Trang Chính    Hình Ảnh    Bút Ký    Truyện Ngắn    Truyện Thật Ngắn    TG & Tác Phẩm    Thơ    Di Tích Lịch Sử và Danh Nhân    Đời Sống: Phong Tục & Khoa Học    Sân Khấu/Nghệ Thuật    Hộp Thư    Nhắn Tin    Tin Tức Thân Hữu    Tin Vui    Phân Ưu    SK và Gia Đình    Lá Lành Đùm Lá Rách    Vui Cười    Ẩm Thực/Gia Chánh    Trang Xuân    Cùng Tác Giả   


VẪN CÒN BÊN NHAU

Trần Bang Thạch


    Khó khăn lắm bà Phan mới gượng ngồi dậy được. Đôi mắt của bà hôm nay trông thấy có vẻ rõ ràng, không xốn xang hay nhập nhoạng như thường bữa. Chứng khó thở vì bịnh đau khớp đã vật ngã bà Phan suốt mùa đông vừa qua. Chầm chậm mở cửa đi ra sân trước với cây nạng thế cho cái chân đã cụt, bà Phan  thấy ánh nắng thật chan hòa. Mùa đông đã hết. Mùa xuân đang ngự trị đất trời. Cỏ trên sân chưa hoàn toàn trải thảm một màu xanh nhưng những nhúm cỏ mềm mại sáng lên trong nắng. Cây cảnh trên sân đã lấm tấm những nụ xanh. Bà Phan ngồi trước sân nhà mình mà có cảm tưởng như đang ở trước một cảnh trí vừa quen vừa lạ. Như người đã đi xa thật lâu nay trở về nhìn cảnh cũ đã có nhiều thay đổi.  Cái sân cỏ với cây mimosa tàng lá tỏa rộng như một cánh dù đã ở trong mắt bà từ hơn mười năm nay, vậy mà hôm nay nhìn vẫn thấy có chút gì thật mới. Con chim cu đậu trên cành cây cũng nhìn bà như cố nhận diện người đang đứng trong sân. Có lẽ hơn ba tháng với chăn mền chiếu gối trong căn phòng ngủ đã làm bà Phan lạ cảnh lạ người. Thêm chứng thường xuyên cay mắt khiến bà Phan lúc nào cũng muốn nhắm mắt, nằm yên trong phòng. Mới hơn năm mươi mà bà Phan như người thất thập. Hàng ngày, từ vài năm nay, nghe cái đài địa phương lập đi lập lại mẫu quảng cáo cho nhà quàn: Anh hai à, mình cũng trên bảy mươi rồi, anh có cách nào mà khi chết ta không làm khổ con cháu không anh? Nghe riết rồi đâm lo, rồi nghĩ tới mình. Những người thất thập cổ lai hi mà lo hậu sự là phải, còn bà còn lâu mới phủi chưn leo tới chỗ đó, vậy mà vẫn lo. Không lo chết mà lo ông chồng còn ở lại. Không có bà bên cạnh, một thân một mình trong căn nhà trống chồng bà chắc buồn lắm. Bịnh hoạn hình như mượn thân thể bà để mà hẹn mà hò, rồi làm tình làm tội bà cho bỏ ghét. Chúng kéo đến mà không cần biết cái cơ thể nhỏ như hạt mít của bà có chứa chấp chúng hết một lượt không. Cơ thể bà Phan là một mãnh đất đang bị thặng dư dân số cấp bốn; ô nhiễm cũng cấp bốn. Có một lần ông Phan nói giỡn mà khiến bà buồn tủi suốt tháng. Ông nói: “Giới y khoa mà gặp được cái cơ thể của bà thì tha hồ mà làm thí nghiệm lâm sàng; các đại dược liệu công ty tha hồ mà thí nghiệm các loại thuốc mới, họ không cần phải mời gọi nhiều người làm chi cho tốn bạc, một mình bà là đã quá đủ cho nhiều cuộc thí nghiệm rồi”. Nói xong ông còn cười ha ha giống như cái tiếng Eureka! Eureka! xưa kia ngài Archimede thốt lên khi tìm ra chân lý. Kể ra thì ông chồng cũng có phần đúng. Bà Phan có cảm tưởng bịnh hoạn bu lấy bà như cá thèm mồi. Anh tiểu đường mới là đường đột và nhẫn tâm nhứt: năm ngoái làm bà mất ống chân trái còn chưa hả, anh còn muốn bà mù mắt nữa hay sao mà cứ khiến mắt bà như kéo mây, nhiều lúc cay sè như xác ớt. Chị thấp khớp thì nhân đức hơn, chị hành hạ bà theo mùa, hết mấy tháng lạnh rồi thôi, đi ngao du sơn thủy, hẹn bà năm tới. Mùa đông nào cũng vậy, khi ông Phan cặm cụi đốt lò sưởi thì chị thấp khớp đã đứng trên sống lưng bà Phan, rồi chị du giang nam, tà tà tuột dần xuống đùi, xuống chưn; có năm chị du giang bắc, trực chỉ lên vai lên cổ bà Phan; những khi nhiệt độ xuống thấp thì chị bám bà Phan như đĩa đói, bám khắp nơi, không chừa một sợi lông chưn. Mới mùa đông rồi, chị thấp khớp còn dỡ chứng bò lan trên đôi vai ông Phan để tỏ tình thân thiện với chàng yếu tim mà ông Phan đã có từ thời thanh niên, khiến ông phải nghỉ sở nguyên một tuần. Chứng tim mạch nầy đã vật ông Phan ngã mấy lần rồi, lúc thì ở sở làm, khi thì tại nhà. May mà cái số mạng của ông còn lớn. Còn thằng suyễn thì như đứa trẻ con ham vòi vĩnh, lúc vui thì chơi với bà  Phan tận lực khiến bà nhiều lúc phát ngộp thở, nghẹn hơi; khi buồn thì đi đâu mất; dù vậy bà Phan vẫn phải chuẫn bị sẵn đồ chơi cho thằng bé, như cái bình dưỡng khí với hai ống ny-lông lòng thòng kéo dài từ hai hốc mũi của bà dẫn ra nhà trước rồi lùi bước ra nhà sau để cùng nhau ơ-biu cái thân bịnh hoạn. Khi bà Phan với 2 ống ny-lông trên mũi chập choạng bước đi trong cái áo ngủ bằng voan mỏng rộng thùng thình bà giống như một đạo cô với hai sợi nước cam lồ rãi xuống trần gian cho người dưới thế. Thằng suyễn trở lại nhà bà bất tử mà không có mấy món này thì nó làm trời làm đất với bà dữ lắm. Nhiều lần nó bắt bà phải lên xe cứu thương đi bịnh viện chơi với nó, coi như thay đổi không khí! Bịnh hoạn lu bù như vậy thì bảo sao bà không già trước tuổi. Người ta mà có gọi bà là bà thì không oan chút nào. Nhìn cái thân xác còi cọc, tóc tai xác xơ chỗ đen chỗ trắng, từ trán đến chân thì nhăn nhúm đến từng phân vuông da thịt mà gọi là cô hay chị mới là kỳ. Cả cái ông Phan cũng vậy, cũng bà bà, tui tui. Hai cái tiếng anh, em ngọt sớt không biết cả hai để rớt mất từ hồi nào, bây giờ nếu lượm lại được mà gắn nó lên môi lên lưỡi thì chắc không dễ gì mà nó dính.

