Món ăn xứ Xà Tón - (trước
1954)
Lưu Nhơn Nghĩa
Con đường từ Ô Lâm ra Châu đốc chạy ngang Quận Tri Tôn theo hướng Bắc Nam, do
ông Đốc Phủ Cui phóng thời Tây, đầu thế kỷ 20 vô tình là ranh giới địa dư và
văn hóa. Dọc theo đường lộ, phía Đông là ruộng bưng, làm ruộng nhờ mùa
nước, nước lụt từ sông Hậu Giang tràn vô ruộng bưng nhiều cá, nhưng còn quá
nhiều phèn. Hầu hết chỉ có người Việt làm ruộng bưng. Người Miên
bám lấy đất dưới chân núi, dọc theo đường lộ, chứ không xuống xa ra ngoài láng.
Sóc Miên chỉ có tới Núi Két, ngôi chùa Den Râu là ngồi chùa và xóm người Miên
cuối cùng, họ không ra tới Nhà Bàng, dù bến xe nhà Bàn có mấy cây thốt nốt già
đứng đó. Thốt nốt chỉ sống với người Miên. Người Miên lâu đời sống thành
Sóc, Sóc Ô Lâm (Ô Thôm) có núi Tô, vòng quanh núi đều só Sóc Miên. Dưới
chưn núi luôn luôn có khoảng đất làm ruộng, họ đấp bờ mẫu giử nước. Mùa
mưa, nước mưa và nước trên núi đổ xuống vừa vặn cấy lúa Xo ùm pên, lúa Nean
Nhen, lúa Sóc Sậu, ngon cơm nhưng chỉ cấy được một mùa, rồi có cá đủ ăn, ruộng
và bò được nghỉ nửa năm. Từ xưa sống an nhàn tới ngày Tây qua, Việt Nam
và Tàu tới lập nghiệp cạnh tranh, nếp sống dân Miên bị xáo trộn, thời chiến
tranh, họ càng khốn khổ.
Cùng là dân Miên (thời tôi gọi là Miên, thời bà già tôi gọi là Đàng Thổ ở
trong Sóc, sau 1975, gọi là người dân tộc, thời nào xài chử đó họ sống trong
Sóc (Xóm) riêng rẻ, mỗi Sóc dù nghèo hay giàu đều có ngôi chùa khang trang,
chùa cổ, chùa mới. Thực phẩm căn bản rất giống nhau, nhưng tùy vị trí địa
dư mà có vài thay đổi nho nhỏ
Món căn bản giống Việt Nam là gạo, gạo Xo ùm pên, gạo Nean Nhen, gạo Sóc
Sậu, nếp. Người Miên lấy lúa nếp đầu mùa rang chín, bỏ vô cối giả làm cốm
dẹp. Cốm dẹp lúc giả xong, còn nóng, ăn dòn và thơm. Cốm dẹp trộn
dừa nạo, đường, đơn giản, cứ bóc từng nắm ăn. Chưa thấy họ làm xôi, chỉ
biết làm bún, họ có lấy gạo làm mấy thứ bánh, bánh gói (vuông, mỗi cạnh chừng 1
tấc, dầy chừng hơn một phân, giữa mặt bánh có chút nhưn đậu xanh ngọt, gói lá
chuối đem hấp. Khi ăn mở ra, chan nước dừa mẹ bồng con lên bánh. Bánh
thốt nốt (trong chuyện Việt Nam khôn quá) bánh ống, bánh dứa (dừa?). Nhồi
bột nếp với nước cho đều, khô hơn bột làm bánh xôi nước. Ngào dừa nạo với
đường thắng làm nhưn. Bắc chảo để lửa riu riu, chà bột quanh cái rây thưa
(sieve) cho bột rớt đều quanh chảo, như cái bánh xèo nhỏ, để nhưn dừa nạo vô
giửa, đậy nấp lại, chừng một vài phút, giở nấp lên kiểm soát, nếu vành bánh tróc
lên là bánh chín, lấy cây giá úp nửa phần bánh lên như bánh xèo, vỏ bánh vàng
dòn, nhưng để lâu quá bánh khét, chừng vài phút xong cái bánh. Nhưn bánh có thể
để thêm đậu xanh, đậu phộng hay hột điều giả nhỏ, nếu để hột xoàn vô làm nhưn,
ăn dễ bị mẻ răng.
Bánh tét bánh ít, học của Việt Nam, nhưng ngon không kém. Tết, Đồn Tà
mang vô chùa và tặng bạn bè. Bánh trong chùa nhiều quá, họ nghĩ ra cách
xấy bánh, giử lâu hơn, da bánh dòn, cho col sóc, người công quả chùa tự tiện ăn
khi đói. Dân Miên thời đó không tha thiết học làm
bánh, khoảng năm 1912, bà ngoại tôi còn làm hủ tiếu khô đổi lúa, có đám cưới
nhà giàu, họ nhờ côn ngoại tôi làm tổng khậu nấu ăn món Tàu, năm 1940 còn có
người gánh bánh lọt vô Lương Phi đổi lúa. Họ nói bánh hỏi, bánh xôi nước
là tiếng Miên.
Nước giựt , sau mùa gặt, lúa đầy bồ, dư ăn trọn năm, thời đó, nhứt là Tây chưa
đào kinh, nhờ nước, ruộng trúng, cá trong đìa ăn không hết, họ bắt cá nhận mắm
trong hủ, nhứt là mắm bồ hốc (cá phơi khô sình lên làm mắm, dùng để nêm canh,
như ngưởi Việt dùng nước mắm. Bồ lúa và hủ mắm đủ ăn cả năm. Ngoài
ra còn ếch (lớn và ngon) cua đồng, rắn ri voi, trăn, cá tép vụn dưới ô, vũng
,thiếu gì. Rau rác là phụ, miễn no bụng, tới mùa lễ vui chơi, đua bò, hát
Là Khol, múa Lam Thol.
