Trang Chính    Hình Ảnh    Bút Ký    Truyện Ngắn    Truyện Thật Ngắn    TG & Tác Phẩm    Thơ    Di Tích Lịch Sử và Danh Nhân    Đời Sống: Phong Tục & Khoa Học    Sân Khấu/Nghệ Thuật    Hộp Thư    Nhắn Tin    Tin Tức Thân Hữu    Tin Vui    Phân Ưu    SK và Gia Đình    Lá Lành Đùm Lá Rách    Vui Cười    Ẩm Thực/Gia Chánh    Trang Xuân    Cùng Tác Giả   


Cũng vẫn là chuyện buồn

trần bang thạch


Gần ba mươi năm sau tôi mới gặp lại chị Hạnh, từ ngày chị bỏ làng Thường Đông đi mất. Trong khoảng thời gian đó hầu như tôi không nghe tin tức gì về chị, mặc dầu tôi có hỏi thăm, kiếm tìm. Thời gian đi tù cải tạo ở Chi Lăng, có người bạn tù nguyên quán Châu Đốc nói rằng hình như chị Hạnh chính là chị Bảy Th., người nữ bí thư tỉnh ủy đã tiếp thu thị xã Châu Đốc. Ra tù, tôi dò hỏi tin này thì không có ai xác nhận. Cho nên một chị Hạnh tóc dầy che kín cái lưng ong và dài đến khỏi vòng eo thon là hình ảnh tôi còn giữ về chị. Thật sự thì tôi còn giữ trong tim mối tình của tôi đối với chị nữa, một mối tình đầu. Gọi như vậy chẳng biết có được không ?


Mối tình đầu, nghe có vẽ lãng mạn thời thượng nhưng mà có thật; nó đeo đuổi tôi từ cái tuổi còn thơ, lứa tuổi mà con nít đồng quê còn ở truồng tắm mưa, trời lạnh tìm chim hoài không thấy. Lúc đó chị Hạnh lớn hơn tôi gần nửa con giáp. Dĩ nhiên đây là mối tình trẻ con, tình một chiều. Tưởng như là tình yêu, các ngài văn sĩ viết như vậy. Làng Thường Đông của chúng tôi là một làng nhỏ nằm trên nhánh sông Cái Răng bắt nguồn từ con sông cái Bassac ngoài Cần Thơ và cách thị trấn Cái Răng  chừng một giờ đi bộ. Con đường nằm dài bên dòng sông, nhà cửa, vườn tược sầm uất. Có những cái mương ranh cắt ngang lộ với những cây cầu dừa hay cau, trời mưa cầu dính đất, người đi rất dễ bị té xuống mương. Nói rõ như vậy để cụ thể hóa con đường tình bằng đất dài gần ba cây số của tôi thời đó. Chúng tôi lớn lên ở đây, nhỡn nhơ như lục bình rau mác trên sông đầy, tươi non như chuối dừa cỏ cây hoa lá, nồng nàn như nước ngọt phù sa. Nhà ba má chị Hạnh, chú thím Năm, là một mái lá che tạm trong khu vườn măng cụt của ba má tôi. Ngôi trường tiểu học là một gian nhà lợp ngói âm dương, vách che bằng tàu lá dừa cũng nằm trong khu đất của gia đình tôi, dựng trên cái nền cũ của Nhà Việc ngoài đầu vàm Bà Vèn. Trường không cửa nẻo, chỉ có một phòng duy nhứt, một ông thầy duy nhứt với ba bốn cấp lớp khác nhau cùng học một lúc. Hai ba chục cái bàn học long đinh, sứt mẻ. Nắng che mưa đậy. Bầy dê ba tôi nuôi cứ nhè các bàn học mà phóng uế, có cục bự, đen bóng như trái chà-là. Cho nên chúng tôi mỗi ngày vừa hốt vừa học. Nghe đồn thầy giáo Ba là một tay chưn của Kỳ ngoại hầu Cường Để, từ Phố Hội chạy vào đây lánh nạn. Nhưng đám ranh con chúng tôi thì khoái cái truyền thuyết này: Quả thật thầy có chạy, nhưng chỉ chạy tới Bình Định, mỏi chưn dừng lại, rồi phải lòng một o ở đây; gái Bình Định ai mà không biết đánh roi đi quyền, đến khi cơm không lành canh không ngọt, o chỉ phóng cho thầy một đằng vân cước là thầy bay tuốt vào đây dạy học, cho quên đời. Thầy viết chữ Hán, thầy đọc chữ Tây, thầy ngâm thơ vịnh nguyệt. Thầy bắt mạch hốt thuốc. Người ta còn đồn thầy nói được tiếng Nhật-nhĩ-man nữa. Điều này thì tôi đầu hàng. Vì tôi không phân biệt được lúc nào thầy nói tiếng Tàu, lúc nào thầy nói tiếng Tây, tiếng Nhật. Kể cả tiếng Việt mà tôi cứ nghe như thầy nói tiếng ngoại quốc. Cách ăn mặc của thầy cũng ngoại quốc lắm: bước sang nhà bên cạnh cũng quần dài màu cháo lòng, áo dài thâm, guốc mộc. Trong lúc người nam bộ chúng tôi thì chân đất, đầu trần, quần cụt, áo da ... người. Lúc ấy chị Hạnh tuy đã lớn tuổi nhưng cùng học lớp nhì với tôi vì chú thím Năm từ vùng kháng chiến mới trở về sau hiệp định Genève 1954. Chú thím Năm nghèo lắm, ngày ngày phát vườn, làm cỏ mướn cho ba má tôi. Chị Hạnh là đứa con duy nhứt của chú thím Năm. Má tôi tuy là người đàn bà suốt đời ở nông thôn nhưng có chút chữ nghĩa nên thường kể hay đọc cho tôi nghe những chuyện thần tiên, chuyện cổ tích từ những ngày tôi rất nhỏ. Ngày xưa, xưa lắm... có bà tiên ...Cho nên khi gặp chị Hạnh lần đầu với mái tóc thật dài tôi như tận mặt thấy một nàng tiên trong chuyện cổ tích. Tôi bị hớp hồn. Sau nầy tôi mới biết cái gọi là tiếng sét nó rớt trúng đỉnh đầu tôi sớm quá, làm thằng bé ngù ngờ ngây ngô nầy ngầy ngật ngất ngư nghiêng ngã, cho nên những tiếng sét về sau tôi coi như pha. Trình Gião Kim đã hiên ngang đưa đầu nhận cái búa thầu đầu tiên, rồi ngữa mặt lên trời cười ha hả ba bốn phát, thì sáu búa tiếp theo già Kim coi như những món ăn chơi, vừa nhận búa vừa xĩa răng, ăn trầu.


