Trang Chính    Hình Ảnh    Bút Ký    Truyện Ngắn    Truyện Thật Ngắn    TG & Tác Phẩm    Thơ    Di Tích Lịch Sử và Danh Nhân    Đời Sống: Phong Tục & Khoa Học    Sân Khấu/Nghệ Thuật    Hộp Thư    Nhắn Tin    Tin Tức Thân Hữu    Tin Vui    Phân Ưu    SK và Gia Đình    Lá Lành Đùm Lá Rách    Vui Cười    Ẩm Thực/Gia Chánh    Trang Xuân    Cùng Tác Giả   


VÀI BA MÙA KHÓ QUÊN QUA NĂM BA VÙNG ĐẤT CŨ

Hai Trầu


Nhắc qua những mùa màng ngày cũ ở vùng quê miệt Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc, Cần Thơ… mà không nhắc qua vài ba mùa dù không lấy gì làm quan trọng lắm nhưng rất khó quên ở những người nhà quê già như tôi, quả là một thiếu sót vô cùng. Thật thế, ở những vùng sông nước qua các nơi vừa kể, ngoài những mùa màng chánh như cày bừa, sạ lúa, cắt lúa… thì ở đó còn có những mùa màng khác nữa rất khó quên.


Chẳng hạn như mùa trái sắn vào mùa nắng ở Lấp Vò. Sắn ở đây là loại cây mọc trong vườn do chim ăn trái chín hoặc được dân quê trồng cặp theo mé vườn. Loại cây này có tên khoa học Eugenia Resinosa (1), cùng họ với cây trăm, thuộc loại đại mộc, trái tròn khi còn sống vỏ xanh và chát, lúc chín vỏ đen, ăn hơi ngọt và thịt trái sắn dính vào lưỡi và răng có màu đen. Vỏ cây sắn đem đâm nát ngâm với nước dùng vào việc nhuộm chài lưới, giường câu làm bằng chỉ gai với mục đích làm cho chài lưới và giường câu săn chắc. Mùa mưa tháng ba sắn trổ bông và có trái vào mùa mưa già và chim trau trảu ưa ăn loại trái sắn này. Nhớ hồi còn nhỏ ở làng quê Tân Bình (Lấp Vò) bọn trẻ con chúng tôi ưa hái trái sắn ăn vào những trưa không có gì để ăn, nhưng hồi ấy người lớn thường rầy sắp nhỏ vì sợ chúng bị té gãy tay gãy chưn vì nhánh sắn rất giòn dễ gãy.


Rồi với những cơn nắng mùa hè ở các vùng quê Long Xuyên, Sa Đéc có thêm mùa ô môi trái chín bán đầy các chợ, mà nhứt là nơi các cửa trường học nhà quê nơi nào cũng có bán ô môi chín. Vào mùa nầy, miệt Mặc Cần Dưng (Long Xuyên) và các làng lân cận lại có thêm mùa me nước chín trên cây.



Cốc vào mùa đậu trái.