Đã quen cá mắm, nhưng họ cũng ăn thịt khi có dịp. Gà nuôi dưới nhà sàn,
thả rong lấy trứng và gà bán, đặc biệt lắm mới dám ăn. Bò làm ruộng, cần
lắm đám cưới mới có thịt bò, heo nuôi như bỏ ống, bán. Trong Sóc không có
giết heo hay bò, cẩn thì ra chợ Quận mua khi đãi đám cưới. Ngoài ra họ có
thịt rừng thường xuyên, nhứt là khỉ, ăn không hết, gánh xuống chợ bán, khỉ ưa
xuống hái trái cây như chuối, bưởi, xoài. Heo rừng ủi khoai mì, khoai
lang, nhím, trúc, cũng vậy, nhưng không gây hại bằng heo rừng, chồn cáo cọc hay
bắt gà, chồn hương, chồn mướp bán cho dân chợ nuôi, con nào bị thương mới ăn
thịt. Heo rừng, chồn, mang, kỳ đà, trúc, nhím ,bán có giá, con trúc và
nhím có bao tử phơi khô ngâm rượu uống nên thuốc, nghe đồn nhím trúc lựa củ
thuốc ăn, nên bao tử chứa các vị thuốc.
Người Miên cũng trồng củ như khoai mì, luộc ủ trong thúng lót lá chuối mang ra
chợ bán. Bà già tôi buổi sang bận bán buôn, suốt đời ăn gói khoai mì bán
trước nhà. Năm 2000 về quê, mua VN $500 khoai mì của bà Miên trước chợ,
ba củ, bả chỉ lấy $200, tôi đưa luôn $5000, điều nầy gây tai tiếng trong giòng
họ, vang tới Melbourne, Úc châu, rằng tôi thèm ăn khoai mì, ở Úc đói khát khoai
mì, và nhứt là không biết xài tiền. Khoai mì Miên nhỏ củ hơn khoai trồng
dưới chưn núi Bà Đội gần nhà Bàng. Khoai mì Miên củ nhỏ hơn ngón chưn
cái, củ lớn mập bằng trái dưa leo nhỏ, rất dẽo và nhiều bột, mềm chớ không
sượng, ăn hoài không chán. Khoai lang Miên trồng nhỏ củ, chắc chưa biết
kỷ thuật như VN, khoai trắng, lớn hơn ngón chưn cái, ngắn chừng bằng ngón tay
giửa, bùi thơm. Khoai từ rất đặc biệt, không nhiều. Củ khoai từ
bằng trái dưa leo nhưng dài hơn. Vỏ khoai rất dai, nếu không biết cách,
lột không được , vỏ có rể lơ thơ, khoai nhiều bột, dẽo hơn khoai mì, mắc tiền
hơn vì hiếm. Khoai ngọt được trồng trong cái trả lớn, khoai phát triển
theo vòng tròn của cái trả, tới ngày, bới đất ra, củ khoai giống hình con rắn
khoanh tròn, tôi ưa tròng khoai lên mình đi chơi, bị bà ba trợn nói , ‘thằng
nầy chết yểu, rắn thần quấn ‘. Bà già tôi sợ quá, gởi ra Mỷ Đức xắt khoai
từng khúc trồng. Tôi không được nuôi thú làm bạn, có củ khoai cũng bị
tước đoạt. Cái bà ba trợn. Củ nừng tôi đã nhắc rồi.
Rau cải hầu hết có sẳn đó, ít ai tìm cách trồng nhiều hơn. Có thể họ đầy
đủ quá, gạo cá mắm sẳn đó, thêm chút rau rác cho có vị. Trước khi người
Việt tới, họ chưa trồng đậu que, dưa leo, đậu xanh, giá. Rau cải họ có môn
nước, rau càng cua, bông xà đâu, măng le, măng mạnh tông, măng tầm vông, lá
ngành ngạnh. Các loại cây rừng có sẳn, mọc, rớt hột,lại mọc, không cần
săn sóc bón phân tưới nước. Rau càng cua mọc tràn lan, nắm kéo lên vài
nắm là đủ làm mắm bớt mặn, muốn chua thì bẻ trái trúc, vắt vô. Siêng thì
lấy cù móc, móc đọt măng le, lột vỏ, làm dưa. Măng le là loại tre rừng,
thân lớn hơn ngón chưn cái, đúng ra, măng le là cái đọt tre, chứ không phải mầm
tre non. Măng tầm vông khi đội đất chừng hơn một tấc là xắn được,
cao hơn măng bắt đầu cứng . Cây tầm vông cứng, ruột đặc, dùng làm đòn gánh,
chắc như gổ, vạt nhọn làm vũ khí , tầm vông vạt nhọn chống súng Pháp. Măng
mạnh tông đường kính dưới gốc chừng gần hai tấc. Cây tre mạnh tông dùng
làm cần vó cá, vì lớn, dài và chắc. Món ghém thông dụng là chuối cây, cây
chuối non, loại chưa ra buồng. Trong bụi có nhiều cây chuối, muốn ra
buồng chuối đậu chuối đậu, người ta đốn bỏ mấy cây nhỏ, cao chừng hơn 1 thước,
lột vỏ tới lỏi trắng, lấy dao dâu xắt thật mịn thành món ghém.