Trẻ con đứa nào mà không thương yêu tiên, bất kỳ tiên bà hay tiên cô. Có lẽ tôi yêu chị Hạnh từ đó.


Đêm trăng. Những đêm trăng tuyệt vời ở quê tôi đã góp phần lớn vào tâm hồn lãng mạn của cậu bé con là tôi thời đó. Những năm năm mươi rất ít người sắm được cái máy hát quay tay, xài kim con gà le coq,  nên đêm trăng các thanh niên thiếu nữ hàng xóm hay tụ tập ngồi trên cây cầu xi-măng cốt sắt rộng chừng hai xãy tay bắt ngang con rạch Bà Vèn, nghe tiếng hát cải lương từ các dĩa Pâthé hay Asia 33 vòng quay, phát ra từ cái loa mắc trên ngọn dừa cao thuộc khu doanh trại của một đại đội Hòa Hảo đồn trú bên kia sông; nghe tiếng được tiếng mất tuỳ theo chiều gió, nhưng có hề gì, những gái trai này họ cần gặp nhau, nhìn nhau là đủ. Còn các trẻ con thì bày đủ trò chơi trên khoảng đất dưới dốc cầu. Lúc đó tôi cũng là trẻ con, nhưng tôi không thích các trò chơi, mà chỉ thích nghe cải lương và ghiền chị Hạnh. Má tôi nói tôi thích chị Hạnh vì chị Hạnh biết làm kẹo dừa thật ngon. Tôi phản đối. Chị Hạnh ngọt hơn cây kẹo dừa nhiều. Tôi đeo theo chị Hạnh và đeo theo các tuồng cải lương vọng lại từ bên kia sông. Những Bạch Huệ, Ngọc Ánh, Thành Công, Út Trà Ôn, Minh Chí, Việt Hùng, Tám Thưa ...tôi thuộc tên không sót. Mã Chiếm Sơn, Thằng Lãnh Bán Heo, Đời Cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt ...tôi cũng nằm lòng. Tôi ghét Lý Thông, Bàng Quyên cũng như ghét mấy anh thanh niên bu quanh chị Hạnh. Tôi thường ngồi sau lưng chị Hạnh nghe cải lương, nên mỗi lần nghe những lời đối đáp thân mật của họ tôi hay dấu mặt vào suối tóc thơm mùi bồ kết của chị, muốn cắn đứt từng sợi, từng sợi một cho hả giận. Chỉ có những buổi trưa vào mùa măng cụt, sầu riêng là tôi được độc quyền chị Hạnh. Chỉ có tôi bên chị, không có một anh này anh nọ nào hết. Trong một cái nhà nhỏ như nhà chòi được dựng cao như tháp canh, hàng ngày, sau giờ học ở trường là tôi và chị Hạnh ở trên chòi canh đó. Chúng tôi vừa học bài vừa tập hát cải lương và đọc truyện Tàu, chuyện cổ tích. Chị Hạnh được ba má tôi nhờ canh kẻ trộm bẻ măng cụt hay sầu riêng. Những tập cải lương 50 xu nhỏ bằng bàn tay, những chuyện cổ bằng thơ của tác giả Đoàn Trung Còn, những bộ truyện Tàu của nhà Tín Đức thư xã... chất đầy trên chiếc giường tre trong khu nhà canh. Buổi trưa êm ả trong khu vườn tĩnh mịch mà nghe chị Hạnh nói thơ Vân Tiên thì nhịn đói cả ngày cũng được. Đầu óc tôi và chị Hạnh