    Cũng không sao. Vợ chồng thương yêu nhau thì sá gì mấy cái lẻ tẻ đầu môi chót lưỡi đó. Nói vậy chớ có vài lần vợ chồng âu yếm mà ông chồng bất chợt để thoát ra miệng cái tiếng em ngọt như đường phèn thì nghe cũng khoái cái lổ tai lắm chớ. Bà Phan chợt mỉm cười khi nghĩ tới giá lúc đó mà ông thốt lên tiếng bà theo thói quen thì chắc là cả hai dỡ khóc dỡ cười, hư bột hư đường hết ráo. Con chim cu đang đậu trên cành mimosa bỗng cất lên tiếng cúc cù như thấu hiểu cái mỉm cười ý nhị của bà Phan. Hót vài tiếng rồi nó bay đi. Nghe tiếng chim, bà Phan bỗng nhớ tiếng nói của thằng cháu nội. Hai năm trước lúc thằng cháu mới học nói, nó nói như chim. Bây giờ chắc nó đã vào nhà trẻ rồi. Hai năm rồi bà không gặp nó, cả tiếng nói của nó bà cũng không được nghe qua đường dây điện thoại. Từ ngày thằng con trai duy nhứt của bà ly dị với cô vợ người Mê-hí-cồ thì nó cũng bỏ cha mẹ mà đi xa. Cô con dâu thì cũng đi đâu mất với đứa cháu nội của bà. Tất cả đều bặt vô âm tín. Nghĩ cũng buồn. Hai vợ chồng già mà có chết trong căn nhà đìu hiu này chắc cũng chẳng ai hay. Thì cái ông Ron hàng xóm đó: hàng ngày ông cùng vợ tưới tiêu cây cảnh trước nhà; hàng tuần, tuy đã hơn bảy mươi mà ông Ron cắt xén cỏ như tay làm vườn nhà nghề. Mới tuần rồi ông Phan thấy bà Ron đứng trước sân một mình, hỏi ra mới biết ông hàng xóm tốt bụng đã mất hơn ba tháng rồi! Hai nhà chỉ cách nhau một sải tay thôi. Còn thằng con bà chẳng biết ở đầu đông hay cuối tây, cách bà không biết mấy triệu sải tay thì coi như ... huề. Cũng không sao, miễn còn vợ chồng già bên nhau là được. Bà Phan mang cái ý nghĩ đó bước vào nhà. Lâu lắm mới thấy khỏe trong người, bà Phan muốn làm bữa cơm trưa thật thịnh soạn để cùng ngồi ăn với chồng khi ông Phan đi làm về lúc giữa trưa hôm nay. Mọi khi thì việc đi, về của ông Phan thất thường lắm cho nên ăn uống cũng thất thường, vợ chồng ít khi nào được ngồi chung bàn, chung mâm tuy rằng chung giừơng chung gối. Từ ngày bị cho nghỉ việc ở cái hãng làm ống nước mà ông có gần 10 năm thâm niên, ông Phan đi làm cà lơ phất phơ ở các cơ sở thương mại của người Việt Nam trong vùng, khi thì tiệm giặt, lúc thì tiệm bách hóa, giờ giấc rất ư là bất định; có khi làm cả đêm, lái xe về nhà mà như người mộng du, bước vào nhà mới biết rằng mình không đi lạc và còn được cái mạng cùi để sáng mai đi cày tiếp; có khi làm mấy giờ đồng hồ rồi về, khỏe re như thầy chú. Làm đủ ca: Sáng, trưa, chiều, tối... lu bù. Sức khỏe chắc vì vậy mà xuống cấp. Không đủ tiền dự trữ để nghỉ ở nhà, chẳng còn trẻ để tìm một công việc tốt, cũng chưa đủ tuổi để nghỉ hưu, nên ông Phan vẫn phải làm thân trâu già tiếp tục kéo cày thêm vài năm nữa. Hay kéo cày cho đến lúc ngã quị thì thôi. Tuổi ông Phan cầm tinh con ngựa trời bay bổng thênh thang. Tuổi nhâm ngọ mà nay sang đây biến thành tuổi con trâu nước, vất vả ngược xuôi trên xa lộ Hoa kỳ như mọi người. Trâu nước mà mắc cạn thì chỉ có nước chết khát, chết khô, chết khổ.