Về trái cây, nhiều nhứt là xoài thanh ca, họ gánh xuống chợ mùa đông ken, cũng
có xoài đu đủ (ngày nay gọi là xoài hòn) xoài tượng, chỉ có vài loại xoài
thôi. Ngoài ra có dừa, đu đủ, thốt nốt. Bún như bún VN, nhưng bắt từng
con bún, giống khoanh giây, khi bán, cứ bắt hai con bún thành một tô bún nước
lèo. Nếu làm như bún Saigon, khi bóc bún bán, số lượng bún có chênh lệch
ít nhiều. Còn đường thốt nốt, họ buộc những cây tre có mắc ngắn vào cây
thốt nốt, cao cả hơn 15m, leo lên, vạt đầu cái bông đực, lấy cây kẹp bông ép
cho nước chảy ra, họ buột ống tre bên hứng nước, trong ống tre đốt miếng giấy,
hình như khói làm nước chảy vô ống tre nên nước có mùi khói. Mỗi cây mỗi
ngày cho độ 20 lit, gánh xuống chợ, xớt ra từng ống tre nhỏ dung tích chừng 200
ml, nước ngọt thơm. Hột thốt nốt, mỗi trái ba hột, thịt trắng trong như
màu xương xa, trong có túi nước ngọt thanh, dai hơn jelly, nếu chưa ăn,
cứ tới tiệm thực phẩm Á Châu mua thốt nốt hộp (Toddy Palm), nhớ mua loại nguyên
hột, đổ bỏ nước đường ngọt gắt, đừng mua loại sắc từng lác, nó luôn luôn bỏ
thêm một lác hột thốt nốt già cứng như dừa nước, thốt nốt đóng hộp ngâm đường.
Nước thốt có thể thắng làm đường thơm hơm đường mía, tôi quên tỷ lệ bao nhiêu
lít thốt nốt được bao nhiêu kilô đường, nhưng phải đun sôi nước thốt nốt và
dùng cây quậy đều tay, mỏi tay và mất thời giờ lắm. Có hai loại đường thốt nốt,
đường tán tròn, đường kính 1 tấc, dầy 2 phân, chừng 10 tám bánh, chồng lại gói
bằng chính lá thốt nốt khô, lá chắc và dai, đươn lại, xách đi rất gọn. Loại
đường om, như đường chảy, trên mặt như cát, rất thơm, ăn với dưa gang hay xoài
mắm đường ngon hơn đường cát trắng. Ngày nay dọc theo đường Tri Tôn.
Tà Đéc có nhiều tiệm giải khát quảng cáo bán nước thốt nốt , nhưng để
nhiều nước đá và pha đường. Nước thốt nốt hết vị ngọt vì bón phân uré.
Xưa ruộng là ruộng, cây thốt dù mọc trên ruộng, nhưng khi chia của cho con, có
khi có đứa được khoảnh ruộng, đứa được mười cây thốt nốt mọc ngay trên mảnh
ruộng đó, cây thốt nốt cũng là phần tài sản, ông già dặn bằng miệng cho con,
con dặn lại cháu, không ai tranh giành.
Phần trên là vật liệu địa phương để chế biến món ăn Miên, có gì nấu đó, đơn giản,
không đi xa tìm gia vị chế biến. Món ăn thay đổi theo địa phương. Ở
Ô Lâm nhiều cá lóc mùa mưa, lươn, cúm núm, rùa, rắn nhiều vì ruộng bao la, thức
ăn ngon hơn, nhiều cá mắm tuy ít thịt.
Có Sóc gần lạch nước, ô, bào, đặt lờ được cá tép vụn, kho sả nghệ, nêm mắm bù hốc
sẳn trong hủ, sai thằng nhỏ ngắt nắm ớt hiểm, ghém chuối cây, ra vườn bẻ vài
chùm lá ngành ngạnh, cả nhà quay quần chút lát hết thau cơm. Tôi được ăn
một lần ở Châu Đốc, ngon lắm, tôi nói ngon hồi đó kìa, ngon năm 1955.
Món nướng. Ở Sóc Xà Lôn, nhà nào cũng có vài chục gắp tre để nướng thịt. Thịt rừng,
thịt gà, thịt heo đều xắt nhỏ đem nướng, chưa biết ướp gia vị, nhưng hiếm hoi
mới ăn được miếng thịt ngon. Mùa mưa, ếch nướng thường xuyên.
Món canh. Canh Xiêm Lo, gọi chung, vật liệu nấu canh là sả, thính, mắm bồ
hóc nêm. Mùa mưa, cua đồng lớn con, bề dài cả tấc, càng lớn, bắt một lát
vài chục con, giả lấy nước. Thốt nốt non gọt vỏ, xắt mỏng nấu nước cua
đồng, thêm sả, thính và mắm bồ hóc, thêm con cá, con tép vụn thì còn gì hơn,
canh Xiêm lo, canh thốt nốt. Canh mít thì lấy mít non gọt vỏ, xắt mỏng nêm nếm
như xiêm lo thốt nốt. Canh đu đủ cũng vậy, đu đủ già chưa chín, nấu mau
hơn vì đu đủ mau chín. Canh dưa hấu, dưa hấu nhỏ trái không ai mua, gọt vỏ, nấu
canh như cách trên. Canh măng mạnh tông nấu bù ngót, hể thêm thính và mắm
bù hóc là thành canh Xiêm lo. Xúc một muỗng cơm gạo đỏ để vô miệng, múc
muỗng canh Xiêm lo nóng, húp liền sau đó, ai ăn mới biết ngon, nói ra thành
khoe xứ mình. Canh Xiêm lo xưa tới giờ không đổi theo khẩu vị, canh chưa
ra tới Châu đốc gần nhứt, đừng nói trên bàn tiệm ăn.
Gỏi sau mùa tằm dệt sa rong tơ, nhộng được bán ngoài chợ từng xịa. Nhộng
chín sẵn, làm gỏi đu đủ, chưa ăn chưa biết. Bông xà đâu trộn cá xấy.
Cá xấy là món ăn mắc tiền Nam Vang, xưa có nhập cảng, sau 1954, ít qua lại vì
tình hình chánh trị. Bông xà đâu và lá xà đâu càng ít lá càng tốt, lá ăn
không ngon, người bán đâu có dại bán toàn bông xà đâu, biết bao nhiêu cho đủ,
nhún trong nước cơm sôi, lấy ra liền nếu nóng quá. Cá lóc nướng xé từng
miếng nhỏ, dưa leo xắt thật mỏng thật nhiều, bóp chút muối cho mềm, tướt lá và
bông xà đâu vô, trộn chung, chấm nước mắm me ớt (không cá xấy thì lấy cá lóc
nướng thay), đây là món ăn ghiền như ghiền sầu riêng. Món gỏi xà đâu
không ra khỏi Sóc, dân Xà Tón xa xứ, lâu lâu nhớ nó như nhớ canh xiêm lo, bún
nước lèo.