tấm đẫm những vệt nắng trưa xuyên qua kẻ lá với tiếng ve râm ran bất tận khắp vườn và các điệu ca Vọng cổ, Đão ngũ cung, Thủ phong nguyệt, Xàng xê, Hướng mã hồi thành ... xen lẫn với Trần Minh khố chuối, Phạm Công Cúc Hoa, Thoại Khanh Châu Tuấn, rồi Càn Long du Giang Nam, Vạn Huê Lầu, Tiết Nhơn Quí, Na Tra, Dương Tiễn, Tôn Ngộ Không, Đường Huyền Trang, Tôn Tẩn ...Như vệt nắng loang trong khu vườn khi mặt trời dần dần xuống thấp, chúng tôi lớn lên và vẫn thấy mình gắn bó với nhau như hình với bóng, như tiên nữ với gã tiểu đồng. Suối tóc chị Hạnh mỗi ngày một dài thêm, mượt mà thêm. Hơi ca vọng cổ của tôi mỗi ngày một mùi mẫn hơn theo độ lớn của lồng ngực và độ rung của nhịp tim mỗi lần chị Hạnh xõa tóc ngồi nghe, mơ màng gõ nhịp. Một hôm cao hứng, chị Hạnh bới đầu giả làm Kim Liên để ngồi sụ mặt mà nghe Võ Tòng là tôi chữi như tát nước vào mặt. Ta tuy là giang hồ thảo khấu, nhưng đã từng trừ gian, đả hổ thì lòng dạ nào bội phản anh ta. Còn ngươi. Hởi con tiện tỳ mặt hoa da phấn, mày ngài mắt phượng mà sao quá đỗi lăng .. . ư..ư...ư ... loàn. Có một thời gian chú Năm bị công an Cần Thơ bắt giam nơi khám lớn, nghe nói vì là cựu kháng chiến hay gì gì đó, chị Hạnh eo xèo như một cọng cỏ tranh khô. Những lần đi thăm ba trở về chị chỉ biết ôm tôi mà khóc. Em ơi, chị khổ lắm, tội nghiệp ba chị lắm. Người ta tra khảo ba chị hàng ngày đó em ơi. Những khi đó tôi chỉ muốn mình lớn nhanh để ôm trọn chị Hạnh vào lòng, vỗ về, an ủi. Và để làm người anh hùng cứu khốn phò nguy của gia đình chị Hạnh. Rồi sau mấy tháng chú Năm cũng được thả ra, nhưng gầy còm như cây sậy. Từ đó chú Năm không còn có thể phát dọn cỏ vườn cho gia đình tôi được nữa nên chú thím dọn nhà ra cất gần khúc sông rộng, chỗ nước xoáy, làm nghề hạ bạc. Chính thực thím Năm mới là người vó cá và giăng lưới trên sông với sự phụ giúp của chị Hạnh, còn chú Năm thì chỉ có thể đêm đêm ngồi xuồng câu tôm trên sông vắng, gởi tâm sự mình qua tiếng đàn bầu ướt đẫm sương đêm. Nhiều hôm tôi theo xuồng câu của chú Năm, tiếng ca vọng cổ của tôi quyện theo tiếng độc huyền trôi theo dòng sông đêm, giạt lên bãi bờ, tấp vào doi vịnh. Để sáng hôm sau nghe tiếng chị Hạnh nói nhỏ bên tai, ấm như hơi thở: Em làm chị mất ngủ suốt đêm qua. Và tôi bỗng chốc thấy mình thành một gả Trương Chi tài hoa nào đó nên tôi gọi chị là Mỵ Nương. Chị nói : Còn lâu chú em mầy mới là chàng Trương của tỉ tỉ! Ha! Ha!