Qua mùa hái trái sắn tới tháng mưa có mùa cốc, mùa ổi, mùa mận. Hồi đời trước vùng Long Xuyên ít ai lập vườn trồng các loại cây ăn trái này vì vùng này là đất trũng, tới mùa nước, nước ngập linh láng, không vườn tược nào chịu nổi mực nước ngập cao có khi lên tới hai ba thước. Cả làng Mặc Cần Dưng chỉ có vườn ông đạo Nếp, nằm trên mương ông Nhà Lầu, mà dân ở vùng Mặc Cần Dưng hay gọi tên là “Cốc Ông Đạo Nếp”. Sở dĩ có tên vậy vì ở đó ngoài việc trồng các loại cây ăn trái như cốc, ổi, mận, xoài, chanh, ông Đạo Nếp còn cất một cái cốc nhỏ (còn gọi cái am) để tu và cúng kiếng. Khu vườn này nằm ngang phần đất của Má tôi do ông Ngoại cho nên mỗi khi theo Tía tôi vô thăm ruộng đều có ghé vô vườn này nhiều lần. Vườn là một miếng đất rộng, xung quanh trồng tre gai, giữa miếng đất ông mướn người gánh đất đấp nền cao khỏi nước ngập để lập vườn. Các mương vườn, ông không nuôi cá mà chỉ đấp đập và gắn ống bộng cho nước dưới mương lưu thông ra vô, rồi ông bỏ chà và lục bình cho các mương vườn êm ấm. Thế là cá lóc, cá trê, cá rô theo nước vô đây trú ngụ nhiều lắm vì hồi xa xưa cách nay sáu bảy chục năm vùng mương Nhà Lầu là vùng cá nhiều có tiếng trong vùng. Hồi xưa, cả một làng như làng Mặc Cần Dưng không có ai trồng cốc ổi gì nên ai muốn ăn các loại trái cây này chỉ có cách là bơi xuồng vô đây mua cốc ổi về ăn. Hồi đó tôi nhớ ông trồng loại cốc trái rất lớn chứ không như cốc Thái Lan sau này trái nhỏ. Còn ổi thì chưa có ổi xá lị mà chỉ có ổi sẽ vỏ mỏng, ruột đỏ, nhiều hột nhưng khi chín thì mùi vị rất thơm, hấp dẫn lắm.



Mận da xanh trong vườn Hai Trầu đang vào mùa



Mận da trắng


Thực tình ra đất Long Xuyên vườn cây ăn trái nhiều không đâu bằng miệt đất cồn như cồn Mỹ Hòa Hưng ngang chợ Long Xuyên. Mấy năm 1950-1960 vùng Mỹ Hòa Hưng nổi tiếng về các vườn mận, trái tới mùa nhiều khi hái không kịp, có dông mưa là mận rụng nhớt gốc. Ngay tại Long Xuyên, khúc giữa cầu Cái Sơn tới bùng binh đèn Bốn Ngọn trên liên tỉnh lộ số 9, có hai vườn cây ăn trái của ông Hào Bỉnh, và ông Sáu Hội cũng nổi tiếng một thời với ổi, khế, mận, cốc... Còn vùng Mỹ Đức (Châu Đốc), Long Sơn (Tân Châu) thì nổi tiếng các vườn nhãn. Còn lên vùng Tri Tôn, Bảy Núi với mùa củ sắn, khoai mì, mảng cầu dai, trái thị thì khỏi chê. Hồi nhỏ tôi nhớ lúc còn ở bên ngoại nơi làng Mặc Cần Dưng vào khoảng tháng Bảy âm lịch là tàu đò ghe xuồng theo con rạch Mặc Cần Dưng – Xà-Tón chở các loại sản phẩm này xuống Long Xuyên bán dập dìu, nhiều lắm kể không xiết.



Củ sắn vùng Vĩnh Xương (Tân Châu) (Hình do Thái Lý chụp)


Vào khoảng năm 1951, miệt Cô-Tô (Thất Sơn) là một vùng nhiều cây trái: “Người ta bảo Cô-Tô là một hòn núi đẹp nhất trong các núi vùng Thất Sơn. Chùa am, nhà ở không nhiều. Nhiều ngôi chúa to bị phá hủy trong lúc biến cố chưa được xây cất lại, nhưng vẫn có người chăm nom vườn tược hoa màu. Mận xòa trên mái đầu, dâu khoe vàng quả chín. Bưởi, cam, quít, sầu riêng, mít đâu đâu cũng thấy và chủ nhân các thửa vườn lúc nào cũng sẵn miệng kêu mời và biếu không cho du khách ăn, không mất tiền.”(2) Vùng Ba Chúc (Thất Sơn) thì mít cũng nhiều lắm. Nhớ mấy năm 1959-1960 lúc còn đi học trường Trung học Thoại Ngọc Hầu (Long Xuyên) nhà trường dắt học sinh lên thăm khu trù mật vùng Ba Chúc dọc theo triền núi mít nhiều lắm.