Đám cưới. Thức ăn đãi đám cưới cũng đơn giản, vật liệu như thịt cá
nhiều hơn. Thời 1954, nhờ ra chợ và người Việt ở gần, học hỏi lẩn nhau.
Nấu đâu một nồi thịt bò, heo, gà, da heo, bún tàu, như nồi xà bần, ăn với
cơm. Thịt bò xắt mỏng nướng làm món nhậu. Món nấu thịt bằm với cọng
môn nước, bắp chuối, gạo, vậy là ngon rồi, không biết là món gì, nhưng đó không
phải là món tiêu biểu đám cưới, nhà nghèo lấy thịt đâu nấu, chắc cũng qua loa
cho xong, không bài bản như Tàu và Việt Nam. Vừa ăn vừa phất xạ, uống
rượu, hút thuốc cần sa, múa Lam Thol. Miên hút cần sa chơi, không ghiền,
đọt cần sa có thể dùng để nêm canh như rau ngò om. Việt Nam bẻ cần sa làm
thuốc Nam. Lúc năm 1963, Mỷ đóng đồn Châu Lăng, cần sa tự nhiên biến
thành “xì ke”, quốc cấm
Dân Việt quê tôi có mấy nhóm, thức ăn có phần khác. Giống như người
Miên, có gì ăn nấy, nhưng người Việt biến chế thức ăn, vì họ có sẳn kinh nghiệm
và tiếp xúc nhiều hơn người Miên.
Dân Việt sống rải rác từng xóm đầu bờ kinh, dọc theo đường ra Long
Xuyên. Ruộng sát Tri Tôn khác ruộng vùng. Mặc Cần Dưng, kinh xán Vịnh
Tre, càng đi gần sông Hậu Giang, đất càng thuần hơn. Gạo trồng màu hơi
đỏ, lúa xạ, mùa nước chỉ có nuôi vịt là dể. Thức ăn chánh là cá tép,
lươn, rùa, rắn, trăn, trích, cúm núm, chim, vào mùa lúa. Dọc theo kinh,
có những vó cá, cá nhỏ, cá lòng tong, cá sặt, đủ ăn qua ngày. Mâm cơm
thường có cá kho làm chuẩn, bất cứ cá nào cũng kho được, cá lóc, cá rô, cá thia
thia, cá chốt vv. Vùng càng gần chợ, càng ít cá tép hơn. Đâm cua đồng nấu
canh, khác cách nấu người Miên. Vì rau trái nhiều nên canh và thức ăn cơm
nhiều món. Miên ít thấy ăn canh khổ qua, canh mướp, canh bông súng, canh
bầu, canh bí, canh cải, canh cúm núm, chuột đồng, rùa. Dãy đất từ đầu
kinh chạy ra hướng sông Hậu Giang, chừng 20 km, mùa nước bị phèn, mùa khô đất
nẻ, nước đâu mà trồng rau, bắt được con gì ăn con nấy. Dân đầu bờ kinh,
chờ xuồng rau cải, cá tép từ xa chở lại bán. Địa phương chỉ có mắm cá
lóc, chưng khứa mắm, ăn với dưa leo mấy ngày chưa hết. Thời đó, cá
nhiều, nhứt là cá lóc, cá sặc, vừa làm mắm, vừa làm khô. Khô cá lóc chiên
mở, bớt mặn ăn khá ngon, còn khô nướng ăn như gỗ mục, mắm cá sặc xé ăn sống với
rau sống cơm nguội, khi chưa có cơm nóng buổi trưa. Chưa thấy dân ngoài
kinh làm bánh đem ra chợ bán. Cuối năm, nhiều người làm một số bánh tét
bánh ít cúng ông bà, loại bánh nầy ai cũng biết gói. Làm ruộng, đủ lúa
mắm ăn là phước, hơi đâu nghĩ tới bánh trái. Dưa mắm là món ăn phổ thông,
lựa dưa gang nhỏ, đèo, nhận vô hủ mắm, thành dưa mắm. Dân Tiều, xưa ăn
cháo trắng với cà na muối bên Tàu, qua VN, khó nhập cảng cà na, chuyển qua cháo
trắng xải pấu, ở Chợ Lớn, lưu lạc tới đây, cháo trắng với dưa mắm hợp khẩu lại
rẻ tiền. Dưa điên điển, bông súng, rau dừa, quanh tô mắm. Ngó sen
xào thịt ba rọi, dưa ngó sen mắc hơn, củ sen càng mắc, hầm giò heo nước ngọt,
dân chợ ưa nhứt.
Dân Việt ở Ba Chúc Khác, tu hành ít ăn thịt cá, thường ăn chay theo Tứ Ân
Hiếu Nghĩa.
Dân Việt Xà Lôn, cách sống khác, dân ruộng có đạo đức vì ảnh hưởng Phật
Giáo Hòa Hảo. Dân Việt Xà Lôn sống gần núi xa, sông, ăn thịt rừng nhiều,
sống bằng đủ thứ nghề, thủ công nghệ như đóng xe bò, rèn .
....., thủ công
nghệ như đóng xe bò, rèn vành bánh xe bò. Họ là dân tứ xứ, ở rải rác, sống chưa thành nếp.
Dân Việt nghĩ ra cách nấu thịt rừng.
Quanh vùng
Bảy Núi, núi Dài nhiều thú rừng nhứt. Vật liệu nấu có sẳn tại địa phương là lá
dang ( vang, giang ?). Lá dang giống lá dấp cá, có vị chua chua, thuộc loại dây
bò trên đất mọc hoang vùng chân núi, hình như lá dang mọc cho người ta nấu thịt
rừng.