Đến năm chúng tôi vào lớp nhứt thì phải ra thị trấn Cái Răng học. Chị Hạnh phải thay đổi khai sanh, sụt tuổi để chuẩn bị thi vào lớp Đệ thất ở Cần Thơ. Số tuổi của chị Hạnh bây giờ rất xứng hợp với thân hình nhỏ gọn của chị. Có lần tôi nói giỡn: Mình bây giờ bằng tuổi nhau rồi đó, không được xưng chị với em. nữa đó nghen! Chị Hạnh rướn chân cốc lên đầu tôi một cái, nói : Nghèo mà ham. Cái thằng quỉ !. Rồi chúng tôi cùng cười. Chúng tôi vui cười với nhau hầu như suốt năm học đó. Năm học mà chúng tôi cùng nhau đi bộ từ sáng tinh mơ đến trường tại thị trấn Cái Răng, rồi chạng vạng tối trở về nhà, bất kể nắng mưa. Thời đó xe đạp rất khó sắm, nhưng tôi có một chiếc hiệu Udago, còn chị Hạnh thì không mua nổi, mà chở chị Hạnh phía sau bọc-ba- ga thì không được vì đường đất lồi lõm, trời mưa thì trơn trợt, mặt đường lầy lội, cho nên tôi cũng bỏ xe đạp mà cùng đi bộ với chị Hạnh. Như tôi đã nói, đây là con đường tình yêu của tôi đó. Chúng tôi thẩn thơ nắm tay đi trong nắng. Chúng tôi nghiêng ngã dìu nhau đi trong mưa. Chúng tôi cười vang trong sương sớm. Chúng tôi buồn bã theo mỗi tiếng chim chiều.


Càng ngày tôi càng say mê mùi bồ kết từ suối tóc mượt mà của chị Hạnh. Màu đen huyền của tóc như càng ngày càng buồn bã hơn sau cái chết của chú Năm trong một đêm thổ huyết rợn rùng. Lúc đó chị Hạnh, với cái áo bà ba trắng đầy máu, khuôn mặt đầy máu, tay chân đầy máu, vừa ôm cha vừa ngồi chết sững trên đống máu tươi. Cũng từ đó, chị Hạnh có thêm đôi mắt sâu như vùng bóng tối, thật buồn. Buồn hơn cái buồn âm u của suối tóc đã ủ dột trên chiếc lưng non. Thật lâu, mấy chục năm sau tôi mới nghĩ tới trong cái thâm u buồn bã của chị Hạnh qua cái chết thảm của cha biết đâu đã ẩn tàng một mối hận thù nào đó?


Năm học rồi cũng qua trong cái hồn nhiên, vô tư của tôi và trong cái u hoài, khốn khổ của chị Hạnh. Mấy tháng hè năm đó chúng tôi học thi, chuẫn bị cho kỳ thi đệ thất đầy cam go nên chúng tôi ít có cơ hội gặp nhau. Những lúc gặp nhau chúng tôi cũng ít nói, ít cười với nhau. Không biết vì mỗi đứa đã thấy mình cao hơn một chút hay niềm vui của chúng tôi đã chết theo nỗi buồn của chị Hạnh. Không biết từ hồi nào mà chị Hạnh biết đờn độc huyền cầm. Nhiều đêm hôm khuya khoắt, cùng với tiếng chim đêm trên không, tiếng côn trùng dưới đất, tiếng đàn bầu của chị u trầm thoảng bay trong gió. Điệu Nam ai như oán như than như hờn như trách. Tôi nghe mà lạnh người, tưởng như nghe tiếng độc huyền của chú Năm thoát lên từ cõi âm ty. Cũng có nhiều đêm đi dạo trước sân nhà, hướng về phía đầu vàm tôi thấy xa xa bồng bềnh một mái tóc dài lẫn khuất giữa những tàu lá dừa thấp ủ rũ trên bến sông. Mùi sình non trên bãi cạn không át nổi mùi bồ kết quen thuộc thoát ra từ mỗi cọng tóc dài như một dòng sông đêm.