Mít quằn trái.


Ở Long Xuyên mà qua phía cồn Bà Hòa, ngang Bình Phú (Bình Hòa)  thì nổi tiếng vùng trồng thuốc lá hoặc phía bên kia sông thuộc vùng An Hòa, Chợ Mới thì ở đó rất thịnh về mùa bắp, mùa cải, mùa ớt, mùa mía… Mỗi mùa vụ cách nhau không xa nhưng bạn bơi xuồng hoặc đi xe dọc theo các kinh rạch hay các con đường hương lộ vùng này ngoài lúa ra bạn sẽ thấy rẫy bái ở đây trù phú lắm. Ngay như chỗ cồn ngang cầu bắc Vàm Cống cũng là một vùng rẫy các loại rau cải trên bờ; còn dưới mé sông lại là những bải cát bồi xanh một màu xanh của loại lác dệt chiếu mà dân địa phương vừa có ý giữ đất mới bồi vừa có lác để bán cho làng dệt chiếu Định Yên bên cạnh nữa. Ngay làng Định Yên nơi nổi tiếng về nghề dệt chiếu, ở đây cũng có nhiều vườn cây ăn trái mà nhiều nhứt là mận vùng Hòa Lạc nơi có chợ chiếu về đêm… Mận ở đây cũng ngon hổng thua gì mận Mỹ Hòa Hưng (Long Xuyên).



Cải bẹ xanh còn non.


Trở lại vùng Hang Tra, Trà Kiết, Vàm Xáng (Cần Đăng) thuộc quận Châu Thành (An Giang) giáp với ranh làng Bình Hòa (Mặc Cần Dưng), vì là miệt đồng sâu đất trũng nên hồi ấy các vùng này không trồng được gì ngoại trừ các giống cây cà na và giống gáo là mọc được. Nên vào khoảng thời gian nước ngập tháng Bảy, tháng Tám âm lịch ở đây có mùa gáo, mùa cà na. Cây gáo, còn gọi là huỳnh bá (Sarcocephalus officinalis) loại cây lớn, cao cỡ 15m, lá hình trái tim hoặc tròn, hoặc nhọn ở đuôi, trái tròn. Theo sách “Cây Cỏ Miền Nam” của giáo sư Phạm Hoàng Hộ có bốn loại gáo: gáo vàng, gáo trắng, gáo tròn và gáo đỏ “Gáo vàng có tên khoa học Sarcocephalus coadunata (hoặc Neonauclea sessiliflora); là loại đại mộc cao 20 m, nhánh nằm ngang; vỏ nâu, gỗ màu vàng. Lá xoan rộng, đầu tròn, đáy tròn hay hình tim, dài 15-30cm .  Gáo trắng tên khoa học Anthocephalus chinensia  là loại đại mộc cao 30m, nhánh ngang, vỏ xám, gỗ trắng, lõi màu cam. Lá hình bầu dục, đầu nhọn, đáy tà hay tròn, dài 15-50cm , mặt dưới có lông, hoa đầu trên cọng 2,5cm-4cm, to 3cm-5cm kể cả hoa… “Trái” to từ 2cm-4,5cm, màu vàng. Gáo tròn có tên Adina cordifolia , thuộc đại mộc, nhánh ngang, gỗ vàng, vỏ trắng, hoa đầu ở nách cô độc, vàng. Gáo đỏ có tên khoa học Neonauclea purpurea là loại đại mộc không lông. Lá bầu dục hay hình thon, dài đến 25cm, cuống dài đến 2cm. Bông trắng có cánh hoa không lông”(3)



Cây gáo vàng vùng Vĩnh Xương (Tân Châu)(Hình do Thái Lý chụp)



Cây gáo cổ thụ có tuổi thọ gần trăm năm vùng Châu Phú (Châu Đốc)(Hình do Thái Lý chụp)