Bẩy được
con heo rừng, thui cho sạch lông, da dòn, cạo sạch, cắt từng miếng vừa ăn, để
nguyên da. Xào thịt heo cho săng lại. Giả đậu nành ran, đừng nát quá, chừng
bằng nửa hột tiêu, bằm sẳn tương hột và sả. Nạo dừa khô, vắt nước cốt dừa để
riêng, đổ nước sôi vô xác dừa nạo, vắt lấy nước thứ hai ( nước dảo ). Đổ nước
dảo, tỏi, đậu nành và thịt vô chảo, hầm cho lâu cho nước xắc lại, thêm
nghệ, lá dang xắt nhỏ, nếu muốn có thể thêm cà ri, thêm màu thêm mùi.
Nước chấm:
Trộn đều sả bằm, tương hột đâm nhuyển, đậu phộng giả nhỏ, nước cốt dừa. Đó là
món thịt heo rừng món khác như chồn, nhím, trúc, đại để giống cách nấu thịt heo
rừng, có khi xào lăn, nấu sao cũng ngon. Thịt rừng đi đôi với rượu trắng. Dân
Miên, Việt ở ngoài kinh và dân Tàu không ăn thịt chó.
Thực đơn
đám cưới Việt Nam.
Xứ tôi,
thực đơn đám cưới tuy đơn giản nhưng cũng có bài bản, món ít khi được ăn
ngày thường. Đám cưới ngoài kinh, mạnh ai nấu món gì cũng được tùy hoàn cảnh,
món ăn được trình bày đẹp hơn. Nghe kể, có hột dưa, món đầu là gỏi đu đủ trộn
dấm, thịt heo, rắc đậu phộng.. Gỏi cuốn, thay vì để nguyên cuốn, được cắt từng
khoanh ngắn sắp trên dĩa, vừa ăn, chỉ cần chấm một lần, cà ri gà,bánh mì, bún,
ghém. Cuối cùng là cơm, thịt kho dưa giá ăn cho no.Thực khách phải được mời mới
tới dự, khách ăn mặc sạch sẽ hơn. Mổi bà lảnh một món nấu, có vài cô gái trẻ
theo giúp vừa học nghề, các món ăn vì vậy không đồng nhứt, nhứt là bánh.
Dân Việt Xà
Lôn nấu vài món, cả xóm kéo tới ăn khỏi mời, không cần giờ giấc, ở tới chừng
nào cũng được, đồ ăn chung, có gì ăn nấy.
Xóm chợ.
Người Tàu ở trung tâm chợ, nhờ đi nhiều, hoà mình với địa phương, củng ăn canh
khổ qua, bí đao, khô cá, bắp chuối, cá tôm, thịt thà của địa phương hay ở xa
chở tới bán, cộng với một số thức ắn Tàu như đậu hủ, hù ky, mì xụa, bún Tàu,
hầm dĩ( cá mặn), đông cô, bào ngư.. Các loại rẻ tiền trồng tại địa phương
như dưa cải, xái pấu, lạp xưởng...Cách nấu giống người Việt nhưng phẩm và
lượng khá hơn. Nồi canh xiêm lo Miên chỉ có măng mạnh tông nêm bồ hốc là xong.
Nồi canh măng Tàu thêm giò heo. Canh xoàn như canh dưa cải, canh xái pấu củng
nấu chung với thịt và xương heo . Cá lớn, rau cải ngon ở chợ sáng thường bán
cho dân Tàu. Dân Tàu chưa quen ăn thịt rừng, trước tôi một thế hệ , không thấy
ai nhậu . Có thêm hai tiệm bánh Tàu và các tiệm cà phê.
Đám cưới
Tàu.
Chợ chưa có
tổng khậu chuyên môn, hầu hết các ông nấu. Củ Xál chuyên làm món chả giò Tiều
cuốn mở chài, ầu ní ( khoai môn ngào đường , bên trên phủ mở heo dầy, thấy
tưởng đồ nguội, hốp tốp ngậm vô phỏng miệng phun ra không kịp..Thực đơn thường
là canh bào ngư, nấm đông cô xào, canh đồm độp ( hải sâm ), vịt tiềm mỗi bàn
một con, heo quay, mì xào, cơm chiên, bánh ngọt. Đây là những món ngày thường
ít được ăn vì không ai biết nấu. Ăn xong ra về, lấy cái bánh ngọt đem về cho
con, cái lộc đám cưới. Hồi nhỏ, ăn cưới về, ông già tôi móc cho tôi cái bánh
men, bánh gai..., tôi cắn rồi nhả, nhưng cứ đòi cho được bánh.
Đám cưới
con một ông chủ, 40 bàn. Chú Năm Giò, bán giò heo, bao tử khìa, làm gia công,
cắt cổ hơn 400 con vịt , đêm đó, nhìn xác vịt nằm, cổ vịt máu đỏ ướt nền nhà,
chú thất thần bị cảm gió tưởng chết đêm đó.
Chung
chung, xứ tôi có vài món địa phương lạ, chỉ thích hợp với khẩu vị điạ phương,
người tỉnh khác chưa chắc ưa thích. Thịt rừng ít, chỉ đủ tiêu thụ trong
quận. Đồ biển xứ khác chở tới, bạn hàng ra chợ Mỹ Đức mua rau cải về bán lại,
chưa có rau cải Dalat. Nhiều người chưa biết củ khoai Tây, tưởng là khoai sùng.
Bảy Núi không cao, rừng không bao la như Cà Mau, Buôn Mê Thuộc, đất ruộng không
màu mở lắm, tài nguyên giới hạn.
Từ năm
1955, thời thế thay đổi,trên cánh đồng bao la, cá chim mất dần đất sống, thú
rừng mất nơi trú ẩn. Thú cầm hoàn toàn nhường đất cho người. Ngày nay,
chim thôi hót, chó thôi sủa, cá lặn mất tăm. Sông cạn đá mòn.
