban thưởng cho chủ rạch.

 

Khí hậu ở Miên nói chung, giống như khí hậu ở miền Nam Việt Nam, mỗi năm có hai mùa, mùa nắng và mùa mưa. Mùa nắng viêm nhiệt, cộng thêm ruồi muỗi nơi xứ cá làm cho ai cũng bị ghẻ ngứa, ghẻ hờm. Mưa nhiều thì đất ẩm ướt, lắm nơi bị sình lầy, ô nhiễm. Có một đêm nọ, mưa lâm râm, tình cờ Chum đứng trước mũi ghe, nhìn qua bên kia con rạch, nơi cánh đồng xa tít, thấy có nhiều quả cầu lửa từ dưới đất phụt lên, lăn đi vài chục mét rồi tắt. Quả cầu lửa khác lại phụt lên… Chum nhắm mắt lại, nhưng do tính tò mò, cứ chốc lát lại hé mở mắt ra, nó lại thấy quả cầu lửa khác, liền chạy vô ghe, chui vào cái nóp đệm, ém kín lại. Đêm đó gần sáng nó mới ngủ được. Nó hỏi Cha nó về hiện tượng nầy thì ông chỉ đáp gọn lỏn mà không giải thích gì thêm:    

-         Ma trơi.

Ở Hà Rùm khoảng một năm, dành dụm được chút ít vốn liếng, gia đình Chum trở về Việt Nam. Gần đến nhà thì được tin căn nhà đã bị lính Tây đốt rụi, lý do là nhà bỏ hoang, là nơi ẩn náu của du kích Việt Minh. Số tiền ky cóp được ở trên Miên chưa chắc đủ để cất lại căn nhà mới. Cái nghèo đã đuổi theo gia đình Chum đến giờ thứ hai mươi lăm. Cha Chum lẩm bẩm một mình:

                   Cây khô tưới nước cũng khô,

                   Vận nghèo đi tới xứ mô cũng nghèo.

 


Trở lại trang Văn