Ngoài thực tế, vùng Mặc Cần Dưng và các vùng vừa kể có hai loại gáo quen thuộc mà dân quê ưa trồng là gáo trắng và gáo vàng. Cách trồng gáo cũng rất dễ. Hể cứ tời mùa nước giựt, muốn trồng gáo ở bờ mương nào người ta cứ chặt nhánh gáo rồi đem cắm xuống bờ mương ấy, vài ba tuần là nhánh gáo bắt rễ và đâm tược ra lá. Trái gáo vàng da của nó láng; trái lại, trái gáo trắng thì ngoài da có gai mềm giống như trái chôm chôm. Cả hai giống gáo vừa kể khi trái còn sống ăn hơi chát nhưng lúc chín trên cây trái ăn chua. Hồi đó ở nhà quê trẻ con ưa bẻ gáo ăn với muối giống như tới mùa bần cũng hay ăn bần với muối vậy.


http://seablogs.zenfs.com/u/vTf5ttmRERrxgjVawVx0jH0-/photo/ap_20100525080122424.jpg
Bông gáo .(Nguồn: doxuancam.com)


Còn cà na cũng mọc hoang theo các mé kinh rạch. Đây là loại cây rừng cùng họ với cây trám, thân săn chắc, lá có răng cưa ở bìa, trái tròn dài bằng ngón tay, nhọn hai đầu và có hột ở giữa, da xanh, khi còn non ăn hơi chát, lúc chín ăn chua. Nhớ hồi nhỏ tới mùa nước ngập là mùa cà na. Bọn nhỏ chúng tôi ngày nào đi học về cũng leo trèo hái cà na về ăn sống hoặc ngâm nước muối. Ở các cửa trường học người ta thường bán cà na sên đường ghim lại từng ghim mà học trò đứa nào hồi ấy cũng thích món cà na ngọt ngọt chua chua này.


http://www.baoangiang.com.vn/getattachment/0c5e3653-09f8-4956-9f36-6344ae976db6/1-2.jpg.aspx
Cà na đang mùa có trái.(Nguồn:baoangiang.com.vn)


Ngoài ra, miệt Mặc Cần Dưng vào những năm 1940-1950, dân quê ở đây có trồng loại cây nưa lấy củ giống như khoai môn, thân cây nưa có bông hoa rằn ri giống như da con trăn, con nưa… Đặc biệt loại nưa này phải để ngập nước rất lâu mới ăn củ được vì nếu không ngập nước thì khi nấu củ nưa lên ăn sẽ bị ngứa miệng. Vì vậy mùa nưa là mùa nước ngập tháng Tám, tháng Chín âm lịch khi lá nưa vàng người ta mới bắt đầu đào nưa lấy củ. “Cây nưa có tên khoa học Tacca Leontopetaloides, là một loại cỏ đa niên, rụi vào mùa khô, có nhiều củ tròn vàng-nâu. Lá kép thùy không đều, song có sánh. Phát-hoa trên một trúc cao khoảng 0,2m tới 0,5m, có lá-hoa rộng ở ngoài. Trồng để lấy củ làm bột.”(4) Có hai giống nưa, một giống được trồng để lấy củ như vừa kể và một giống mọc hoang dại ngoài các vườn tre không ăn được.



Rẫy khoai môn vùng Vĩnh Xương (Tân Châu) (Hình do Thái Lý chụp)


Hồi đời trước miệt Mặc Cần Dưng (Long Xuyên) cũng có trồng khoai môn nhưng không bằng miệt Mương Kinh, miệt Xẻo Môn đều thuộc Lấp Vò dân quê trồng khoai môn rất nhiều và mùa đào khoai môn lấy củ cũng vào mùa mưa và nước ngập. “Khoai môn còn gọi khoai cao, có tên khoa học Colocasia Antiquorum, là một loại địa-thực-vật, củ ở đáy, sù-sì và có thẹo ngang (thẹo lá) với chồi màu dợt. Lá hình tim, tai dài bằng 1/2 phần trên và dính nhau đến 1/3, cuống dài tới 1m-2m…”(5) Còn có loại khoai môn đúm hay khoai môn đốm:“Môn đúm hay môn đốm hay còn gọi môn lưỡng sắc với tên khoa học Caladium Biocor, nơi giữa lá có một chấm màu sậm. Có nhiều loại môn đốm như Var Wighitii Engl phiến lá xanh có đốm trắng và đỏ; Var Splendens Engl phiến có tròng đỏ, bìa xanh; Var Albomacumlatum Engl phiến xanh dợt và trắng.” (6)