Mùa hè năm đó ngày thi chưa tới mà cái chết của thím Năm đã đột ngột tới rồi. Và chị Hạnh cũng đã đột ngột bỏ đi sau khi an táng mẹ. Người ta nói chị đi về phía bên kia. Căn nhà trống bung vách trên bờ sông. Cái vó cá bằng chỉ cô-tông nhuộm vỏ tràm nằm chơ vơ trên bãi. Cái rỗ xúc cá rộng vành còn máng trên đầu cây sào mù u bên cạnh dàn bầu đã héo lá. Khi con nước ròng, cây cầu dừa nằm xoai xoải dưới bến được bao phủ một lớp sình non, chỏng chơ tay vịn. Một dề lục bình cô đơn, héo úa tấp trên bãi từ hồi nào vẫn còn đó. Tất cả còn ở đó. Nhưng tiếng đàn bầu giữa khuya và dòng tóc đêm sâu thoảng hương bồ kết thì đã đi đâu mất rồi. Chàng Thạch Sanh đã không còn cây đàn thần để khảy lên khúc tịch tình tang, ai đem công chúa lên thang về nhà. Còn nàng công chúa Tiên Dung có bao giờ quay thuyền trở lại bến xưa để người Chử Đồng Tử biết thân mà trầm mình dưới cát, đợi một gáo nước nhiệm mầu ?


Chuyện cổ tích vẫn là chuyện cổ tích. Và ít có chuyện cổ tích nào vui.


xxx


Người ta gọi là chợ Nhà Bàng có lẽ từ khởi thủy nơi đây là rừng bàng,  người địa phương đã đốn những cây bàng để lập chợ. Chợ là vài mươi căn nhà nhỏ mái lợp bằng lá thốt lốt, vách ván tạm bợ. Bây giờ đã xế chiều. Nắng đã dịu bớt. Có tiếng bò rống nghe từ cánh đồng cỏ trước chợ. Chợ vắng người. Chỉ có quán bán cà phê là có vài người vừa hút thuốc vừa nói chuyện trên trời dưới đất. Khách bước vào quán kiếm chút gì ăn đỡ dạ. Bên trái quán, người đàn bà Khờ-me ngồi ngủ gục bên gánh hàng bán nước thốt lốt, ruồi bu như đậu đen. Kế đó, ông tàu già ngồi ho sù sụ sau tủ thuốc lá lẻ. Một căn nhà nhỏ ở cuối chợ, mái hiên có treo cờ đỏ sao vàng. Chắc đó là đồn công an. Tại vùng Năm Non Bảy Núi này, cái chợ nhỏ vậy mà nằm ở vị trí tốt, gần nhị biên. Khách từ thị xã Châu Đốc, sau khi vượt núi Sam với đền thờ Bà Chúa Xứ chừng năm sáu cây số thì thấy một ngả rẽ. Nếu khách rẽ mặt thì sẽ đi về hướng huyện Tịnh Biên, sát ngay biên giới Việt Nam -Campuchia, với những rừng cây thốt lốt làm tiền trường cho dãy núi Dài xanh lam bên kia biên giới. Còn đi thẳng khách sẽ về hướng Nhà Bàng, Chi Lăng, Tri Tôn, Ba Chúc với các núi Con Két, núi Trà Sư, núi Tượng, núi Cấm, núi Giài, cũng nằm dọc theo biên giới. Ăn xong tô bún nước lèo dằn bụng, vấn xong điếu thuốc rê, bập bập mồi lửa,  rồi khách lên xe lôi đi về phía núi Trà Sư, đối diện với núi Con Két. Giữa hai quả núi này là con đường đá dẫn tới Chi Lăng, trước 75 là một trung tâm huấn luyện; sau 75 là nhà tù, rồi trại lính. Núi Con Két là quả núi trọc nằm cách khu chợ Nhà Bàng chừng 2 cây số. Từ lộ xe nhìn chếch lên cao, khách thấy một chõm núi y như hình dạng cái đầu con két với cái mõ thật rõ ràng, càng nhìn càng thấy giống. Phía sau cái đầu con két có những phiến đá trông giống như những tiên ông đang ngồi đánh cờ. Lưng chừng quả núi này, hướng xe chạy có một cái tháp cao 18 từng giữ tro cốt những vị sư liễu đạo tại ngọn núi này. Xuống xe, khách tìm lối mòn đi lên núi Trà Sư. Quả núi này có cây cảnh xanh um, nhiều loại cây trái. Những mái nhà nhỏ rộng chừng bằng chiếc đệm ẩn khuất trong những chòm cây hay vách đá. Có những người cư ngụ hoàn toàn trong hang đá, không có cửa nẻo gì hết, người ta chỉ thấy những cái lu sành hứng nước mưa để ở bên ngoài hang. Đa phần những người này là những nhà tu khổ hạnh. Chung thân diện bích. Người ta đồn rằng họ chỉ uống nước mưa mà sống. Cọp beo chồn khỉ rắn rít tình cờ bước tới cửa hang đều cúi đầu một cái rồi quày quả bỏ đi. Người ta cũng nói hai thời kỳ chiến tranh không có một hòn đạn nào rớt ở đây. Chiến tranh không thể có trên đất Phật.