**************************************
Món ăn chợ Xà Tón
Chợ Xà Tón cất theo hướng Bắc Nam - Dọc theo hông chợ
phía Đông là chợ cá, vì ngay đầu bờ kinh, dân ruộng bơi xuồng chở cá ra bán,
nên địa điểm thích hợp nhứt, có dân gốc Việt bán cá chổ nầy, khu ẩm ướt. Dọc
theo hông chợ phía Tây, dân Miên bày bán thổ sản, những thúng giá trắng muốt,
thúng ghém chuối cây non, trắng thấy thèm, ghém nhám ăn vô cọ lưởi sướng lắm,
thúng ghém bắp chuối, dưa chuối (chuối làm dưa) thúng gạo xo ùm pên trên có
chục trứng gà, lặt vặt như gừng, giây cóc (chửa bịnh sốt rét), mít, xoài, ổi
v.v… tùy mùa. Đại khái dân Miên có gì bán nấy, những món họ có đủ khả
năng gánh hay đội từ sóc ra chợ, sau đó họ mua hàng cần thiết ở chợ gánh về,
vừa đi vừa về, bán xong đúng một ngày, gặp buổi sáng mưa núi lạnh mới biết
thương họ, dĩ nhiên không dù, không nón, chỉ đội khăn ướt loi nhoi, đâu có chổ
đục, trong chợ đâu cũng có người, tiền góp chợ ai ở đâu ở đó. Một số đứng
chật trong hàng ba nhà tôi. Trên chỏng là những thùng kiếng, họ chưa biết
độ dòn của kiếng, cứ chống tay lên làm bể kiếng nên phải la họ trước,
“bét còm chót” ( bể kiếng).
Thời trước 1952, chim cò còn nhiều, họ bán chim áo
già, chim mỏ sắt, dồng độc, cúm nước, trích, có những thúng đựng đủ thứ trứng
chim cò luộc sẳn bán, cả trứng trăn luộc ăn lạt nhách, thịt trăn bán từng khúc
– Khu bán thổ sản nầy chiếm ba phần tư hông chợ. Gần đầu chợ Bắc là khu
bán đồ ăn sáng, bắt đầu từ tiệm cơm ông Lào Xị tới đầu chợ Bắc, chiều dài độ
10m, khu nầy gần như vuông vức, chỉ bán buổi sáng, có khi có sạp, có khi bán ít
như một nồi bánh canh, nồi cháo cá, nồi chè đậu, thì ngồi dưới đất cho rẻ tiền
góp chợ.
Ngay góc bên cạnh tiệm ông Lào Xì, là sạp bánh tầm của
chị Hai Huê, da chị trắng, mặc bà ba trắng, sạch sẽ. Chị xé bánh tầm từng
sợi ra, bánh tầm ép hay bánh tầm se (cọng lớn). Chị bóc bánh để trong lá sen,
chan nước cốt dừa mẹ bồng con, nước mắm ớt, gói lại cho người mua. Con
nít mua xong, mở ra lấy tay bóc bánh tầm ăn, món rẻ. Còn bánh tầm bì, bánh
tầm xíu mại thì mắc hơn. Chị Hai Huê pha nước mắm chanh ngon lắm,
kế bên là bánh ngọt VN, bánh da lợn, bánh gì bên trong như rể tre của dì Ba
Lòng, tôi không ưa bánh ngọt nên không nhớ, kế bên là chảo chuối chiên của bà
lùn lùn, thiếu củi, sáng sớm, bà biểu bà “cụt chưn” người Miên, ăn cắp củi dưới
chỏng trước tôi. Bà già tôi biết, bà lùn trả lời: “tôi mua của bà cụt
chưn”. Bà cụt chưn buổi sáng xách nước trong lu nước thí trước nhà
tôi cho mấy bà bán rau tưới rau. Buôn bán xong, bà được đãi đồ ăn dư bán
không hết, rồi xách thùng đựng đồ ăn dư tới nhà người nuôi heo, cũng có tiền
túi hút thuốc uống rượu. Nhiều người ghét cái tật ăn cắp vặt của bà, nhưng
khi cần, ví dụ đương bán đắt hết củi, họ kêu bà “đi kiếm ít cây củi” (Kiếm là
ăn cắp, chuyện đó của bà, chủ bắt được chửi bả, chớ đâu có ai chửi họ, vài cây
củi, ai nở đánh bả cho mệt). Ai chửi bả thì người ấy mỏi miệng, cùi đầu
còn sợ lở, bà bỏ ngoài tai, sống thong dong no đủ. Trưa trưa, bả uống
rượu đứng trong nhà lồng chợ trống một mình, thong dong múa hát, ai nghe không
nghe mặc họ.
Cách con đường nhỏ, bên kia là cái “trả” (nồi lớn bằng
đất) bánh canh bột gạo của Ý Hiệu – Ý mặc áo xẩm đen, người trắng mập
mạp, phúc hậu, ôm nồi bánh canh tới già. Bánh canh nấu cá lóc, thời đó cá
lóc cá bông rẻ, nhiều lắm, bề ngang cọng bánh lớn và dầy hơn cọng mì thường,
nước trắng đục, xềnh xệt, thêm chút ớt bằm cay cay, xong buổi sáng - Kế bên là
cô Xiệu với nồi cháo cá, cũng cá lóc. Tô cháo có thêm nhúm giá
chín, đặc xệch. Bánh canh và cháo cá đều nấu ở nhà. Bên cạnh là gánh
bún bò xào của bà Bảy. Thịt bò thái sẳn, chảo để trên lò than nóng.