Khoai môn đúm (Tân Châu). (Hình do Thái Lý chụp).


Ngoài ra, nơi các vùng còn nhiều đất lâm hoặc các vùng lung vũng thuộc các nơi còn làm lúa mùa ngày xưa thuộc Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc, Cao Lãnh… có một giống môn mọc hoang trên các vùng lung trấp này hoặc dọc theo các kinh rạch ít người qua lại, có tên là môn nước. “Môn nước có tên khoa học là Alocasia Esculenta (L) là loại cỏ mọc ở ruộng hay dựa bờ nước, có căn hành. Lá có cuống đứng cao đến 0,8m, phiến không thấm nước vì lông mịn như nhung. Mo vàng; buồng thơm mùi đu đủ…”(7)

Loại môn này nhựa của nó nếu đụng vào da thì rất ngứa, nên chỉ có cách là làm dưa chua ăn mới không bị ngứa. Nên hồi đời trước ở các vùng này có thêm mùa làm dưa chua bằng môn nước. Thường các gia đình nghèo không có việc gì làm vào tháng nước ngập, người ta mới bơi xuồng lên các vùng đất lâm nhổ môn nước về làm dưa đem ra chợ bán. Hồi nhỏ trên chùa Tân An (dân quê vùng Mặc Cần Dưng còn gọi là chùa Ông Đạo Cậy vì chùa có Ông Đạo Cậy tu ở đó) người ta ưa làm dưa môn này để bán. Khi có môn rồi, người ta mới mang giày da cao ống vào và đạp mộn cho nhã chất nhưa ra và xả nước nhiều lần cho tới khi thấy môn hết nhựa thì mới đem làm dưa chua. Hồi đó những người làm dưa môn này mỗi lần đi chặt môn về họ làm nhiều lắm, ủ trong các lu hủ hoặc các khạp da bò và cứ thế để dành bán dần dần khi gần hết họ lại đi đốn môn mới về làm dưa tiếp. Hồi còn nhỏ, tôi thấy ở nhà quê cũng có người ăn món cháo lươn nấu với môn nước cho thiệt rục, món cháo này coi vậy mà cũng hấp dẫn dân nhậu dữ lắm! Chắc nhờ nấu cho môn thiệt chín thì môn nước mới hết ngứa chăng?


Môn nước (Hình do Thái Lý chụp)


Nếu bạn xuống vùng đất thuộc tỉnh Sa Đéc thì vườn tược ở đây cây trái cũng đủ loại nhưng nhiều nhứt cũng mận và xoài. Cam quít, mận thì có vùng Tân Bình (Lấp Vò), Lai Vung, hoặc qua các cù lao Tân Quí Đông, Tân Quí Tây với đất cồn màu mỡ ngang chợ Sa Đéc thì cây trái nhiều lắm. Riêng miệt Thốt Nốt hồi đời trước thuộc Long Xuyên có các cồn Tân Lộc Đông  và Tân Lộc Tây cũng là những vườn mận, cam quít đầy trái vì là đất bồi. Nhớ có lần khoảng mùa Hè năm 1961-1962, khi xuống Cần Thơ dự thi, tôi đi sớm một vài ngày và ghé ngang nhà anh bạn ở bên cồn Tân Lộc Đông, ngang chợ Thốt Nốt (dân quê đọc trại là Thốc Nốc), để rủ anh cùng đi thi, tôi mê cây trái ở ngoài cồn này, thứ gì cũng có, vườn nào vườn nấy cây trái sai quằn. Mê lắm!