Nhờ những hỏi han trước, hôm nay khách không khó lắm khi tìm ra căn nhà muốn gặp. Căn nhà nằm gần tới chóp núi, ngay đầu nguồn một dòng suối nước trong. Hồ nước thiên nhiên trên đầu suối bao giờ cũng đầy. Con suối này sẽ chạy quanh co xuống tới chân núi rồi chảy ra kinh đào Vĩnh Tế. Xung quanh căn nhà là những cây mãng cầu dai, đu dủ, nhãn, chuối, khoai mì, giàn đậu, giàn mướp... Mùa này là mùa nhãn chín. Những cái lồng đan bằng nan tre bọc từng chùm nhãn. Mùi thơm của nhãn quyện khắp nơi...Những chú sóc con chuyền trên cây, như không chú ý gì đến người khách lạ hôm nay. Tiếng ve, tiếng chim như làm nền cho tiếng suối rốc rách bên bờ đá. Có tiếng khẹc khẹc của chú khỉ con nào đó góp lời. Trước và xung quanh nhà là những chậu hoa mẫu đơn đang có những cánh hoa đỏ to hơn cái chén. Một chậu hoa mai tứ quí cao hơn mái nhà với những cánh mai màu huyết dụ. Bất đắc dĩ khách phải làm người nhàn tản ngắm cỏ cây hoa lá vì đã ba lần khách gõ cửa, một lần gọi tên chủ nhà và xưng tên họ mình mà cánh cửa gỗ vẫn chưa được mở ra. Khách chợt nghĩ tới sợi dây chuông của Khái Hưng trong Hồn Bướm Mơ Tiên mà bất giác rùng mình. Một vệt sáng yếu ớt xuyên qua kẻ vách ván. Khách cũng ngữi được mùi nhang thơm từ trong hắt ra. Đêm ở đây xuống thật nhanh. Cỏ cây hoa lá chung quanh như cùng một lúc trùm lên một tấm vải màu sậm. Triền núi đã có rải rác ánh đèn dầu. Dưới chân núi, tại chợ Nhà Bàng và ở thật xa hướng nam là thị xã Châu Đốc đã lấp lánh ánh đèn điện. Khu doanh trại Chi Lăng ở hướng tây bắc cũng sáng ánh đèn. Một tiếng chim lẻ bạn kêu thảng thốt trong màu chiều. Khách uể oải kéo cao cổ áo treillis cũ, đội lên cái nón lác định xuống núi. Lúc khách bước tới chậu hoa mẫu đơn định hái một cánh hoa kỷ niệm một chuyến đi mà không đến thì cánh cửa gỗ từ từ mở. Khách dừng tay để thấy chủ nhân tay còn vịn nắm cửa. Ngọn đèn trứng vịt lù mù phía sau lưng nên khách chỉ thấy một bóng đen cao, gầy. Chủ nhân bước lui như có ý mời khách vào. Chủ nhân chỉ chiếc ghế mây kê gần cửa sổ rồi bước lui thêm mấy bước, ngồi ké bên mép một tấm ngựa gỗ chỉ rộng vừa đủ cho một người nằm. Một bàn thờ kê ở vách nhà cuối phòng có cây đèn trứng vịt. Hai cây đèn cầy chưa đốt gắn trên hai cái chén chung úp ngược. Sát vách, trên bàn thờ, khách thấy hai khuôn ảnh của vợ chồng người trung niên quen thuộc từ hơn ba mươi năm trước và một khuôn ảnh của một thanh niên mà khách không biết là ai, đầu đội nón cối, cầu vai  áo có gắn quân hàm. Chủ khách vẫn chưa ai mở lời. Tiếng muỗi vo ve nghe thật rõ như mỗi người đang nghe rõ tiếng đập thìn thịch của trái tim trong lồng ngực mình. Ngọn đèn trứng vịt lù mù vẫn ở phía sau chủ nhà nên tới giờ này khách cũng chỉ thấy nhờ nhờ gương mặt người đối diện. Không thể im lặng được lâu, khách phải lên tiếng.