Bà lấy đủa gắp miếng mở nhỏ hơn nắm tay, đẩy miếng mở quanh trong chảo nóng cho
mở tan, trơn chảo, bóc thịt bò ướp sẳn liệng vô chảo, lấy tiểu lư xào thịt,
thêm hành tây, sau cùng là giá. Chừng một phút, bà bắt hai con bún để vô tô,
xúc thịt bò để lên trên, múc muỗng đậu phộng đâm nát rắc lên, chan nước mắm chanh
ớt, bún bò xào. Món nầy mắc hơn các món khác chút đỉnh, vì có thịt
bò. Kế bên là trả bắp hầm, bánh hỏi của bà Mười Ngỡi, bà làm bánh hỏi bán
sĩ vừa bán bánh hỏi thịt luộc. Các sạp bán bánh hỏi thịt luộc tới đếm thường
là vài trăm rê bánh. Bà làm bánh hỏi bán tới già tới chết, con cháu bà
nối nghiệp bánh hỏi - Nhứt nghệ tinh, nhứt thân vinh, nhứt nghệ bánh hỏi, nhứt
thân bần.
Sau lưng Ý Hiệu là dì Năm Lượng bán các loại bánh
bò. Em dì năm là chị Bé Lùn bán bánh da lợn trong chén. Tôi chỉ thấy
chớ chưa ăn, vì tôi kỵ đồ ngọt. Kế tiếp là sạp bánh hỏi, dì Sáu Y lấy cái
xịa trải lá chuối lên, bắt vài rê bánh hỏi để trên xịa, thêm chùm rau ngành
ngạnh, nắm rau sống, chục miếng dưa leo, nhúm giá sống, chục miếng thịt luộc,
loại thịt ba rọi thái mỏng, chén nước mắm chanh ớt nhỏ, xong xịa bánh hỏi.
Lấy một tay bánh hỏi, để lá rau ngành ngạnh lên, rồi rau thơm, giá, miếng dưa
leo, miếng thịt luộc, cuốn lại, chấm nước mắm dấm ớt, cắn một lần nửa cuốn, xịa
bánh hỏi chừng mười cuốn, vừa buổi ăn sáng không dư không thiếu – Ngon là ngon
hồi xưa kìa (năm 1956 về trước).
Sau nầy về xứ năm 2000, ăn xịa bánh hỏi, hỏi
rau ngành ngạnh, trả lời “rau ngành ngạnh là rau gì ?” Ham ăn, hốp tốp, húp
trọn muỗng bánh canh “bột lọc”, nuốt khỏi cổ, văng ra tiếng chửi thề, chợt nhớ
Ý Hiệu ơi là nhớ! Người ăn có thể ngồi ngay trên chỏng, hoặc mua về, khi
ăn xong, có đứa nhỏ tới nhà lấy cái xịa lại. Người ăn có thể ngồi tiệm
càphê chệt Cang, kêu bánh hỏi hay các món khác, rồi uống càphê tiệm nước, mạnh
ai nấy thâu tiền. Canh sạp bánh hỏi là sạp bún nước lèo của Ý Bảy. Ý
Bảy là người Miên, ăn mặc sạch sẽ, đội khăn Miên. Ý bóc nhúm ghém chuối
cây trắng bông trộn ghém bắp chuối hột, để vô tô, bắt hai con bún để lên, lấy
giá khỏa rồi nước lèo đỏ màu ớt, múc cá và sả bằm chan lên tô bún, cá và sả phủ
mặt bún, ý Bảy múc chút nước lèo trên mặt chan vô tô bún có màu hấp dẫn hơn,
tôi ăn hoài không chán, nhưng không dám khoe.
Trong khu nầy cũng có sạp cơm tấm bì. Cơm tấm,
nấu bằng tấm, là mầm của gạo khi xay rớt ra, hột tròn ngậm vô cảm thấy nó tròn
và lăn trơn trong miệng. Cơm tấm bì sườn chả trứng gà ở ngoại quốc là gạo
bể, không phải là tấm thiệt, cơm tấm bì giả. Dọc theo hông chợ cũng có
quà sáng, nhưng không nổi tiếng như các món chánh kể trên. Thấy bán chè
Táo xọn, chè đậu trắng, xôi, tôi nhớ không hết. Đặc biệt ai bán món nào
ra món đó, không có chuyện cạnh tranh hoặc bán cùng món, dân chợ không mấy
đông, người bán quà không ngon ế ẩm, tự dẹp.
Người bán quà cần thêm người giúp, nhờ đàn ông gánh
ra chợ, tại chợ, có khi có thằng nhỏ bưng món ăn và lấy tiền khách ngồi tiệm
càfê. Anh “bồi bàn, phổ ky” (tôi gọi vậy chớ từ ngữ nầy ở đây không có,
tiệm cà phê chỉ mướn mấy đứa nhỏ chừng 12 tuổi chạy bàn) khi thâu tiền cà phê,
nó kêu “bánh hỏi” hay “bún bò xào ra lấy tiền” hợp tác nhau buôn bán. Tiệm
cà phê có chổ ngồi, mỗi người ăn một món, không nhứt thiết là món hủ
tiếu, nhưng tất cả đều uống cà phê.
Mỗi sạp bán quà đều có đứa nhỏ giúp việc chạy tới chạy
lui, bưng đồ ăn cho khách, thu dọn chén dĩa, thâu tiền, xách nước để rửa tô
chén, lấy thêm củi. Nhiều món bán khoẻ re. Bánh tầm của chị
Hai Huê, chị phải có người gánh bánh tầm, bì và nước mắm làm ở nhà. Ra tới
sạp lúc sáng sớm, chạy ra chợ cá mua vài bó lá sen để gói. Sạp bún bò xào,
ông Bảy gánh thau thịt bò ướp sẳn với hành tây, tô chén, lò, củi, chảo, nước
mắm, đậu phộng, dụng cụ xào. Tới chợ người bán giá, bún, giao tại chổ.
Sạp bún nước lèo, ý Bảy nhờ con trai gánh lò củi, nồi nước lèo, tô chén, keo
nước mắm. Tới chợ, người bán bún đếm vài trăm con bún, thiếu thì thằng
nhỏ chạy kêu thêm. Người bán bánh hỏi sáng sớm gánh ra một chồng xịa, vài
chục chén nhỏ, keo nước mắm pha sẳn, cái thau không để đựng nước rửa chén.