    Hôm đó ông Phan về nhà đúng giờ như dự kiến của bà Phan. Nhờ vậy mà bà đã chuẫn bị gần như xong xuôi mọi thứ: trước hết là mâm cơm canh chua, cá kho tộ còn nóng hôi hổi với dĩa dưa món mà ông Phan rất thích; thứ đến là bản thân bà tươm tất hơn mọi ngày: sau khi tắm rữa kỹ càng, nước nóng nước lạnh với xà bông Dove hẳn hoi, bà Phan chải lại cái đầu, đánh rối mái tóc lưa thưa một tí cho nó hơi phùng phùng, thoa một lớp kem Lancome nhẹ lên gương mặt có quá nhiều nếp nhăn, thêm một chút má hồng, một chút viền mắt; xịt vài giọt dầu thơm Chanel 5 lên gáy, mặc bộ đồ ngủ bằng vải sa-tanh màu tím than mua tại JC Penny từ nhiều năm trước. Lâu quá mới ăn diện, nhìn vào gương sao thấy hơi kỳ kỳ, tưởng như nhìn một người lạ. Bà Phan chọn sẵn màu son môi, đợi khi ông Phan gần về bà mới thoa lên, cho môi còn tươi, còn mộng.

    Đi làm từ 10 giờ tối hôm qua, bây giờ là giữa trưa, 14 tiếng tại tiệm bách hóa ở khu bến tàu, gặp tối thứ bảy đông khách khiến ông Phan nhừ tử, tay chưn rã rời, ráng lết cái xe về tới nhà được cũng là nhờ phước đức của ông bà để lại. Xe ông Phan mới vào sân thì bà Phan đã đứng sẵn ở trước cửa nhà xe chờ ông. Nhìn cái nhoẽn miệng cười thật tươi của vợ, một điều rất hiếm, ông Phan vô cùng ngạc nhiên thấy vợ mình hôm nay thật đẹp, ông phải dấu ngay cái bộ mặt mệt ngất ngư của mình mà đáp lại bằng cái cười cũng rất tươi. Vừa sánh vai với vợ đi vào nhà, ông Phan vừa nghĩ tới cảnh tượng này đã bao lâu rồi vắng bóng.