-Đêm ở đây xuống mau quá. Không ngờ.

-Và chắc trời lạnh hơn dưới đồng bằng?

-Không. Mát và dễ chịu hơn nhiều. Thật nhiều.


Con thạch sùng chạy vòng vòng trên vách. Một con khác chạy phía sau, chắc không bao giờ bắt kịp. Khách nghe có tiếng thở dài. Không biết là của ai.


-Ở đây quả là vùng Thất Sơn mầu nhiệm, cảnh đẹp như tranh. An bình, thanh tịnh. Thật đúng là chỗ cho người đi tu.

-Và cho kẻ trốn đời. Tiếng thầm thì buông ra như nói với chính mình.

-Kẻ trốn đời?

-Phải. Kẻ trốn đời. Vẫn những lời thì thầm.

-Đời là vậy, từ ngàn xưa. Thế sự nhược đại mộng. Cồn dâu, bể thẵm. Ai hơi đâu mà trốn.

-Chắc cũng có người.


Khách nghe những tiếng ho thật khẽ, như bị nén chặc trong lồng ngực người đối diện. Ngọn đèn lù mù phía sau lưng chủ nhà in cái bóng lung linh, gãy khúc trên vách lá. Khách cũng nghĩ tới cái bóng của mình in trên một tấm vách khác, tấm vách ván phía sau lưng mình. Hai cái bóng cùng lung linh, cùng gãy khúc, nhưng không chập vào nhau như hai cái bóng trong vuông vườn cũ ngày xưa. Vuông vườn cách nay mới có mấy mươi năm mà đã là vuông vườn cổ tích.


-Xin được vào bếp nấu ấm trà đãi khách phương xa. Không ngờ hôm nay trời trở gíó.

-Không dám làm phiền. Trời trở gió. Không ngờ.


Gia chủ vẫn giữ thế bộ bước lùi. Khách tự hỏi: Không biết mái tóc dài còn ở phía sau lưng?


Không ngờ. Phải. Không ngờ. Ba mươi năm biệt tăm, mất dấu, bây giờ gặp nhau. Thật không ngờ. Nhưng sao quá ngỡ ngàng?  Cái riêng của mỗi người từ ba mươi năm qua bây giờ nỡ nhẫn tâm tụ hội về đây để xây lũy, đắp thành cản lối chim xưa? Chao ôi binh lửa, ôi binh lửa, ai dẹp giùm ta trận giặc này. Có phải dòng thơ ấy Trần Huyền Trân dành cho định mệnh hôm nay? Xin đất trời xóa sạch những thương ghét, lụy phiền, ân oán của ba chục năm qua mà trở lại thời hồng hoang nguyên khởi để tái tạo những chuyện thần kỳ. Trong đó có chuyện người lãng tử say hương bồ kết rồi ngủ vùi trong một suối tóc mây. Hay xin sơn thần thổ địa nổi cơn gió lớn đưa nguyên trái núi Trà Sư này về làng Bích Câu buổi trước, để Tú Quyên được một khắc tương phùng với Giáng Kiều, người tố nữ trong tranh.


Chuyện hội ngộ ở làng Bích Câu cũng chỉ là chuyện cổ tích từ muôn đời. Chuyện hợp tan. Cũng vẫn là chuyện buồn.


Cánh cửa cái vẫn còn mở. Khách đội nón, bước ra. Gió núi bây giờ thật là lạnh.


Trần Bang Thạch