Ra tới sạp, chủ bán bánh hỏi, ngành ngạnh, dưa leo, rau giá sống tới giao.
Dì ra thớt thịt cắt mấy miếng thịt ba rọi như thường lệ, đem thịt tới tiệm cà
phê chệt Cang nhờ luộc giùm. Người nấu hủ tiếu bỏ xâu thịt vô thùng nước
lèo, luộc xong kêu dì lại lấy. Cả hai đều có lợi, nước lèo ngọt hơn nhờ
luộc xâu thịt, dì bán bánh hỏi khỏi dậy sớm, tốn công tốn củi luộc thịt, quyền
lợi tương đồng. Sau buổi chợ, người giao giá, rau sống, dưa leo, bánh hỏi
tới lấy tiền. Dì trả tiền và công đứa cháu nhỏ, tiền còn lại bỏ túi, bán
một lời hai, khỏi cần vốn, mượn đầu heo nấu cháo, khỏe re. Gặp hôm pháo
kích, chạy đổ tùm lum, hồn ai nấy giử, vốn ai nấy lỗ. Trong sóc và xóm
nhỏ không có món ngon trên, muốn ăn phải ra chợ. Mỗi khu đều có bán quà
sáng, nhưng không đầy đủ và ngon như khu chợ, như đồ ăn chợ Bến Thành và chợ
Vườn Chuối.
Các tiệm nước hay tiệm cà phê Tàu đâu cũng vậy.
Phở Bắc không ai biết nấu, chưa biết nó là món gì. Lâu lâu có người lính
Bắc, Trung đi hành quân ghé ngang, vô tiệm cà phê kêu tô “phở”, họ sẽ được ăn
tô hủ tiếu, nước lèo xương heo, nhưng thêm thịt bò.
Xa quê khá lâu, tôi đã đánh mất khẩu vị cũ. Có
năm món chánh nhắc trên là bánh canh bột gạo của ý Hiệu, bánh tầm chị Hai Huệ,
bánh hỏi, bánh canh, và bún bò xào bà Bảy. Những người nầy đã mất.
Ăn quen ở quê, khi ra tỉnh, đi xa không thấy ở đâu ngon bằng những món vừa kể
xứ tôi, đó là ý kiến cá nhân tôi. Năm món đặc biệt, bốn món Việt, một món Miên
là bún nước lèo. Dân tộc Xà Tón, dù Việt Miên Tàu, khi đi xa đều nhớ món
bún nước lèo, lâu lâu, nấu bún vừa ăn vừa đãi khách, dễ nấu, dễ ăn, bình dân mà
ngon, mãi mãi là món bình dân, không vô nhà hàng như phở, mì, bún bò Huế.
Món nầy đã tuyệt chủng như cá lóc, ngày nay. “Xi mà chal num bồ chốc ne,
chau ”, “cháu ăn tô bún nước lèo nghe cháu”, nhớ giọng nói nhỏ nhẹ ý Bảy Miên
bán bún. Vài hình ảnh còn nhớ, thằng bé Miên ăn bao chè, ăn xong, nó xé
bao đựng chè, liếm hết bên trong bao, còn thòn thèm, nhớ tới đứt ruột.
Dân sóc có gì ăn đâu.
Buổi trưa, buổi chiều, quà chợ không ngon, bánh chuối
hấp, bánh chuối nướng, cóc, ổi ngâm cam thảo, chè cháo, bánh canh ngọt, bánh
tay yến, bánh tầm ngọt trộn dừa nạo, bánh da lợn mặn, bánh thốt nốt, bánh gói,
bánh dừa, bông cỏ, bánh xèo, bánh khọt, xôi gói bánh phồng, ngày rằm mồng một
có bán kiểm. Tôi kể đã gần hết, ít ai ăn. Phụ nữ xứ nầy, “công,
dung, ngôn, ít có còn “hạnh” cưới về biết liền. Lâu lâu, vài cô dâu xứ
khác tới, nhứt là gốc Mỹ Đức, trổ tài bánh trái, giấu nghề, chết đem theo, như
bánh men, bánh thuẩn (thửng?), bánh quai vạc, bán không ai ăn, xứ tôi ăn chắc
mặc bền, không ưa kiểu cọ cầu kỳ. Người làm món ăn ngon chỉ bán buổi
sáng, và người có tiền mới được ăn ngon.
Nói ra hơi dư, mà không nói thì thiếu. Có ai
nhìn thấy một ông già khoanh tay đứng ngó nồi cháo thịt, nuốt nước miếng thèm
thuồng. Ông rất có tư cách, thèm quá, nhìn chớ không xin. Dì bán cháo,
ngoắt tay kêu. “Ông ơi, lại đây ăn cháo nè”. Ông rụt rè, “hổng có tiền”.
Dì bán cháo nói, “cho ông một tô”. Ông khúm núm ngồi ăn, chắp chắp run
môi. Bây giờ là 10 giờ đêm 6-April 2007, tôi nhờ viết bài quà chợ mới nhớ
ra. Tôi đứng nhìn ông ăn, lòng trơ trơ. Dì bán cháo, tướng như đàn
ông, hút thuốc, từng là dân bạn hàng đi xe đâu có vừa, vậy mà dì nhìn ra ánh mắt
thèm khát, đôi môi run run của ông già đói. Ông ăn xong, mặt ngượng
nghịu, hai tay đưa tô trả lại. Tôi thương ông và phục dì bán cháo.
Tô cháo dì đãi ông già là cái tâm Bồ Tát của dì, tô cháo đó nặng lắm, tôi bưng
không nỗi.
Brisbane PA Hospital
April 7, 2007
Lưu Nhơn Nghĩa
Chú thích:
Rê bánh hỏi = chồng bánh hỏi độ ba bốn tay, mỗi lần cuốn một tay.
xịa : như cái nia nhỏ, đường kính chừng ba tấc.