    Trong lúc ông Phan tắm rữa thì bà Phan đã bày biện sẵn thức ăn trên bàn. Bà không quên rót sẵn hai chung rượu chát đỏ. Tiếc là cụng ly giữa trưa nên không thể thắp lên ngọn bạch lạp, cho nó tình.

    Không nói thì ai cũng biết, bữa cơm đó hai vợ chồng ông bà Phan ăn thật ngon, nói cười vui vẻ, hạnh phúc tràn trề. Nhưng có một điều mà không ai biết là ông Phan đã cảm thấy cái ngực nó nhói đau từ lúc bắt đầu lái xe về nhà. Thấy vợ quá vui, ông Phan làm sao mà không vui cho được; ít khi nào vợ ông có được những lúc vui như vậy. Hơn nữa cái ngực này nó dỡ chứng với ông nhiều lần lắm rồi. Không có bảo hiểm sức khỏe, ông Phan xài cái thẻ gọi là thẻ vàng để đi khám bịnh tại bịnh viện nhà nước, nhiều khi chờ đợi quá lâu con bịnh cũng buồn mà dông mất. Lần này ông tự nhủ là không có sao, cơn đau rồi cũng sẽ qua như mấy lần trước. Vui với vợ lúc nào là quí lúc ấy.

    Như thường lệ, một lúc sau khi ăn cơm, ông Phan vào giừơng nằm nghỉ.


@@@


    Anh yêu quí.

    Anh cứ ngủ thật ngon, thật đầy giấc. Em biết anh sẽ không bao giờ thức dậy. Cả đời có khi nào anh được ngon giấc đâu. Em cũng muốn cái thân thể bịnh hoạn triền miên của em có giấc ngủ muôn đời như vậy mà vẫn chưa được.Từ nay anh sẽ không cần nhắc em phải uống thuốc này, thuốc nọ, không cần phải rầy em khi em quên nghỉ ngơi. Anh không cần thỉnh thoảng dìu em ra công viên vừa hứng nắng, vừa nhìn lũ trẻ chơi đùa cho đỡ nhớ thằng cháu nội. Em sẽ không còn có anh để làm tình làm tội những khi em bị cơn bịnh hoành hành. Anh sẽ không còn giữa đêm hộc tốc thức dậy cơm áo đi làm cho dù ngoài trời có sấm chớp, mưa giăng, giông to, gió lớn. Anh, làm sao em quên được những khi từ chỗ làm anh gọi về nhà mà không nghe tiếng em trả lời, anh lái xe như giông về nhà để coi em có mệnh hệ nào không. Về nhà thấy em còn hơi thở anh mừng hơn bắt được vàng, anh ôm em thật chặt tưởng như anh vừa tìm gặp em đang lang thang chốn non bồng nước nhược nào đó. Lúc ấy em thấy lóng lánh trong những giọt lệ của anh là nỗi vui to lớn vô cùng. Hơn hai mươi năm làm vợ, em đã làm khổ anh gần hết hai chục năm. Anh sẽ không còn phải khổ vì em nữa, anh yêu quí. Anh, từ nay sẽ không có bất cứ một cơn đau tim nào làm anh dỡ sống dỡ chết. Anh yêu, anh cứ nằm ngủ yên ở đây. Ngủ yên trên chiếc giường của vợ chồng mình, nhé anh. Em biết chỉ có ở đây mình mới gần nhau. Chỉ có ở đây em mới được ngắm nhìn anh mỗi giây, mỗi phút, mỗi giờ, nhìn gương mặt không một chút âu lo nào. Không ai có thể mang anh đi khỏi nhà này. Em cũng biết rằng chỉ đôi ngày nữa thôi, thiếu sự ân cần chăm sóc từng ly, từng tí của anh, thiếu bàn tay anh, cái thân cây ruỗng ruột này sẽ thiếu nước, thiếu phân, nó sẽ héo tàn. Chừng đó mình sẽ nằm bên nhau suốt đời, nhe anh.


@@@


    Được báo cáo có mùi xú uế thoát ra từ căn nhà có cây mimosa trước sân, cảnh sát và lính cứu hỏa phải tông cửa mới vào được trong nhà. Căn nhà được để máy lạnh tối đa, các cửa đều khóa chặt, mấy chục lon lysol nằm khắp nơi trong nhà, tất cả đều đã được xài hết. Trước sau không một bóng người. Chỉ có hai cái xác đắp mền nằm sóng đôi trên giừơng, các ngón tay co quắp của người đàn ông nằm trong tay người đàn bà. Họ nằm như đang ngủ.


    Thằng con trai từ xa tình cờ đọc tờ nhựt báo cũ, bán tín bán nghi, nó tức tốc về nhà thì căn nhà đã bị niêm phong.


Trần Bang Thạch