Còn ở Cái Răng, Phong Điền(Cần Thơ) thì khỏi chê về việc lập vườn trồng cam quít nhưng miệt Cái Côn (Phong Dinh), mà nhứt là những miếng vườn bên các cồn nằm giữa sông cái Hậu Giang ngang vùng đất Cái Côn, rạch Mương Khai, rạch Cái Cau còn có tên là cồn Quốc Gia hoặc cù lao Quốc Gia, thì là cả một vùng xanh biếc vườn mận, sầu riêng, chôm chôm, dừa… bạt-ngàn san-dã không cách chi kể xiết. Mấy năm 1980-1983, tôi và mấy anh bạn cùng cảnh ngộ lúc còn làm lò gạch Cái Côn cứ mỗi cuối tuần có dịp qua miệt cồn này làm mướn vét mương bồi vườn tôi mới thấy cảnh vật và tình người ở đó đối với dân làm mướn như anh em chúng tôi lúc bấy giờ mình mới cảm động về những tình cảm của dân cư vùng cù lao quốc gia ấy dành cho mình. Còn ngay Cần Thơ, khúc rạch Đầu Sấu, mấy năm 1962-1963, có vườn Thầy Cầu gặp mùa sầu riêng chi chit trái; sau này trở lại Cần Thơ mấy năm 1967-1968 tôi  biết thêm gần bến bắc Cần Thơ có vườn ổi trái ôi thôi là trái nhiều lúc ghé qua thăm vườn không lúc nào về sớm được vì mê trái cây mọng chín một mùi hương. Bên kia bắc Cần Thơ những mùa trái cây miệt Cái Vồn, Bình Minh (Vĩnh Long) lúc nào cũng đem bán đầy theo các khách bộ hành đang chờ đò qua bắc.


Về miệt Rạch Giá, tháng Ba, tháng Tư có mùa cá mòi đầy các chợ mà nhứt là món cá mòi kho thùng thì thịt cá bùi, rệu xương và ngon vô cùng. Các tỉnh vùng Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc là xứ cá đồng nhưng món cá mòi kho thùng ở Rạch Giá cũng vô cùng hấp dẫn với cư dân các tỉnh cá đồng. Ngoài ra, theo anh Lâm Hồng Vinh sống ở Miệt Thứ (Rạch Giá) từ hồi nhỏ, ở quê anh có mùa chụp lưới các bao ngạn, các đìa bàu bắt cá làm khô vào tháng Giêng, tháng Hai là mê nhứt, đặc biệt khô cá sặt rằn, khô cá lóc miền này ngon vô cùng.  Miệt Cà Mau có mùa ba khía, miệt Bạc Liêu có mùa cua gạch, mùa nhãn Vịnh Châu hổng thua gì nhãn Cái Bè, An Hữu. Sau này dọc theo liên tỉnh lộ từ ngã ba An Hữu đi Cao Lãnh dân cư ở đây còn trồng thêm loại táo Thái Lan ngon lắm. Nhưng hổng ở đâu các mùa cây ăn trái trù phú bằng miệt vườn chính cống là Mỹ Tho, Bến Tre, Vĩnh Long thì khỏi phải nói về mận, xoài cát, nhãn, dừa là những thổ sản khó có nơi nào sánh kịp. Và nơi bắc Mỹ Thuận ngày trước, ai có qua đó rồi sẽ không bao giờ quên những mùa cây trái vùng Cái Bè, An Hữu, Giáo Đức này với đủ hương vị nào ổi xá-lị, xoài cát, chôm chôm, nhãn…,  nhiều lắm không kể xiết. Tới mùa cắt gặt lúa mùa trên vùng Mặc Cần Dưng (Long Xuyên) mấy năm 1950-1960, dân cắt lúa miệt Vĩnh Long, Bến Tre mỗi lần lên trên này đều chở theo đầy những xuồng ghe trái cây như dừa, mít để bán cho bà con trên này kiếm thêm chút tiền làm lộ phí dọc đường. Miệt Gò Công có mùa cherry, mùng năm tháng năm âm lịch có mùa còng lột làm nên cái nét riêng rất Gò Công; vùng đất cồn Lợi Quang (Gò Công) với mùa cá ngác thiệt ngon. Miệt Vàm Tấn, Kế Sách (Sốc-Trăng) có mùa cá cháy… “Nếu xứ Vĩnh Long có con cá thu nhiều thịt ít xương và rất ngon, thì miệt Hậu-Giang có con cá cháy đến mùa gần Tết có nhiều sa mù thì cá ở biển lên sông Hậu-Giang đẻ trứng sanh con, chỉ có trong mùa gần Tết và chỉ có nhiều từ Vàm Tấn (Đại-Ngãi) đến Trà-Ôn (Cần-Thơ), và miệt Cái Côn, Cái Cau vùng Kế-Sách (Sốc-Trăng) chớ không lên xa hơn nữa. Cá cháy đặc biệt, vớt lên khỏi nước là chết tức khắc vả lại mau ươn và mau trở mùi khác hơn những cá khác, vì trong bụng no nóc những trứng nên mau sình, con cá trống cũng thế, lên khỏi nước là cá bủn thịt phải ăn cấp kỳ không thì mất ngon. (…) Cá cháy phải ăn một lửa mới thấy hương vị của nó.”(8)


Tóm lại, nhắc lại mùa màng ngày cũ với vài ba mùa rài rác ở năm ba vùng đất cũ miền Tây Nam dưới này để thấy cái chất phù sa của hai con sông Tiền Giang và Hậu Giang bồi bổ các cánh đồng mênh mông đầy những bông lúa vàng làm thành vựa lúa gạo nơi đồng bằng đã đành mà sông nước ấy còn nuôi dưỡng thêm nhiều mùa cây trái rau cỏ hữu dụng nữa. Từ các giống cây mọc hoang tới các loại cây trồng, từ cá đồng tới cá biển, từ miệt đồng bằng dưới này lên đến miền Bảy Núi trên kia, mỗi mỗi làm thành cái nét rất riêng của vùng đất mà bất cứ ai ở những nơi khác khi đặt chưn tới vùng đất này cũng đều tấm tắc ngợi khen đất phương Nam giàu có, trù mật. Có lẽ nhờ thiên nhiên ưu đãi như vậy nên cư dân các vùng này hồi nào tới giờ vẫn giữ cho mình cái nét chơn chất, thiệt tình, rộng rãi và hiếu khách hoài hoài vậy!.


Hai Trầu

Long Xuyên, ngày 29-12-2014.


Cước chú:


1/ Theo “Cây Cỏ Miền Nam” của giáo sư Phạm Hoàng Hộ do Trung tâm Học Liệu, Bộ Giáo Dục xuất bản kỳ nhì, năm 1970, quyển I, trang 931.

2/ Theo “Nửa tháng trong miền Thất Sơn” của Nguyễn Văn Hầu, 1970, Xuân Thu tái bản, trang 230.

3/ Theo “Cây Cỏ Miền Nam” của giáo sư Phạm Hoàng Hộ do Trung tâm Học Liệu, Bộ Giáo Dục xuất bản kỳ nhì, năm 1972, quyển II, trang 406-408.

4/ Theo “Cây Cỏ Miền Nam” (sđd), quyển II, trang 636.

5/ 6/7/ Theo “Cây Cỏ Miền Nam” của giáo sư Phạm Hoàng Hộ , sđd, quyển II, trang 730-731.

8/ Theo sách “Ăn Cơm Mới, Nói Chuyện Cũ:Hậu Giang Ba Thắc”(Hồi ký tiếp theo Hơn Nửa Đời Hư) của Vương Hồng Sển, nhà xuất bản Trẻ, Việt Nam, tái bản lần thứ nhứt, năm 2012, trang 14-15.